RSS Feed for 20 cột mốc "đầu tiên" của ngành Than Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 11:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

20 cột mốc "đầu tiên" của ngành Than Việt Nam

 - Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi và anh Phạm Viết Muôn (khi đó cùng làm việc tại Vụ Kế hoạch của Bộ Điện và Than) vào dịp này hàng năm thường được Bộ "nhờ" viết xã luận cho báo Nhân Dân số ra ngày 12/11 ("Ngày vùng mỏ bất khuất"). Nay, xin ghi lại 20 cột mốc chính của ngành Than Việt Nam để mọi người cùng bình luận...

1. Mỏ than đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện từ thời đại Minh Mệnh (1820-1840) ở vùng Mạo Khê - Đông Triều do các thương nhân Trung Quốc và quan lại thổ tù người Việt đứng ra trưng khai với triều đình.

2. Việc quản lý nhà nước đầu tiên được triển khai trong ngành Than theo cơ chế "tô nhượng" (*) từ tháng 12 năm 1839, khi Tổng đốc Hải An (nay là Quảng Ninh) là Tôn Thất Bật dâng sớ lên Vua Minh Mệnh xin thuê người lập mỏ, khai thác than ở núi Yên Lãng (nay là Yên Thọ).

3. Tài liệu khoa học kỹ thuật đầu tiên được phổ biến ở Việt Nam vào năm 1851, và bộ tài liệu "Khai mộc yếu pháp" (các phương pháp chủ yếu về khai thác mỏ) từ năm thứ tư triều Tự Đức được nhà vua cho dịch từ tiếng Pháp.

4. Việc mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đã được áp dụng ở vùng than từ năm 1874. Khi đó triều đình nhà Nguyễn ký Thỏa ước với Pháp để mở cửa cảng Hòn Gai và lập liên doanh Thương chính Pháp - Việt tại Hòn Gai để các tàu thuyền từ Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức… cập cảng bán hàng hóa cho dân Việt Nam, và mua than, lâm thổ sản quý hiếm của Việt Nam.

5. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam là Mỏ than Đàm Khê (Đông Triều) do Bodie (tư bản Pháp) xin cấp phép. Sau đó, một tư bản Đức là Lyry cũng được cấp phép khai thác than ở Mạo Khê.

6. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) đầu tiên được áp dụng trong ngành mỏ từ năm 1881. Khi đó, triều đình nhà Nguyễn phê chuẩn cho các nhà địa chất Pháp được phép tiến hành thăm dò khảo sát địa chất trên khắp lãnh thổ Bắc Kỳ.

7. Việc đầu thầu khai thác than lần đầu tiên được áp dụng cho người nước ngoài từ ngày 26/8/1884 tại Kinh đô Huế. Khi đó, Phạm Thận Duật, Thương thư Ngân khố Hoàng gia, được ủy quyền của vua An Nam, với sự chứng kiến của các nhân vật quan trọng của Triều đình và ông Bavier Chauffor, ngụ ở số nhà 70 phố Charles Laffite-Paris, đã cùng thỏa thuận: "Triều đình An Nam đang là chủ nhân của khu mỏ Hồng Gai - thuộc tỉnh Quảng Yên trong vịnh Hạ Long. Khu mỏ dài khoảng 10km, rộng khoảng 8km thuộc khu vực kinh tuyến 107o37-107o43 và vĩ tuyến 20o57-21o02, đồng ý bán cho ngài Bavier Chauffor với tất cả cây cối, sông ngòi, bãi biển, các mỏ và tất cả những gì có mặt trên mặt và trong lòng đất. Ông Bavier Chauffor phải trả cho Triều đình An Nam 40 ngàn quan Mễ Tây Cơ".

Hợp đồng này đã được Rheinard - công sứ Pháp tại Huế ký và đóng dấu xác nhận ngày 27/8/1884.

8. Doanh nghiệp khai thác than đầu tiên được thành lập ngày 24/4/1888. Đó là Công ty Than Bắc Kỳ SFCT (Société francaise des charbonnages du Tonkin) được giao quản lý toàn bộ khu mỏ Quảng Ninh từ Bãi Cháy tới Mông Dương, với tổng diện tích 21.932 hecta, bao gồm toàn bộ các mỏ lộ thiên, hầm lò, 2 bến cảng, một nhà máy điện có công suất 1000 kW, 2 nhà máy cơ khí và nhiều xưởng cơ khí nhỏ.

9. Sự nghiệp công nghiệp hóa lần đầu tiên ở Việt Nam được triển khai bằng các thiết bị khai thác chủ yếu và đáng kể nhất của Công ty Than Bắc Kỳ khi đó gồm: máy xúc Marion 4,6m3, máy xúc Lima 0,65m3, ô tô chở than Berlier tải trọng 4 tấn, máy khoan đập cáp, xe goòng 0,8m3 đẩy tay trên đường ray 700mm, xà beng, cuốc xẻng, búa tạ cầm tay.

10. Trong 72 năm (1884 đến 1955), người Pháp đã khai thác hơn 50 triệu tấn than ở vùng mỏ Quảng Ninh. Sản lượng cao nhất là 2,61 triệu tấn than đã đạt được vào năm 1939.

11. Năm 1954, lần đầu tiên than từ mỏ Khánh Hòa đã được đưa về điện Yên Phụ để "thắp sáng thủ đô giải phóng".

12. Năm 1960 sản lượng than đạt 2,57 triệu tấn/năm. 3 công ty lớn là Uông Bí, Hồng Gai, Cẩm Phả lần lượt được thành lập.

13. Năm 1965 sản lượng than đạt 4,29 triệu tấn/năm.

14. Trong 40 năm hoạt động theo cơ chế "kế hoạch hóa" (1955 - 1994), ngành Than đã cung cấp cho nền kinh tế quốc dân 162,5 triệu tấn than. Công suất bình quân hàng năm đã lớn gấp 5,8 lần so với thời thuộc Pháp.

15. Tổng công ty 91 đầu tiên được thành lập (10/10/1994) là Tổng công ty Than Việt Nam.

16. Lần đầu tiên Kế hoạch 5 năm được hoàn thành trước thời hạn 2 năm là kế hoạch khai thác than.

17. Công nghệ đốt than tiên tiến nhất Việt Nam lần đầu tiên được áp dụng tại mỏ Na Dương. Đó là công nghệ "lò hơi tầng sôi tuần hoàn".

18. Nhà máy nhiệt điện chạy than có chất lượng thấp nhất thế giới đầu tiên đã được xây dựng ở mỏ Na Dương.

19. Công nghệ làm mát cưỡng bức (bằng tháp) cho các nhà máy nhiệt điện lần đầu tiên được áp dụng ở Nhiệt điện Na Dương.

20. Công nghệ khí hóa than ngầm (UCG) ở độ sâu lớn nhất và trong điều kiện phức tạp nhất đã được đề xuất lần đầu tiên cho bể than ĐBSH.

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN

(*) Năm 1921, V.I. Lenin coi "tô nhượng" là 1 trong 7 Chính sách kinh tế mới (NEP) của những người Cộng sản Bôn-sê-vích Nga.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động