RSS Feed for EVN NPC: Giải quyết kiến nghị tiền điện trong 24 giờ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 05:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVN NPC: Giải quyết kiến nghị tiền điện trong 24 giờ

 - Một tháng sau điều chỉnh giá điện và phát hành hóa đơn điện, ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Điều chỉnh giá điện được cân nhắc thận trọng

Từ ngày 16/3/2015, triển khai thực hiện giá điện mới theo Quyết định số 2256/QĐ–BCT của Bộ Công Thương, ông đánh giá như thế nào về tình hình triển khai hoạt động này của EVN NPC?

Ngay sau khi quyết định về giá điện của Bộ Công Thương và hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc triển khai thực hiện giá điện mới, EVN NPC đã phổ biến nội dung Quyết định của Bộ Công Thương, hướng dẫn của EVN, đồng thời chỉ đạo các công ty điện lực, các đơn vị có liên quan thực hiện ngay các nội dung công việc.

EVN NPC đã tập trung bố trí lực lượng CBCNV thực hiện chốt chỉ số của toàn bộ công tơ đang vận hành trên lưới trong ngày 16/03/2015 (trừ các công tơ bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt).

Khi tiếp nhận các ý kiến của khách hàng liên quan đến tiền điện, EVN NPC sẽ khẩn trương tổ chức xác minh và giải thích, giải quyết đầy đủ cho khách hàng trong vòng 24h kể từ khi tiếp nhận thông tin.

Việc chốt chỉ số của các công tơ ba giá, công tơ trạm chuyên dùng, công tơ tổng bán buôn điện phải có xác nhận của đại diện khách hàng hoặc người làm chứng (kể cả các khu vực hiện nay đang thực hiện ghi chỉ số bằng máy tính bảng, HHU).

Các công tơ đọc được chỉ số chốt từ xa phải thực hiện chốt chỉ số và nhắn tin cho khách hàng chỉ số chốt khi đổi giá, hoặc thông báo đến khách hàng theo đúng cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện. Các công tơ chính và công tơ trừ phụ phải thực hiện chốt đồng thời.

Chúng tôi niêm yết công khai biểu giá bán điện mới tại các địa điểm giao dịch khách hàng của công ty điện lực/ điện lực, trụ sở các chi nhánh của Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc và trên Website của các đơn vị.

EVN  NPC cũng chủ động tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của địa phương như: truyền hình, báo, đài truyền thanh…và Website của đơn vị về việc điều chỉnh giá điện. Yêu cầu các đơn vị tham khảo và tuyên truyền thống nhất theo các nội dung của EVN.

Ngoài ra, EVN NPC cũng tổ chức phúc tra chặt chẽ việc chốt chỉ số công tơ, đặc biệt là các khách hàng lớn, doanh nghiệp tư nhân và khu vực mới tiếp nhận, nghiêm cấm việc cố tình chốt chỉ số công tơ sai, thông đồng với khách hàng để hưởng chênh lệch giá.

Chúng tôi cũng lưu ý các đơn vị trực thuộc hướng dẫn và kiểm tra, phúc tra việc chốt, ghi chỉ số của các tổ chức dịch vụ bán lẻ điện năng trong tháng đổi giá đảm bảo chính xác, không gây thắc mắc cho các hộ sử dụng điện ở nông thôn.

Nghiên cứu kỹ quy định về giá bán điện mới tại Quyết định số 2256/QĐ-BCT ngày 12/03/2015 của Bộ Công Thương và phổ biến đầy đủ đến lãnh đạo, các CBCNV có liên quan nắm vững để thực hiện. 

Tổ chức các bộ phận tiếp nhận thông tin và bố trí nhân lực đủ trình độ, có thái độ giao tiếp văn minh, lịch sự để giải đáp kịp thời, chính xác các ý kiến thắc mắc của khách hàng sử dụng điện và của nhân dân về giá bán điện. Hướng dẫn các tổ chức dịch vụ bán lẻ điện năng tham gia giải đáp kịp thời, chính xác cho khách hàng.

Khi tiếp nhận các ý kiến của khách hàng liên quan đến tiền điện phải khẩn trương tổ chức xác minh và giải thích, giải quyết đầy đủ cho khách hàng trong vòng 24h kể từ khi tiếp nhận thông tin.

Các hóa đơn, giấy biên nhận thanh toán nếu sai, hỏng phải được sửa chữa kịp thời, đặc biệt quan tâm rà soát kỹ các hóa đơn của khách hàng có sự thay đổi trong tháng đổi giá như: treo tháo định kỳ, thay đổi số hộ dùng chung, nâng, hạ cấp TI, thay đổi biên bản tỷ lệ áp giá, thay đổi đối tượng áp giá, các khách hàng có công tơ trừ phụ, khách hàng ghép tổng trước khi phát hành hóa đơn.

