Chính phủ yêu cầu kiểm tra an toàn khai thác hầm lò
05:00 | 14/07/2012
>> Thủ tướng chỉ đạo Vinacomin tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính
>> Khẩn trương chọn địa điểm cảng trung chuyển than cho các nhà máy điện
An toàn lao động trong khai thác hầm lò đang được Vinacomin kiểm soát rất nghiêm ngặt.
Đề nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò tại các mỏ than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để đảm bảo hoạt động theo đúng quy định về an toàn trong khai thác.
Phó thủ tướng yêu cầu kiên quyết đình chỉ khai thác đối với những mỏ than chưa đảm bảo an toàn, kỹ thuật theo quy định. (Trích nội dung văn bản số: 5149/VPCP-KTN, ngày 12/7/2012 của Văn phòng Chính phủ).
An toàn trong khai thác hầm lò luôn mang tính 'đặc thù chuyên biệt', do vậy, sau khi văn bản nêu trên được gửi đến các bộ, ngành, địa phương liên quan, NangluongVietnam đã liên hệ với các chuyên gia về kỹ thuật an toàn và khai thác mỏ thuộc Hội đồng Khoa học Năng lượng - VESC và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thì được biết: trong khai thác than, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ gia tăng tai nạn, đó là:
Thứ nhất, do sản lượng khai thác tăng cao, sản xuất mở rộng, cường độ làm việc tăng. Khi khai thác xuống sâu hơn trong hầm lò thì mối nguy hiểm do áp lực mỏ, mức độ tích tụ khí mỏ ngày càng tăng. Các vỉa than càng sâu thì điều kiện địa chất càng phức tạp, nhiều uốn nếp nhỏ, đứt gãy, độ dốc cao nên khó áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến. Những lý do này dẫn đến việc gia tăng nguy cơ nổ khí, bục lò, nhất là đối với các mỏ nhỏ.
Thứ hai, lực lượng lao động gia tăng, người lao động tuyển mới vào làm thợ lò còn chưa có kinh nghiệm, ý thức kỷ luật về an toàn lao động còn hạn chế.
Năm 2012, Vinacomin đã ban hành và triển khai kế hoạch hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ. Theo kế hoạch này, việc tổ chức kiểm tra sẽ được đặc biệt chú trọng. Tất cả các đơn vị phải duy trì chế độ kiểm tra chéo giữa các phân xưởng và tăng cường kiểm tra đột xuất 3 ca, nhất là đối với nơi làm việc có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp.
Với các mỏ than hầm lò, Vinacomin đã tập trung kiểm tra quy trình, kỹ thuật khai thác, thông gió, kiểm soát nghiêm ngặt hàm lượng khí mê tan và việc sử dụng, bảo quản vật liệu nổ...
NangluongVietnam