RSS Feed for Thách thức năng lượng và vị thế ngành Than | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 09:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thách thức năng lượng và vị thế ngành Than

 - Theo Quy hoạch than điều chỉnh, nhiệt điện than mặc dù đã được xem xét giảm để tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch, tái tạo song vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam. Trong bối cảnh năng lượng tái tạo có giá thành cao, tiềm năng thủy điện đã được khai thác đáng kể, nguồn khí hạn chế, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dừng triển khai… thì vai trò của ngành Than càng trở nên quan trọng. Càng quan trọng hơn, khi dự báo trong tương lai tới, nguồn than trong nước sẽ không đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng nói chung, sản xuất điện nói riêng và phải nhập khẩu với khối lượng rất lớn... Vậy, giải pháp nào để đáp ứng đủ nhu cầu nhiên liệu than cho nền kinh tế đang ngày càng tăng cao (năm 2020: 86 triệu tấn, năm 2025: 121 triệu tấn và năm 2030: 156 triệu tấn)? Tạp chí Năng lượng Việt Nam có cuộc phỏng vấn với ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) xung quanh vấn đề này.

Tái cơ cấu Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam
Nhu cầu than cho sản xuất điện và giải pháp thực hiện (Tạm kết)
Thực trạng giá thành than Việt Nam và những hệ lụy (Tạm kết)

Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết các chỉ tiêu chủ yếu về kết quả sản xuất, kinh doanh của TKV nói chung và sản xuất than nói riêng đạt được trong năm 2017? Các chỉ tiêu này có mức tăng, giảm như thế nào so với năm 2016?

Ông Lê Minh Chuẩn: Năm 2017, TKV đã hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, sản xuất than nguyên khai 34,9 triệu tấn. Trong đó, than sạch 32,9 triệu tấn, than tiêu thụ 35 triệu tấn (tương đương năm 2016). Tiêu thụ than trong nước đạt 33,5 triệu tấn, xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn.

Sản xuất khoáng sản, luyện kim, Alumina (quy đổi), sản xuất và tiêu thụ thực hiện 1,12 triệu tấn, tăng trên 500 ngàn tấn so với năm 2016. Các sản phẩm như đồng, kẽm, thiếc... đạt và vượt kế hoạch đầu năm giao về sản lượng. Trong đó, sản phẩm phôi thép tiêu thụ đạt 200 ngàn tấn (tăng 142 ngàn tấn so với năm 2016 và giá bán tăng).

Sản xuất điện đạt 9,15 tỷ kWh, tăng 7,6% so với thực hiện năm 2016. Sản xuất 60.000 tấn thuốc nổ các loại (bằng 100% kế hoạch), cung ứng 95 ngàn tấn thuốc nổ (đạt 100% kế hoạch). Sản xuất nguyên liệu sản xuất thuốc nổ nitrate amon đạt 100.000 tấn.

Theo đó, doanh thu toàn Tập đoàn năm 2017 đạt 107 ngàn tỷ đồng (bằng 100% kế hoạch và tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2016). Trong đó, doanh thu sản xuất than đạt 53,6 ngàn tỷ đồng, (tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2016), khoáng sản đạt 11,9 ngàn tỷ đồng (tăng 70% so cùng kỳ năm 2016), sản xuất điện đạt 11,9 ngàn tỷ đồng (tăng 22% so cùng kỳ năm 2016), cơ khí, vật liệu nổ công nghiệp đạt 4,2 ngàn tỷ đồng, kinh doanh thương mại khác đạt 23 ngàn tỷ (bằng 100% kế hoạch).

Lợi nhuận của TKV đạt 2.000 tỷ đồng, tăng thêm 1.000 tỷ đồng so với năm 2016 (chủ yếu do sản xuất khoáng sản tăng và giá bán tăng). Nộp Ngân sách Nhà mước 13,4 ngàn tỷ đồng (tăng 400 tỷ đồng so với năm 2016).

