RSS Feed for Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 2) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 06:07
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 2)

 - Đây là thời điểm cần thiết để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) rà soát, bổ sung chiến lược phát triển bao gồm quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển theo hướng thích nghi với tình hình thay đổi nhanh trong lĩnh vực dầu khí. Đây cũng chính là giai đoạn cần đặt vấn đề hiệu quả toàn chuỗi hoạt động dầu khí và nâng cao năng lực hoạt động của toàn hệ thống lên trên hết. Làm tốt những khâu này là nhân tố quyết định để ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí chủ đạo của mình và cũng là nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 1)

BÀI 2: NHÂN TỐ NÀO QUYẾT ĐỊNH SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH DẦU KHÍ QUỐC GIA? 

Kể từ khi tấn dầu đầu tiên được khai thác vào năm 1986 tại mỏ Bạch Hổ, trải qua gần ba thập kỷ, PVN đã có bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt để trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh của quốc gia. PVN đã có một vị trí quan trọng, là một mũi nhọn trọng yếu của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hàng năm đóng góp trung bình 25 - 30% tổng thu ngân sách Nhà nước. PVN đã đưa ngành Dầu khí Việt Nam có vị trí trong cộng đồng các quốc gia khai thác dầu khí trên thế giới, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đến nay, PVN đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác - phát triển công nghiệp khí đến chế biến dầu khí và dịch vụ dầu khí. 

Vai trò của ngành Dầu khí Việt Nam

Dầu khí là một ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, đóng góp lớn cho sự phát triển của Việt Nam. Ngành Dầu khí nói chung và PVN nói riêng luôn có những đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng trong tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam.

Trong những năm qua, PVN luôn duy trì vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước. Trong khi khối doanh nghiệp Nhà nước đóng góp khoảng 42% GDP của cả nước, riêng PVN đã chiếm khoảng 16 - 18% GDP, mức cao nhất so với cả nước trong giai đoạn 2008 - 2015 (Bảng 1).

Về đóng góp ngân sách: trước khi PVN có nhà máy lọc dầu, tổng thu hàng năm từ dầu thô luôn mang lại trên 20% tổng thu ngân sách. Sau đó, tỷ lệ thu từ dầu thô bình quân cho giai đoạn 2009-2013 đạt bình quân ở mức 13,6%, đến năm 2014 mặc dù có sự suy giảm giá dầu trong những tháng cuối năm, tuy nhiên nguồn thu từ dầu thô vẫn chiếm tỷ trọng 12,1% trong năm 2014. Do ảnh hưởng của sụt giảm mạnh của giá dầu trong năm 2015, con số này chỉ còn ở mức 62,4 nghìn tỷ đồng và đóng góp 7,1% tổng ngân sách Nhà nước.

Trước năm 2014, nếu không kể ngành Dầu khí, thu từ ngân sách của tất cả các doanh nghiệp nhà nước còn lại chỉ chiếm khoảng 15-16%, mức đóng góp của PVN cũng cao hơn rất nhiều so với đóng góp từ tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.

Về doanh thu hợp nhất: mặc dù chứng kiến sự biến động giá dầu khó lường vào cuối năm 2008 và khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2009, doanh thu hợp nhất của PVN vẫn có sự tăng trưởng và phát triển. Đến năm 2012, doanh thu hợp nhất của PVN tăng 12% so với năm 2011 đạt 363 nghìn tỷ đồng, tổng giá trị nộp ngân sách đạt 186,3 nghìn tỷ đồng chiếm 24,4% tổng thu ngân sách của cả nước. Năm 2013 doanh thu hợp nhất của toàn Tập đoàn tăng 7% so với năm 2012, đạt 390 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 9.100 tỷ đồng.

Từ cuối năm 2014, do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm giá dầu, doanh thu hợp nhất giảm 6% trong năm 2014 còn 366 nghìn tỷ đồng và tiếp tục giảm 15% trong năm 2015. Doanh thu hợp nhất của PVN đạt 311 nghìn tỷ đồng và đóng góp 115,1 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước trong năm 2015.

