RSS Feed for EVN và 6 nhiệm vụ cấp bách | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 00:04
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVN và 6 nhiệm vụ cấp bách

 - Vấn đề di dân tái định cư Dự án thủy điện Sơn La; Tập trung phát triển ngành nghề kinh doanh chính; Tìm nguồn vốn cho các dự án điện cấp bách; Phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2015; Triển khai thị trường phát điện cạnh tranh là những vấn đề trọng tâm, cấp thiết được Chính phủ chỉ đạo, điều hành Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong tháng 7.

>> Rà soát chính sách di dân, tái định cư Thuỷ điện Sơn La
>> 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu EVN tập trung phát triển nguồn, lưới điện
>> EVN tìm phương án xử lý vốn cho các dự án điện cấp bách
>> Khắc phục ngay những hạn chế của thị trường phát điện cạnh tranh

Rà soát chính sách di dân, tái định cư Thuỷ điện Sơn La

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp rà soát Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư và các chính sách liên quan đến Dự án thuỷ điện Sơn La.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương triển khai rà soát các quy hoạch, các dự án thành phần căn cứ theo Quy hoạch tổng thể cũng như các chủ trương, chính sách liên quan để đôn đốc xử lý các vấn đề tồn tại, sớm hoàn thành cơ bản công tác tái định cư, chăm lo cho cuộc sống, việc làm của người dân tại nơi ở mới.

Trên cơ sở phân loại các vấn đề, dự án phát sinh so với Quy hoạch tổng thể, các chính sách hiện hành, các cơ quan thực hiện đẩy mạnh đầu tư, bố trí vốn hoặc đề xuất chính sách phù hợp để triển khai.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến bước đầu về Tờ trình và Dự thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về chính sách đặc thù tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện, bền vững cho các xã có điểm tái định cư và các hộ tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La.

Đây là một trong những chính sách lớn được Chính phủ quan tâm xây dựng nhằm đáp ứng mục tiêu chung là đảm bảo cuộc sống của người dân tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ.

Tập trung phát triển nguồn, lưới điện

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu EVN xác định lại ngành nghề kinh doanh chính là tập trung phát triển nguồn, lưới điện truyền tải và phân phối điện; duy trì lĩnh vực cơ khí điện và tư vấn xây dựng điện một cách hợp lý; xây dựng lộ trình đến năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn, bảo đảm an toàn vốn đối với vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính của EVN, đặc biệt các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng.

Việc thoái vốn tại các công ty cổ phần phát điện và bán hết cổ phần tại các nhà máy điện có công suất lắp đặt dưới 500MW cần cân nhắc cụ thể thời điểm bán, giá bán để có hiệu quả cao nhất, đồng thời có đề án cụ thể đối với từng trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng đồng ý thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin hạch toán phụ thuộc EVN trên cơ sở tiếp nhận lại từ Tập đoàn Viễn thông quân đội.

Tìm phương án xử lý vốn cho các dự án điện cấp bách

Trên cơ sở Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia, tình hình cung cầu và khả năng tăng trưởng phụ tải, EVN đã rà soát danh mục đầu tư các dự án nguồn và lưới điện, trong đó nhấn mạnh tới các công trình cấp bách cần ưu tiên đầu tư đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước.

Đó là các dự án nguồn điện như: Nhiệt điện Ô Môn I, Tổ máy 2 Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, 3, Cảng than Trung tâm Điện lực Duyên Hải.

Các công trình lưới điện như: đường dây 220kV Đắk Nông - Bình Long, 500kV Pleiku - Cầu Bông, đấu nối Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Vũng Áng, 220kV Vân Trì - Chèm, Trạm 220 kV Bảo Thắng - Lào Cai, Sơn Hà - Dốc Sỏi…

Để đảm bảo các dự án nguồn và lưới trong giai đoạn 2011 - 2015 theo Quy hoạch điện VII, nhu cầu đầu tư của EVN khoảng 501.500 tỷ đồng. Tính đến đầu năm 2012, Tập đoàn đã huy động được 315.200 tỷ đồng, còn lại khoảng 186.300 tỷ đồng.

Trong đó, các dự án điện cấp bách hiện nay thiếu khoảng 20.000 tỷ đồng vốn thu xếp từ các nguồn khác nhau.

EVN đã đề xuất với Chính phủ về một số cơ chế đối với các tổ chức tín dụng trong việc cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai theo tiến độ và kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển.

Trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo EVN tích cực làm việc với Ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng để triển khai thu xếp vốn đầu tư cho các dự án điện được giao trong Quy hoạch điện VII, nhất là các dự án nguồn và lưới điện cấp bách.

Trên tinh thần ưu tiên cao cho các công trình này, Chính phủ đồng ý một số cơ chế đối với ngân hàng trong việc tạo thuận lợi vay vốn đối với các dự án như: bảo lãnh vay, thẩm định dự án, vay ngoại tệ, thế chấp vay.

Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo EVN triển khai Đề án phát hành trái phiếu trong nước để huy động thêm nguồn lực cho các hạng mục cấp thiết.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2015

Quyết định số 854 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/7/2012 đã nêu rõ mục tiêu phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ đạo trong ngành Điện, đảm bảo an ninh và chất lượng cung cấp điện, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Trong kế hoạch cung ứng điện từ nay tới năm 2015, EVN phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm đạt 13%/năm.

Liên quan mật thiết với các chỉ tiêu trên là kế hoạch phát triển nguồn và hệ thống lưới truyền tải. Thủ tướng đã giao trong 4 năm tới, EVN đảm tiến độ đưa vào vận hành 42 tổ máy thuộc 20 dự án nguồn điện, với tổng công suất 11.600 MW, trong đó có các dự án nguồn điện trọng điểm như các nhà máy: thủy điện Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát; các dự án nhà máy nhiệt điện như: Hải Phòng 2, Quảng Ninh 2, Mông Dương 1, Nghi Sơn 1, Thái Bình, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3.

Giai đoạn 5 năm kế tiếp, từ 2016 - 2020, EVN chịu trách nhiệm khởi công xây dựng 14 dự án nguồn điện, tổng công suất 12.410 MW với các dự án trọng điểm như dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, các dự án nhiệt điện Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4 và thủy điện tích năng Bắc Ái.

Từ nay tới năm 2015, EVN sẽ phải bổ sung đúng tiến độ tổng công suất 11.600 MW cho hệ thống điện quốc gia. Tổng nhu cầu vốn của EVN giai đoạn 2011 - 2015 lên tới 501.470 tỷ đồng.

EVN sẽ cần khoản vốn đầu tư trong nước là 368.759 tỷ đồng, vốn góp đầu tư các dự án điện cần 2.042 tỷ đồng. Riêng khoản vốn để trả nợ gốc và lãi vay cũng lên tới 130.668 tỷ đồng.

Để lo được số vốn trên, Chính phủ chỉ đạo EVN cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế cho vay vốn ODA cũng như các ngân hàng thương mại trong nước. Ngoài ra, EVN có thể phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế cho các dự án điện giai đoạn 2011-2015.

EVN có thể tranh thủ vay vốn nước ngoài từ nguồn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu thông qua việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị hoặc nhà thầu EPC. Các nhà thầu có thể chủ động tìm kiếm nguồn vốn vay nước ngoài theo hình thức tín dụng người bán hoặc tín dụng người mua.

Ngoài ra, EVN cũng sẽ thoái vốn ở các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm đển hết năm 2015, tập trung nguồn lực cho ngành điện.

Giá bán điện sẽ từng bước được nâng lên để đảm bảo đến năm 2013, giá điện bình quân theo giá thị trường. Giai đoạn 2012 - 2015, EVN cần đảm bảo kinh doanh có lãi.

Đến năm 2015, các chỉ tiêu tài chính của EVN phải đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần, tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 30% và hệ số thanh toán nợ phải lớn hơn 1,5 lần.

Đánh giá kết quả bước đầu của thị trường phát điện cạnh tranh

Để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh sau gần 20 ngày triển khai, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan…

Báo cáo của Bộ Công Thương và EVN cho biết, thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành đúng các quy định và kế hoạch đề ra. Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện vận hành ổn định, đi vào nề nếp theo đúng thời gian biểu quy định.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng phản ánh về một số vấn đề bất cập bộc lộ khi thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành, đó là vấn đề an ninh hệ thống, việc đảm bảo yêu cầu nước cho hạ lưu các nhà máy thủy điện, điều độ về sản lượng điện của các loại nguồn khác nhau.

EVN cho biết, tổng chi phí mua điện của EVN giảm hơn so với việc thanh toán theo giá hợp đồng. Nhìn chung giá điện năng thị trường trong các ngày vừa qua phản ánh đúng cân bằng cung cầu hệ thống trong từng giờ giao dịch và biến động phù hợp với các thay đổi của biểu đồ phụ tải hệ thống.

Một số nhà máy thủy điện có chiến lược chào giá hợp lý để được huy động cao khi nước về hồ chứa đủ lớn, vừa phù hợp với điều tiết hồ chứa của nhà máy, nâng cao doanh thu cũng như lợi nhuận, đồng thời góp phần giảm giá thị trường. Các nhà vận hành cũng nâng cao được khả năng sẵn sàng và giảm bớt thời gian sửa chữa của các nhà máy điện, góp phần nâng cao khả dụng và an ninh cho hệ thống.

