4 bước quản lý giúp tiết kiệm năng lượng
10:00 | 23/02/2015
>> 5 bước triển khai Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001
>> Mô hình ESCO - Hiệu quả kinh tế và tiết kiệm năng lượng
>> Giải pháp tiết kiệm điện trong sinh hoạt, sản xuất và tiêu dùng trong tương lai
>> Các giải pháp tiết kiệm điện trong khu vực hành chính sự nghiệp
Với công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, ý thức tiết kiệm trong sử dụng năng lượng của từng đơn vị và cá nhân trong xã hội chưa thành tiềm thức, tự giác... là các nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sử dụng năng lượng của nước ta còn rất thấp.
Hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28-32% (thấp hơn mức trung bình của thế giới 10%). Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%). Trong sản xuất công nghiệp (hộ tiêu thụ lớn nhất, chiếm hơn 50% năng lượng phát ra), suất tiêu hao năng lượng thấp hơn nhiều không chỉ so với các nước tiên tiến mà so ngay với cả các nước trong khu vực. Một trong các phương án để giải bài toán về năng lượng của Việt Nam là xây dựng hệ thống Quản lý năng lượng bền vững.
Quản lý năng lượng là gì?
Quản lý năng lượng là việc tổ chức thực hiện sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả, nhằm đạt được lợi nhuận cao nhất (chi phí thấp nhất) và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không đồng nghĩa với việc cắt giảm năng lượng dù bị thiếu hụt hoặc chúng ta không sử dụng năng lượng mà phải hiểu đúng rằng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là việc áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn đảm bảo nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và đời sống.
Tầm quan trọng của Quản lý năng lượng
Quản lý năng lượng là chìa khóa để tiết kiệm năng lượng trong tổ chức của bạn. Các tổ chức thương mại, công nghiệp và chính phủ, trong những năm gần đây đang phải chịu những áp lực to lớn về kinh tế và môi trường. Việc nâng cao sức cạnh tranh về kinh tế trên thị trường toàn cầu và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng gia tăng về môi trường nhằm giảm ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước đã là các nhân tố ảnh hưởng chính trong hầu hết các quyết định đầu tư về chi phí vốn và chi phí vận hành trong thời gian gần đây đối với tất cả các tổ chức.
Quản lý năng lượng đã trở thành một công cụ chính giúp cho các tổ chức đạt được những mục tiêu quan trọng nói trên để duy trì sự tồn tại trong ngắn hạn và đạt được thành công trong dài hạn của mình.
Quản lý năng lượng giúp cải thiện chất lượng môi trường: Việc sử dụng năng lượng trong thương mại và công nghiệp là nguyên nhân gây ra khoảng 45% cacbon điôxit thoát ra từ việc đốt cháy các năng lượng hóa thạch và khoảng 70% sunfur điôxit thoát ra từ các nguồn cố định; Thông qua Quản lý năng lượng có thể giảm một cách đáng kể lượng cacbon điôxit và sunfur điôxit trong khí quyển và giúp làm giảm sự nóng lên của toàn cầu và mưa axit.
Quản lý năng lượng giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng trở nên cạn kiệt. Khi tiêu thụ nhiều năng lượng, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung cấp nghiêm trọng kèm theo nguy cơ tăng giá năng lượng dẫn đến ảnh hưởng đến lợi nhuận của tổ chức, bằng việc quản lý năng lượng doanh nghiệp có thể giảm nguy cơ này bằng cách giảm và kiểm soát nhu cầu năng lượng.
Bằng cách nào Quản lý năng lượng có thể giúp tiết kiệm năng lượng?
Muốn đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giúp giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh của mình thì các tổ chức cần thiết lập hệ thống Quản lý năng lượng bền vững gồm 4 bước:
Bước 1: Đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng. Kết quả đánh giá sẽ phản ánh năng lực của đơn vị trong việc xây dựng và vận hành hệ thống Quản lý năng lượng tại đơn vị.
Bước 2: Chuẩn bị về khâu tổ chức, thành lập nhóm/ban quản lý năng lượng với trách nhiệm chính là xây dựng và quản lý các hoạt động trong hệ thống tuân thủ theo quy định làm việc đã được thống nhất trong toàn bộ đơn vị, đồng thời có trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho lãnh đạo đơn vị các vấn đề liên quan đến năng lượng. Đối tượng này có thể là cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
Bước 3: Thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, lựa chọn mục tiêu tiết kiệm và kế hoạch thực hiện
Thực hiện kiểm toán năng lượng sơ bộ và chi tiết.
Lựa chọn các biện pháp tiết kiệm năng lượng trên cơ sở kết quả kiểm toán năng lượng.
Xây dựng nhóm nhân viên để thực hiện từng biện pháp tiết kiệm năng lượng đã được lựa chọn.
Đề xuất ngân sách và kế hoạch thực hiện.
Tổ chức đào tạo cho các nhóm nhân viên thực hiện từng biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Bước 4: Kết hợp hệ thống quản lý năng lượng với các hệ thống quản lý khác trong đơn vị. Mục tiêu là đưa các hoạt động tiết kiệm năng lượng vào trong các quy trình sản xuất của đơn vị:
Thiết lập thủ tục giám sát - xác nhận.
Nhận dạng hệ thống kiểm toán nội bộ hoặc bên ngoài để xác nhận một cách độc lập các kết quả giám sát - xác nhận.
Thiết lập quy trình làm việc chuẩn nhằm tiết kiệm năng lượng.
Xây dựng kế hoạch hậu kiểm toán năng lượng và kế hoạch đánh giá.
Tổ chức đào tạo cho các nhân viên đơn vị sau khi đã kiểm toán quy trình làm việc và kế hoạch đánh giá.
NangluongVietnam.vn/QLNL
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Chống tham nhũng, đừng dùng "bình cũ rượu cũ"
Hải quân Việt Nam chọn Nga làm đối tác
Vượt cam kết và… những việc dang dở
Trung Quốc thay tướng lĩnh cao cấp trước thềm Đại hội 18
Tiêu xài dàn trải, lấy gì tăng lương?