RSS Feed for Tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà: Cần giải pháp đồng bộ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 21:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà: Cần giải pháp đồng bộ

 - Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng năng lượng trong các tòa nhà (không bao gồm nhà ở) chiếm 15% - 20% tổng năng lượng sử dụng và trong những năm tới con số này dự kiến còn tăng cao hơn nữa. Vấn đề tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các tòa nhà đã được rất nhiều sự quan tâm trong thời gian qua, tuy nhiên, đa số các tòa nhà mới chỉ áp dụng TKNL một phần, chưa TKNL một cách hệ thống nên hiệu quả TKNL còn thấp.

Chưa có nhiều tòa nhà TKNL

Cuộc thi tòa nhà hiệu quả năng lượng Đông Nam Á là cuộc thi thường niên được tổ chức gần 10 năm qua với mục đích chọn ra những tòa nhà hiệu quả năng lượng, từ đó giới thiệu và nhân rộng những giải pháp hiệu quả năng lượng cho cộng đồng.

Theo thông tin từ Trung tâm TKNL TPHCM (ECC-HCMC), đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ cho các tòa nhà tham dự cuộc thi này, qua 6 năm tham gia cuộc thi, trong 18 công trình tham gia dự thi, Việt Nam có 10 tòa nhà đoạt giải. Tuy nhiên, có đến 6 tòa nhà là các loại hình tòa nhà nhiệt đới với tiêu chí trên 50% diện tích sàn không sử dụng điều hòa, chủ yếu là các khu resort.

Đại diện ECC-HCMC cho biết, một tòa nhà sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải dựa trên 3 yếu tố: thiết kế, công nghệ và quản trị năng lượng. Các tòa nhà cải tạo tại Việt Nam không đạt hiệu quả tòa nhà năng lượng vì 3 yếu tố này vẫn còn hạn chế.

TPHCM chưa có nhiều tòa nhà mới áp dụng tiết kiệm năng lượng một cách hệ thống.
Ảnh: HUY ANH

Theo ECC-HCMC, Việt Nam chưa thật sự có được lực lượng tư vấn thiết kế như kiến trúc sư, thiết kế cơ điện, thiết kế hệ thống quản lý năng lượng… đảm bảo đáp ứng nhu cầu TKNL. Lực lượng tư vấn thiết kế của Việt Nam chưa có nhiều điều kiện để tiếp xúc với các chương trình đào tạo bổ sung, cập nhật kỹ năng thiết kế các công trình xanh, TKNL nên hiện nay, nhiều công trình, các chủ đầu tư thường phải thuê tư vấn thiết kế từ nước ngoài.

Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, đánh giá và công nhận các công trình xanh của Việt Nam cũng đã có nhưng hiện vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Từ những nguyên nhân này, đa số các tòa nhà mới của Việt Nam mặc dù rất quan tâm đến việc làm sao để TKNL nhưng mới chỉ áp dụng TKNL một phần chứ chưa TKNL một cách hệ thống nên chưa đạt hiệu quả tối ưu.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc ECC-HCMC, cho rằng, để nâng cao hiệu quả TKNL trong tòa nhà, đặc biệt là các tòa nhà xây mới, cần có những giải pháp đồng bộ. Cần nhanh chóng xây dựng một đội ngũ tư vấn thiết kế có đầy đủ năng lực tư vấn thiết kế cho các tòa nhà.

Bên cạnh đó, với những yêu cầu cấp thiết về TKNL như hiện nay, đội ngũ tư vấn thiết kế nên tự cập nhật các kiến thức về các công trình xanh để áp dụng vào những thiết kế của mình. Khi xây dựng được một đội ngũ tư vấn thiết kế theo những tiêu chuẩn hiện hành thì hiệu quả TKNL cho các tòa nhà, đặc biệt là các tòa nhà xây mới sẽ tăng lên.

“Tuy nhiên, phải có môi trường tốt thì lực lượng tư vấn thiết kế mới thực sự phát huy hiệu quả” - ông Tước nói.

Hiệu quả từ hệ thống quản lý năng lượng

Trước áp lực về chi phí năng lượng ngày càng tăng, việc quản lý năng lượng (QLNL) là giải pháp sống còn đối với doanh nghiệp (DN). Thực tế cho thấy, việc thiết lập hệ thống QLNL mang lại những lợi ích lớn và duy trì hiệu quả trong sử dụng năng lượng, đặc biệt là trong các tòa nhà. Tuy nhiên, hiện một số DN đã xây dựng hệ thống QLNL nhưng hầu hết đều mang tính tự phát, thiếu tính hệ thống, dẫn đến hoạt động QLNL kém hiệu quả.

ECC-HCMC cho biết, triển khai hệ thống QLNL (ISO 50001) được xem là một trong những giải pháp TKNL tối ưu hiện nay, giúp mang lại các lợi ích thiết thực cho DN như: quản lý chi phí năng lượng một cách có hệ thống; hợp lý hóa sản xuất, giảm chi phí vận hành và bảo trì; tăng nhận thức và nâng cao kiến thức của nhân viên về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Từ năm 2007 đến 2011, ECC-HCMC đã tư vấn cho gần 50 DN xây dựng hệ thống QLNL. Các DN vận hành hệ thống đã nâng cao nhận thức, ý thức của người sử dụng; xây dựng phương pháp và cách thức vận hành máy móc thiết bị TKNL; dựa trên hệ thống quan trắc, đo lường và cơ sở dữ liệu để can thiệp kịp thời khi suất tiêu hao năng lượng tăng lên hoặc cao hơn mức chuẩn… Kết quả trung bình tiết kiệm 5% - 30% năng lượng tiêu thụ.

Cụ thể, với sự hỗ trợ tư vấn của ECC-HCMC, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đã triển khai hệ thống QLNL tại các nhà máy và đơn vị trực thuộc. Trong đó, hai nhà máy thuốc lá Bến Thành Craven “A” và Nhà máy thuốc lá Khánh Hội đạt được kết quả khá tốt và đoạt giải thưởng QLNL quốc gia.

Được biết, suất tiêu hao năng lượng trung bình của Nhà máy thuốc lá Bến Thành Craven “A” giảm 15% từ 0,013 kWh/gói (năm 2009, 2010) xuống còn 0,011 kWh/gói vào năm 2011 và giảm 414 tấn CO2/năm cho môi trường tự nhiên. Tương tự, Nhà máy thuốc lá Khánh Hội cũng tiết giảm được 775 tấn CO2/năm; suất tiêu hao điện của nhà máy giảm rõ rệt, từ 1.000 kWh/50.000 gói năm 2008 xuống còn dưới 800 kWh/50.000 gói năm 2011.

Đặc biệt, với giải pháp đầu tư dây chuyền vấn điếu đóng bao mới, nhà máy đã tiết kiệm được 600 kWh/ngày, tương đương 187.200 kWh/năm.

Khách sạn Renaissence Riverside, việc thiết lập hệ thống QLNL mặc dù bước đầu cũng gặp một số trở ngại nhưng đã nhanh chóng đi vào ổn định và thu được kết quả. Theo đó, năm 2011, mặc dù không đầu tư chi phí cho các giải pháp kỹ thuật, với những giải pháp quản lý để duy trì và cải tiến hệ thống QLNL, khách sạn này đã tiết kiệm được 3% năng lượng tiêu thụ trên công suất phòng.

Theo: SGGP

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động