RSS Feed for Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là điều kiện cần thiết để phát triển điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 03:28
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là điều kiện cần thiết để phát triển điện hạt nhân

 - Để triển khai chương trình điện hạt nhân, cùng với việc thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cần phải quan tâm xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết, trong đó có năng lực khoa học công nghệ, khuôn khổ pháp lý và đào tạo cán bộ.

 


 

Trong những năm qua, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VAEC) đã quan tâm xây dựng và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của mình trong lĩnh vực công nghệ lò phản ứng; các thiết bị đảo hạt nhân; nhiên liệu hạt nhân; xử lý tài nguyên quặng uran; vật liệu hạt nhân; xử lý chất thải phóng xạ và quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng nhằm tư vấn cho Chính phủ trong đánh giá, lựa chọn công nghệ, tiếp thu và làm công nghệ của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Năm 2011, VAEC đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban KHCN&MT Quốc hội nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá, lựa chọn công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam. Đội ngũ cán bộ công nghệ lò phản ứng có sự trưởng thành vượt bậc.

VAEC đã hoàn toàn làm chủ việc thiết kế, lắp đặt và khởi động thành công lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt bằng nhiên liệu độ giàu thấp, trong khi trước đây phần việc này hoàn toàn do chuyên gia nước ngoài đảm nhận. Đây cũng là 1 trong 10 kết quả khoa học công nghệ nổi bật năm 2011 của Việt Nam. Vì vậy có thể hy vọng sự tham gia hiệu quả của đội ngũ cán bộ KH&CN của VAEC vào công tác thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Để tăng cường hơn nữa năng lực của đội ngũ cán bộ về công nghệ điện hạt nhân, VAEC đang cùng với đối tác Liên bang Nga triển khai dự án xây dựng Trung tâm KH&CNHN đã được Chính phủ hai nước ký kết Hiệp định ngày 21/11/2011.

Trong nhiều năm qua, VAEC đã xây dựng năng lực hỗ trợ kỹ thuật về bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường, đánh giá tác động môi trường phóng xạ, ứng phó sự cố, phát triển hệ thống chuẩn đo lường bức xạ và kỹ thuật kiểm tra chất lượng công trình và thiết bị của nhà máy điện hạt nhân.

Trong năm 2011, hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường của VAEC đã kịp thời cung cấp thông tin về ảnh hưởng của tai nạn Fukishima đến Việt Nam, đồng thời tham gia kiểm tra nhiễm bẩn phóng xạ của hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các phòng thí nghiệm phóng xạ môi trường của VAEC đã trở thành địa chỉ tin cậy của các cơ quan quản lý và người dân khi có vấn đề liên quan đến phóng xạ cần kiểm tra. Hàng nghìn nhân viên làm việc trong các cơ sở bức xạ trong cả nước đã được VAEC thực hiện kiểm soát liều chiếu xạ để bảo đảm an toàn cho họ. Trên cơ sở quy hoạch của Thủ tướng, VAEC đã cùng với các đối tác nước ngoài xây dựng Dự án đầu tư mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc tế trong năm 2011.

Chính vì vậy, khuôn khổ pháp lý trong nước và quốc tế là điều kiện cần thiết để phát triển điện hạt nhân. Để phục vụ cấp phép và thanh kiểm tra trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân từ phê duyệt địa điểm, thiết kế, dự án đầu tư, cấp phép xây dựng và cấp phép vận hành nhà máy điện hạt nhân, Bộ KH&CN đã chỉ đạo các cơ quan của mình chuẩn bị các văn bản pháp quy có liên quan.

Trong năm 2011, các văn bản pháp quy trong nước được chuẩn bị chủ yếu phục vụ cho việc phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế quan trọng trong lĩnh vực an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân, tạo được lòng tin của cộng đồng quốc tế.

Bộ KH&CN đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt từ độ giàu cao xuống độ giàu thấp, cũng như nghiên cứu đề xuất với Chính phủ tham gia Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phê chuẩn Nghị định thư bổ sung. Các hoạt động này đã được IAEA, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đào tạo nhân lực cũng là nội dung quan trọng hàng đầu cho việc triển khai dự án điện hạt nhân, VAEC là một trong sáu cơ sở đào tạo hạt nhân trong cả nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn chuyên gia IAEA thì ở Việt Nam hiện nay chỉ có VAEC mới có khả năng và điều kiện để tổ chức đào tạo cán bộ cho chương trình điện hạt nhân vì có đội ngũ cán bộ, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, đặc biệt là lò phản ứng hạt nhân để nghiên cứu.

Năm 2011, VAEC đào tạo 40 nghiên cứu sinh và tổ chức một số khoá đào tạo công nghệ điện hạt nhân kết hợp với các đối tác nước ngoài cho cán bộ của các cơ quan có liên quan như chủ đầu tư (EVN), các công ty xây lắp, các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ về công nghệ hạt nhân, theo phân công của Ban chỉ đạo về đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, VAEC đang chuẩn bị các chương trình và tài liệu đào tạo về kỹ thuật hạt nhân cho các cán bộ kỹ thuật tham gia xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân.

Trong thời gian qua, mặc dù còn có nhiều khó khăn thách thức, VAEC đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu và xây dựng tiềm lực. Các hoạt động đã góp phần xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng cho phát triển điện hạt nhân và phục vụ hiệu quả cho triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Để tạo điều kiện thực hiện thành công Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020 và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, VAEC có một số kiến nghị với các cấp xem xét phê duyệt và thực hiện:

Kế hoạch tổng thể triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân.

Đề án tăng cường năng lực nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh.

Triển khai tích cực Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/8/2010 để nhanh chóng có được đội ngũ cán bộ cho ngành năng lượng nguyên tử.

Chính sách thu hút cán bộ làm việc trong ngành năng lượng nguyên tử và các chế độ chính sách ưu đãi đối với chuyên gia trình độ cao.

Chủ trương xây dựng Trung tâm KH&CNHN tạo tiền đề để VAEC tiếp tục thực hiện đề án xây dựng và phát triển, trở thành một trung tâm nghiên cứu triển khai đạt trình độ tiên tiến.


 

PGS.TS. Vương Hữu Tấn
Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam

 


 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động