RSS Feed for Don Sahong: Tăng trưởng kinh tế có song hành cùng phát triển bền vững? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 15/11/2024 04:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Don Sahong: Tăng trưởng kinh tế có song hành cùng phát triển bền vững?

 - Quốc hội Lào mới đây đã thông qua thỏa thuận nhượng quyền xây dựng dự án thủy điện 260 MW (Don Sahong), dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2015. Dự án thủy điện Don Sahong của Lào hiện đang là tâm điểm của những cuộc tranh luận gay gắt xung quanh sự phát triển của khu vực hạ nguồn sông Mekong bởi những tác động tiêu cực của dự án này đến mối quan hệ nhiều mặt: nước - lương thực - năng lượng - sinh kế.

An ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động
Lào xây TĐ Don Sahong: Hãy lắng nghe tiếng nói người dân

Quyền sử dụng nguồn nước là quyền chính đáng của Lào?

Nằm sâu trong lục địa, Lào là quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á không giáp biển. Bởi vậy, Lào không có nhiều lựa chọn để đa dạng hóa nguồn năng lượng cho đất nước mình.

Dự án thủy điện Don Sahong, vì thế, là một phần quan trọng trong tham vọng của Chính phủ Lào nhằm biến quốc gia này trở thành “cục pin của Đông Nam Á” với lợi nhuận thu về từ việc xuất khẩu điện năng sang các nước láng giềng. [1] Chính phủ Lào kỳ vọng rằng việc phát triển các dự án thủy điện sẽ đem lại nguồn thu lớn cho quốc gia, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, qua đó giúp Lào đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội bền vững. [2]

Xét về mặt pháp lý, các quốc gia ven sông có quyền chủ quyền, tức là quyền sử dụng và quản lý, đối với nguồn nước nằm trong lãnh thổ của quốc gia mình. Điều 2 khoản 1 Hiến chương về quyền và nghĩa vụ kinh tế của các quốc gia, văn bản được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1974, quy định rằng: “Mọi quốc gia có quyền chủ quyền đầy đủ và vĩnh viễn, bao gồm quyền sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng, đối với tài sản, tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động kinh tế của quốc gia đó.

Như vậy, một mặt, Lào có quyền sử dụng và quản lý dòng nước của sông Mekong chảy qua lãnh thổ nước mình cho mục đích phát triển kinh tế. Tuy nhiên, về mặt khác, Lào cũng cần tuân thủ theo những nghĩa vụ về chia sẻ nguồn nước từ các dòng sông quốc tế đã được nêu ra trong luật tập quán quốc tế, các thỏa thuận pháp lý quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững Lưu vực sông Mekong năm 1995 (Hiệp định Mekong 1995).

Liên quan đến dự án xây dựng đập thủy điện Don Sahong, ba nước láng giềng nằm ở hạ nguồn sông Mekong là Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, cũng như hàng loạt các tổ chức môi trường và các tổ chức nhân quyền quốc tế đã liên tục lên tiếng kêu gọi Chính phủ Lào dừng tiến hành dự án nhằm bảo vệ hệ sinh thái và sinh kế của hàng chục triệu dân sống tại lưu vực sông Mekong.

Thủy điện Don Sahong gây tác động xấu nghiêm trọng đến môi trường

Don Sahong nằm trong khu vực Si Phan Don, miền nam nước Lào, nơi chỉ cách biên giới Lào - Campuchia khoảng 2km. Trong tiếng Lào, Si Phan Don có nghĩa là “xử sở của 4.000 hòn đảo” và Don Sahong là một trong những hòn đảo lớn nhất tại đây.

Mặc dù dự án thủy điện Don Sahong với công suất dự kiến 260 MW, chỉ bằng một phần năm công suất của đập Xayaburi, và là dự án nhỏ nhất trong số 11 dự án thủy điện trên dòng chính hạ lưu Mekong, nhưng việc xây dựng con đập này đã gây một sự chấn động hết sức lớn, bởi vị trị đặc biệt quan trọng cả về hệ sinh thái và đa dạng sinh học của Don Sahong.

Theo các nhà khoa học, dự án thủy điện Don Sahong sẽ làm thay đổi nghiêm trọng dòng chảy của sông Mekong, phá vỡ luồng di cư của các đàn cá, kéo theo đó là sự biến mất của những cộng đồng dân cư sinh sống tại hạ lưu sông Mekong. [3]

Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đều là thành viên của Hiệp định Mekong 1995, ở đó nghĩa vụ ngăn ngừa và chấm dứt những tác động gây hại (nguyên tắc không gây hại) được quy định tại Điều 7 của Hiệp định Mekong 1995 cần phải được tôn trọng và thực thi trên thực tế.

Trong lịch sử khoa học pháp lý, nguyên tắc không gây hại bắt nguồn từ Luật La Mã và gắn liền với học thuyết “sic utere tuo ut alienum non laedas” (sử dụng những thứ của mình sao cho không gây hại đến người khác). Ngày nay, nguyên tắc không gây hại được thừa nhận như một nguyên tắc căn bản của luật quốc tế.