Đến thời điểm này có tổng cộng 73 nhà máy điện đang vận hành thương mại trong hệ thống điện quốc gia với tổng công suất đặt là 23.493 MW. Số nhà máy tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường phát điện là 29 nhà máy, với tổng công suất đặt là 9.035 MW.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao nỗ lực, những kết quả tích cực liên quan đến vận hành thị trường phát điện cạnh tranh của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan trong thời gian qua. Khẳng định ý nghĩa và mục tiêu của việc đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, bước khởi đầu quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của ngành điện lực Việt Nam.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tập trung triển khai các kế hoạch, giải pháp vận hành ổn định, cải thiện kết quả hoạt động của thị trường điện ngày càng tốt hơn.

Giao Bộ Công Thương tiếp tục rà soát hệ thống văn bản pháp lý, hệ thống quy trình, quy chế liên quan, kịp thời khắc phục các vấn đề phát sinh, đầu tư hạ tầng cần thiết. Các đơn vị vận hành đặc biệt lưu ý đến vấn đề an ninh, an toàn hệ thống, tiếp tục hoàn thiện vấn đề đào tạo quản lý, kỹ thuật, kỷ luật lao động...

Khắc phục ngay những hạn chế của thị trường phát điện cạnh tranh

Sau gần 1 tháng vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam triển khai thực hiện nhiều nội dung quan trọng tiếp theo.

Chính phủ kết luận, qua vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã thể hiện các mặt tích cực, về cơ bản thị trường đã vận hành theo đúng các quy định, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thị trường vận hành ổn định, đáp ứng được yêu cầu; thị trường điện có sự cạnh tranh giữa các nhà máy, giảm tổng chi phí mua điện. Tuy nhiên, thị trường điện cũng đã bộc lộ một số mặt hạn chế, cần có lộ trình, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo các đơn vị liên quan cần khẩn trương thực hiện tốt các nhiệm vụ để thị trường phát điện cạnh tranh hoạt động ổn định, đạt hiệu quả cao nhất:

Chỉ đạo EVN, Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) rà soát lại các cơ sở pháp lý trong quá trình điều độ, thanh toán… để đảm bảo các hoạt động thực hiện theo đúng các quy định pháp luật, cần thiết thuê tư vấn có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ.

Chỉ đạo các đơn vị có liên quan phân công người có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của thị trường; chỉ người có trách nhiệm mới được phép cung cấp thông tin và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin cung cấp.

Xem xét ban hành quy chế, xử lý các khiếu nại của các đơn vị tham gia thị trường.

Chỉ đạo EVN tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển kênh thông tin liên lạc giữa ERAV, Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia (Ao), các nhà máy điện… đảm bảo nhanh, chính xác. Quy dịnh các hình thức trao đổi thông qua thư điện tử, sử dụng chữ ký điện tử… đươc sử dụng chính thức trong quá trình điều hành thị trường, cùng với hình thức khác theo quy định.

Tiếp tục tổ chức tập huấn cho các đơn vị tham gia thị trường; bổ sung quy trình công bố thông tin về phương thức điều hành, các giao dịch trên thị trường điện lên các trang thông tin điện tử của EARV, Ao, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường phát điện cạnh tranh.

Ban hành cơ chế can thiệp của đơn vị vận hành hệ thống và vận hành thị trường điện vào thị trường trong các trường hợp, nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện.

Xây dựng lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện Việt Nam; mô hình tổ chức của các đơn vị tham gia thị trường điện để chuẩn bị các cơ sở pháp lý trong việc thực hiện. Trong đó, làm rõ dự kiến thời điểm cơ quan điều tiết điện lực tách ra hoạt động điện lực, thành phần và thời điểm hình thành Hội đồng điều tiết điện lực…; Rà soát lộ trình tái cơ cấu EVN để đảm bảo tính minh bạch giữa các khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện, điều hành hệ thống và thị trường điện.

Nhận diện các tình huống có thể gây rã lưới, mất an ninh cung cấp điện trong quá trình vận hành thị trường điện (sự cố mạch dây truyền tải lớn, tổ máy phát điện lớn…) tổ chức diễn tập, ứng phó khi xảy ra các tình huống nêu trên.

Chỉ đạo đầu tư phát triển lưới điện đủ mạnh, đảm bảo truyền tải hết công suất của các nhà máy điện trong mọi phương thức vận hành của hệ thống điện, không để xảy ra tình trạng quá tải lưới điện.

Tiếp tục xem xét đưa các nhà máy điện đủ điều kiện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Chỉ đạo vận hành thị trường điện, bảo đảm hài hoà lợi ích của các bên tham gia thị trường điện (nhà máy điện, đơn vị mua điện và khách hành sử dụng điện).

Đánh giá khả năng cân bằng tài chính của các nhà máy điện trong thị trường phát điện cạnh tranh; về lâu dài, thị trường điện phải thu hút được các nhà đầu tư phát triển các nhà máy nhiệt điện mới để tham gia thị trường.

NangluongVietnam

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động