Bảng 1. Đóng góp của PVN trong nền kinh tế quốc dân

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Doanh thu hợp nhất (nghìn tỷ đồng)

127,0

137,0

235,0

325,0

363,0

390,0

366,0

311,0

GDP (nghìn tỷ đồng)

1.477,7

1.700,5

1.980,8

2.537,5

2.978,2

3.139,6

3.937,0

4.192,9

Đóng góp trong GDP (%)

18,9

16,0

24,0

26,6

25,9

24,3

9,3

7,4

Nộp Ngân sách (nghìn tỷ đồng)

121,8

88,0

110,4

160,8

186,3

195,4

189,4

115,1

Đóng góp của Petrovietnam trong ngân sách (%)

29,2

22,6

27,9

27,1

24,4

24,1

23,3

13,0

Đóng góp của thu từ dầu thô trong thu ngân sách (%)

24,0

12,9

14,4

11,5

18,3

12,1

12,1

7,1

Trong tương lai, ngành công nghiệp dầu khí vẫn luôn được chú trọng để tập trung phát triển, theo "Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035" đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14/10/2015, Chính phủ thể hiện quan điểm nhất quán "Phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn nòng cốt, cùng với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Tập trung vào phát triển các lĩnh vực chính là: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí; dịch vụ dầu khí, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao".

Kết quả hoạt động các lĩnh vực chính của PVN

Một là: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí. Hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí của PVN đã được triển khai từ rất sớm (năm 1961), chủ yếu được thực hiện với sự giúp đỡ của Liên Xô tại phía Bắc. Sau khi Việt Nam có chính sách đổi mới năm 1986 và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ. Cấu trúc địa chất và triển vọng dầu khí tại một số khu vực trên đất liền (miền võng Hà Nội, Đồng bằng Sông Cửu Long) và các bể trầm tích ngoài khơi từ Bắc đến Nam như bể Sông Hồng (SH), Phú Khánh (PK), Cửu Long (CL), Nam Côn Sơn (NCS), Malay-Thổ Chu (MLTC), Tư Chính Vũng Mây (TCVM), Trường Sa và Hoàng Sa đã từng bước được nghiên cứu và đánh giá ở các mức độ chi tiết khác nhau.

Ngoài Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) được thành lập từ năm 1981 (từ năm 1993, Liên bang Nga tiếp nhận quyền lợi và nghĩa vụ của Liên Xô trong liên doanh) để tiến hành các hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí tại lô 09-1. Tính đến thời điểm Quý I/2017, được sự ủy quyền của Chính phủ Việt Nam, PVN đã ký kết 106 Hợp đồng dầu khí với các công ty trong và ngoài nước, trong đó có 62 hợp đồng dầu khí còn hiệu lực (bao gồm 10 hợp đồng dầu khí (PC), 1 hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và 51 hợp đồng chi sản phẩm (PSC)) với tổng số gần 40 nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước đang tham gia các hợp đồng.

Trong tổng số 62 hợp đồng dầu khí đang còn hiệu lực, có 18 hợp đồng đang trong giai đoạn khai thác, 7 hợp đồng đang trong giai đoạn chuẩn bị phát triển và phát triển, 37 hợp đồng đang trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò.

Trong giai đoạn đầu, hoạt động tìm kiếm thăm dò tại thềm lục địa Việt Nam chủ yếu do các công ty dầu khí nước ngoài thực hiện và PVN chỉ chính thức góp vốn đầu tư khi có phát hiện thương mại. Đối với các dự án có tiềm năng cao, PVN lấy quyền tham gia nhiều hơn và thành lập các công ty điều hành chung (JOC), trong đó các vị trí chủ chốt đều do người Việt Nam đảm nhận.

Đến nay, trong tổng số 57 hợp đồng, dự án mà Tập đoàn đã tham gia ở trong nước, PVN điều hành trực tiếp tại 2 dự án (dự án Hải Thạch - Mộc Tinh, Lô B 48/95&52/97) và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) trực tiếp điều hành tại 14 dự án và tham gia điều hành chung tại 9 dự án.

Ngoài các hoạt động thăm dò khai thác (TDKT) dầu khí ở trong nước, từ năm 2003, PVN chính thức đầu tư góp vốn tham gia các dự án ở nước ngoài. Đến nay, Tập đoàn đang tham gia đầu tư vào các dự án thăm dò, thẩm lượng và phát triển, khai thác dầu khí ở nước ngoài với các hình thức đầu tư khác nhau như: tự điều hành, điều hành chung và tham gia góp vốn. Tính đến 31/12/2015, PVN/PVEP đã tham gia vào 29 dự án TDKT dầu khí ở nước ngoài trong đó có 20 dự án đang còn hiệu lực (14 dự án đang thăm dò, thẩm lượng và 6 dự án đang phát triển, khai thác).

