RSS Feed for Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về ngành năng lượng trong tháng 7 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 15:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về ngành năng lượng trong tháng 7

 - Tháng 7/2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo ngành năng lượng Việt Nam, với các nội dung: Gia hạn Hiệp định vay dự án “Truyền tải điện miền Bắc mở rộng”; Ứng trước 100 tỷ đồng thực hiện dự án di dân thủy điện Tuyên Quang; Đảm bảo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Đảm bảo tiến độ các dự án dầu khí trọng điểm; Phê duyệt danh mục Chương trình giảm phát thải khí nhà kính...

>> Gia hạn Hiệp định vay dự án “Truyền tải điện miền Bắc mở rộng”
>> Ứng trước 100 tỷ đồng thực hiện dự án di dân thủy điện Tuyên Quang
>> Ứng trước 1.000 tỷ đồng bổ sung vốn di dân dự án thủy điện Sơn La
>> Đảm bảo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
>> Đảm bảo tiến độ các dự án dầu khí trọng điểm
>> Phê duyệt danh mục Chương trình giảm phát thải khí nhà kính

Gia hạn Hiệp định vay dự án “Truyền tải điện miền Bắc mở rộng”

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý gia hạn thời gian khóa sổ khoản vay dự án "Truyền tải điện miền Bắc mở rộng" vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đến hết ngày 30/6/2014.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam giám sát Chủ đầu tư và các đơn vị thực hiện dự án tại địa phương hoàn thành các hoạt động của dự án theo đúng tiến độ đã thống nhất với nhà tài trợ, phù hợp với thời gian gia hạn.

Trong trường hợp không sử dụng hết vốn vào thời điểm đóng dự án đã được gia hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với ADB rà soát và hủy phần vốn không sử dụng hết để tái phân bổ cho các chương trình dự án khác nằm trong danh mục vay vốn của ADB giai đoạn tiếp theo.

Mục tiêu của dự án "Truyền tải điện miền Bắc mở rộng" nhằm nâng cao chất lượng và độ tin cậy của hệ thống truyền tải điện thông qua việc gỡ bỏ những ách tắc, giảm thiểu tổn thất điện năng và tăng cường hiệu quả sử dụng của các dự án điện đang hoạt động và các dự án đang chuẩn bị đầu tư.

Quy mô dự án được chia làm 2 cấu phần và 8 tiểu dự án, bao gồm: Dự án đường dây 500 KV: Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan, Sơn La - Sóc Sơn, Mông Dương - Quảng Ninh; trạm biến áp 500 KV: trạm biến áp Sóc Sơn và mở rộng trạm biến áp 500 KV Thường tín. Tiếp đó là Dự án đường dây 220 KV Thanh Hóa-Vinh (mạch 2), Hà Tĩnh-Thạch Khê và Dự án mở rộng trạm biến áp 220 KV Thanh Trì.

Dự án giúp tăng cường hệ thống truyền tải điện cao thế tại miền Bắc, nhằm cung cấp điện ổn định và hiệu quả tới người tiêu dùng, đặc biệt là tạo lợi ích cho các khách hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại và người dân.

Ứng trước 100 tỷ đồng thực hiện dự án di dân thủy điện Tuyên Quang

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về việc ứng vốn thực hiện dự án di dân, tái định cư thuỷ điện Tuyên Quang, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước 100 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu kế hoạch năm 2014 cho tỉnh Tuyên Quang để thực hiện dự án di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Tuyên Quang có trách nhiệm bố trí kế hoạch vốn năm 2014 để hoàn trả số vốn ứng trước trên theo đúng quy định hiện hành.

UBND tỉnh Tuyên Quang có trách nhiệm quản lý, sử dụng số vốn ứng trước đúng mục tiêu, đối tượng và theo đúng quy định hiện hành (Văn bản số: 996/TTg-KTN, ngày 15/7/2013).

Ứng trước 1.000 tỷ đồng bổ sung vốn di dân dự án thủy điện Sơn La

Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước 1.000 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2015 cho tỉnh Sơn La để thực hiện dự án di dân, tái định cư dự án thủy điện Sơn La.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Sơn La có trách nhiệm quản lý, sử dụng số vốn ứng trước nêu trên đúng mục tiêu, đối tượng và theo đúng quy định hiện hành.

Về thực hiện các dự án thành phần, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Sơn La thực hiện đầu tư 95 dự án thành phần đã được bố trí một phần vốn trong phạm vi tổng mức đầu tư tại Quyết định 801/QĐ-TTg, ngày 4/6/2010 và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh vốn tại công văn 1353/TTg-KTN ngày 7/9/2013.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Sơn La sắp xếp, ưu tiên thực hiện trước các dự án thật sự cấp thiết, phục vụ trực tiếp cho việc ổn định đời sống và phát triển sản xuất của người dân tại các khu, điểm tái định cư, lưu ý không làm tăng tổng mức đầu tư đã được giao tại Quyết định số 801/QĐ-TTg.

Đối với 358 dự án thành phần chưa có trong danh mục tại Quyết định 801/QĐ-TTg thì chỉ thực hiện đầu tư sau khi điều chỉnh Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bố trí vốn cho tỉnh Sơn La thực hiện dự án Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai và dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 107, đoạn Chiềng Pấc-Phiêng Lanh (Văn bản số: 974/TTg-KTN, ngày 4/7/2013).

Đảm bảo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân (Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử) vừa chủ trì phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nguyên tử.

Kể từ phiên họp lần thứ 4 (3/1/2013), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch đào tạo tổng thể nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân, nhân lực phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nguyên tử đến năm 2020, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Riêng Thông tư liên tịch hướng dẫn nội dung và mức chi thực hiện Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “ Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” vẫn chưa hoàn thành.

Từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 70 sinh viên được cử sang Liên bang Nga học chuyên ngành “Thiết bị và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân” theo dạng học bổng, nâng tổng số sinh viên theo học chuyên ngành này tại LB Nga lên 230 người. Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý EVN có kế hoạch quản lý, giao nhiệm vụ cho 230 sinh viên chuyên ngành Năng lượng nguyên tử tại LB Nga, dự kiến sẽ về nước trong năm 2014.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động khảo sát, học tập ngắn hạn và học tập kinh nghiệm quản lý tại một số nước như Nga, Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Báo cáo tại cuộc họp, EVN cho biết, trong giai đoạn cao điểm xây dựng, số lượng cán bộ của Ban Quản lý dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào khoảng 400 người; khối vận hành và bảo dưỡng cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, mỗi nhà máy cần khoảng 1.100 người với cơ cấu trình độ cụ thể là đại học 442 người (chiếm 40%), cao đẳng nghề 461 người (chiếm 42%), lao động phổ thông 197 người (chiếm 18%).

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá trong 6 tháng qua Ban Chỉ đạo đã thực hiện được nhiều công việc lớn, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đảm bảo tiến độ gửi sinh viên sang học lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại LB Nga.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nhân lực năng lượng nguyên tử tại 7 trường trên toàn quốc; không sử dụng vốn cấp cho công tác đào tạo vào công tác xây dựng cơ bản; đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành trong nhiệm vụ xây dựng chính sách liên quan đến công tác đào tạo nhân lực năng lượng nguyên tử.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 8/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cần ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về mức chi đối với đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, tập hợp đầy đủ các vị trí công tác, xác định cụ thể bậc, ngạch trong từng nhóm công việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử…

Đảm bảo tiến độ các dự án dầu khí trọng điểm

Sáng 15/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước nhằm rà soát, thúc đẩy tiến độ một số dự án, công trình các dự án trọng điểm dầu khí.

Theo báo cáo Văn phòng Ban chỉ đạo, Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện cơ bản hoạt động ổn định, đạt hơn 100% công suất và hoàn thành kế hoạch sản xuất 6 tháng đầu năm. Các bên đã tiến hành các bước nghiệm thu và công tác quyết toán giai đoạn 2 theo kế hoạch. Chủ đầu tư cũng đang làm việc với các nhà đầu tư để triển khai dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy.

Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng đã ký kết Hợp đồng EPC, đồng thời triển khai các công việc liên quan đến mặt bằng và hạ tầng cơ sở.

Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam đang tập trung xử lý vấn đề cung cấp nguyên liệu, đất đai và tài chính.

Ban chỉ đạo Nhà nước cũng xem xét, đánh giá tiến độ các dự án Nhà máy đạm Cà Mau, đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, Nam Côn Sơn 2, một số dự án thăm dò, khai thác dầu, khí trong và ngoài nước...

Sau khi xem xét, đánh giá tình hình ở các dự án dầu khí trọng điểm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các cơ quan liên quan các biện pháp kiểm tra, giải quyết kịp thời để đảm bảo tiến độ các vấn đề tại các dự án, công trình hiện nay.

Cụ thể, đối với Dự án lọc dầu Dung Quất, chủ đầu tư và địa phương khẩn trương xử lý dứt điểm các tồn tại trong quyết toán giai đoạn 2; Dự án Nghi Sơn tổ chức triển khai các vấn đề thủ tục pháp lý, giám sát chặt chẽ công tác thi công nạo vét công trình biển phục vụ Dự án; Dự án Tổ hơp hóa dầu miền Nam sớm hoàn thành đàm phán Thỏa thuận cung cấp nguyên liệu.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến xử lý các vấn đề liên quan đến quyết toán các dự án đạm Cà Mau, một số vấn đề liên quan đến triển khai các dự án thăm dò, khai thác các mỏ trong và ngoài nước theo kế hoạch đề ra.

Phê duyệt danh mục Chương trình giảm phát thải khí nhà kính

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Chương trình hợp tác của Liên Hợp Quốc về “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng carbon rừng tại Việt Nam (UN-REDD) - giai đoạn II”.

Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ ngành lâm nghiệp góp phần đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tới năm 2020 trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện thành công các chiến lược, chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu, lâm nghiệp, tăng trưởng xanh và hướng tới phát triển bền vững.

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 30.229.806 USD, trong đó vốn ODA (viện trợ không hoàn lại) 30.229.806 USD do Chính phủ Na Uy tài trợ ủy thác qua UNDP, FAO, UNEP; vốn đối ứng 15,5 tỷ VND (tương đương 697.000 USD) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 6 tỉnh thí điểm: Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng, Cà Mau tự bố trí theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước.

Chương trình nhằm hỗ trợ ngành lâm nghiệp góp phần đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tới năm 2020 trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện thành công các chiến lược, chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu, lâm nghiệp, tăng trưởng xanh và hướng tới phát triển bền vững.

Chương trình này do Chính phủ Na Uy tài trợ ủy thác qua Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (FAO) và Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP).

Chương trình được thực hiện trong 3 năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan chủ quản (Văn bản số: 1214/QĐ-TTg, ngày 23/7/2013).

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Chính sách kinh tế Lý Khắc Cường và sức ép chính trị
Ý đồ của Matxcơva sau các cuộc tập trận quy mô lớn là gì?
Chuyên gia quốc tế nhận định về quan hệ Việt - Mỹ
Mô hình kinh tế Trung Quốc đang gặp vấn đề lớn
Tác chiến điện tử: Sự thành bại của chiến tranh công nghệ cao

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động