Tiền lương lĩnh bình quân của người lao động toàn Tập đoàn đạt 9,3 triệu đồng/người/tháng (tăng 2,5% so với thực hiện năm 2016). Trong đó, sản xuất than lĩnh đạt 9,9 triệu đồng/người/tháng (tăng 3,9% so với thực hiện năm 2016).

Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam. 

Năng lượng Việt Nam: Những con số ông vừa nêu thể hiện kết quả sản xuất, kinh doanh đều đạt, một số mục tiêu vượt kế hoạch. Nhưng theo ông, thì đâu là thách thức của TKV trong năm 2017?

Ông Lê Minh ChuẩnThứ nhất: Chính sách của Nhà nước có sự thay đổi đối với ngành Than (Chính phủ đã cho phép các nhà máy nhiệt điện chạy than chủ động lựa chọn nhà cung cấp, năm 2017 đã có phép thêm 2 đơn vị khác được cấp than vào hộ điện).

Thứ hai: Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tăng đơn giá tính thuế tài nguyên.

Thứ ba: Diễn biến thời tiết mưa bão khốc liệt khó lường, lần đầu tiên sau nhiều năm các hồ thuỷ điện ở miền Bắc đồng loạt xả lũ, Thuỷ điện Hoà Bình phải mở tất cả 8 cửa xả đáy, xả lũ lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Dẫn tới nhu cầu than của các nhà máy nhiệt điện giảm mạnh do thuỷ điện huy động tối đa.

Ngoài ra, quý 4/2017, các nhà máy điện khí được huy động cao để tăng tiêu thụ sản lượng khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến tiêu thụ than của chúng tôi giảm mạnh (riêng than cho điện giảm xấp xỉ 4 triệu tấn so với kế hoạch). Tuy nhiên, các sản phẩm khoáng sản (đặc biệt là alumin) có sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng và giá bán.

Năng lượng Việt Nam: Từ thực tế chủ quan và khách quan như ông vừa đề cập, TKV rút ra những kinh nghiệm gì cho năm 2018, thưa ông?

Ông Lê Minh Chuẩn: Theo tôi, công nhân, cán bộ toàn Tập đoàn với truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm" của thợ mỏ - ngành Than đã chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức, tiếp tục ổn định sản xuất, cân đối việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động, thực hiện mọi giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thực hiện kế hoạch năm sau.

Tôi cho rằng, bài học quan trọng nhất rút ra là đi đôi với phát huy truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm" tăng cường đổi mới và sáng tạo nhất định thắng lợi. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, một số vấn đề về quản lý còn hạn chế, bất cập.

Một là: Dự báo thị trường tiêu thụ chưa lường hết các yếu tố tác động nên khó khăn cho công tác điều hành sản xuất và tiêu thụ.

Hai là: Chưa cân đối tốt giữa phẩm cấp than sản xuất và tiêu thụ dẫn đến khả năng đáp ứng nhu cầu than chất lượng cao cho khách hàng còn chưa đạt.

Ba là: Hiện tại, số lượng thợ lò tại có các mỏ than vẫn đảm bảo cho việc khai thác than, tuy nhiên, sức hút nghề thợ lò có dấu hiệu giảm, một số mỏ có tình trạng một số thợ lò bỏ việc. Do đó, theo tôi, chúng ta cần đặc biệt quan tâm, cải thiện điều kiện làm việc và cơ chế chính sách hấp dẫn hơn nữa để đảm đủ bảo nguồn lao động khi nhu cầu sản lượng than khai thác gia tăng sau năm 2018.

Năng lượng Việt Nam: Vậy, theo ông, mục tiêu cụ thể của TKV trong năm 2018 là gì để đạt được sản lượng khai thác "năm sau cao hơn năm trước"? Trong đó có mục tiêu lợi nhuận và tiền lương cho thợ lò?

