RSS Feed for Câu hỏi khó về mục tiêu 1.000 MW điện gió vào năm 2020 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 10/09/2024 04:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Câu hỏi khó về mục tiêu 1.000 MW điện gió vào năm 2020

 - Trong lúc hàng chục dự án điện gió đăng ký xong rồi “đắp chiếu” do chi phí đầu tư, vận hành cao, giá bán vẫn thấp so với thị trường… liệu rằng trong 6 năm tới có thể hoàn thành mục tiêu tổng công suất điện gió đạt 1.000 MW như đề ra hay không đang là câu hỏi khó.

>> Cần khắc phục những tồn tại để phát triển năng lượng tái tạo
>> Cần 2,1 tỷ USD để đạt 1.000 MW điện gió đến năm 2020
>> Bình Định cấp phép dự án nhà máy điện gió 109 triệu USD
>> Sóc Trăng có 3 vùng quy hoạch phát triển điện gió

NGUYỄN TÂM

“Cứ như thế này chắc chỉ thêm được 250 MW”

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam được xác định là quốc gia có tiềm năng gió lớn nhất so với các nước láng giềng trong khu vực như Lào, Campuchia và Thái Lan. Tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam được ước tính vào khoảng 513.360 MW, cao hơn gấp sáu lần so với tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. WB ước lượng khoảng 8,6% tổng diện tích lãnh thổ Việt Nam có tiềm năng gió phù hợp cho việc triển khai tuabin gió cỡ lớn với tốc độ gió trên 7,0 m/s.

Mục tiêu phát triển điện gió của Việt Nam là đến năm 2020 tổng công suất phải đạt 1.000 MW chiếm 0,7% tổng lượng điện sản xuất và tăng 6 lần vào năm 2030 là 6.200 MW chiếm 2,4% tổng lượng điện sản xuất.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng) cho biết, thời điểm hiện tại, với 3 dự án tổng công suất điện gió của Việt Nam mới đạt 52 MW. Nhưng điều đáng nói, 3 dự án điện gió hiện nay có đặc thù khác nhau về nguồn vốn, một là từ vốn vay thương mại, một là bảo lãnh Chính phủ và một do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đầu tư.

“Chúng ta chỉ còn 6 năm, nghĩa là cần bổ sung thêm gần 950 MW mới đạt mục tiêu, trong khi đó các dự án mang tính thương mại không xuất hiện từ khi có Quyết định 37/2011/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành ngày 26/9/2011. Nếu cứ như thế này thì khả năng đến năm 2020 Việt Nam chỉ có thể tiến thêm khoảng 250 MW ” - ông Cường lo ngại.

Theo ông Cường, tính toán trên là có cơ sở, vì với dự án điện gió ven bờ Công Lý có công suất khoảng 200 MW, cộng với 1-2 dự án có mức hỗ trợ đặc biệt, hoặc bán với mức giá ưu đãi, vận hành theo cơ chế của Quyết định 37 thì công suất cũng chỉ dừng ở mức trên dưới 300 MW.

Ngoài ra, ông Cường cũng cho rằng, giá bán điện hiện nay không phù hợp nếu không xem xét điều chỉnh thì rất khó phát triển điện gió trong tương lai. Dựa theo theo tính toán 3 dự án điện gió đang hoạt động cho thấy, chi phí xây dựng trung bình là 2 triệu USD cho 1 MW điện gió. Chi phí vận hành, bảo dưỡng hằng năm là 35.000 USD cho 1 MW điện gió. Với giá bán hiện nay là 7,8 cent/kWh, tuy cao hơn so với giá điện tới tay người tiêu dùng, nhưng các nhà đầu tư điện gió vẫn lỗ.

Cần sự hỗ trợ ban đầu từ Chính phủ

Đồng tình quan điểm này, ông Werner Kossmann - Cố vấn trưởng Dự án Hỗ trợ Năng lượng tái tạo của Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng, giá mua điện thấp là rào cản lớn nhất làm cho nhiều dự án điện tái tạo không triển khai được, mặc dù Chính phủ đã có cơ chế hỗ trợ.

“Đây là ngành kỹ thuật mới, khi tham nhà đầu tư gặp rất nhiều rủi ro nếu không có mức giá mua ổn định và đủ sức hấp dẫn. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong giai đoạn đầu như hiện nay” - ông Werner Kossmann nói.

Theo vị đại diện GIZ, nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió hơi chậm.

“Dù thế, Quyết định 37 của Chính phủ ban hành năm 2011 phần nào cũng tháo gỡ khó khăn trong phát triển điện gió hiện nay. Hiện nay, GIZ cùng với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đang tham gia nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung  một số nội dung Quyết định này - vị đại diện GIZ cho hay.

Theo đề xuất của nhóm tư vấn GIZ, để giải quyết vấn đề về giá bán điện, thông qua cơ chế giá và mức giá 6,8 cent/kWh từ quỹ môi trường, nên kết hợp vào một mức giá chung và chỉ có một bên chi trả. Với “cơ chế một cửa” sẽ thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư có nguồn thu.

Cùng đó Chính phủ nên hỗ trợ việc thanh toán cho nhà đầu tư, bằng cách đảm bảo các dự án huy động được nguồn vốn vay ngân hàng. Điều này giúp việc tạo hồ sơ vốn dễ dàng hơn, độ tin cậy lớn hơn. Đặc biệt sẽ giúp các chủ đầu tư có thể duy trì được dòng tiền lưu động, giúp tiết kiệm chi phí và khả năng sinh lời cao.

Ngoài hỗ trợ về giá, sự hỗ trợ về kỹ thuật và sự chuẩn bị một nguồn nhân lực đủ năng lực quản lý, vận hành. Những điều này phải được tính đến và tiến hành cùng lúc. Trong giai đoạn đầu như hiện nay, các thiết bị và công nghệ phải nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng về lâu dài Việt Nam nên nghiên cứu phát triển công nghệ nội địa. Đây cũng là cơ sở để khuyến khích phát triển lĩnh vực điện gió cũng như năng lượng tái tạo nói chung.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động