RSS Feed for KTS Võ Trọng Nghĩa: Người xuất khẩu nhà xanh ra thế giới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 18:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

KTS Võ Trọng Nghĩa: Người xuất khẩu nhà xanh ra thế giới

 - Sau những ngôi nhà tre đơn giản (18m2) nhưng tiếp nhận ánh sáng và năng lượng mặt trời ở mọi góc độ, nhưng giá thành chỉ 3.200USD, KTS Võ Trọng Nghĩa đang chuẩn bị những dự án mới cho năm 2013. Một người gặt hái nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế như KTS Võ Trọng Nghĩa lại là người không muốn nói nhiều về mình.

>> Giảm tiêu thụ năng lượng trong tòa nhà thông qua kính tiết kiệm năng lượng
>> Giảm 30% lượng điện tiêu thụ từ ứng dụng công nghệ thông tin
>> Tiết kiệm điện với "trứng năng lượng"

 Xuất khẩu nhà xanh ra thế giới

Ngôi nhà siêu tiết kiệm 18m2 trị giá 3.200USD.

 

Với anh, giải thưởng là những gì đã qua, giờ đây, anh đang chuẩn bị những công trình độc, lạ, mới, tung ra trong năm 2013, có thể gây sốc cho giới KTS không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế.

“Đạt đạo” trong kiến trúc

KTS Võ Trọng Nghĩa.

Không “sốc” sao được, khi Nghĩa đưa ra một công trình nhà tre đơn giản (18m2), tiếp nhận ánh sáng và năng lượng mặt trời ở mọi góc độ, nhưng giá thành chỉ 3.200USD! Ngay lập tức, bản vẽ của “ngôi nhà” siêu tiết kiệm này đã được đưa lên tạp chí Dezeen.com, một trong những tờ tạp chí cao cấp chuyên về thiết kế của thế giới với lượng độc giả đông nhất.

Các nhà chuyên môn thực sự choáng, vì với mức giá rẻ đáng kinh ngạc như vậy, khó có bậc thầy thiết kế nào vượt qua được “cái bẫy” danh tiếng của mình, để làm những thứ công trình đánh đố và bé nhỏ như vậy. Ở đây, Nghĩa làm nhà cho người nghèo. Tiêu chí xanh, thoáng, mát, đầy khí trời và tiếp cận với thiên nhiên mọi chỗ đều được đáp ứng, bên cạnh nét thanh thoát, hiện đại, tối giản mà mạnh mẽ của căn nhà nhỏ đã khiến người ta muốn vào ở ngay lập tức.

Cú “sốc” thứ hai chính là bản thiết kế căn nhà 200m2 không vuông vức ở Tân Bình (TPHCM), với hình thù 5 cái bồn cây, phía trên là cây cổ thụ thật, tỏa bóng và rủ rễ, lá xuống xung quanh ngôi nhà. Một bản hòa tấu giữa bê tông và cây cỏ độc đáo. Ở công trình này, Nghĩa đã đạt đến một kỹ thuật đổ bê tông mới mà lần đầu tiên ở Việt Nam có người làm được.

“Một KTS của thế kỷ 21 phải có những phẩm chất: Độc đáo, đam mê, có hướng đi riêng trong thời kỳ mới. Mà khó nhất là làm công trình nào cũng độc đáo. Quan trọng hơn, không phải là từng công trình riêng lẻ có độc đáo hay không, mà chính là khi đặt trong một tổng thể các công trình, mới thấy được nét hài hòa, tương đồng giữa chúng”, Nghĩa tâm sự.

Chính sự đạt đạo, an nhiên mà Nghĩa có được đã khiến tác phẩm của anh bật lên trong số những bản vẽ khác, và việc “ẵm” giải thưởng quốc tế Âu, Mỹ, Á… với anh khi đó là chuyện thường. Dường như, anh “đọc được ý nghĩ” của ban giám khảo. Đó là những công trình “đạt tư duy xanh” trên thế giới, đều bật lên nhờ ý tưởng, sự khác biệt, và cách nghĩ ngược. Ngoài một tâm hồn phẳng lặng như tấm gương soi bóng cửa thiền, Nghĩa cho rằng không phải từ chất liệu gì, mà chính tình yêu thiên nhiên đã khiến anh thiết kế những công trình cho những con người đạm bạc mà lãng mạn đến sống. Anh cũng nhấn mạnh về văn hóa chất liệu- điều mà KTS giỏi phải biết: Dùng gỗ thì phải đúng tính chất gỗ, dùng tre thì phải ra tre, đá ra đá, bê tông ra đúng bê tông. Bởi chất liệu nào cũng đều hút hồn anh cả.

Nhà đá với kiến trúc độc đáo.

