RSS Feed for Anh chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 01:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Anh chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam

 - Ngày 12/3, tại Hà Nội, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Bộ Thương mại Quốc tế, Hội đồng Công nghiệp Năng lượng, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Phát triển năng lượng tái tạo hướng đến giảm thiểu các bon tại Việt Nam". Hội thảo đã cung cấp những thông tin chuyên sâu về những cơ hội, cũng như thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải trong quá trình chuyển đổi ngành năng lượng, hướng tới giảm thiểu các bon thấp tại Việt Nam.

"Địa tô" của bức xạ và chính sách giá điện mặt trời ở Việt Nam
Phát triển điện gió, mặt trời ở Việt Nam: Nhìn từ công tác quy hoạch

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - Gareth Ward.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - Gareth Ward khẳng định việc cam kết cùng ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới một nền kinh tế sạch hơn, ít phát thải các bon và hỗ trợ các quốc gia cùng phát triển.

Theo ông Gareth Ward, nước Anh đã thực hiện cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu được 20 năm, và bắt đầu đã có những thành quả nhất định.

Ông Gareth Ward cho biết: Hiện nay, nước Anh đã trở thành nước dẫn đầu trên thế giới về công suất điện gió ngoài khơi, 2 GW đã được lắp đặt trong năm 2018 và hướng tới mục tiêu 30 GW vào năm 2030.

Điện gió hiện chiếm khoảng 10% năng lượng của nước Anh, và do vậy, trong lĩnh vực điện gió, nước Anh là nước đi đầu thế giới. Năm 2012, nước Anh phải dựa vào nhiệt điện than là 40%, thì hiện nay, con số này là 6%. Tức là sau 7 năm, nước Anh đã giảm sự phục thuộc vào than cho sản xuất điện từ 40% xuống còn 6%. Ngoài ra, nước Anh còn là một quốc gia đứng đầu trên thế giới về cơ chế tài chính xanh.

Theo ông Gareth Ward, nước Anh có chuyên môn trong việc nghiên cứu phát triển, giảm chi phí về công nghệ liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, cũng như những hiểu biết nhất định và kinh nghiệm về chính sách.

Việt Nam có nhu cầu về điện năng rất lớn, tăng trưởng khoảng 12-13%/năm, việc tiết kiệm điện cũng là một giải pháp, tuy nhiên nhu cầu lớn thì Việt Nam cũng cần phát triển thêm năng lực điện.

Để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, Việt Nam cần củng cố các khung pháp lý, chính sách để giúp cho các dự án này khả thi, vì chủ yếu các nguồn tiền cho các dự án là của tư nhân…

Nước Anh cam kết hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển để cung cấp vốn, chuyển đổi về năng lượng và tiếp tục hỗ trợ thông qua các cơ chế tài chính hỗn hợp, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo. "Chúng tôi cũng muốn tham gia thảo luận về những chính sách, đặc biệt liên quan đến các cơ chế tài chính xanh, giúp đẩy nhanh các dự án" - Ông  Gareth Ward nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: Hội nghị lần thứ 32 Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) vào tháng 9/2014 đã vạch ra Kế hoạch hành động mới về Hợp tác năng lượng cho khu vực giai đoạn 2016 - 2025, với mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cán cân năng lượng ASEAN lên 23%, vào năm 2025, giảm cường độ sử dụng năng lượng 20% vào năm 2020 và 30% vào năm 2030 so với năm 2005. Các mục tiêu cụ thể đã trở thành nền tảng cho quá trình chuyển đổi năng lượng của các nước ASEAN.

Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội ấn tượng (6 - 7% mỗi năm). Nhưng cùng với đó, nhu cầu điện năng đã tăng trên 13% cho giai đoạn 2000 - 2010 và trên 11% cho giai đoạn 2011 - 2016 (năm 2018 vừa qua là trên 10%).

Dựa trên các thống kê, trước đây, nhu cầu điện năng của Việt Nam thường tăng gấp 1,8 - 2,0 lần tốc độ tăng trưởng GDP (gần đây hệ số này đã có hướng giảm đi cho thấy một xu thế tích cực) và nhu cầu điện năng tăng cao liên tục nhiều năm, như vậy tạo ra những sức ép lớn về đầu tư cho năng lực phát điện, truyền tải, phân phối của điện của quốc gia.

Theo ông Hưng, từ nay cho đến năm 2030, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao (từ 6,5% - 7,5%/ năm), và như vậy, ưu tiên cao phải được dành cho đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước một cách bền vững.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW năm 2030 so với 47.000 MW hiện nay. Như vậy, khoảng 83.000 MW nguồn điện mới sẽ cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030 và cùng với đó là cơ sở hạ tầng truyền tải, phân phối.

"Trong bối cảnh đó, một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống, nhằm bảo vệ môi trường, đa dạng hóa nguồn cung cấp, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam và các nước trong khu vực" - Ông Hưng nhấn mạnh.

Với vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp mạnh, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như: thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học… Các nghiên cứu đánh giá tiềm năm năng lượng tái tạo cho thấy, đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ; 20.000 MW điện gió; 3.000 MW điện sinh khối; 35.000 MW điện mặt trời…

 Hội thảo "Phát triển năng lượng tái tạo hướng đến giảm thiểu các bon tại Việt Nam".

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015 - 2030, xét đến 2050 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và đạt 452 tỷ kWh năm 2050. Về mặt tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050.

Để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển nêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như: Feed-in-Tariff cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối… Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư, như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu…

Với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, chúng ta đang chứng kiến một "làn sóng" đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2018, đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ, với công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió, với tổng công suất khoảng 212 MW.

Về điện mặt trời, đến cuối năm 2018, có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được bổ sung vào quy hoạch, khoảng hơn 100 dự án đã ký PPA, 2 dự án đi vào vận hành, với tổng công suất khoảng 86 MW. Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thủy điện vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức như: chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện còn thấp, cơ sở hạ tầng lưới diện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là đối với các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên… trong thời gian tới, sẽ cần có một chương trình để giải quyết các bất cập này.

Tiếp đó, hội thảo đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh và quốc tế trong lĩnh vực phát triển năng lượng các bon thấp, cũng như phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Trao đổi các giải pháp, khả năng hợp tác với Vương quốc Anh trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo, khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế và Anh quốc cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

MAI THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động