Ông Lê Minh Chuẩn: Mục tiêu điều hành kế hoạch năm 2018 của TKV là điều hành sản xuất theo nhu cầu thị trường, đầu tư hợp lý theo hướng phát triển bền vững các ngành than, khoáng sản - luyện kim, điện lực, vật liệu nổ công nghiệp và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phù hợp. Mặt khác là triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu, trọng tâm là tái cơ cấu kỹ thuật - đổi mới công nghệ, hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý, tinh giản lao động để tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo tăng trưởng hợp lý, hiệu quả, bền vững. Cải thiện tiền lương, điều kiện làm việc và phúc lợi cho người lao động, đặc biệt là đội ngũ thợ lò. Mục tiêu chung là: "An toàn - đổi mới - phát triển".

Năm 2018, TKV phấn đấu sản lượng than nguyên khai 35,36 triệu tấn. Trong đó, than lộ thiên 12,96 triệu tấn (tương đương thực hiện năm 2017), than hầm lò 22,22 triệu tấn (tăng thêm 0,5 triệu tấn so với năm 2017). Than tiêu thụ 36 triệu tấn.

Sản xuất và kinh doanh điện 9,35 tỷ kWh. Sản xuất vật liệu nổ công nghiệp 61.000 tấn các loại. Cung ứng thuốc nổ 97.000 tấn. Sản xuất Nitrat Amon 140 ngàn tấn.

Sản lượng tinh quặng đồng của Nhà máy tuyển 2 của Tổng công ty Khoáng sản là 26.180 tấn, tinh quặng đồng của Công ty CP Tả Phời là 24.186 tấn, vv…

Theo đó, TKV phấn đấu tổng doanh thu 113.915 tỷ đồng. Trong đó, sản xuất than 56.486 tỷ đồng; khoáng sản - luyện kim 15.502 tỷ đồng; điện lực 12.233  tỷ đồng; cơ khí 2.243 tỷ đồng; vật liệu nổ công nghiệp 4.380 tỷ đồng; sản xuất kinh doanh khác 22.069  tỷ đồng.

Lợi nhuận tổng số toàn Tập đoàn phấn đấu đạt 2.000 tỷ đồng. Tiền lương bình quân chung toàn Tập đoàn 9,8 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, sản xuất than 10,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 6% so với thực hiện năm 2017.

Năng lượng Việt Nam: Nhưng để đạt các mục tiêu trên, theo ông, TKV cần những giải pháp cụ thể nào?

Ông Lê Minh ChuẩnThứ nhất: Tiếp tục ổn định sản xuất, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý và mục tiêu chung là an toàn - đổi mới - phát triển.

Thứ hai: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đầu tư phát triển. Trong đó tập trung áp dụng công nghệ mới, cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác than hầm lò, khai thác lộ thiên, sàng tuyển và khâu vận chuyển, tiêu thụ than; đẩy mạnh áp dụng tin học hoá, tự động hoá trong hoạt động SXKD giai đoạn đến 2020.

Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ xây dựng mỏ và tăng cường quản lý công tác đầu tư xây dựng; công tác thăm dò khoáng sản; bảo vệ môi trường; công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn, thiết kế.

Thứ ba: Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và đổi mới quản trị doanh nghiệp, sắp xếp hợp lý hoá sản xuất theo hướng tinh gọn theo Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2016-2020; tiếp tục thực hiện phương án tái cơ cấu lực lượng lao động (giai đoạn 2), chăm lo phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư: Hoàn thiện cơ chế quản trị tài chính doanh nghiệp. Trong đó, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế giải pháp tiết kiệm chi phí, kiểm soát chặt chẽ chi phí từ đầu vào đến đầu ra ở tất cả các công đoạn sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu đổi mới cơ chế huy động, giải ngân vốn giữa Công ty mẹ và các công ty con với mục tiêu thúc đẩy "Tổ hợp cùng phát triển" và phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước. Đặc biệt là thu xếp vốn cho các dự án xây dựng mỏ nâng cao sản lượng than.

