RSS Feed for Dự án điện mặt trời sẽ được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 18:30
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự án điện mặt trời sẽ được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi

 - Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo dự thảo, các dự án điện mặt trời sẽ được ưu đãi về vốn đầu tư, thuế và đất đai.

Xây dựng đề án phát triển NLTT Việt Nam đến năm 2030

Nhiều ưu đãi

Theo dự thảo, nhà đầu tư được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời theo quy định của pháp luật hiện hành. Các dự án điện mặt trời được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư theo các quy định pháp luật hiện hành về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Dự án điện mặt trời được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện mặt trời được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.

Các dự án điện mặt trời và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Căn cứ vào quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất để chủ đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời. Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.

Phải phù hợp với quy hoạch

Dự thảo cũng quy định, việc đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời phải phù hợp với Quy hoạch phát triển điện mặt trời và quy hoạch phát triển điện lực các cấp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Việc đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan.

Việc đấu nối dự án điện mặt trời vào lưới điện quốc gia phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt. Điểm đấu nối do Bên bán điện và Bên mua điện thỏa thuận trên nguyên tắc Bên bán điện chịu trách nhiệm đầu tư đường dây tải điện tới điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia gần nhất hiện có theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh. Trường hợp điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực, chủ đầu tư cần thoả thuận điểm đấu nối với đơn vị phân phối hoặc đơn vị truyền tải điện làm cơ sở thực hiện bổ sung quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh theo quy định hiện hành. Trường hợp không thỏa thuận được điểm đấu nối, Bên bán điện có trách nhiệm trình Bộ Công Thương xem xét, quyết định.

Chủ đầu tư dự án điện mặt trời chịu trách nhiệm đầu tư, vận hành, bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp tăng áp (nếu có) từ nhà máy điện của Bên bán điện đến điểm đấu nối theo thỏa thuận đấu nối với Bên mua điện.

Tùy theo cấp điện áp đấu nối, Đơn vị phân phối điện hoặc Đơn vị truyền tải điện có trách nhiệm đầu tư đường dây tải điện từ điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia theo quy hoạch phát triển điện lực được duyệt và ký thỏa thuận đấu nối với chủ đầu tư các dự án điện mặt trời.

Sau khi hoàn thành đầu tư và nghiệm thu đưa vào vận hành thương mại, nhà máy điện mặt trời được ưu tiên khai thác toàn bộ công suất và điện năng phát phù hợp với khả năng cung cấp năng lượng mặt trời của khu vực nhà máy.

Về giá bán 

Đối với các dự án điện mặt trời, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các Dự án điện mặt trời với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.800 đồng và 3.500 đồng 11,2 cents. Giá điện này chỉ áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% và quy mô công suất không quá 100 MW.

Đối với các dự án điện mặt trời lắp trên mái nhà, các dự án điện mặt trời lắp trên mái nhà có lắp đặt hệ thống công tơ hai chiều thì sản lượng điện phát và tiêu thụ trong chu kỳ xác nhận đo đếm công tơ giữa hai bên được xác định trên nguyên tắc bù trừ năng lượng giữa lượng điện phát và tiêu thụ như sau:

Khi lượng điện phát nhiều hơn tiêu thụ thì lượng điện dư sẽ được đơn vị mua điện tại điểm giao nhận là 3150 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 15 UScents/kWh). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD ;

Khi lượng điện phát ra nhỏ hơn lượng điện tiêu thụ thì giá điện nhận từ lưới về phải trả theo giá điện bậc thang sinh hoạt mà đơn vị bán điện thực hiện.

Giá điện này áp dụng cho tất cả các dự án điện mặt trời trên mái nhà đã và đang thoả thuận với EVN để được đấu nối vào lưới điện và giá điện này cũng được áp dụng cho các dự án điện đã đấu nối vào lưới điện của EVN và có hợp đồng với EVN giá bán điện bằng không đồng.

Chấm dứt thực hiện dự án

Trong vòng 12 tháng kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Chủ đầu tư không khởi công xây dựng hạng mục chính của công trình hoặc tối đa 24 tháng kể từ ngày cam kết vận hành trong Giấy chứng nhận đầu tư mà công trình dự án điện mặt trời không được đưa vào vận hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét để thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự án cho nhà đầu tư khác thực hiện. Trừ trường hợp có lý do chính đáng và được cấp có thẩm quyền chấp nhận việc tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án....

Nội dung dự thảo thông tư tại đây.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động