Cần đẩy nhanh tiến độ khoan thăm dò tài nguyên trong ngành công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
14:39 | 14/04/2012
Với sản lượng than và khoáng sản khác ngày càng tăng, trong khi khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, các mỏ ngày càng cần mở rộng và xuống sâu, việc khoan thăm dò bổ sung cho các dự án mới cũng như mở rộng các mỏ đã trở thành chủ đề nóng tại nhiều hội nghị. Trên thực tế, nhiều phương án thăm dò bổ sung nâng cấp tài nguyên đã cho hiệu quả thiết thực, nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra.
Nhiều phương án thăm dò bổ sung, nâng cấp tài nguyên
Những năm gần đây, Vinacomin đã đẩy mạnh khoan thăm dò bổ sung để đảm bảo yêu cầu nâng cấp tài nguyên phục vụ các dự án đầu tư, cải tạo, mở rộng, nâng công suất các mỏ hiện có và đầu tư xây dựng các mỏ mới.
Khối lượng thăm dò bổ sung nhằm mục tiêu nâng cấp tài nguyên, trữ lượng từ 333 lên 222 và một phần cấp 334a lên 333 đã hoàn thành cho các dự án như: Dự án khai thác mỏ Mạo Khê dưới mức -150, thuộc Công ty Than Mạo Khê - Vinacomin; Dự án khai thác hầm lò mỏ Khánh Hòa thuộc Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc - Vinacomin; Dự án khai thác hầm lò mỏ Núi Béo thuộc Công ty Cổ phần than Núi Béo - Vinacomin; Dự án khai thác hầm lò mỏ Tràng bạch mức +30/-150; Dự án khai thác mỏ Ngã Hai dưới mức -50, thuộc Công ty Than Quang Hanh - Vinacomin; Dự án khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm II-IV thuộc Công ty Than Hạ Long - Vinacomin ...
Nhiều dự án qua thăm dò đã cho hiệu quả thiết thực, giúp Vinacomin có phương án mới trong chỉ đạo điều hành.
Tại Dự án khai thác hầm lò mỏ Khánh Hòa, theo báo cáo địa chất trước đây đánh giá một số tuyến không có vỉa than, kết quả thi công khoan thăm dò bổ sung đã xác định chiều sâu tồn tại của vỉa than đến -1.100m. Theo tính toán, tài nguyên tăng thêm hơn 100 triệu tấn.
Mỏ Hồ Thiên thuộc Tổng công ty Đông Bắc, kết quả thi công các lỗ khoan trong năm 2011 đã xác định về cấu trúc các vỉa than tại mỏ Hồ Thiên có sự thay đổi tương đối lớn (chìm sâu hơn so với dự kiến khoảng 200 m) làm cơ sở cho Tổng Công ty Đông Bắc điều chỉnh dự án khai thác phù hợp.
Khu Núi Khánh Tây Ngã Hai, công tác thăm dò địa chất trước đây mới dừng ở giai đoạn tìm kiếm, mạng lưới còn rất thưa, dưới mức -100 mét hầu như không có công trình nào khống chế. Tại khu vực này, chưa tổ chức khai thác. Kết quả thi công một số lỗ khoan đã xác định khu vực Núi Khánh có triển vọng tài nguyên bao gồm các vỉa từ V10 đến V.14, khu Tây Ngã Hai có các vỉa từ V.13 đến V.19, cần tiến hành thăm dò nâng cấp tài nguyên để phục vụ lập dự án đầu tư khai thác mỏ đến -300m.
Tuy nhiên, mức độ tin cậy về tài nguyên trữ lượng hiện vẫn ở mức thấp, tổng trữ lượng và tài nguyên từ lộ vỉa đến -300m là 52 triệu tấn. Thăm dò bổ sung khu Bắc Bàng Danh thuộc Công ty Cổ phần Than Hà Tu cũng cho kết quả rất tốt, phát hiện thêm khoảng 10 triệu tấn than, góp phần ổn định sản xuất của Công ty Cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin thêm nhiều năm nữa.
Đối với các loại khoáng sản khác, đặc biệt là Tổng Công ty Khoáng sản, kết quả thăm dò thời gian qua đã tháo gỡ được khó khăn về tài nguyên và triển khai đầu tư xây dựng được một số mỏ mới và thiết kế khai thác mở rộng các khoáng sản trọng tâm như đồng, chì, kẽm, thiếc, titan. Các dự án ở Lào, Campuchia đã khẳng định được những khu vực không có triển vọng để đóng Dự án; những khu vực có triển vọng tiếp tục các dự án đầu tư khai thác, chế biến sâu…
Nguyên nhân nào dẫn đến chậm tiến độ công tác khoan thăm dò?
Riêng đối với than, theo kế hoạch đề ra, năm 2011, Vinacomin dự kiến khoan 242 nghìn mét khoan. Trong đó, khối lượng tự khoan là 182 nghìn mét; khối lượng dự kiến đấu thầu gần 60 nghìn mét. Tuy nhiên kết thúc năm, Vinacomin chỉ thực hiện đạt 208 nghìn mét và chủ yếu nằm trong kế hoạch tự khoan của các đơn vị. Việc đề ra kế hoạch đấu thầu 60 nghìn mét khoan không thực hiện được, chỉ thực hiện được 2 nghìn mét, bằng 3,4% kế hoạch.
