RSS Feed for Thứ bảy 20/04/2024 07:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

"Chất xúc tác" thúc đẩy nhà đầu tư điện gió vào Việt Nam

 - Tại lễ tổng kết 5 năm dự án "Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam", ông Martin Hoppe, Trưởng phòng Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Đại sứ quán Đức), khẳng định: "Hiện tại, sau 5 năm triển khai, ngày càng có nhiều những nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước) đang có ý định đầu tư vào điện gió tại Việt Nam. Thực sự, dự án đã đóng vai trò quan trọng và là chất xúc tác trong việc thúc đẩy các nhà đầu tư đó vào Việt Nam".

Chia sẻ kiến thức về triển khai dự án điện mặt trời áp mái
Chuyên gia quốc tế bình luận thế nào về chính sách giá điện gió Việt Nam?
Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Điều kiện cần và đủ

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), thay mặt Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức (BMZ), đã phối hợp tổ chức Lễ tổng kết dự án "Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam”.  

Dự án "Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam", trong khuôn khổ của dự án, GIZ đã hợp tác chặt chẽ với Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo để nghiên cứu, tư vấn và đề xuất với Chính phủ các cơ chế khuyến khích phát triển lĩnh vực điện gió; nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, công ty tư vấn, ngân hàng thương mại, trường đại học, viện nghiên cứu, các cán bộ ở địa phương và trung ương; hỗ trợ các nhà đầu tư và tăng cường các điều kiện về khung pháp lý và quy định.

Đồng thời, dự án đã thực hiện các khóa đào tạo về kỹ thuật và tài chính cho cán bộ nhà nước và khối tư nhân, hỗ trợ hợp tác nghiên cứu Việt-Đức về năng lượng gió trong giai đoạn từ 2014 đến 2018, trong khuôn khổ "Sáng kiến công nghệ Khí hậu Đức".

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (EREA) cho biết: nhu cầu cho năng lượng nói chung và nhu cầu điện cho phát triển kinh tế giai đoạn hiện nay ở Việt Nam đang tăng trưởng với mức độ cao. Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, gắn với phát triển bền vững.

Theo ông Thành, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu tịnh về năng lượng, và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng. Việc giải quyết thiếu hụt về năng lượng sơ cấp, đặc biệt đối với than nhập khẩu từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro về nguồn cung, giá và công tác vận chuyển.

"Chính vì vậy, việc khai thác và sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng và mang tính chiến lược xét trên mọi khía cạnh cả về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và phát triển bền vững của đất nước" - Ông Thành nhấn mạnh.

Hợp tác Đức-Việt trong phát triển năng lượng gió bắt đầu từ năm 2009, mà thành quả là việc Chính phủ Việt Nam ban hành biểu giá điện gió đầu tiên năm 2011. Từ thành công này, dự án "Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam" đã được ký kết và sẽ kết thúc hoạt động vào cuối năm nay. 

Trong thời kỳ đầu thực hiện dự án, một dấu ấn quan trọng là việc xuất bản ấn phẩm "Hướng dẫn đầu tư điện gió tại Việt Nam” bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, miêu tả cụ thể các bước và thủ tục pháp lý trong quá trình phát triển dự án, huy động vốn và tài chính của dự án.

Ngoài ra, xấp xỉ 1.370 người đã tham gia vào các khóa đào tạo do dự án tổ chức. Học viên là cán bộ của các viện nghiên cứu nhà nước, các trường đại học và các đơn vị tư nhân, bao gồm các nhà phát triển dự án, các ngân hàng, các công ty kỹ thuật và tư vấn trong nước.

Một thành công lớn của dự án là góp phần tư vấn Chính phủ Việt Nam thông qua quyết định về tăng giá điện gió vào tháng 9/2018.

Ông Thành khẳng định, những hoạt động hỗ trợ của Chính phủ Đức thông qua dự án này đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là hoàn thành các cam kết quốc tế, như: Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đối khí hậu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu... đến nay, sau 5 hợp tác, dự án này đã được triển khai thành công và hiệu quả.

Ông Martin Hoppe, Trưởng Phòng Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Đại sứ quán Đức.

Ông Martin Hoppe, Trưởng Phòng Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Đại sứ quán Đức), cho biết, năm 2013, Chính phủ hai nước đã thống nhất rằng năng lượng sẽ là lĩnh vực ưu tiên trong phát triển quan hệ hợp tác song phương. Một năm sau đó, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện dự án gió này. Vào thời điểm mà thị trường điện gió chưa có nhiều phát triển và còn nhiều hoài nghi, đặc biệt trong khối doanh nghiệp tư nhân.

Hiện tại, sau 5 năm triển khai, ngày càng có nhiều những nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đang có ý định đầu tư vào điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam. "Thực sự, dự án đã đóng vai trò quan trọng và là chất xúc tác trong việc thúc đẩy các nhà đầu tư đó vào Việt Nam” - Ông Martin Hoppe khẳng định. 

Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa và có hơn 3.000 km đường bờ biển bao quanh, Việt Nam được ban tặng một nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển điện gió.

Với tiềm năng lý thuyết điện gió trên cả nước ước đạt mức 27 GW, sự phát triển của công nghệ, cũng như sự giảm giá thành trong thời gian gần đây và trong tương lai, và chính sách khuyến khích phát triển điện gió của Chính phủ, Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều các dự án điện gió trên khắp cả nước.

MAI THẮNG 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động