Các công ty điện lực, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc trong tháng đổi giá phải tổ chức rà soát thật kỹ hóa đơn trước khi phát hành, đảm bảo không xảy ra sai sót, gây ra các phản ứng không cần thiết của khách hàng và cộng đồng.

Đối với các công ty điện lực đang triển khai hóa đơn điện tử: các công việc chuẩn bị liên quan vẫn thực hiện theo kế hoạch để đảm bảo tiến độ hoàn thành trước ngày 30/6/2015.

Tháng 3 và tháng 4/2015, các công ty triển khai hóa đơn điện tử trong các tháng này phải in cả hóa đơn và giấy biên nhận cùng với việc phát hành hóa đơn điện tử trong tháng đổi giá để đảm bảo tính chính xác của hóa đơn và chất lượng dịch vụ.

Ngoài tăng cường kiểm tra áp giá bán điện đúng mục đích, đối tượng sử dụng điện, EVN NPC ty cũng rà soát lại số hộ sử dụng điện sinh hoạt dùng chung công tơ đo đếm điện để áp giá đúng mức bậc thang không để thất thu về giá.

Nhiều khách hàng sử dụng điện sinh hoạt phản ánh về cách tính giá điện mới, ví dụ, thay vì giá điện sinh hoạt được tính theo 6 mức theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT ngày 12/3/2015 của Bộ Công Thương, thì hóa đơn của khách hàng được chia làm nhiều hơn 6 mức quy định, có thể là 8, 9, 10 hoặc hơn nữa, ông có thể giải thích về điều này?

Do số lượng khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt quá lớn, không thể chốt chỉ số công tơ vào cùng thời điểm điều chỉnh giá điện, nên tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương, quy định về thực hiện giá bán điện cho phép trong trường hợp ngày ghi chỉ số công tơ không trùng với ngày điều chỉnh giá điện thì việc tính tiền điện cho giá điện sinh hoạt sử dụng phương pháp nội suy với các thông số sau:

Lượng điện thực tế khách hàng sử dụng trong kỳ ghi chỉ số; Số ngày sử dụng điện thực tế (số ngày giữa hai kỳ ghi chỉ số, số ngày áp dụng giá cũ, số ngày áp dụng giá mới); Mức sử dụng điện của từng bậc tính theo số ngày thực tế giữa hai kỳ ghi chỉ số.

Nguyên tắc tính nội suy cho khách hàng sinh hoạt dựa trên 4 yếu tố:

Thứ nhất, sản lượng bình quân ngày của khách hàng sẽ bằng tổng điện năng tiêu thụ trong kỳ ghi chỉ số chia cho số ngày sử dụng điện thực tế.

Thứ hai, điện năng tính theo giá cũ sẽ bằng sản lượng bình quân ngày nhân với số ngày sử dụng điện theo giá cũ. Số ngày sử dụng điện theo giá cũ tính từ ngày ghi chỉ số đến ngày đổi giá điện.

Thứ ba, sản lượng điện năng tính theo giá mới bằng tổng điện năng trừ đi điện năng tính theo giá cũ.

Thứ tư, điện năng của các bậc thang sẽ được tính theo định mức trong Thông tư giá điện chia cho số ngày của tháng đổi giá rồi nhân với số ngày sử dụng điện theo giá mới, hoặc số ngày sử dụng điện theo giá cũ tương ứng. Chính vì vậy mà khách hàng thấy thể hiện nhiều bậc thang trên hóa đơn tiền điện.

Trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, một số người dân tỏ ra bức xúc vì phải nộp tiền điện tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 và nhiều hơn. Việc ra hóa đơn tháng đầu kể từ ngày áp dụng biểu giá điện mới trên địa bàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc có gặp phải những trường hợp này?

Theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT ngày12/3/2015 của Bộ Công Thương, giá bán điện bình quân tăng 7,5%, giá điện bình quân cho sinh hoạt có mức tăng từ 6,92% đến 7,84% tùy theo từng bậc thang (gồm 6 bậc) và với mức tăng như trên không gây tác động lớn đến đời sống sinh hoạt của khách hàng.

Việc phát hành hóa đơn của các công ty điện lực trên địa bàn EVN NPC khá thuận lợi, do có nhiều khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở bậc thang thấp, ít chịu ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện, công tác tuyên truyền đã được các công ty điện lực chủ động thực hiện, đồng thời đối với khách hàng có tiền điện tăng cao (không chỉ diễn ra trong tháng đối giá) đã được các công ty điện lực kịp thời xác minh rõ nguyên nhân và cùng với khách hàng giải quyết.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiền điện khách hàng tăng đột biến thường là do thời tiết nắng nóng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, sau khi được xác minh và giải thích, khách hàng đã đồng thuận.

Cảm ơn ông!

N.VĂN (Thực hiện)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động