Giá nhiên liệu, phí môi trường tăng: Ngành than gặp khó
07:25 | 25/05/2015
TKV cân đối lại kế hoạch sản xuất than
TKV đặt mục tiêu tăng trưởng 7% với cơ cấu hợp lý
Hà Tu đã dành khoản kinh phí không nhỏ để xử lý nước thải trước khi chảy ra môi trường. Ảnh H.Vân
- Từ ngày 1-5, thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu tăng gấp 3 lần, từ 1.000 lên 3.000 đ/lít đồng thời với giá xăng được điều chỉnh tăng. Việc đầu vào tăng, theo ông sẽ tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty?
Đầu vào tăng cao có liên quan đến cơ chế khoán của Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cho Than Hà Tu dựa trên tổng chi phí, trong đó có yếu tố đầu vào như giá xăng dầu, thuế phí…
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Quốc Phương Quyết định tăng gấp 3 lần thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu, từ 1.000 lên 3.000 đ/lít, Nhà nước đã thực hiện cách tốt nhất để bảo vệ môi trường là thu phí đối tượng gây ô nhiễm. Tuy nhiên, việc tăng một lần tới 3.000 đồng là quá dài, trong khi mức thuế môi trường 1.000 đồng/lít tính cho xăng dầu được áp dụng khá nhiều năm. Trong câu chuyện tăng thuế môi trường lần này, Nhà nước có thể đã có cân nhắc, nhưng phải rất thận trọng mới có thể đảm bảo hài hòa lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. |
Năm 2015, Tập đoàn giao chỉ tiêu cho Hà Tu là: Khai thác đạt 1.900 tấn, đất đá bốc xúc là 22.000 m3, than chế biến sâu là 150.000 tấn, doanh thu khoảng 2.400 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động đạt 6.800 nghìn đồng/người/tháng.
Hoạt động khai thác than những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, do khai thác ngày càng xuống sâu, chi phí sản xuất lớn nên giá thành cao.
Lượng đất bóc tăng lớn kéo chi phí vận chuyển tăng theo. Thực tế, riêng chi phí vận tải chiếm đến 50-55% tổng chi phí khai thác.
Hà Tu khai thác than lộ thiên nên giá thành bình quân thấp hơn khai thác hầm lò, nhưng cái khó là phải đầu tư thường xuyên cho công tác bảo vệ môi trường.
Vì vậy, một khi chi phí đầu vào tăng lên chắc chắn ảnh hưởng đến giá thành chung cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của Hà Tu và Tập đoàn.
- Như ông nói, một trong những khó khăn của khai thác lộ thiên là bảo vệ môi trường, vậy những năm qua, Hà Tu đã thực hiện công tác này như thế nào ?
Chúng tôi xác định khai thác lộ thiên có ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy muốn đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững, bên cạnh hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống CBCNV, chúng tôi phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Công ty Than Hà Tu đã dành riêng một nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường thường xuyên.
Theo kế hoạch, năm 2015 chúng tôi dành 10 tỷ đồng phục vụ cho công tác xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt, phun nước dập bụi, trồng cây trên các bãi thải…
Cạnh đó, chúng tôi đã đầu tư một trạm xử lý nước thải trước khi chảy ra môi trường và một đội xe tưới nước dập bụi đường, bảo đảm an toàn môi trường.
Ngoài các hoạt động xử lý môi trường thường xuyên nêu trên, chúng tôi cũng tham gia quỹ môi trường của Tập đoàn. Từ nguồn quỹ này, chúng tôi đầu tư những công trình lớn, ví dụ đường lên mỏ có mức đầu tư lên tới 20-30 tỷ đồng hay cải tạo và phục hồi các bãi thải…
Ngoài ra, hàng năm chúng tôi cũng nộp cho ngân sách địa phương, trong đó có một phần phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường ở địa phương. Năm 2015, dự kiến Hà Tu sẽ nộp ngân sách địa phương khoảng 21-22 tỷ đồng.
- Như vậy, tổng chi phí bảo vệ môi trường chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng chi phí sản xuất của Than Hà Tu, thưa ông ?
Như tôi đã nói, chi phí thường xuyên cho công tác môi trường của Hà Tu là 10 tỷ đồng, trong đó chúng tôi dành 3 tỷ đồng để đầu tư, vận hành trạm xử lý nước thải và dành phần còn lại để chi phí cho các hoạt động môi trường thường xuyên khác, tương đương khoảng 0,3% doanh thu của công ty.
Đầu vào tăng cao, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt về giá bán than, chắc chắn chúng tôi phải thực hiện quyết liệt hơn các biện pháp cắt giảm chi phí hoạt động ở mức cao hơn.
- Cảm ơn ông.
HẢI VÂN thực hiện