Trước đó, nguyên tắc này đã từng được nêu ra trong phán quyết của Tòa án công lý quốc tế (ICJ) trong vụ kiện Corfu Channel năm 1949 giữa Anh và Albania, rằng: “nghĩa vụ của mọi quốc gia là không được sử dụng có chủ đích lãnh thổ của mình để tiến hành các hành động đi ngược với quyền lợi của các quốc gia khác”. [4] Bên cạnh đó, phán quyết của ICJ trong vụ kiện Pulp Mills on the River Uruguay giữa Uruguay và Argentina năm 2010 đã khẳng định sự cần thiết của việc tiến hành các Đánh giá tác động môi trường như một nghĩa vụ theo nguyên tắc không gây hại. [5]

Liên quan đến vấn đề Đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Don Sahong, tất cả các bên còn lại (Campuchia, Thái Lan và Việt Nam) đã không thể đi đến đồng thuận với bản đánh giá được đưa ra bởi Chính phủ Lào. Theo phân tích của Tổ chức môi trường Các dòng sông quốc tế (International Rivers) [6], bản Đánh giá tác động môi trường năm 2013 về Đập Don Sahong thiếu độ chính xác và đặt ra nhiều hoài nghi về báo cáo này. Tổ chức này cũng kiến nghị rằng Chính phủ Lào và đơn vị triển khai dự án cần phải tiến hành một bản đánh giá tác động môi trường mới, trong đó nêu ra những tác động xuyên biên giới mà dự án có thể gây ra. Đây là điều kiện tiên quyết trước khi mọi quyết định về việc thực hiện dự án được đưa ra.

Tuy vậy, Lào đã bỏ qua kiến nghị này và quyết định triển khai dự án vào cuối năm nay 2015.

Thủy điện Don Sahong dưới lăng kính nhân quyền

Dự án thủy điện Don Sahong nhiều tranh cãi đang tạo ra những quan ngại giữa các quốc gia láng giềng (Campuchia, Thái Lan và Việt Nam) và các tổ chức hoạt động vì quyền con người. Công trình dự kiến được khởi công xây dựng cuối năm 2015 này sẽ là mối đe dọa đến an ninh lương thực và sinh kế của hàng chục triệu cư dân, đặc biệt những cư dân sinh sống tại khu vực vùng trũng thấp và vùng Biển Hồ của Campuchia, nơi mà sản lượng đánh bắt cá nước ngọt đạt mức cao nhất thế giới, và vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam với gần 19 triệu cư dân sinh sống.

Theo các tổ chức hoạt động vì quyền con người khu vực và quốc tế, dự án Don Sahong đang vi phạm những quyền căn bản nhất của các cư dân nơi đây, đó là quyền sống, quyền được hưởng những tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe, và quyền được tiếp cận lương thực. Tuyên ngôn toàn cầu về quyền con người của Liên hợp quốc, thước đo chung cho tất cả các quốc gia và các dân tộc, nêu rằng “mọi người đều có quyền sống”, “mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng nhất, đủ để đảm bảo sức khỏe và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở…” [7]

Cùng với đó, vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt trong trường hợp sử dụng nguồn nước từ các dòng sông quốc tế, có mối liên kết mật thiết với luật nhân quyền. Thẩm phán C.G.Weeramantry, cựu Phó chủ tịch Tòa án công lý quốc tế, từng bình luận rằng: “Việc bảo vệ môi trường như là một phần thiết yếu của học thuyết nhân quyền đương đại, là nhân tố hoàn toàn cần thiết giúp tạo ra hàng loạt các quyền của con người như quyền sống, quyền được đảm bảo về sức khỏe. Điều này dường như là hiển nhiên, bởi sự hủy hoại môi trường có thể làm suy yếu và sói mòn tất cả các quyền con người được nhắc đến trong Tuyên ngôn toàn cầu và các công ước về quyền con người khác.” [8]

Từ một góc nhìn khác, vấn đề được đặc biệt quan tâm đó là dự án thủy điện Don Sahong đang đe dọa đến cuộc sống của tộc người thiểu số Kuoy của Campuchia. Bởi một địa vị pháp lý đặc biệt theo luật quốc tế, các tộc người thiểu số được hưởng đầy đủ những quyền tự quyết và quyền quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, cũng như quyền tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến những vấn đề có ảnh hưởng đến họ hay đến lãnh thổ và nguồn tài nguyên của họ. Năm 1973, Tòa án tối cao Montreal (Canada) đã từng ra phán quyết yêu cầu chấm dứt dự án thủy điện James Bay bởi dự án này làm cản trở những hoạt động truyền thống của cộng đồng tộc người thiểu số Inuit đang sinh sống tại khu vực đó. [9]

Đối với trường hợp tại vùng hạ lưu sông Mekong, cá và dòng nước tự nhiên chảy ra từ dòng sông Mẹ chính là yếu tố thiết yếu tạo nên văn hóa, tập tục và lối sống của tộc người thiểu số Kuoy. Dự án thủy điện Don Sahong nếu được xây dựng sẽ làm mất đi những nét văn hóa ấy, thậm chí làm mất đi cả một tộc người ấy. Bởi thế, quyền của tộc người thiểu số Kuoy cần phải được tôn trọng một cách nghiêm túc từ tất cả các bên liên quan.

