RSS Feed for Cập nhật tình hình hoạt động của EVN [kỳ 2]: Thách thức trong đầu tư các dự án trọng điểm | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 11/12/2024 17:58
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cập nhật tình hình hoạt động của EVN [kỳ 2]: Thách thức trong đầu tư các dự án trọng điểm

 - Tiếp theo tổng quan hiện trạng hệ thống nguồn điện Việt Nam, trong kỳ này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp thông tin về tình hình đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, nêu một số thách thức, vướng mắc chính trong đầu tư xây dựng hiện nay của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cập nhật tình hình hoạt động của EVN [kỳ 1]: Hiện trạng hệ thống nguồn điện Việt Nam Cập nhật tình hình hoạt động của EVN [kỳ 1]: Hiện trạng hệ thống nguồn điện Việt Nam

Qua đánh giá bối cảnh phát triển dự án theo Quy hoạch điện VIII của EVN được chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật trong chuyên đề này cho thấy những thách thức trong đầu tư các dự án nguồn điện, vấn đề nhiên liệu, cung ứng điện trong bối cảnh tích hợp điện gió, mặt trời vào hệ thống với tỷ lệ cao. Do đó, EVN mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, triển khai các nhóm giải pháp chính sách, nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...

KỲ 2: TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM DO EVN LÀM CHỦ ĐẦU TƯ VÀ NHỮNG THÁCH THỨC

Tình hình đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm:

Trong giai đoạn 2016-2020, EVN và các đơn vị thành viên đã hoàn thành đưa vào vận hành các nguồn điện với tổng công suất là 6.212 MW, gồm 19 tổ máy thuộc 11 dự án nguồn điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) với tổng công suất 5.908 MW, bằng 96,83% so với kế hoạch 5 năm (2026-2020) đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, dự án Nhà máy Thủy điện Lai Châu đã hoàn thành vượt trước 1 năm so với tiến độ được duyệt.

Đối với các công trình lưới điện, EVN và các đơn vị đã hoàn thành 1.113 dự án lưới điện 110-500 kV với quy mô thực hiện lưới điện 500-220 kV là 5.345 km đường dây và 55.060 MVA trạm biến áp; lưới điện 110 kV là 6.396 km đường dây và 30.805 MVA trạm biến áp. Đã đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng để nâng cao năng lực hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối đảm bảo yêu cầu đấu nối, giải tỏa công suất các nguồn điện, cũng như đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Hiện nay, EVN đang gấp rút triển khai đầu tư các dự án trọng điểm để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng trưởng hàng năm. Tình hình triển khai các dự án như sau:

Về đầu tư các dự án nguồn điện:

1. Đang khẩn trương triển khai để đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Ialy (mở rộng) theo kế hoạch. Hiện đã hoàn thành lắp đặt stator và rotor của tổ máy 2 (sớm hơn 2 tuần). Tính đến tháng 8/2024 đã lắp đặt thiết bị điện đạt 73%, dự kiến hoàn thành phát điện cả 2 tổ máy vào cuối năm 2024.

2. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (mở rộng), hiện tại tiến độ một số hạng mục đạt và vượt kế hoạch điều chỉnh, phấn đấu hoàn thành công trình năm 2025.

3. Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, tính đến cuối tháng 8/2024, tiến độ xây dựng tổng thể đạt khoảng 68,35%, dự kiến công trình hoàn thành phát điện thương mại năm 2026.

Cùng với đó là tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục đầu tư các dự án nguồn điện (hoàn thiện thủ tục đầu tư, thu xếp vốn cho các dự án):

1. Nhà máy Thủy điện Trị An (mở rộng), đang rà soát thẩm tra, thẩm định TKKT và phương án huy động vốn, kế hoạch khởi công cuối năm 2024.

2. Nhà máy Thủy điện Tích năng Bác Ái, đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu và bồi thường giải phóng mặt bằng, đàm phán các điều kiện vay vốn với các bên cho vay để khởi công dự án cuối năm 2024.

3. Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 2 (chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG), quy mô công suất 1.500 MW đã được UBND tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư vào đầu tháng 9/2024.

4. Nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất 1 và 2 tiếp tục các công tác chuẩn bị dự án nhằm triển khai được ngay sau khi rõ ràng về tiến độ mỏ khí Cá Voi Xanh...

Về đầu tư lưới điện:

1. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng 5 dự án của tuyến đường dây 500 kV mạch 3 (từ Quảng Trạch đến Phố Nối) với tổng chiều dài 519 km, nhằm nâng cao năng lực kết nối lưới điện truyền tải liên miền Bắc - Trung - Nam, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc và hỗ trợ vận hành tối ưu các nguồn điện trong hệ thống. Đã hoàn thành đóng điện toàn tuyến trước 2/9/2024 - trở thành công trình có tiến độ kỷ lục của ngành điện.

2. Tập trung đầu tư các dự án lưới điện trọng điểm đấu nối, giải tỏa công suất các nguồn điện, bao gồm:

- Lưới điện 500 kV và 220 kV đồng bộ Nhiệt điện LNG Nhơn Trạch 3 và 4. Kế hoạch tiến độ đường dây 500 kV đấu nối Nhơn Trạch 4 trong cuối năm 2024 và các đường dây 220 kV đấu nối Nhơn Trạch 3 trong năm 2025.