Kiến trúc xanh - kiến trúc Việt tương lai

Suy cho cùng, vấn đề không phải là chất liệu gì mà chính là phương pháp tư duy. Khi mới từ Nhật về Việt Nam, Nghĩa thấy đi đâu cũng có tre - chất liệu vừa rẻ, vừa hợp với phong thổ, khí hậu Việt Nam, sao ít sử dụng trong kiến trúc nhà ở, công trình? Khi đi sâu làm chất liệu này, anh mới nhận ra làm tre phải đòi hỏi kỹ thuật kết cấu vô cùng phức tạp, không theo quy chuẩn nào. Nhưng may là chính anh đã được học kỹ về kết cấu, điều mà nhiều người tưởng là không liên quan đến kiến trúc - nhờ cơ duyên mà người thầy ở Nhật Bản truyền thụ cho anh. Chỉ khi giỏi về kết cấu thì bản vẽ mới đạt được sự tự do trong kiến trúc: Phải hiểu rõ kỹ thuật thì mới hỗ trợ được ý tưởng của mình.

Cà phê Gió và Nước.

Nghĩa đã tạo được bản sắc của kiến trúc Việt trong hàng loạt công trình của mình. Một đụn rơm quen quen, dưới bàn tay của Nghĩa có cả hồn người; một mái bằng rơm dài cạnh bức tường đá, vậy mà khiến ai đó nao lòng nhớ cố hương. Cứ thế, những resort, nhà xanh mọc lên với một phong cách mang dấu ấn Võ Trọng Nghĩa.

Ngoài ra, kiến thức về khí động học ngày còn học ở Nhật cũng giúp Nghĩa đưa vào ứng dụng trong công trình, sử dụng được năng lượng gió và nước làm mát ngôi nhà, vừa giúp tiết kiệm năng lượng. Không phải ngẫu nhiên mà mô hình nhà xanh "Stacking Green" do Nghĩa thiết kế khá nổi tiếng ở Sài Gòn, từng được báo Mỹ The New York Times khen ngợi. Mô hình này biến ngôi nhà hình ống trở nên xanh mát, thoáng khí và đầy gió. Loại nhà xanh này được xây trên mảnh đất chỉ 40m2, giá thành rẻ, chỉ từ 8-12 triệu đồng/m2. Chính ngôi nhà này giúp con người thoát khỏi sự bức bối, ồn ào của đô thị.

Nghĩa cho biết: “Nhà nhỏ không khó làm, khó nhất là đầu óc đầy định kiến, mọi kiến chấp không bỏ đi được. Vượt qua chấp ngã để đạt được trạng thái trống rỗng thì khi đó mới đạt được sự nhận biết rõ ràng.” Hiện anh đã làm hơn vài chục căn ở khắp cả nước, đơn đặt hàng làm không kịp.

Trong số 30 giải thưởng quốc tế mà anh giành được, Nghĩa cho biết, anh tâm đắc nhất là công trình bar, cà phê Gió và Nước, cùng công trình chưa công bố là mô hình 5 bồn cây đổ bê tông. Nhưng giờ đây anh không muốn nói đến tre nữa vì những gì cần làm thì đã làm được. Năm 2013, anh sẽ đưa ra những công trình kiến trúc xanh (KTX), bê tông, đá ra thế giới.

Nói về ý tưởng xuất khẩu KTX ra thế giới trong năm tới, Nghĩa cười: “Tôi sẽ làm 4-5 công trình xanh ở Nhật và một số công trình khác ở Mehico (đặc biệt, công trình Hill Restaurant ở đây cùng một số công trình cà phê, Bar Gió và Nước đã giúp Nghĩa đứng đầu trong số 8 KTS thế giới nhận danh hiệu KTS của thế kỷ 21-NV). Nhưng quan trọng hơn, tôi muốn quy tụ nhiều KTS giỏi, những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường kiến trúc trên thế giới cùng làm với tôi để nhân rộng mô hình kiến trúc xanh đi khắp nơi. Sở dĩ như vậy, vì con người ngày càng ý thức được cái giá của sự phát triển sinh ra nhiều áp lực, nên cần sửa sai nhất là với những gì đã làm đối với thiên nhiên. Riêng tôi, làm công trình KTX cũng như việc tu tập. Mình làm công việc tu tập, cống hiến những công trình xanh cho xã hội, còn làm được bao nhiêu, đó là tùy duyên”.

Năm 2002, Võ Trọng Nghĩa tốt nghiệp loại xuất sắc Học viện Kỹ thuật Nagoya (Nhật Bản). Năm 2004, tốt nghiệp thạc sĩ khoa xây dựng đại học Tokyo.

Kể từ giải thưởng International Architecture Award (IAA) năm 2007 cho các công trình bằng tre dành cho Cà phê Gió và Nước, đến nay Võ Trọng Nghĩa đã có khoảng 30 giải thưởng quốc tế lớn... Đặc biệt, 2 công trình Trường THCS Phan Châu Trinh ở Bình Dương và nhà Stacking Green của anh đoạt giải thưởng danh giá World Architecture Festival. Mới đây nhất, anh vừa được Hội đồng giải thưởng WAN 21 for 21 công bố là người đứng đầu danh sách tám người thắng cuộc trong đợt xét tuyển lần hai với các công trình nổi tiếng làm bằng tre.

 

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Năm 2013: Hoa Đông 'mùa biển lặng'?
Thái Bình Dương: Nổi sóng cồn
Lực lượng tàu ngầm Việt Nam sẽ mạnh nhất Đông Nam Á
Nguồn mạch của Phát triển
Bắc Triều sẵn sàng cho 'bước chuyển mình vĩ đại'

Nguồn: Lao động

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động