Việt Nam bắt đầu khai thác dầu thô từ năm 1986 (mỏ Bạch Hổ ở thềm lục địa phía Nam). Tính đến thời điểm 31/12/2016 toàn ngành Dầu khí đã khai thác được 370,33 triệu tấn dầu/condensaste (trong đó, Xí Nghiệp Liên doanh Vietsopetro có sản lượng khai thác dầu thô của đạt trên 223 triệu tấn). Sản lượng khai thác dầu/condensate đạt mức đỉnh với sản lượng trên 20 triệu tấn/năm vào năm 2004 sau đó bắt đầu suy giảm.

Ngoài mỏ Bạch Hổ, một số mỏ khác như: Ruby, Sư Tử Đen, Rạng Đông là các nguồn cung dầu thô chính tuy nhiên đến nay cũng đều suy giảm sản lượng, một số mỏ được đưa vào khai thác từ sau 2010 có mức sản lượng khá nhỏ. Năm 2016, sản lượng khai thác dầu condensast ở trong nước đạt mức 15,2 triệu tấn. Việc giá dầu suy giảm và giữ ở mức thấp từ cuối năm 2014 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác dầu khí của Petrovietnam ở cả trong nước và ngoài nước. Một số mỏ ở trong nước có mức sản lượng nhỏ như Đại Hùng, Sông Đốc, Thăng Long - Đông Đô, Hải Sư Đen - Hải Sư Trắng, Nam Rồng - Đồi Mồi... hiện đang phải duy trì hoạt động khai thác ở dưới mức hòa vốn. Các mỏ đang khai thác ở nước ngoài như lô 433a-416a Algeria, PM 304 (Malaysia) có mức sản lượng thấp hơn so với kỳ vọng, công tác phát triển mỏ tại các lô 67- Peru, Junin 2- Venezuela gặp nhiều khó khăn do giá dầu suy giảm sâu, biến động bất lợi của môi trường đầu tư và rủi ro địa chất ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh tế dự án.

Hoạt động khai thác khí thiên nhiên tại Việt Nam đã bắt đầu từ tháng 7/1981 (mỏ Tiền Hải C) nhưng chỉ từ sau năm 1995 mới có quy mô công nghiệp đáng kể với việc thu gom khí đồng hành từ các mỏ thuộc bể CL và sau đó là từ các mỏ khí tự nhiên bể NCS, khí đồng hành thuộc bể ML-TC ở ngoài khơi khu vực Đông và Tây Nam Bộ.

Tính đến tháng 12/2016, tổng sản lượng khai thác khí đạt 123,14 tỷ m3 khí. Hiện tại, các nguồn cung khí hiện hữu, một số mỏ đang suy giảm nhanh (Lan Tây/Lan Đỏ, Rồng Đôi Rồng/Đôi Tây...). Nguồn cung cấp khí trong nước dự kiến có khả năng bổ sung thêm một số mỏ có trữ lượng lớn như: mỏ Cá Voi Xanh, lô B 48/95&52/97 và mỏ Cá Rồng Đỏ. Tuy nhiên, tiến độ phát triển, khai thác các nguồn khí này hiện nay còn đang gặp nhiều khó khăn do quy mô lớn, vốn đầu tư cao, khó khăn trong việc đàm phán thương mại, thu xếp vốn. Dự kiến chỉ có thể bổ sung cho nguồn khí trong nước từ 2021-2023.

Hình 1. Sản lượng khai thác dầu thô hàng năm giai đoạn 1986 - 2016

Hình 2. Sản lượng khai thác khí hàng năm giai đoạn 1981 - 2016

Sự thành công trong các hoạt động TDKT dầu khí với việc thu hút đầu tư từ các nhà thầu dầu khí nước ngoài trong TDKT dầu khí trong nước, phát triển hoạt động TDKT dầu khí ra nước ngoài, vị thế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được khẳng định, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia sản xuất dầu mỏ trên thế giới (Việt Nam đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 300 triệu vào ngày 15/11/2013) và duy trì là nước đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về khai thác dầu khí. Đồng thời từng bước khẳng định quan hệ hợp tác nhiều công ty, nhà thầu dầu khí để TDKT dầu khí tại các khu vực Nga, Trung Đông, Nam Mỹ, Châu Á Thái Bình Dương...

