RSS Feed for Thứ sáu 29/03/2024 19:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

'Dù tiêu thụ than khó, TKV vẫn đảm bảo đời sống cho người lao động'

 - Đó là cam kết của Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Đặng Thanh Hải tại Hội nghị: Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và phong trào “Thợ mỏ sáng tạo”, do Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức.


TKV với phong trào thi đua yêu nước

 

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải tại Hội nghị: Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và phong trào “Thợ mỏ sáng tạo”.

I/ Tình hình sản xuất, kinh doanh của TKV năm 2020

Đến thời điểm này đã gần kết thúc năm 2020, có thể khái quát bức tranh toàn cảnh về sản xuất, kinh doanh năm 2020 của TKV được chia làm 2 giai đoạn như sau: 

1/ Giai đoạn thứ nhất (trong 6 tháng đầu năm):

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song các đơn vị trong Tập đoàn vẫn giữ được nhịp độ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể: Dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp và/ hoặc gián tiếp đến tất cả các thị trường của TKV, kể cả ở trong và ngoài nước. Một số quốc gia đã phong toả đất nước do dịch bệnh.

Đối với lĩnh vực than, các khách hàng trực tiếp đều giảm sản xuất làm giảm nhu cầu sử dụng than; các khách hàng thương mại cũng bị ảnh hưởng do khách hàng của họ cắt giảm sản lượng hoặc giãn, dừng sản xuất.

Đối với lĩnh vực khoáng sản, nhu cầu sử dụng và giá bán các sản phẩm khoáng sản cũng giảm mạnh (như sản phẩm than). Tình trạng dư thừa sản phẩm trên thị trường tiếp tục gia tăng, tạo áp lực giảm giá bán sản phẩm.

Trước tình hình trên, Lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện theo phương châm “vừa phòng chống dịch - vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh”. Các đơn vị sản xuất đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của TKV trong công tác chuẩn bị, dự phòng vật tư; theo dõi, quản lý tốt sức khoẻ của người lao động. Đồng thời tranh thủ chi phí nhiên liệu ở mức thấp, các đơn vị sản xuất than đã tăng cường bóc đất đá, đào lò và chuẩn bị đủ chân hàng cả về chất lượng và số lượng để cung ứng.

Trong đó: Than nguyên khai khai thác đạt 53% kế hoạch năm, than sạch sản xuất đạt 54,7% kế hoạch; đất đá bóc 55,2% kế hoạch, mét lò CBSX đạt 48,2% kế hoạch. Khối khoáng sản, điện lực, hoá chất, cơ khí vẫn giữ nhịp độ sản xuất ổn định và có tăng trưởng cao.

Tính chung các chỉ tiêu 6 tháng đầu năm tăng trưởng so với cùng kỳ bình quân 6%. Riêng than tiêu thụ tăng so với cùng kỳ 7% là chỉ tiêu có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm.

2/ Giai đoạn thứ hai (các tháng quí 3 và tháng 10/2020):

CBCN Tập đoàn vừa phòng chống dịch Covid-19 (lần 2) vừa phải vượt qua sự tác động nặng nề của mưa lũ liên tiếp tại các tỉnh miền Trung. “Ảnh hưởng kép” này đã làm cho tiêu thụ than của TKV sụt giảm nghiêm trọng.

Với tinh thần lạc quan theo đà phục hồi kinh tế từng bước của cả nước và của TKV như kết quả trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên bước sang quí 3/2020 do tác động đột ngột của đại dịch Covid-19 (lần 2) từ tháng 7/2020 xuất hiện tại Đà Nẵng đã làm thay đổi các kế hoạch, các giải pháp từ trước của TKV.

Do lượng mưa nhiều trong các tháng 9 và 10/2020 tại miền Trung, dẫn đến việc EVN tăng tối đa huy động nguồn phát từ các nhà máy thủy điện, kéo theo nhu cầu sử dụng than các nhà máy nhiệt điện than giảm mạnh.

Trước diễn biến bất thường của tác động “kép” nêu trên, Tập đoàn đã điều chỉnh lại sản lượng than tiêu thụ năm 2020 từ 49 triệu tấn giảm xuống còn 42 triệu tấn (giảm 7 triệu tấn). Trong đó hộ điện giảm 6,2 triệu tấn, hộ xi măng giảm 600 ngàn tấn, hộ phân bón hoá chất giảm 490 ngàn tấn.

II/ Kết quả thực hiện nhiệm vụ 10 tháng năm 2020

1/ Mặc dù tiêu thụ giảm nhưng kết quả thực hiện các chỉ tiêu giá trị của TKV vẫn đảm bảo theo kế hoạch được giao.

Lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn dự kiến đạt 3.405 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận Công ty mẹ dự kiến đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tương ứng với lợi nhuận kế hoạch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp giao tại QĐ số 77/QĐ-UBQLV ngày 20/2/2020. Nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 15.500 tỷ VNĐ. Năng suất lao động tiếp tục được duy trì và không ngừng tăng so với cùng kỳ. 

2/ Việc làm - thu nhập và thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động được duy trì ổn định và tiếp tục được cải thiện.

Trước diễn biết bất lợi nêu trên, vấn đề cấp bách trong quí 3 vừa qua và hiện nay không chỉ là phải đảm bảo hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn phải “đảm bảo an sinh, xã hội” cho người lao động của Tập đoàn. Vì người lao động là “đối tác” của chủ doanh nghiệp. Dù khó khăn chồng khó khăn nhưng năm 2020 Tập đoàn vẫn đảm bảo duy trì việc làm cho hơn 9 vạn người lao động. Tiền lương của lao động sản xuất chính các lĩnh vực than, khoáng sản, điện lực, VLNCN, cơ khí… vẫn có tăng trưởng. Tiền lương bình quân chung toàn TKV sẽ không giảm so với kế hoạch năm 2020.

Một số đơn vị vẫn có tăng trưởng tiền lương so với thực hiện năm 2019. Điều này thể hiện ở các điểm sau đây:

Thứ nhất: Về vấn đề việc làm và tiền lương: Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Con số này bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Trong đó: Lao động bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ) là 68,9% (tương ứng khoảng 21,9 triệu lao động); Lao động phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên là gần 40% (tương ứng khoảng 12,7 triệu lao động); Lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 14% (tương ứng khoảng 4,5 triệu lao động).

Nhưng đối với TKV, các đơn vị vẫn đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động trong diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp. Duy chỉ có một số ít đơn vị bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như Khách sạn Heritage Hạ Long, bộ phận du lịch, lữ hành, các trung tâm điều trị bệnh nghề và phục hồi chức năng tại Lào Cai, Thanh Hóa, Móng Cái, Thái Nguyên... nhưng đã được Tập đoàn cấp quỹ phúc lợi, quỹ lương dự phòng của Công ty mẹ để hỗ trợ tiền lương cho người lao động.

Đặc biệt, Khách sạn Heritage Hạ Long đã được các đơn vị trên địa bàn Hạ Long “giải cứu” việc làm cho trên 50% lao động của Khách sạn. Một số đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất như Công ty CP Crômit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty CP đồng Tả Phời… cũng đã được Tập đoàn trích Quỹ phúc lợi hỗ trợ tiền lương cho người lao động, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Vì vậy, năm 2020 dự kiến tiền lương bình quân chung toàn TKV sẽ đạt 13,0 triệu đồng/người-tháng, tăng 2% so với kế hoạch và so với thực hiện năm 2019. Đã đảm bảo tiền lương ngày công của thợ lò đạt 1,0 triệu đồng/công.

Thứ hai: Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động vẫn được đảm bảo: Ngoài duy trì thực hiện chính sách phúc lợi đối với người lao động như những năm trước, năm 2020 Tập đoàn đã có chỉ đạo:

Đối với chế độ rửa phổi cho người lao động mắc bệnh bụi phổi nghề nghiệp, Tập đoàn đã chỉ đạo mở rộng đối tượng rửa phổi là người lao động có thời gian tiếp xúc với bụi từ 5 năm trở lên; tăng chi phí rửa phổi, đối với các đơn vị hầm lò chi phí do TKV chi trả.

Tăng chi phí nghỉ mát, hỗ trợ điều trị và chế độ gia đình thợ lò có nhiều thành tích tham quan, nghỉ mát từ 330.000 đồng/người/ngày lên 421.400 đồng/người/ngày. Giao các đơn vị tổ chức cho 8.036 lao động đi nghỉ mát, hỗ trợ điều trị với chi phí 20 tỷ đồng.

Đối với chế độ ăn định lượng, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bãi bỏ từ đầu năm 2020 (tại Quyết định số 01/2020/QĐ- TTg về việc bãi bỏ 71 văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng ban hành), song các đơn vị vẫn tiếp tục duy trì để đảm bảo chế độ phúc lợi cho người lao động. Việc duy trì chế độ ăn định lượng sẽ đối mặt với rủi ro bị xuất toán, nên TKV đang tiếp tục đề nghị Chính phủ tiếp tục cho áp dụng cho áp dụng, đồng thời có văn bản báo cáo Bộ LĐTBXH chấp thuận trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn.

