RSS Feed for Công ty DHD kiểm tra hiện trạng dòng chảy hạ du trước mùa lũ 2020 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 14:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Công ty DHD kiểm tra hiện trạng dòng chảy hạ du trước mùa lũ 2020

 - Nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du trong mùa lũ năm 2020, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (Công ty DHD) đã phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) địa phương tiến hành kiểm tra hiện trạng dòng chảy sông Đa Nhim và sông La Ngà. Đây là hai nhánh sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai, nơi các công trình Thuỷ điện Đa Nhim và Hàm Thuận - Đa Mi đang vận hành. Công tác kiểm tra thực trạng dòng chảy được tiến hành từ ngày 3 đến ngày 8/7/2020.

Công ty DHD: Hạn hán kéo dài, ưu tiên cấp nước cho hạ du


Đối với hạ du đập Đơn Dương, Công ty DHD đã phối hợp với BCH PCTT&TKCN huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng kiểm tra hiện trạng dòng chảy sông Đa Nhim với chiều dài gần 50km từ đập tràn Đơn Dương đến xã Phú Hội, huyện Đức Trọng.

Theo kết quả kiểm tra, tại một số vị trí thuộc huyện Đơn Dương, người dân lấn chiếm lòng sông trồng hoa màu, trồng cỏ chăn nuôi gia súc tạo thành bãi bồi nhân tạo làm bó hẹp lòng sông, gây cản trở dòng chảy.

 

Người dân canh tác nông nghiệp tại bãi bồi trên sông Đa Nhim thuộc xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Theo ghi nhận tại hiện trường, có 6 vị trí người dân xây dựng nhà kiên cố và bán kiên cố bên cạnh nhiều vị trí canh tác nông nghiệp trên các bãi bồi tự nhiên. Tại các khu vực thuộc huyện Đức Trọng, có 2 vị trí người dân tự ý cơi nới nhà và 3 vị trí phát sinh lấn chiếm lòng sông để xây nhà, làm bờ kè và mở nhà xưởng. Đoàn công tác cũng ghi nhận tình trạng phát triển mạnh mẽ của cây mai dương dọc bờ sông làm thu hẹp hành lang thoát lũ.

Tình trạng đổ đất lấn chiếm lòng sông Đa Nhim tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng.

Việc người dân tự ý lấn chiếm lòng sông để xây dựng nhà ở, canh tác nông nghiệp nông nghiệp trên những bãi bồi đang gây ra nguy cơ mất an toàn cao trong trường hợp hồ Đơn Dương xả lũ. Vì vậy, Công ty DHD đã đề nghị chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và yêu cầu người dân địa phương không lấn chiếm lòng sông, ngừng canh tác rau màu trên các bãi bồi ven sông cho đến hết mùa lũ năm 2020, đồng thời nâng cao cảnh giác trong trường hợp hồ Đơn Dương xả lũ để giảm thiểu thiệt hại.

Đối với khu vực hạ du đập Hàm Thuận, Công ty DHD đã phối hợp với BCH PCTT&TKCN huyện Tánh Linh và Phòng NN&PTNT huyện Đức Linh tiến hành kiểm tra hiện trạng dòng chảy từ cầu La Ngà đến trạm bơm Nam Chính thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Tại hiện trường, tình hình dòng chảy của sông La Ngà thuộc địa bàn huyện Tánh Linh và Đức Linh tương đối thông thoáng, diện tích canh tác hoa màu nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng không nhiều. Tuy nhiên, một số vị trí hai bên bờ sông đang xảy ra tình trạng sạt lở, đặc biệt có đơn vị đang thực hiện khai thác cát tại Bản 3, huyện Tánh Linh gây nguy cơ sạt lở bờ sông. 

Một khúc sông La Ngà đang bị sạt lở.

Để đảm bảo an toàn cho hạ du trong mùa lũ 2020, Công ty DHD đã kiến nghị UBND, BCH PCTT&TKCN huyện Tánh Linh và Đức Linh tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo đến các hộ dân đang canh tác hoa màu ven sông La Ngà về nguy cơ mất an toàn, đồng thời có kế hoạch di dời, sơ tán dân kịp thời ra khỏi vùng ảnh hưởng khi công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi xả lũ.

Ngoài ra, kiến nghị UBND, BCH PCTT&TKCN huyện Tánh Linh thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở đơn vị khai thác cát không làm thay đổi hiện trạng hai bên bờ sông và dòng chảy thoát lũ.

Theo nhận định xu thế khí hậu từ tháng 7 đến tháng 12/2020 của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.

Là đơn vị phát điện đang vận hành 2 công trình thuỷ điện có tổng công suất 722,5 MW, trong đó thuỷ điện Đa Nhim - Sông Pha là 247,5 MW và Hàm Thuận - Đa Mi là 475 MW, Công ty DHD luôn chú trọng công tác đảm bảo an toàn cho thiết bị, công trình và khu vực hạ du, đặc biệt vào mùa lũ.

Trong nhiều năm qua, Công ty DHD luôn phối hợp chặt chẽ với BCH PCTT&TKCN địa phương trong việc chia sẻ thông tin vận hành hồ chứa và vận động tuyên truyền người dân canh tác nông nghiệp đảm bảo hành lang thoát lũ cho cho công trình. Tuy nhiên, để giảm thiểu thiệt hại cho hạ du trong trường hợp xả lũ điều tiết hồ thuỷ điện, ngoài nỗ lực của đơn vị phát điện cần có sự chung tay góp sức của người dân địa phương./.

NGUYỄN NGỌC TUẤN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động