Hai là: Chế biến dầu khí. Lĩnh vực chế biến dầu khí của PVN được hình thành và phát triển trong khoảng hơn thập niên với cột mốc quan trọng là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chính thức vận hành thương mại từ tháng 5/2010, đưa Việt Nam từ một quốc gia chỉ có khai thác và xuất khẩu dầu thô thành đất nước có thể tự sản xuất được trên 30% nhu cầu xăng dầu, góp phần cung cấp ổn định nhu cầu xăng dầu cho kinh tế và quốc phòng, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Tổng năng lực sản xuất các sản phẩm lọc hóa dầu củaPVN theo thiết kế là 8,5 triệu tấn/năm. Trong đó các sản phẩm chính gồm: Nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ công suất 1,6 triệu tấn urê/năm, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu phân urê trong nước. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có công suất 5,9 triệu tấn xăng dầu/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu thị trường trong nước. Nhà máy Polypropylen Dung Quất công suất 154.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu trong nước. Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ công suất 175.000 tấn/năm, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, Bình Phước với tổng công suất 200 triệu lít cồn nhiên liệu/năm (160.000 tấn/năm).

Các nhà máy được duy trì vận hành liên tục, ổn định trong nhiều năm, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành có thể làm chủ được trong công tác vận hành và bảo dưỡng tại các nhà máy như NMLD Dung Quất, Polypropylen Dung Quất, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ.

Theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt, PVN đang triển khai một số dự án lớn để nâng cao năng lực sản xuất và phục vụ nhu cầu các sản phẩm lọc hóa dầu trong nước như dự án Liên hợp LHD Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu miền Nam, dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất. Khi các nhà máy này đi vào vận hành (dự kiến trong giai đoạn 2018-2021), có thể đáp ứng được 100% nhu cầu trong nước và có xuất khẩu.

Trong bối cảnh tình hình trong nước, thế giới có nhiều biến động về tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư, hội nhập quốc tế, các nguồn năng lượng mới (khí đá phiến), giá dầu thô giảm mạnh,… tạo không ít khó khăn, thách thức đối với sự phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí của PVN. Đặc biệt là việc cạnh tranh với các NMLD trong khu vực châu Á đã hết khấu hao. Thuế nhập khẩu dần về không theo các cam kết hội nhập của Việt Nam với quốc tế (WTO, AFTA, TPP, ASEAN…);. Mức độ tích hợp lọc dầu, hóa dầu rất thấp so với thế giới (tỉ lệ sản phẩm hóa dầu/ lọc dầu của NMLD Dung Quất 2,4%, Nghi Sơn là 13%). Trong khi các sản phẩm hóa dầu thường tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với lọc dầu, điều này là một trong các nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả của Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ; Biến động giá của nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra…

Ba là: Công nghiệp khí. Với mục tiêu tối ưu hóa chuỗi giá trị khí, PVN đã đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp khí từ những năm 1990 với mục đích là thu gom, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối, kinh doanh khí và các sản phẩm khí. Việt Nam đã hoàn thành Quy hoạch hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia được Chính phủ phê duyệt. Trong giai đoạn 1995-2015, Việt Nam có ba hệ thống vận chuyển khí chính ở ngoài khơi khu vực phía Nam tới các nhà máy điện và các hệ thống phân phối khí trên đất liền là Hệ thống vận chuyển và phân phối khí Cửu Long (Rạng Đông - Bạch Hổ - Dinh Cố), hệ thống vận chuyển và phân phối khí Nam Côn Sơn và hệ thống vận chuyển khí PM3-Cà Mau. Năm 2015, PVN đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 dự án thu gom khí trọng điểm là đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 và dự án thu gom khí Hàm Rồng - Thái Bình (khu vực miền Bắc).

Bên cạnh hệ thống các đường ống dẫn khí, Hệ thống kho chứa Thị Vải với công suất tồn chứa LPG lạnh 60.000 tấn do Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là kho chứa LPG lạnh lớn nhất Việt Nam hiện nay, cho phép PV GAS có những giải pháp tàng trữ LPG với khối lượng lớn, tăng khả năng cung cấp LPG về lâu dài, ổn định nguồn cung trong nước, góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia.