Năng lượng Việt Nam: Ông vừa đề cập đến khái niệm "Tổ hợp cùng phát triển". Vậy, theo nhìn nhận của ông thì mối "quan hệ sản xuất" và "lực lượng sản xuất" của Tập đoàn hiện nay đã thay đổi như thế nào? Và tác động thế nào trong quan hệ sản xuất ngành Than?

Ông Lê Minh Chuẩn: Trong bất kỳ một phương thức sản xuất nào, quan hệ sản xuất cũng phải phù hợp với lực lượng sản xuất. Sự tác động qua lại và mối quan hệ giữa chúng phải hài hoà và chặt chẽ, hữu cơ. Tuy nhiên, trong hai yếu tố đó thì lực lượng sản xuất luôn quyết định quan hệ sản xuất.

Trong nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng, quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong TKV đã được phân bố lại và phát triển phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường có sự hội nhập quốc tế và khu vực.

Thứ  nhất: Về quan hệ sản xuất. Trong giai đoạn đầu khi thành lập Tổng công ty Than Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam ngày nay), quan hệ sản xuất trong Tổng công ty được thể hiện qua quan hệ giữa Tổng công ty và các đơn vị thành viên là quan hệ cấp trên - cấp dưới. Theo đó, Tổng công ty giao kế hoạch pháp lệnh hằng năm cho các đơn vị thành viên. Cùng với sự phát triển của đất nước và ngành Than - Khoáng sản, đặc biệt từ khi hình thành Tập đoàn là một hình thức của nhóm công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con (trên sơ sở tổ chức của Tổng công ty Than Việt Nam) thì mối quan hệ sản xuất trong Tập đoàn đã có sự thay đổi rõ rệt.

Theo đó, Công ty mẹ - Tập đoàn đồng thời thực hiện 2 chức năng. Chức năng thứ nhất là trực tiếp kinh doanh. Cụ thể, hiện nay Công ty mẹ - TKV tự sản xuất 50% sản lượng than của Tập đoàn, giao các công ty con cổ phần sản xuất 50% sản lượng than còn lại và là đầu mối tiêu thụ 100% sản lượng than của Tập đoàn. Công ty mẹ - TKV cũng trực tiếp sản xuất, tiêu thụ100% sản phẩm alumin. Chức năng thứ hai là đầu tư tài chính. Cụ thể, Công ty mẹ - TKV đầu tư vốn vào các công ty con, các công ty liên kết và chi phối các công ty này theo mức độ chiếm giữ vốn điều lệ.

Theo đó, các quan hệ kinh tế phát sinh giữa  Công ty mẹ - TKV và công ty thành viên được thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp bình đẳng trước pháp luật, trên cơ sở cơ chế phối hợp kinh doanh hằng năm giữa Công ty mẹ - TKV và các công ty thành viên.

Đồng thời, cơ chế phối hợp kinh doanh này đã được thường xuyên hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu phát triển của TKV và các công ty thành viên. Trong đó, phát huy vai trò hạt nhân và trung tâm điều hành của Công ty mẹ - TKV trong việc thực hiện chức năng chủ thể quản lý tài nguyên khoáng sản trong Tập đoàn theo chức năng, nhiệm vụ đã được Chính phủ giao; tăng tính chủ động tối đa cho các công ty thành viên.

Thứ hai: Về lực lượng sản xuất. Quy mô lao động và cơ cấu lao động của Tập đoàn trong những năm gần đây đã có sự phân bố lại rõ rệt theo hướng giảm về số lượng và tăng về chất lượng. Đồng thời năng suất lao động và trình độ khoa học công nghệ trong TKV đã có những bước phát triển vượt bậc so với những năm trước đây.

Về quy mô lao động: Tại thời điểm cuối 2015, tổng số lao động của TKV là 116,3 ngàn người (đã giảm 8.254 người so với thời điểm trước khi TKV thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012- 2015 theo Quyết định số 314/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Đến nay lao động trong TKV đã tiếp tục giảm xuống còn 106.023 người, giảm 4.608 người so với đầu năm 2017.