- Các công trình giải tỏa thủy điện Tây Bắc (500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên) đang chậm và lùi tiến độ do thủ tục chủ trương đầu tư.

- Đường dây 220 kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Nghĩa Lộ - Việt Trì và Trạm 220 kV Nghĩa Lộ đang bị chậm tiến độ do các thủ tục bồi thường GPMB và điều chỉnh tuyến (chậm tiến độ sang năm 2025).

3. Tập trung đầu tư lưới điện tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, nhất là các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối khu vực Quảng Nam và Nghệ An (220 kV Trạm cắt 220 kV Đak Ooc và đấu nối). Nhưng các dự án này hiện đang chậm tiến độ, do chậm thủ tục về đường tạm thi công qua đất rừng. Đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ cũng không đạt tiến độ do chậm thủ tục về đất rừng. Còn với đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống, hiện đang vướng hành lang kéo dây cho một số khoảng néo, cần hoàn thành trong năm 2024.

4. Các công trình lưới điện 500 kV, 220 kV, 110 kV đảm bảo cung cấp điện các phụ tải, đặc biệt là các đường dây trục, các phụ tải lớn, quan trọng và dự án cấp điện Côn Đảo theo Quy hoạch điện VIII. Các dự án này đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo kế hoạch, nhưng còn nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB và chuyển đổi sử dụng đất rừng, đất quốc phòng.

Một số khó khăn, vướng mắc chính trong đầu tư xây dựng:

1. Về công tác quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch:

Phương án phát triển mạng lưới cấp điện tại các quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt còn một số sai khác, tồn tại ảnh hưởng khó khăn đến quá trình thỏa thuận vị trí trạm biến áp, hướng tuyến đường dây, cũng như việc thẩm định hồ sơ thiết kế các dự án của đơn vị đang triển khai thực tế. EVN và các đơn vị (đầu mối là các tổng công ty điện lực) đang tích cực rà soát quy hoạch tỉnh (phương án phát triển mạng lưới cấp điện) để có ý kiến góp ý gửi UBND các tỉnh cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Trong đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã có các văn bản gửi UBND các tỉnh về việc chỉnh lý hồ sơ và lập kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (các tỉnh Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Cà Mau, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Bến Tre).

Đây là một trở ngại lớn sẽ làm chậm tiến độ hàng loạt các dự án lưới điện ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, có thể dẫn đến nguy cơ không đảm bảo cung cấp điện cho các địa phương.

Để góp phần giải quyết căn cư vấn đề này, cần xem xét bổ sung trong Luật Điện lực nội dung Quy hoạch điện lực tỉnh và bổ sung trong Luật Quy hoạch danh mục Quy hoạch điện lực tỉnh (Quy hoạch điện lực tỉnh sẽ tích hợp vào Quy hoạch chung của Tỉnh), hoặc là trong Luật Điện lực bổ sung một điều, khoản riêng và cụ thể về “quy định nội dung phương án phát triển mạng lưới cấp điện”, được xác định nội dung, dự toán riêng để lập, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.

2. Về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư:

Trong thời gian vừa qua, một số địa phương đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án lưới điện theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương chưa thống nhất áp dụng các quy định pháp luật để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án lưới điện do EVN và các đơn vị đề xuất.

Ngày 23/7/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 5808/BKHĐT-KTCNDV hướng dẫn về việc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án lưới điện của EVN.

Để giải quyết căn cơ thống nhất vấn đề này, cần đưa vào văn bản quy phạm pháp luật (Luật Điện lực, hoặc Nghị định của Chính phủ) nội dung quy định các dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục trong Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập). Trong đó, các dự án điện của EVN là loại dự án thuộc trường hợp “được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”.

3. Các vấn đề về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây là một khó khăn, trở ngại lớn, ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, nhất là các dự án dạng tuyến. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của chủ đầu tư, mà phụ thuộc lớn vào chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền ở địa phương và sự ủng hộ của người dân bị tác động để thực hiện theo các chính sách hiện hành.

Ngoài ra, với công trình dạng tuyến, cần bổ sung quy định nội dung phối hợp các thủ tục về bồi thường mặt bằng và thực hiện xây dựng.

4. Về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (theo điều 25, 26 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP): Với quy định việc ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án, sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng tiền, tình hình tài chính và thực hiện đầu tư xây dựng của các đơn vị. Một trong những mục tiêu của việc ký quỹ và bảo lãnh thực hiện dự án là nhằm hướng tới các chủ đầu tư phải đảm bảo năng lực trách nhiệm thực hiện, đảm bảo tiến độ dự án, không trở thành dự án đầu tư “treo”.

Trong trường hợp các dự án của EVN thực hiện đầu tư xây dựng đều nằm trong danh mục Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiệm vụ xây dựng các dự án đều nhằm mục tiêu đảm bảo cung cấp điện cho các địa phương, phục vụ cho kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia; nhiều dự án, các cơ quan có thẩm quyền thuộc Chính phủ còn phải hỗ trợ EVN đàm phán vay vốn của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, thì đây là một khó khăn lớn đối với EVN, cũng như các đơn vị. Vì vậy, cần có các quy định hướng dẫn cụ thể của cấp thẩm quyền để giảm khó khăn tài chính, tránh các hệ lụy về thực hiện đầu tư dự án hạ tầng năng lượng của nhà nước.

Kỳ tới: Vấn đề nhiên liệu (than, khí) cho các nhà máy nhiệt điện của EVN

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động