RSS Feed for Giải pháp nào về vốn đầu tư các công trình trọng điểm? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 21:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải pháp nào về vốn đầu tư các công trình trọng điểm?

 - Cùng với hệ thống các công trình giao thông thì hệ thống truyền tải điện quốc gia hiện nay có thể được xem như hệ thống các mạch máu để nuôi sống, vận hành các hoạt động của nền kinh tế đất nước, cũng như các hoạt động của xã hội. Ra đời hơn 50 năm, lưới điện truyền tải đã lớn mạnh, rộng khắp trong cả nước với hàng vạn km đường dây và hàng trăm trạm biến áp... Tuy nhiên, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục trong giai đoạn 2012 - 2016 thì cần phải có một sự đầu tư nghiêm túc và đồng bộ. Nhưng do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thu xếp vốn đầu tư các công trình điện lại không hề đơn giản…

 

Phụ tải tăng 14,1%/năm và các giải pháp

Theo đánh giá quá trình thực hiện Qui hoạch điện từ nay đến năm 2015, có xét đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, mỗi năm hệ thống phụ tải sẽ tăng trưởng 14,1 %. Đây là mức tăng trưởng được tính toán chi tiết, với mức tăng trưởng này thì đã là một sức ép khá lớn đối với hệ thống truyền tải điện Quốc gia.

Để đảm bảo nhiệm vụ chiến lược trong việc truyền tải điện, trong những năm sắp tới, từ nay đến 2016, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) sẽ đầu tư và đưa vào vận hành 337 công trình. Trong đó, tổng dung lượng các trạm biến áp là 53.900 MVA và 7.882 km đường dây từ 220 - 500 kV, với tổng kinh phí đầu tư trên 92.000 tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế và thực hiện Nghị quyết số 11 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Trước mắt NPT sẽ tập trung cân đối bằng các giải pháp huy động vốn để đảm bảo đầu tư có hiệu quả lưới điện truyền tải, đặc biệt là các công trình trọng điểm để đưa vào vận hành năm 2012.

Để thực hiện các dự án mang tính cấp thiết như trên NPT đã thực hiện nhiều biện pháp để huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau như: Vốn vay Ngân hàng Thế giới; khoản vay chương trình “Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành Điện giai đoạn 1-DPL1”; khoản vay dự án “Thủy điện Trung Sơn”; Vay vốn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica); Vốn vay Citibank dưới hình thức Nexi Untied; Hoàn tất thủ tục bổ sung 5 tiểu dự án vào khoản vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...

Tuy nhiên việc thu xếp vốn cho các dự án trọng điểm vẫn còn nhiều căng thẳng và rất khó khăn, đặc biệt là một số dự án trọng điểm cấp bách đến nay vẫn chưa thu xếp đủ vốn để khởi công, hoàn thành dự án đúng kế hoạch.

 

 

Bài toán vốn cho các dự án trọng điểm

Trước những khó khăn vướng mắc trong việc thu xếp nguồn vốn cho đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện, đặc biệt là cho các công trình trọng điểm nhằm đảm bảo vận hành cung cấp điện an toàn để đáp ứng yêu cầu của phụ tải từ nay đến năm 2016.

NPT đã xây dựng kế hoạch đầu tư và cân đối tài chính trình EVN nhằm đáp ứng đủ yêu cầu về nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Theo đó, từ nay đến năm 2016 NPT dự kiến đóng điện 282 công trình lưới điện truyền tải, trong đó có: 24 công trình trạm 500 kV với tổng năng lực thiết kế là 20.850 MVA; 28 công trình đường dây 500 kV với tổng năng lực thiết kế 1.962 km; 128 công trình trạm 220 kV với tổng năng lực thiết kế 29.375 MVA và 102 công trình đường dây 220 kV với tổng năng lực thiết kế 4.479 km.

 Với kế hoạch này, từ nay đến năm 2016 NPT cần một lượng vốn hơn 92.000 tỷ đồng cho đầu tư thuần, trong đó đến nay mới thu xếp được khoảng 29.000 tỷ đồng bao gồm 13.000 tỷ đồng cho các dự án đã ký được HĐTD, 16.000 tỷ đồng vốn khấu hao cơ bản với điều kiện NPT được đánh giá lại tài sản với giá trị tăng thêm 15.000 tỷ đồng và giá truyền tải của NPT được tăng theo đúng lộ trình. Để giải bài toán vốn, NPT đã đề xuất các phương án huy động vốn và cân đối vốn đó là:

- Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt kết quả đàm phán của khoản vay phân kỳ MFF và phân kỳ 1, đồng thời các Bộ, Ngành tiếp tục hỗ trợ NPT hoàn tất các thủ tục pháp lý để sớm ký kết Hiệp định với ADB;

- Đề nghị Chính phủ giao cho một số ngân hàng có tiềm lực về tài chính làm đầu mối thu xếp vốn cho các dự án, đặc biệt là các dự án cấp bách thuộc nhóm A;

- Đề nghị Chính phủ, các Bộ xem xét khi sắp xếp nguồn vốn được tài trợ từ các nguồn của ODA, các nhà tài trợ đa phương khác như WB, ADB, JBIC, và nguồn từ các chính phủ để đầu tư nguồn điện thì đầu tư luôn lưới truyền tải điện;

- Đề nghị EVN và Bộ Công Thương cho phép NPT tăng giá truyền tải để đảm bảo NPT hoạt động có lãi và đủ vốn đối ứng cho hoạt động đầu tư;

- Đề nghị EVN và Bộ Tài chính cho phép NPT được tăng thêm tối thiểu 15.000 tỷ đồng từ việc đánh giá lại giá trị tài sản để tăng vốn điều lệ từ 7.200 tỷ lên trên 22.200 tỷ đồng;

- Đối với các công trình lưới điện đồng bộ giải phóng công xuất các nhà máy điện, trung tâm điện lực, NPT đưa ra hai giải pháp, thứ nhất là đầu tư theo hình thức BOT hoặc BT, chủ đầu tư các công trình nguồn điện và đảm nhận luôn việc đầu tư phần lưới điện truyền tải đồng bộ, chi phí đầu tư được tính vào giá thành bán điện hoặc chủ đầu tư các công trình nguồn điện giúp NPT thu xếp phần vốn đầu tư lưới điện truyền tải đồng bộ cùng với dự án nguồn điện;

- Phát hành trái phiếu để đầu tư xây dựng các dự án lưới điện, trước mắt trong năm 2012 dự kiến phát hành với giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng;

- Đàm phán các dự án, gói thầu theo hình thức nhà thầu thu xếp vốn và NPT hoàn trả có lộ trình sau khi công trình đưa vào vận hành.

Mục tiêu của NPT từ nay đến năm 2016 và những năm tiếp theo là tiếp tục thu xếp đủ vốn, đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải theo đúng kế hoạch để tăng cường khả năng vận hành hệ thống lưới điện truyền tải an toàn, liên tục, đẩy mạnh hợp tác Quốc tế, kết nối lưới điện 220 - 500 kV với các nước trong khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước cũng như đáp ứng nhu cầu về điện của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

 

Vũ Trần Nguyễn - Phó Tổng giám đốc
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia

 

nangluong.mastercms.org/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động