Về cơ cấu và chất lượng lao động: Độ tuổi của người lao động ngày càng trẻ hơn, có sức khỏe tốt hơn và gắn bó dài lâu hơn với doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động có độ tuổi từ 45 trở xuống tăng từ 82,3% năm 2011 lên 83,8% năm 2017; số lao động có độ tuổi từ 31-45 tuổi tăng từ 39% năm 2011 lên 52,7% năm 2017.

Trình độ chuyên môn, tay nghề nâng cao hơn so với trước. Cụ thể, người lao động có trình độ đại học trở lên tăng từ 16,4% năm 2011 lên 24,1% năm 2017, cao đẳng (bao gồm cả cao đẳng nghề) tăng từ 3,9% năm 2011 lên 4,7% năm 2017, trung cấp (bao gồm cả trung cấp nghề) tăng từ 9% năm 2011 lên 13,7% năm 2017. Công nhân kỹ thuật bậc cao tăng so với trước. Cụ thể, thợ bậc 5 tăng từ 16% năm 2011 lên 23% năm 2017, thợ bậc 6 và bậc 7 tăng từ 11,6% năm 2011 lên 16% năm 2017.

Cơ cấu lao động trong sản xuất than đã được điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng lao động. Cụ thể, tỷ lệ lao động khu vực sản xuất chính đã tăng từ 61,5% năm 2011 lên 62,3% năm 2017; khu vực phụ trợ, phục vụ giảm từ 27,1% năm 2011 xuống còn 24,4% năm 2017.

Về năng suất lao động: Năng suất lao động tổng hợp của TKV hiện nay đã tăng gấp 1,4 lần so với năm 2005 và tăng 4,2 lần so với năm 1995, riêng năm 2016 tăng 5% so với năm 2015. Năng suất lao động trực tiếp cũng không ngừng được nâng cao, hàng năm tăng 6-7%/năm so với năm trước.

Nếu tính năng suất lao động khai thác than lò chợ năm 1995 là 216 tấn/người/ năm thì đến năm 2016 là 1.350 tấn/người/năm (năng suất này chưa tính quy đổi theo điều kiện khai thác xuống sâu và đi xa hơn). Đặc biệt năng suất lao động khi áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than hầm lò đã tăng lên 6 lần.

Ví dụ, như với lò chợ công nghệ giá khung xích công suất đạt 200 ngàn tấn/năm, số lao động phải bố trí là 160 người, nhưng cũng với số người đó có thể đảm nhận được công việc của lò chợ cơ giới hoá đồng bộ có công suất 1,2 triệu tấn/năm.

Về áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất than: Quan điểm về đầu tư cơ giới hoá trong khai thác đã được lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo xuyên suốt trong Chiến lược phát triển bền vững Tập đoàn là "Không ngừng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ theo hướng nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và sản xuất sạch hơn. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TKV lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng chỉ rõ "Trong 5 năm tới phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường áp dụng tự động hóa và cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất, chế biến".

Trong những năm gần đây, một số lò chợ cơ giới hóa công suất 600 ngàn tấn/năm đã đạt công suất thiết kế, lò chợ cơ giới hóa công suất 1.200 ngàn tấn/năm đi vào hoạt động hiệu quả đã khẳng định sự đúng đắn trong định hướng cơ giới hóa của Tập đoàn. Đồng thời cũng khẳng định thợ lò TKV có đủ trình độ và tay nghề để làm chủ công nghệ. Tỷ lệ sản lượng than khai thác bằng cơ giới hóa trong tổng sản lượng than khai thác hầm lò trong TKV đã đạt trên 7% (gấp 2 lần so với năm 2010).

Theo định hướng của TKV sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác mỏ hầm lò, phấn đấu nâng tỷ lệ khai thác than hầm lò bằng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ lên 15 - 20% tổng sản lượng than khai thác hầm lò vào năm 2020. Tăng cường cơ giới hóa khâu bốc xúc, vận tải, kiểm soát khí mỏ, tăng cường mức độ đảm bảo an toàn.

