Công ty Thủy điện Sơn La và mục tiêu 11,76 tỷ kWh điện năm 2020
10:45 | 13/02/2020
Công ty Thủy điện Sơn La: Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng
Cung cấp trên 9,2 tỷ kWh điện cho hệ thống
Theo ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, trong năm 2019, Công ty khai thác, vận hành hồ chứa tại hai nhà máy theo đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, đồng thời tuân thủ theo phương thức vận hành của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Cả 6 tổ máy của NMTĐ Sơn La đều vận hành ổn định.
Chủ động tham mưu đề xuất với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia và các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đà để khai thác hiệu quả nguồn nước và phối hợp phục vụ cấp nước cho đồng bằng Bắc Bộ.
Công tác quản lý chất lượng công trình, hành lang bảo vệ hồ chứa luôn được thực hiện theo các quy định hiện hành. Báo cáo đánh giá an toàn ổn định đập và hồ chứa được Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang Sông Đà đánh giá cao, số liệu tin cậy và phản ánh chính xác tình hình hoạt động của toàn bộ công trình.
Tuy nhiên, do lượng nước về hồ thấp nên đã ảnh hưởng nhiều đến sản lượng điện trong 4 tháng mùa mưa năm 2019. Tổng sản lượng phát của 2 nhà máy năm 2019 là 9,245 tỷ kWh đạt 100,05% so với kế hoạch EVN giao. Tuy nhiên, nếu so với sản lượng phát trung bình nhiều năm thì sản lượng phát năm 2019 của NMTĐ Sơn La chỉ đạt 71,4% và NMTĐ Lai Châu chỉ đạt 56%.
Các chuyên gia của Hội đồng An toàn bậc thang thủy điện sông Đà kiểm tra hiện trạng thân đập và nghe đại diện Công ty Thủy điện Sơn La (thứ 3 từ trái sang) trực tiếp báo cáo tại hiện trường.
Với sản lượng điện trên, năm 2019, Công ty đã thực hiện nộp Ngân sách Nhà nước là 1.866,78 tỷ đồng. Trong đó, nộp ngân sách tại tỉnh Sơn La là 851,94 tỷ đồng; Nộp ngân sách tại tỉnh Lai Châu là 561,09 tỷ đồng; Nộp ngân sách tại tỉnh Điện Biên 122,30 tỷ đồng; Phí dịch vụ môi trường rừng nộp cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam là 331,46 tỷ đồng.
Cùng với đó, các chỉ tiêu về nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch Tập đoàn giao như: Hệ số khả dụng; tỷ lệ dừng máy sự cố, tỷ lệ dừng máy bảo dưỡng. Đặc biệt hệ số khả dụng của các tổ máy đạt mức cao nhất trong các nhà máy thủy điện trực thuộc EVN.
Phấn đấu sản xuất 11,76 tỷ kWh điện
Theo ông Khương Thế Anh, mục tiêu năm 2020 của Công ty là sản xuất điện đảm bảo theo quy trình vận hành hồ chứa và phương thức huy động công suất của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, với sản lượng đạt và vượt 11,76 tỷ kWh. Vận hành hai nhà máy an toàn, hiệu quả theo đúng quy định và quy trình vận hành hồ chứa, không để xảy ra sự cố, tai nạn lao động do nguyên nhân chủ quan gây thiệt hại cho người, thiết bị và công trình.
Để đạt được mục tiêu trên, Công ty vận hành các tổ máy và các hạng mục công trình tuyệt đối tuân thủ theo các quy trình, quy định về an toàn và kỹ thuật. Tuân thủ phương thức vận hành của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và quy trình vận hành liên hồ chứa. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban ngành và các địa phương để điều tiết, sử dụng nguồn nước hiệu quả cao nhất cho phát điện và cấp nước cho hạ du.
Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ Sửa chữa EVN tăng cường chế độ kiểm tra, sửa chữa định kỳ, sửa chữa thường xuyên hệ thống thiết bị công nghệ và các hạng mục công trình để đảm bảo các tổ máy, công trình vận hành an toàn tin cậy. Không để xảy ra sự cố, tai nạn lao động.
Công trình NMTĐ Lai Châu do Công ty Thủy điện Sơn La quản lý vận hành.
Bám sát và đề xuất với EVN triển khai thực hiện ‘‘Đề án vận hành hồ chứa theo thời gian thực trên bậc thang thủy điện sông Đà và sông Gâm’’ để khai thác tối ưu nguồn nước, nâng cao hiệu quả phát điện.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCNV đảm bảo nắm bắt rõ yêu cầu kỹ thuật, vận hành an toàn công trình, thiết bị nhà máy, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc. Đặc biệt đào tạo mở rộng, nâng cao lực lượng thuộc phân xưởng vận hành, phân xưởng thủy công để làm tiền đề mở rộng ngành nghề kinh doanh khi được EVN phê duyệt.
Tổ chức thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm vật tư thiết bị và các dịch vụ thuê ngoài phù hợp với kế hoạch sản xuất. Chủ động trong công tác chuẩn bị VTTB: Đảm bảo tính sẵn sàng, đáp ứng kế hoạch duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng và khắc phục sự cố khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Thực hiện tốt việc triển khai các hạng mục đầu tư xây dựng đảm bảo tiến độ và đúng các quy định của Nhà nước và của EVN./.
KIM THÁI