Hệ thống tiêu thụ khí bao gồm Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn, hệ thống kho, cảng nhập LPG đã được phát triển và vận hành an toàn, nhằm cung cấp ổn định nguồn khí cho phát triển công nghiệp gồm các nhà máy điện - khí của PVN, EVN, các nhà đầu tư BOT, các nhà máy sản xuất phân đạm; và các hộ tiêu thụ khí thấp áp.

Khí được cung cấp để sản xuất ra lượng điện trên 39 tỷ kWh/năm (chiếm 33% sản lượng điện toàn quốc); khí được cung cấp để sản xuất đạm với sản lượng trên 1,5 triệu tấn/năm (chiếm 70 - 75% nhu cầu nội địa). Việc triển khai nhập khẩu và phân phối khí LPG và CNG cho công nghiệp và các hộ tiêu thụ dân sinh trong cả nước cũng được thực hiện nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia.

Bảng 4. Sản lượng tiêu thụ khí của Petrovietnam giai đoạn 2011 - 2016

 

Đơn vị tính

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Khí khô

triệu m3

8.533

9.175

9.469

9.960

10.430

10.390

LPG

nghìn tấn

1.166

1.027

1.061

1.086

1.320

1.262

Condensate

nghìn tấn

58

61

62

59,5

59,8

70,6

Nhận thức được lợi ích về mặt kinh tế - xã hội của hoạt động chế biến sâu trong chuỗi sản xuất, kinh doanh của ngành khí, PVN cũng đã giao cho PV GAS nhiệm vụ nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án để chế biến sâu sản phẩm khí tại khu vực Đông Nam Bộ (đảm bảo nguồn nguyên liệu khí etan cho dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam) và khu vực Tây Nam Bộ (dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau để sản xuất LPG và condensate từ nguồn khí thuộc bể Malay - Thổ Chu).

Bốn là: Công nghiệp điện. Bên cạnh phát triển công nghiệp khí, PVN cũng đầu tư xây dựng các nhà máy điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng cao phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Mặc dù đây là một lĩnh vực mới nhưng cũng đạt được nhiều thành công.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, PVN đã hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng 5 nhà máy điện bao gồm: Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 với công suất 750MW, Nhà máy Phong điện Phú Quý với công suất 6MW, Nhà máy Thủy điện Hủa Na với công suất 180MW, Nhà máy Thủy điện Đăkđrinh công suất 125MW và đặc biệt trong năm 2015, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 với công suất 1.200MW đã được đưa vào hoạt động. Đây là nhà máy nhiệt điện than đầu tiên của PVN và cũng là dự án có công suất lớn nhất so với các nhà máy nhiệt điện của cả nước. Tổng công suất các nhà máy điện của PVN tính đến cuối năm 2015 đạt 4.214MW. Tổng sản lượng điện cung cấp trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 cho quốc gia đạt 83,554 tỷ kWh, tốc độ tăng trung bình đạt 12,1%/năm. Riêng năm 2015, sản lượng điện cung cấp của PVN đạt 21,98 tỷ kWh, tăng 31,7% so với mức 16,69 tỷ kWh trong năm 2014. PVN đang phấn đấu để phát triển ngành công nghiệp điện, hướng đến mục tiêu năm 2020 đạt tổng sản lượng điện sản xuất chiếm 15% tổng sản lượng điện quốc gia. Đồng thời chuẩn bị kỹ về kết cấu hạ tầng, kỹ thuật và nguồn nhân lực để tham gia vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Năm là: Dịch vụ dầu khí. Dịch vụ dầu khí là một trong những lĩnh vực quan trọng của PVN. Các hoạt động dịch vụ dầu khí của PVN đang ngày càng mở rộng về quy mô và phát triển về công nghệ nhằm phục vụ cho các công trình dầu khí trong và ngoài nước.

Dịch vụ dầu khí được cung cấp bởi PVN rất đa dạng, bao gồm: khảo sát địa vật lý, dịch vụ khoan, kỹ thuật giếng khoan khai thác dầu khí, xuất nhập khẩu và cung cấp các loại vật tư, thiết bị dầu khí; xuất nhập khẩu và kinh doanh dầu thô cũng như các sản phẩm dầu; vận chuyển, tàng trữ, cung cấp và phân phối các sản phẩm dầu khí; vận hành và duy tu bảo dưỡng các công trình dầu khí; dịch vụ cung ứng và xử lý tràn dầu; thiết kế và xây lắp các công trình dầu, khí, điện, xây dựng dân dụng; vận tải biển và phục vụ hậu cần; cung cấp lao động kỹ thuật, du lịch, khách sạn… Bên cạnh đó, PVN có đơn vị cung cấp các dịch vụ bảo hiểm, thu xếp vốn tín dụng cho các dự án đầu tư, huy động vốn, tín dụng doanh nghiệp, các dịch vụ tài chính và chứng khoán.