Qua phân tích trên đây có thể thấy, quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất của Tập đoàn hiện nay đã thay đổi sâu sắc, đặc biệt lực lượng sản xuất trong TKV đã từng bước phát triển và tác động tích cực đến sự thay đổi trong quan hệ sản xuất.

Năng lượng Việt Nam: Theo dự báo của nhiều chuyên gia, thách thức năng lượng Việt Nam trong tương lai tới là rất lớn khi chúng ta không theo kịp thế giới về khả năng tự đáp ứng nhu cầu năng lượng sơ cấp. Trong bối cảnh ấy, theo ông, vai trò của ngành Than được "định vị" thế nào trong cân bằng năng lượng quốc gia?

Ông Lê Minh Chuẩn: Theo Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Quy hoạch điều chỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016, nhu cầu sử dụng than trong nước nói chung và nhu cầu sử dụng than cho nhiệt điện nói riêng ngày càng tăng. Cụ thể, tổng nhu cầu than năm 2020 khoảng 86,4 triệu tấn (nhiệt điện khoảng 64,1 triệu tấn); 2025 khoảng 121,5 triệu tấn (nhiệt điện khoảng 96,5 triệu tấn); năm 2030 khoảng 156,6 triệu tấn (nhiệt điện khoảng 131,1 triệu tấn).

Dự báo thời gian tới, ngành Than trong nước sản xuất không đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng nói chung, sản xuất nhiệt điện nói riêng và phải nhập khẩu với khối lượng lớn. Cụ thể, nhập khẩu năm 2020 khoảng 40,3 triệu tấn (nhiệt điện khoảng 25,1 triệu tấn); 2025 khoảng 70,3 triệu tấn (nhiệt điện khoảng 57,6 triệu tấn); 2030 khoảng 102,1 triệu tấn (nhiệt điện khoảng 86,7 triệu tấn).

Theo Quy hoạch than điều chỉnh nêu trên, nhiệt điện than mặc dù đã được xem xét giảm để tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như: điện gió, mặt trời... song vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Cụ thể, tổng công suất hệ thống điện Việt Nam đến năm 2020 khoảng 60.000 MW (trong đó nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm 42,7%); 2025 khoảng 96.500 MW (nhiệt điện than khoảng 47.600 MW, chiếm 49,3%); 2030 khoảng 129.500 MW (nhiệt điện than khoảng 55.300 MW, chiếm 42,7%).

Qua các số liệu Quy hoạch và bối cảnh năng lượng tái tạo có giá thành cao, tiềm năng thủy điện đã được khai thác đáng kể, nguồn khí hạn chế, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dừng triển khai… cho thấy trong thời gian tới ngành Than có vai trò và vị trí rất quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng và an ninh năng lượng quốc gia.

Để thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, tại Quy hoạch ngành Than điều chỉnh, TKV được giao cùng với Tổng công ty Đông Bắc là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện Quy hoạch và phát triển bền vững ngành Than; thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc cung cấp than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Tuy nhiên, trong năm 2017, tại các Công văn số 46/TTg-CN ngày 16/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ và số 2172/VPCP-CN ngày 10/3/2017 của Văn phòng Chính phủ chỉ đạo về việc cung cấp than cho sản xuất nhiệt điện thì TKV chỉ đóng vai trò là một trong những đơn vị cung cấp than cho sản xuất điện, không còn chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng và cung cấp than cho nền kinh tế. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho TKV trong việc hoạch định chiến lược dài hạn và xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Về vấn đề này, Tập đoàn đã có báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương để chỉ đạo thực hiện.

Tôi cho rằng, bất kỳ trong tình hình nào, TKV và thợ mỏ ngành Than với truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm" sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Nhà nước giao, góp phần tích cực đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năng lượng Việt Nam: Xin cảm ơn ông!

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động