Đối với khoáng sản khác, công tác đấu thầu còn khó khăn hơn. Trong tổng số 43 ngàn mét khoan thăm dò bổ sung các loại khoáng sản khác nhau trong năm 2011, Vinacomin lên kế hoạch đấu thầu khoan 16 ngàn mét. Tuy nhiên, toàn bộ 16 ngàn mét khoan này đã không được thực hiện, phải chuyển sang năm 2012. Số còn lại (27 nghìn mét) công tác tự khoan cũng chỉ đạt 98% kế hoạch.
Việc không hoàn thành kế hoạch khoan thăm dò năm 2011 có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân công tác đấu thầu không thành công. Về vấn đề này, trong năm 2011, Vinacomin đã tổ chức đấu thầu thi công một phần khối lượng thăm dò bổ sung trên. Ngay từ khi Hội đồng thành viên có Quyết định phê duyệt Kế hoạch thăm dò bổ sung năm 2011, Ban Tài nguyên đã cùng với Ban Đầu tư hướng dẫn các đơn vị làm các thủ tục đấu thầu.
Do công tác đấu thầu trong thăm dò khoáng sản là mới, nên các đơn vị còn lúng túng, công tác chuẩn bị thủ tục đấu thầu mất rất nhiều thời gian. Thời gian còn lại trong năm để thi công khối lượng đấu thầu rất ít. Đây là nguyên nhân chính làm cho mét khoan trong kế hoạch đấu thầu không đạt, đồng thời dẫn đến kế hoạch khoan cả năm của Vinacomin không hoàn thành.
Đối với khối lượng mét khoan thăm dò do các đơn vị thăm dò địa chất của Vinacomin trực tiếp thi công, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng cũng chỉ đạt 98% kế hoạch. Công tác khoan thăm dò cũng gặp phải nhiều khó khăn.
Một là, khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ thi công, đặc biệt là các Phương án có công trình nằm trong diện tích rừng của Dự án Việt - Đức, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng của dân. Các phương án thăm dò bổ sung mỏ Đồng Vông, Mỏ Đông Tràng Bạch, Mỏ Nam Mẫu, Mỏ Vàng Danh… đều mắc phải tình trạng này.
Hai là, muốn mở rộng đầu tư khai thác mỏ, mở mỏ mới thì phải đầu tư thăm dò khoan qua chiều sâu được cấp phép khai thác và ngoài diện tích cấp phép khai thác nhưng vẫn nằm trong ranh giới QĐ 481 thì phải xin cấp phép thăm dò. Vấn đề này Vinacomin đã triển khai lập các Đề án trình Bộ TN&MT để xin cấp phép, ngày 9/1/2012 Thủ tướng Chính phủ mới có Chỉ thị số 02 CT-TTG v/v: “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản”, theo đó tiếp tục cấp phép thăm dò, khai thác than.
Năm 2011, tỉnh Quảng Ninh, Tổng cục Địa chất đã kiểm tra và xử phạt hành chính Công ty Than Uông Bí, Công ty Than Hòn Gai… do khoan sâu hơn chiều sâu cấp phép khai thác.
Thứ ba, một số phương án thi công nằm trong diện tích đang sản xuất của nhiều đơn vị, cũng làm cho các đơn vị thi công gặp khó khăn, phải điều chỉnh lịch thi công các lỗ khoan, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công như việc thi công khoan thăm dò Mỏ than Khe Chàm II-IV tại mặt bằng Công ty Than Cao Sơn, mỏ Cọc Sáu, Bắc Bàng Danh - Hà Tu, mỏ Núi Béo…
Làm gì để đẩy nhanh tiến độ khoan thăm dò?
Năm 2012, Vinacomin đề ra kế hoạch khoan thăm dò 360 nghìn mét, tương đương chiều dài đường bộ từ Hà Nội đi Hà Tĩnh. Trong đó, riêng thăm dò bổ sung nâng cấp tài nguyên than, phục vụ các lò chợ cơ giới hoá đồng bộ… là 318 nghìn mét. Còn lại 42 nghìn mét khoan thăm dò bổ sung các loại khoáng sản khác.
Đây là một khối lượng lớn đòi hỏi nỗ lực cao của các chủ đầu tư, các đơn vị thi công, đơn vị tư vấn mới có thể hoàn thành. Vinacomin chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, các đơn vị thi công, đơn vị tư vấn, phối hợp chặt chẽ trong điều hành thi công. Mặt khác, ngoài việc nâng cao hiệu quả của các đơn vị khoan thăm dò, công tác lập Đề án, phối hợp với các cơ quan Nhà nước trong việc cấp phép, giải phóng mặt bằng… cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Đó là thăm dò bổ sung nâng cấp tài nguyên, trữ lượng, phát hiện thêm nhiều tài nguyên để xây dựng nhiều dự án mỏ mới cũng như cải tạo mở rộng các mỏ hiện tại, đáp ứng yêu cầu gia tăng sản lượng than - khoáng sản trong những năm tới.
Hùng Hải
(Nguồn: Vinacomin)