Thứ ba: Công tác tuyển sinh đào tạo thợ mỏ hầm lò đạt kết quả tốt, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, không để thiếu lao động: So với kết quả thực hiện năm 2019, kết quả thực hiện tuyển sinh lao động học các nghề mỏ hầm lò năm 2020 có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng; tỷ lệ học sinh hao hụt được cải thiện theo chiều hướng tích cực.

Về số lượng: Đã tuyển được 5.081 học sinh/ 4.500 học sinh, tăng 15% so với kế hoạch và tăng 46% so với năm 2019.

Về chất lượng: Số lao động tham gia đào tạo trình độ trung cấp năm 2020 là 709 học sinh, tăng gấp đôi so với thực hiện năm 2019.

Tỷ lệ hao hụt học sinh/số tuyển mới: giảm từ 25% năm năm 2019 xuống còn 11,6% năm 2020.

III/ Mục tiêu những tháng cuối năm

Mục tiêu quan trọng số 1 còn lại 2 tháng cuối năm 2020 cần thực hiện thành công đó là: Việc làm - thu nhập của NLĐ trong TKV: Trong 2 tháng cuối năm, khối than phải giảm sản xuất, nhưng Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị điều hành hợp lý để cân đối việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Qua nắm tình hình cụ thể từ các đơn vị cho thấy như sau:

Các đơn vị sản xuất than hầm lò, khoáng sản, alumina, cơ khí, điện lực, hoá chất mỏ vẫn đảm bảo ổn định việc làm. Do không “căng” về sản lượng, một số đơn vị đã giải quyết nghỉ lễ dịp 12/11 dài 3-4 ngày; bố trí người lao động nghỉ hết phép trong dịp cuối năm, hoặc có kế hoạch nghỉ tết dương lịch dài ngày hơn. Đây cũng là dịp để người lao động có điều kiện nghỉ ngơi, du lịch, giải quyết công việc cá nhân.

Các đơn vị lộ thiên có bị tác động tuy nhiên ảnh hưởng là không nhiều. Trong đó Công ty than Cọc Sáu, Đèo Nai nếu thực hiện bóc trước khối lượng đất của năm 2021 sẽ đủ việc làm cho người lao động. Riêng Cọc Sáu ảnh hưởng lớn hơn các đơn vị khác, tuy nhiên Công ty đã điều hành giảm ngày công làm việc toàn công ty xuống 22 công/tháng, bộ phận Văn phòng giảm còn 20 công/tháng. Để cân đối hệ số bóc, một số máy xúc điện phải dừng hoạt động, số lao động vận hành xúc điện được điều sang máy xúc thủy lực để kèm cặp bổ túc tay nghề (sang năm sẽ niêm cất, thanh lý một số máy xúc điện), đồng thời bố trí canh gác thiết bị nên người lao động không bị mất việc nhưng thu nhập sẽ bị giảm vì lương hưởng theo công việc kèm cặp và canh gác.

Khối sàng tuyển và kho vận bị tác động lớn nhất, tuy nhiên các đơn vị đã chủ động điều tiết lao động với nhiều giải pháp như: Tăng sửa chữa tự làm, đồng thời chuẩn bị tốt thiết bị, máy móc đáp ứng kịp thời cho giai đoạn tăng tốc sản xuất khi thị trường tốt lên; Tập trung sản lượng (đặc biệt ở khâu tiêu thụ) để làm việc trong ca, trong ngày, nhằm đảm bảo năng suất lao động, tránh bố trí dàn trải lãng phí lao động; Bố trí nghỉ phép ở mức độ tối đa đối với người lao động chưa nghỉ phép năm 2020; bố trí nghỉ phiên nhiều ngày hơn so với quy định (nghỉ phiên từ 6 - 8 ngày/người-tháng so với 4 ngày theo quy định); Giải quyết nghỉ việc riêng khi người lao động có nhu cầu; Điều chuyển, bố trí tạm thời lao động từ các phân xưởng ít việc sang các phân xưởng có công việc ổn định; Việc làm giảm nhưng đơn giá ngày công sản phẩm không giảm.

Trong bối cảnh giảm sản xuất cuối năm, ngoài các giải pháp mà các đơn vị đã và đang chuẩn bị thực hiện như đã nêu ở trên, Tổng Giám đốc TKV đề nghị các đơn vị cân đối chi phí, các quỹ khen thưởng - phúc lợi để bố trí cho người lao động đi tham quan, du lịch, trong đó ưu tiên du lịch tại các điểm du lịch ở Quảng Ninh để hưởng ứng lời kêu gọi “kích cầu du lịch” của tỉnh Quảng Ninh./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động