Ngoài ra, các dịch vụ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo cũng được PVN cung cấp như: tư vấn khoa học công nghệ; nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động khai thác dầu khí; dịch vụ xử lý số liệu địa vật lý, nghiên cứu công nghệ lọc dầu…

Với số lượng dịch vụ cung cấp lớn và đa dạng, công tác dịch vụ dầu khí đã đóng góp đáng kể trong tổng thu nhập của PVN. Tổng doanh thu từ dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 đạt 1.114 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,7% tổng doanh thu toàn PVN.

Những khó khăn từ việc suy giảm giá dầu khiến nhà thầu dầu khí cắt giảm công việc, yêu cầu giảm giá dịch vụ, cùng với những khó khăn về cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí ngày càng khốc liệt hơn, nhiều nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có tiềm lực vượt trội về cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị, kinh nghiệm, tài chính… sẵn sàng tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ trong nước. Bên cạnh đó, các rào cản về bảo hộ mậu dịch, thương mại, thuế quan… khiến doanh thu từ công tác dịch vụ dầu khí sụt giảm trong năm 2015, chỉ đạt 196 nghìn tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2014. Năm 2016, doanh thu dịch vụ toàn Tập đoàn đạt 150 nghìn tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2015.

Một số trao đổi và định hướng tiếp theo cho giai đoạn đến 2020

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, đặc biệt là việc suy giảm mạnh của giá dầu từ tháng 10/2014 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của PVN, đặc biệt là ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Tập đoàn cũng như ảnh việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động tìm kiếm thăm dò ở trong nước, trong khi điều kiện triển khai các dự án dầu khí ở trong nước cũng ngày càng khó khăn do phải thực hiện ở vùng nước sâu, xa bờ. Nguồn thu của Tập đoàn suy giảm, nhiều dự án của PVN có vốn đầu tư lớn nên sức ép về thu xếp vốn là rất lớn.

Tuy nhiên, với đặc điểm tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định; những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến 2020. Đồng thời tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam sẽ được triển khai mạnh mẽ sâu rộng và toàn diện sẽ là những điểm thuận lợi, kết hợp với việc Tập đoàn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quản lý và điều hành, PVN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch 5 năm (2016-2020) với các chỉ tiêu chủ yếu nhằm đảm bảo gia tăng trữ lượng 28-40 triệu tấn quy dầu/năm; khai thác dầu thô đạt 65-80 triệu tấn; khai thác khí đạt 50-55 tỷ m3...; tổng doanh thu đạt 3.200 - 3.400 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước ở mức 520 - 580 nghìn tỷ đồng.

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020, PVN đã thường xuyên chủ động bám sát diễn biến giá dầu để có các giải pháp kịp thời ứng phó, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ 8 giải nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, bao gồm các nhóm giải pháp về đầu tư (hoàn thiện quy chế, quy định về đầu tư phù hợp với thực tế của Tập đoàn, pháp luật của Nhà nước và thông lệ quốc tế). Giải pháp về tài chính (đa dạng các hình thức huy động vốn). Giải pháp về quản trị doanh nghiệp (cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với hành lang pháp luật quy định riêng cho PVN). Giải pháp về thị trường (khuyến khích mở rộng hợp tác, liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài). Giải pháp về an toàn, môi trường và phát triển bền vững. Giải pháp về khoa học công nghệ. Giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nhóm giải pháp về an ninh quốc phòng.

Mặc dù giá dầu thô dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức thấp và dự kiến giá dầu cả giai đoạn 2016-2020 khó đạt như mức thực tế 5 năm 2011-2015 (101 USD/thùng). Tuy nhiên, với năng lực hiện có, PVN phấn đấu tiếp tục phát huy các ưu điểm, hạn chế tối đa các khó khăn để tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ theo các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra cho giai đoạn 2016-2020.

