RSS Feed for Tiết kiệm điện ở Pháp: “Ngừng chiếu sáng công cộng sau nửa đêm” | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 11:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiết kiệm điện ở Pháp: “Ngừng chiếu sáng công cộng sau nửa đêm”

 - Không chỉ là tắt cách nhật đèn đường, 5.000 địa phương của Pháp mà thành phố Ballancourt là trọng tâm thí điểm sẽ chìm vào bóng tối hoàn toàn sau nửa đêm. Một biện pháp được cho là vừa tiết kiệm vừa có lợi cho môi trường. Với chương trình này, thành phố Ballancourt khi tắt đèn đường trong vòng 5 giờ, có thể tiết kiệm được 30% chi phi năng lượng... Đây là một cách tiết kiệm đáng kể đối với các thị trấn nhỏ.

 

Anne-Marie Ducroux, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ bầu trời và môi trường về đêm giải thích: “Việc chiếu sáng liên tục về đêm phá hủy quy luật ngày và đêm, sẽ tác động xấu tới thảm động thực vật và sức khỏe con người, như ảnh hưởng tới sự di chuyển và sinh sản của động vật hay tới giấc ngủ của con người và làm suy giảm khả năng phục hồi hệ miễn dịch”.

Thực tế thì việc chiếu sáng công cộng chiếm gần một nửa chi phí tiền điện của các đô thị, theo Cơ quan Môi trường và Quản lý năng lượng (Ademe) Pháp.

Jacques Mione (Phó thị trưởng thành phố Ballancourt) giải thích: “Khi tắt đèn đường trong vòng 5 giờ, chúng ta có thể tiết kiệm được 30% chi phi năng lượng”. Một cách tiết kiệm đáng kể đối với các thị trấn nhỏ.

Tuy nhiên, việc ngừng chiếu sáng công cộng vào ban đêm không nhận được sự ủng hộ của mọi người. Mấy tuần gần đây, những người phản đối đã tiến hành một chiến dịch nhằm yêu cầu thành phố Ballancourt tái lập việc chiếu sáng công cộng. Ngày 2-7 vừa qua, họ đã trình một thỉnh nguyện thư với 700 chữ ký lên hội đồng thành phố. Lý do phản đối chính sách trên là cảm giác bất an khi tắt đèn đường.

Phó thị trưởng kết luận: “Chúng tôi sẽ tổng kết tình hình trong tháng 10, hạn chót của chiến dịch thử nghiệm này và chúng tôi sẽ xem xem người dân có quen với việc không có đèn vào ban đêm hay không”.

Anne-Marie Ducroux cảnh báo: “Không nên đánh cược việc này bằng bất cứ giá nào. Tốt hơn là nên bật đèn ở một vài khu vực thích đáng. Thắp sáng một phần cũng là một giải pháp. Và điều này không cần bất kỳ đầu tư nào về tài chính”.

Các địa phương khác ở Pháp lựa chọn những hình thức tiết kiệm tinh tế hơn. Lyon là một ví dụ. Một vài khu phố ở đây đã phát triển hệ thống chiếu sáng từ xa và lắp đặt các máy cảm biến. Những thành phố khác như Préfailles (Loire-Atlantique) lại thử nghiệm nhiều hệ thống chiếu sáng theo ý muốn, như bỏ đi 2 trong số 3 cột đèn ở vài cụm nhà…

Nhưng tất cả những thử nghiệm trên đều có giá của nó, đặc biệt là đối với các thành phố nhỏ. Để ủng hộ cho nỗ lực của họ, vào tháng 2/2012, Ademe đã chi một khoản trợ cấp 20 triệu euro cho 32.000 địa phương dưới 2.000 dân có mong muốn giảm lượng tiêu thụ điện và ô nhiễm ánh sáng. Ademe giải thích: “Hiện có 9 triệu cây đèn, chiếm hơn nửa tổng số đèn ở Pháp, đã bị lỗi thời và tốn điện: 40% số đèn đang sử dụng đã có tuổi đời hơn 25 năm và 1/3 tổng số đèn còn dùng bóng thủy ngân, loại kém hiệu quả nhất trong chiếu sáng công cộng. Với chiến dịch lần này, lượng tiêu thụ năng lượng dự tính có thể giảm từ 50 đến 75%”.

Từ ngày 1/7, các bảng hiệu chiếu sáng ở những thành phố có ít hơn 800.000 dân, cũng phải tắt từ 1 giờ đến 6 giờ sáng. Quy định mới này trước hết áp dụng cho các bảng hiệu mới dựng, sử dụng đèn neon, các panô quảng cáo, sau đó sẽ được áp dụng dần cho 3,5 triệu bảng hiệu, bảng chỉ dẫn có chiếu sáng cũ từ đây đến năm 2018. Biện pháp này cho phép tiết kiệm 1 terawatt điện mỗi năm, tương đương mức tiêu thụ điện hàng năm của 370.000 hộ dân.

Quyết định thứ 2 của Chính phủ Pháp có thể được áp dụng từ nay cho đến cuối năm là tắt đèn văn phòng, các tủ kính và cửa hàng thương mại có chiếu sáng vào ban đêm. Theo Ademe, quyết định này có thể đem lại những khoản tiết kiệm mới, ước tính được 2 terawatt điện mỗi năm.

Theo: VNEEP

 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động