Đảm bảo vận hành an toàn lưới điện hạ áp nông thôn: Cần sự tham gia tích cực của người dân
11:20 | 17/04/2012
Đã tiếp nhận 60/60 xã theo đề án “Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán lẻ đến tận hộ sử dụng điện năm 2008-2010” được UBND tỉnh Quảng Trị, Tổng công ty Điện lực miền Trung phê duyệt và đã tiếp nhận thêm 8 xã ngoài đề án.
Phần lớn lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được xây dựng từ những năm 1990 do địa phương quản lý, không đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, đường dây dài, dây dẫn tiết diện nhỏ, nhiều chủng loại, trong quá trình vận hành không được đầu tư sửa chữa...
Hơn thế nữa, thiết bị đo đếm điện năng mua ngoài thị trường, không được kiểm định, không chính xác. Thực trạng này dẫn đến chất lượng điện không ổn định, gây tổn thất điện năng cao và dễ gây ra chập, cháy, nổ, nhất là khi thời tiết xấu và trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn khá phổ biến, gây nhiều sự cố lưới điện và tai nạn điện.
Để đảm bảo LĐHANT sau tiếp nhận vận hành an toàn, ổn định cho nhân dân, PC Quảng Trị đã tập trung nhân lực, bố trí nguồn vốn để đầu tư sửa chữa lưới điện. Từ năm 2008-2009, PC Quảng Trị đã đầu tư xây dựng 6,4 km đường dây trung áp, 9 trạm biến áp với tổng dung lượng 1.345 KVA, cải tạo và xây dựng 292 km đường dây hạ thế với tổng số vốn 48 tỷ đồng; thực hiện sửa chữa lớn 82,7 km lưới điện hạ áp nông thôn, phê duyệt quyết toán với tổng giá trị là 3,6 tỷ đồng.
Đơn vị đã lập dự án đầu tư tối thiểu điện nông thôn cho 41 xã, năm 2010 đã đầu tư 68,6 tỷ đồng, năm 2011 đã đầu tư cải tạo với tổng số tiền 19 tỷ đồng.
Từ nay đến năm 2015, cùng với các dự án thành phần nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Quảng Trị với tổng số dự toán 101,1 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) dự kiến đến 2014 hoàn thành; dự án thành phần nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Quảng Trị có tổng dự toán 125,7 tỷ đồng vốn vay ADB dự kiến hoàn thành trong năm 2015, PC Quảng Trị cơ bản giải quyết ổn định LĐHANT tiếp nhận.
Với nguồn vốn đầu tư sửa chữa tối thiểu, sửa chữa lớn, cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn đã được đầu tư qua các năm, chất lượng điện ở nông thôn đã dần được cải thiện, tổn thất điện năng đã giảm xuống, đặc biệt là sau khi hoàn thành thay thế công tơ đạt tiêu chuẩn.
Sau nhiều năm sử dụng điện, kiến thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm điện trong dân tăng lên. Tuy nhiên, không vì thế mà ngành Điện không tăng cường việc thực hiện các biện pháp an toàn lao động và an toàn điện trong dân. Song song với nhiệm vụ đầu tư cải tạo lưới điện, PC Quảng Trị còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng tránh tai nạn điện, phát các tờ rơi về cách sử dụng điện an toàn, hiệu quả đến từng hộ sử dụng điện; phối hợp với các ngành, các địa phương trong việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn điện như có kế hoạch nâng cấp lưới điện, phối hợp giải quyết hành lang an toàn lưới điện trung, hạ áp.
Tuy nhiên, với khối lượng LĐHANT tiếp nhận khá lớn, hơn 1.100 km đường dây hạ áp mới tiếp nhận, đến nay PC Quảng Trị đã thực hiện sắp xếp nguồn vốn đầu tư tối thiểu được 171 km, với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng. Khối lượng còn lại gần 930 km đường dây hạ áp, trong những năm tới cần có kế hoạch bố trí lượng vốn đủ lớn để đầu tư, cải tạo lưới điện mới đảm bảo tiêu chuẩn và an toàn bán điện.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên việc sắp xếp nguồn vốn để đầu tư cải tạo LĐHANT sau khi tiếp nhận theo kế hoạch trên là một khó khăn lớn đối với ngành điện. Trong khi chờ đợi sự đầu tư cải tạo, nâng cấp, ngành điện rất cần sự quan tâm của toàn xã hội để LĐHANT sau tiếp nhận được hoạt động một cách an toàn, hiệu quả, đề phòng tai nạn về điện.
Trong công tác đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, ngành điện cần sự phối hợp chặt chẽ từ chính những hộ dân sinh sống, canh tác dọc theo tuyến đường dây đi qua, cùng với chính quyền địa phương tạo điều kiện hơn nữa trong việc phát quang hành lang tuyến.
Ngoài sự nỗ lực của ngành điện, mỗi gia đình, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trang bị cho mình kiến thức tối thiểu để tự bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố về điện. Để phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn điện, người sử dụng điện phải chấp hành đúng các quy định bảo đảm an toàn về điện mà ngành điện đã khuyến cáo, chú trọng hơn nữa trong việc mua sắm đường dây sau công tơ, đường dây trong nhà, sử dụng các thiết bị điện an toàn, tiết kiệm. Đồng thời, chính quyền cơ sở cũng cần có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở bà con việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn điện.
Lê Minh Thành (Nguồn: PC Quảng Trị)