Đan Mạch - Kinh tế xanh là con đường duy nhất cho tương lai
21:21 | 25/06/2012
Suy thoái kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đang ảnh hưởng trực tiếp công cuộc "xanh hóa" của Ðan Mạch. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến quyết tâm của Chính phủ và người dân nước này triển khai chủ trương: kinh tế xanh là con đường duy nhất cho tương lai.
Với mục tiêu an ninh năng lượng, mức sống cao và môi trường lành mạnh, Ðan Mạch đang thực hiện hàng loạt chính sách gắn phát triển kinh tế bền vững với bảo vệ môi trường tự nhiên.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 70 của thế kỷ trước đẩy Ðan Mạch rơi vào tình trạng thiếu năng lượng hóa thạch nghiêm trọng. Thực trạng này khiến Chính phủ Ðan Mạch tập trung đầu tư vào năng lượng gió, năng lượng sinh học và năng lượng mặt trời - những "nguyên liệu" rất phong phú của nước này.
Bộ trưởng Môi trường Đan Mạch, I.Ô-ken nhấn mạnh, bảo vệ môi trường là tiền đề của tăng trưởng, chuyển hóa thành nền kinh tế xanh là xu hướng của thời đại.
Theo Cơ quan Năng lượng Ðan Mạch, năng lượng gió trên đất liền và ngoài khơi cung cấp 25% tổng nhu cầu điện trong nước năm 2010. Ngoài ra, chỉ có 7% rác thải được đưa đến khu xử lý rác, có nghĩa là 93% chất thải phải được tái sinh và đốt cháy trong các nhà máy năng lượng để sản xuất điện và nhiệt.
Tháng 11-2011, Chính phủ liên minh trung tả Ðan Mạch đề xuất kế hoạch phát triển ngành năng lượng, với mục tiêu đến năm 2020, năng lượng gió đáp ứng 50% nhu cầu điện trong nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia Ðan Mạch đánh giá, việc thực hiện các "mục tiêu xanh" đang có xu hướng chậm lại do các vấn đề về tiêu thụ quá mức tài nguyên, những tác động trực tiếp từ sản xuất nông nghiệp và mất đa dạng sinh học.
Diện tích đất canh tác nông nghiệp Ðan Mạch hiện chiếm tới 62% tổng diện tích nước này, tỷ lệ thuộc hàng cao trên thế giới. Thực tế này đang đặt ra những thách thức cho chính phủ trong việc hoạch định chính sách phát triển và môi trường.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Ðan Mạch là một trong những nước tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới. Năm 2011, ngoài lượng thịt lợn tiêu thụ trong nước, nước này còn xuất khẩu 1,2 triệu tấn thịt lợn. Ðiều này có nghĩa là Ðan Mạch phải sử dụng hàng triệu ha đất phục vụ cho thức ăn gia súc, trong khi lượng chất thải khổng lồ từ chăn nuôi lợn nếu không được xử lý còn làm ô nhiễm nghiêm trọng hệ thống nước ngầm.
Theo điều tra của tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Ðan Mạch (DSCN), hơn 40% hệ thống nước ngầm của Ðan Mạch đang bị ô nhiễm bởi chất thải nông nghiệp và chăn nuôi.
Trong vài chục năm trước đây, Ðan Mạch đối mặt những thách thức môi trường nghiêm trọng, nhất là chất thải hóa học ở thành phố và khu công nghiệp đổ ra biển, hiện tại là các vấn đề như tiêu thụ quá mức tài nguyên, biến đổi khí hậu và tỷ lệ chất thải bình quân đầu người cao.
Chính phủ Ðan Mạch đang theo đuổi các chính sách cứng rắn như đánh thuế cao ngành dịch vụ công để tái đầu tư vào công nghệ tái sinh và tái chế chất thải quy mô lớn, đồng thời miễn thuế đối với những cải tiến năng lượng trong xây dựng, tạo ra nhiều năng lượng tái sinh và việc làm xanh.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành về chiến dịch môi trường của tổ chức Hòa bình Xanh Bắc Âu - M.Ph.Krít-ten-xen cho rằng, Ðan Mạch cần thay đổi trong cách tiếp cận về tăng trưởng và sử dụng tài nguyên, nếu muốn đạt được các mục tiêu xanh trong tương lai.
An Hòa (Nguồn: Nhandan)