RSS Feed for Các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất than | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 12:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất than

 - Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, đồng thời nhận thức rõ được vai trò quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng, các đơn vị sản xuất trong Tập đoàn đã triển khai hàng loạt các giải pháp tổ chức, cũng như đầu tư các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Dưới đây là một số giải pháp được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Hệ thống thiết bị băng tải, máng cào trong lò sử dụng khởi động mềm tiết kiệm điện năng 2,5%

Giảm các tổn hao kỹ thuật trong khâu phân phối và cung cấp điện năng: Đưa điện áp truyền tải cao đến gần hơn các cực phụ tải, thiết kế và đưa vào áp dụng vận hành các thiết bị trong TBA thế hệ mới có tổn hao năng lượng ít hơn; áp dụng rộng rãi thiết bị tự động điều chỉnh điện áp dưới tải, các biến áp tự chỉnh áp, phương tiện điều chỉnh điện áp tại chỗ để đảm bảo chất lượng điện áp cũng như giảm tổn thất điện năng, áp dụng rộng rãi tổ hợp thiết bị tự động và điều khiển từ xa cho các TBA, sử dụng các thiết bị đóng cắt thế hệ mới.

Hạn chế vận hành các trạm bơm nước vào giờ cao điểm, ưu tiên vận hành bơm nước vào giờ thấp điểm, ưu tiên vận hành bơm nước vào giờ thấp điểm. Thực hiện nâng cấp điện áp từ 380V lên 660V đối với các thiết bị khu vực sản xuất hầm lò. 

Nâng cao hệ số công suất: Chọn đúng công suất và kiểu động cơ phù hợp với chế độ làm việc của thiết bị. Đối với các thiết bị có công suất động cơ lớn trên 100 kW (quạt gió, trạm bơm, tời trục…), biện pháp hợp lý và kinh tế là sử dụng các động cơ đồng bộ và cố gắng dùng các động cơ có cấp điện áp cao hơn.

Thay động cơ không đồng bộ có tải thấp bằng động cơ có công suất bé hơn. Khi có các động cơ không đồng bộ thường xuyên mang tải chưa đủ thì có biện pháp tăng tải bằng cách hợp lý hóa trong quá trình sản xuất.

Nâng cao chất lượng sửa chữa các thiết bị điện, đặc biệt chú ý đến chất lượng sửa chữa các động cơ không đồng bộ - phụ tải chủ yếu của mỏ. Sử dụng các bộ tụ bù nâng hệ số công suất.

Tổ chức sản xuất để sử dụng hợp lý năng suất thiết bị vận tải như: băng tải, máng cào nhằm giảm thiểu thời gian chạy không tải của các thiết bị này.

Sử dụng các thiết bị chiếu sáng hợp lý: Các mỏ đã thay thế các bóng đèn sợi đốt có hiệu suất thấp bằng các bóng đèn compact hiệu suất chiếu sáng cao.

Lắp đặt các tủ đóng cắt tự động hệ thống chiếu sáng, tự động điều chỉnh độ sáng tiết kiệm điện. Ngoài ra, mở các cửa sổ các ô thoáng, tiến hành cải tạo, thay thế các vách ngăn che tường, mái ở các xưởng sản xuất bằng nhựa trong suốt để lấy ánh sáng tự nhiên, cải thiện môi trường làm việc và tiết kiệm chi phí.

Lắp đặt các thiết bị truyền động điện tiết kiệm: Gần như tất cả các đơn vị sản xuất than đều đầu tư lắp đặt biến tần cho các động cơ điện, điển hình là  các đơn vị như: Công ty CP than Hà Lầm, Vàng Danh, Cọc Sáu, Công ty tuyển than Cửa Ông, Công ty tuyển than Hòn Gai là các đơn vị có những dự án đầu tư lắp đặt biến tần, khởi động mềm với quy mô lớn.

Hiện nay, toàn khối sản xuất than đã có 355 bộ biến tấn, với tổng công suất lắp là 20.263kW, và 233 bộ khởi động mềm, với công suất lắp là 26.049 kW. Trong đó, phần lớn các thiết bị có công suất lớn như bơm moong lộ thiên, quạt gió chính và bơm thoát nước trong hầm lò đã được lắp khởi động mềm trung thế ngoài mặt bằng và khởi động mềm trung thế phòng nổ như Công ty than Quang Hanh, Mông Dương, Mạo Khê…

Lắp đặt các thiết bị giám sát quản lý cung độ vận chuyển của các thiết bị vận tải, thiết bị giám sát quản lý tự động cấp phát nhiên liệu tại các điểm cấp phát. Điển hình như Công ty Vật tư vận tải xếp dỡ đã triển khai áp dụng. Kết quả cho thấy nhiên liệu tiêu thụ giảm, năng suất vận tải nâng lên, ý thức công nhân vận tải, cấp phát nhiên liệu nâng lên, giảm tiêu cực và thất thoát nhiên liệu. Ngoài ra một số mỏ cũng đã áp dụng đưa GPS quản lý cung độ vận tải than và đất đá. 

Lắp đặt hệ thống giám sát quản lý điện năng tại các đơn vị sản xuất than, thực hiện triển khai theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và Vinacomin là xây dựng mô hình mẫu về quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Đã thiết kế xây dựng hệ thống giám sát quản lý điện năng cho mỏ than hầm lò và đã triển khai lắp đặt tại Công ty CP than Hà Lầm với tổng mức đầu tư khoảng 7 tỉ đồng. Hệ thống có khả năng theo dõi, giám sát nguồn điện và tải của hệ thống cung cấp điện, phát hiện chuẩn đoán sớm giúp thủ tiêu kịp thời tình trạng tiêu thụ điện bất hợp lý và các nguyên nhân gây sự cố trong hệ thống, hỗ trợ tối đa trong quản lý đưa ra các biện pháp khắc phục hợp lý.

Giám sát các thông số đo lường: U, I, Cos, P, Q, S, kWh, giờ chạy của thiết bị. Các giao diện của phần mềm giám sát bao gồm: giám sát, cảnh báo, phân tích, tạo bảng giá, xuất hoá đơn, gửi thư điện tử và theo dõi thông qua trang Web trên internet có thể truy cập theo dõi ở bất kỳ đâu.

Hệ thống giám sát quản lý đến cụm thiết bị, từng thiết bị tiêu thụ điện cụ thể của từng phân xưởng, qua đó can thiệp kịp thời khi có thấy tình trạng tiêu thụ điện của thiết bị đó bất thường, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân bất thường đó (chế độ bảo dưỡng thiết bị chưa hợp lý, ma sát, rò rỉ hơi nhiệt...).

Lưu lại sự cố trên bộ nhớ thiết bị, tự động báo cáo công suất tiêu thụ hàng tháng tại trung tâm hoặc tại trạm tổng dưới dạng đồ thị, biểu đồ, bảng biểu, các con số.

Theo: Vinacomin

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động