Thủy điện Don Sahong: tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững

Ngày 15-10-2012, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản Lào Viraphonh Viravong tới Viện Kỹ thuật Á châu, Bangkok, để xét duyệt mô hình đập Xayaburi. Tại đây, ông khẳng định: “Phát triển tiềm năng thủy điện của Lào là chuyện đương nhiên. Chỉ có vấn đề làm sao để thực hiện bền vững.” [10] Thực sự, mối quan hệ dường như mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đang là câu hỏi hóc búa cần được các quốc gia xem xét một cách nghiêm túc.

Trong vụ kiện Gabcikovo v. Nagymaros năm 1997 giữa Hungary và Slovakia liên quan đến việc xây dựng đập thủy điện trên sông Danube, Thẩm phán C.G.Weeramantry đã đưa ra ý kiến rằng: “Tòa án cần phải xem xét một cách cân bằng giữa vấn đề môi trường và vấn đề phát triển được các bên nêu ra.” [11] Cũng tương tự như vậy, trong vụ kiện Suez and Vivendi Universal S.A. v. The Argentine Republic năm 2005, Trọng tài của Trung tâm giải quyết tranh chấp quốc tế liên quan đến đầu tư (CISID) đã ra phán quyết rằng: “Argentina phải tôn trọng cả hai nghĩa vụ quốc tế, liên quan đến vấn đề quyền con người và vấn đề đầu tư, một cách như nhau.” [12]

Liên quan đến dự án đập thủy điện Don Sahong của Lào, rõ ràng việc xây dựng những con đập khổng lồ chặn dòng sông Mekong sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tác động xấu đến môi trường tự nhiên cũng như đến cuộc sống và sinh kế của người dân nơi hạ nguồn. Chính vì vậy, những người lãnh đạo của các quốc gia khu vực sông Mekong cần hợp tác chặt chẽ và nỗ lực không ngừng để tìm kiếm những giải pháp phát triển năng lượng bền vững nhằm đảm bảo tương lai của dòng sông Mekong.

ĐỖ VIỆT CƯỜNG (nghiên cứu sinh Tiến sĩ Luật quốc tế tại Viện sau Đại học Geneva về Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển (IHEID), và Đại học Geneva, Thụy Sĩ)

 

Tài liệu tham khảo:

[1] The Diplomat, Laos Officially Approves Controversial Dam Project, xem tại: http://thediplomat.com/2015/09/laos-officially-approves-controversial-dam-project/, truy cập ngày 20/10/2015.

[2] Bộ Năng lượng và Khoảng sản Lào, Vụ Kinh doanh Năng lượng, CHDCND Lào phát triển thủy điện, xem tại: http://www.poweringprogress.org/new/2-uncategorised/3-hydropower-in-lao-pdr, truy cập ngày 20/10/2015.

[3] The Diplomat, Laos Dam Risks Damaging Mekong River, Igniting Tensions With Vietnam, xem tại: http://thediplomat.com/2014/12/laos-dam-risks-damaging-mekong-river-igniting-tensions-with-vietnam/, truy cập ngày 20/10/2015.

[4] United Nations, Yearbook of the International Law Commission 1998, Volumn II, Part One, New York and Geneva 2008, Page 50.

[5] International Court of Justice, Press release, Pulp Mills on the River Uruguay (Argentina v. Uruguay), xem tại: http://www.icj-cij.org/docket/files/135/15873.pdf, truy cập ngày 20/10/2015.

[6] International Rivers, Independent Review of Don Sahong Dam EIA, xem tại: https://www.internationalrivers.org/resources/independent-review-of-don-sahong-dam-eia-8241, truy cập ngày 20/10/2015.

[7] United Nations, The Universal Declaration of Human Rights, xem tại: http://www.un.org/Overview/rights.html, truy cập ngày 20/10/2015.

[8] Stephen J. Turner, A Global Environmental Right, Routledge Publishing, 2014, Page 20.

[9] Benoit Mayer, Judicial Review of Human Rights Impacts of Hydroelectric Projects, Centre for International Sustainable Development Law, 2012, Page 7.

[10] Asian Institute of Techonology, Lao Deputy Minister reviews AIT testing of Xayaburi Hydroelectric Power Project, xem tại: http://www.ait.ac.th/news-and-events/2012/news/lao-deputy-minister-reviews-ait-testing-of-xayaburi-hydroelectric-power-project/, truy cập ngày 20/10/2015.

[11] International Court of Justice, Gabčíkovo-Nagymaros Project (Hungary/Slovakia), xem tại: http://www.icj-cij.org/docket/index.php?sum=483&code=hs&p1=3&p2=3&case=+92&k=8d&p3=5, truy cập ngày 20/10/2015.

[12] International Centre for Settlement of Investment Disputes Suez and Vivendi Universal S.A. v The Argentine Republic (2010) ARB/97/3, xem tại: https://icsid.worldbank.org/ICSID/FrontServlet?requestType=CasesRH&actionVal=showDoc&docId=DC693_En&caseId=C19, truy cập ngày 20/10/2015.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động