Kết luận

Việt Nam là quốc gia có tài nguyên dầu khí và ngành công nghiệp dầu khí có nhiều đóng góp quan trọng đối với kinh tế quốc dân. Dầu khí mang lại trên 20% tổng thu ngân sách, đóng góp 16 - 18% GDP trong các năm qua.

Ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam với đại diện là PVN đã đạt được những bước tiến lớn trong hoạt động TDKT dầu khí với việc thu hút các nhà thầu dầu khí nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động TDKT dầu khí ở trong nước, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới, đồng thời giúp nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý, điều hành để có thể tự điều hành các dự án có quy mô lớn, điều kiện địa chất, kỹ thuật phức tạp (Hải Thạch - Mộc Tinh, Lô B 48/95&52/97...).

Đối với các hoạt động trong lĩnh vực hạ nguồn, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chính thức vận hành thương mại từ tháng 05/2010 đã đánh dấu sự phát triển đồng bộ và toàn diện của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam đã có đủ các hoạt động trong chuỗi giá trị dầu khí, bao gồm tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp khí - điện, chế biến dầu khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

Mục tiêu đặt ra cho ngành Dầu khí là tiếp tục đóng góp lớn cho GDP và ngân sách quốc gia. Trong tương lai gần (đến năm 2020), PVN tiếp tục duy trì sự tăng trưởng các mục tiêu về gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí. Ngành Dầu khí cũng đã chủ động đề ra các giải pháp chiến lược, bám sát diễn biến giá dầu để có hoạt động ứng phó kịp thời, kiểm soát chặt chẽ tiến độ phát triển mỏ theo kế hoạch đề ra; kiểm soát vận hành an toàn, ổn định các nhà máy, công trình dầu khí; cải tiến những mặt yếu kém, bất cập trong tổ chức sản xuất, quản lý vốn đầu tư, công tác quản lý cán bộ và xây dựng lực lượng lao động, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật cao.

Đây là thời điểm cần thiết để rà soát, bổ sung chiến lược phát triển bao gồm quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển theo hướng thích nghi với tình hình thay đổi nhanh trong lĩnh vực dầu khí. Và cũng chính là giai đoạn cần đặt vấn đề hiệu quả toàn chuỗi hoạt động dầu khí và nâng cao năng lực hoạt động của toàn hệ thống lên trên hết. Làm tốt những khâu này là nhân tố quyết định để ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí chủ đạo của mình và cũng là nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

TS. LÊ VIỆT TRUNG, VIỆN DẦU KHÍ VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo

1.        Chính phủ. Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. 2015

2.        BP. BP statistical review of world energy (63rd  edition). 2014.

3.        Tổng cục Thống kê. Trị giá mặt hàng xuất khẩu sơ bộ năm 2014. 

4.        Bộ Tài chính Việt Nam. Báo cáo Ngân sách Nhà nước hàng năm.

2015.

5.        Petrovietnam. Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. 

6.        Petrovietnam. Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016. 

7.        Petrovietnam. Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015. 

8.        Petrovietnam. Tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014. 

9.        Petrovietnam. Tổng kết công tác năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013. 

10.    Petrovietnam. Báo cáo Thường niên. 2011 - 2013.

11.    Petrovietnam. Nghị quyết số 7862/NQ-DKVN ngày 01/09/2010 v/v “Phê duyệt Chiến lược tăng tốc phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025”. (2010).

12.    Viện Dầu khí Việt Nam. Tổng kết, đánh giá hiệu quả đầu tư hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong và ngoài nước giai đoạn 1988 - 2012 (ngoài VSP) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. 2014.

13.    Viện Dầu khí Việt Nam. Tổng hợp và cập nhật kết quả sản xuất kinh doanh của một số công ty dầu khí nước ngoài và so sánh với PVN. 2015.

14.    Viện Dầu khí Việt Nam. Nghiên cứu mô hình tổ chức quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thượng nguồn của các công ty dầu khí trên thế giới và khả năng áp dụng đối với PVN. 2013.

15.    Tổng công ty Khí Việt Nam. Báo cáo Thường niên năm 2013. 

16.    IHS. National oil company strategies service. 2015.

17.    Petrovietnam. Địa chất và Tài nguyên Dầu khí Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. 2007.

18.    Tổng công ty Khí Việt Nam. Vận chuyển và phân phối khí. 2015.

19.    Sài Gòn Giải phóng Online (SGGP). Đẩy mạnh hợp tác khai thác dầu khí ở nước ngoài.  2012.

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động