RSS Feed for Toàn cảnh ngành điện thế giới và những điều suy ngẫm cho Việt Nam [Kỳ 1] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 03:57
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Toàn cảnh ngành điện thế giới và những điều suy ngẫm cho Việt Nam [Kỳ 1]

 - Trong chuyên đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ đề cập toàn cảnh ngành điện năm 2019 trên phạm vi toàn cầu, các khu vực, nhóm nước và các nước đại diện dưới các góc nhìn: Quy mô sản lượng, tốc độ tăng, tỷ phần, sản lượng điện bình quân đầu người, cơ cấu nguồn điện theo loại nhiên liệu phát điện trong mối quan hệ với các yếu tố ảnh hưởng... Qua đó rút ra một số điều suy ngẫm cho Việt Nam trong chiến lược phát triển điện thời gian tới.


So sánh nhu cầu tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam với thế giới


KỲ 1: NHẬN XÉT VỀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT ĐIỆN TRÊN TOÀN CẦU VÀ VIỆT NAM

Tình hình sản xuất điện năm 2019 toàn thế giới, các khu vực, nhóm nước và các nước đại diện được trình bày ở Bảng 1, các Hình 1, 2, 3 và 4 sau đây:

Bảng 1:

Khu vực và nhóm nước

Sản lượng điện năm 2019

 

Tổng số (TWh)

Tăng so với 2018 (%)

Tăng b/q từ 2008-2018 (%)

Tỷ phần thế giới (%)

 
 

Bắc Mỹ

5425.7

-0.6

0.3

20.1

 

Nam và Trung Mỹ

1329.3

-0.1

2.2

4.9

 

Châu Âu

3993.3

-1.8

-0.1

14.8

 

CIS

1431

1

1

5.3

 

Trung Đông

1264.7

3.3

4.8

4.7

 

Châu Phi

870.1

2.9

3.2

3.2

 

Châu Á-TBD

12690.5

3.1

5.4

47

 

Thế giới

27004.7

1.3

2.7

100

 

- OECD

11136

-1

0.2

41.2

 

- Ngoài OECD

15868.7

3

5.1

58.8

 

- EU

3215.3

-1.7

-0.4

11.9

 

 


Hình 1:


Hình 2:


Hình 3:

 


Hình 4:

Nguồn: [1] và tính toán, tổng hợp của tác giả. 

Ghi chú: TWh: tỷ kWh; Nước đại diện là nước có sản lượng điện ≥ 0,1% sản lượng điện thế giới; Trung Quốc: 7.503,4 TWh. 

 


Nhận xét về tổng sản lượng điện sản xuất năm 2019 của thế giới: 

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, ngành sản xuất điện toàn cầu cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng. Tổng sản lượng điện toàn cầu đạt 27.004,7 tỷ kWh, tuy tăng 1,3% so với năm 2018 song mức tăng chỉ bằng xấp xỉ một nửa mức tăng bình quân trong giai đoạn 2008 - 2018 là 2,7%/năm.

Các khu vực có sản lượng điện tăng gồm: CIS (1,0%); Trung Đông (3,3%); châu Phi (2,9%) và châu Á-TBD (3,1%). Ngoại trừ CIS, các khu vực này đều có mức tăng thấp hơn mức tăng bình quân trong giai đoạn 2008 - 2018, nhất là châu Á-TBD (3,1% < 5,4%) và Trung Đông (3,3% < 4,8%).

Các khu vực có sản lượng điện giảm gồm: Bắc Mỹ (0,6%); Nam và Trung Mỹ (0,1%); châu Âu (1,8%). Trong đó, châu Âu có mức giảm mạnh so với mức giảm bình quân trong giai đoạn 2008 - 2018 là 0,1%.

Nhóm các nước OECD giảm 1%, EU giảm 1,7%, trong khi nhóm các nước ngoài OECD tăng 3,0%, nhờ đó kéo theo sự gia tăng của toàn cầu 1,3%.

Xét theo từng nước thì ngay trong một khu vực, nhóm nước cũng có nước tăng, thậm chí tăng cao và có nước giảm, thậm chí giảm mạnh. Cụ thể là: 

1/ Tại Bắc Mỹ: Canada tăng 1,2%; Mexico tăng 4,2%, còn Mỹ giảm 1,3%.

2/ Tại Nam và Trung Mỹ: Đa phần các nước tăng, trong đó Ecuado tăng tới 10,7% và có 3 nước giảm: Ác-hen-ti-na giảm 4,7%; Colombia giảm 3,9% và Venezuela giảm tới -19,3%.

3/ Tại châu Âu: Đa phần các nước giảm, trong đó giảm sâu nhất là Bồ Đào Nha (10%); Na Uy (8,3%); Rumani (8,2%) và Hy Lạp - 5,8%. Ngược lại, một số nước tăng, thậm chỉ tăng cao như Bỉ (24,9%); Áo (8,0%); Hungari (6,0%) và Hà Lan (5,8%).

4/ Tại CIS: Các nước đều tăng theo đà tăng của giai đoạn 2008 - 2018, nhờ đó cả khu vực tăng 1% bằng mức tăng bình quân của giai đoạn 2008 - 2018 là 1%.

5/ Tại Trung Đông: Hầu hết các nước tăng, trong đó Iraq tăng cao tới 31,6%; chỉ có Ôman và Ả rập Xê-ud giảm nhẹ, tương ứng là - 0,7% và - 0,5%.

6/ Tại châu Phi: Hầu hết các nước tăng, trong đó Morocco tăng tới 16,6%; một số nước giảm, trong đó có Nam Phi 1,5%.

7/ Tại châu Á-TBD: Hầu hết các nước tăng, cao nhất là Bangladesh (10,6%); Việt Nam (8,7%); Philippines (6,0%) và Thái Lan (5,0%). Trong số nước giảm có Nhật Bản (1,9%); Hàn Quốc (1,5%) và Đài Loan (0,5%).

Như vậy, sự tăng giảm sản lượng điện trong từng khu vực, nhóm nước không phải là xu thế chung mà chủ yếu do tình hình, bối cảnh của từng nước.

10 nước có quy mô sản lượng điện lớn nhất gồm (% trên tổng sản lượng điện thế giới): Trung Quốc (27,8%), Mỹ (6,3%), Ấn Độ (5,8%), Nga (4,1%), Nhật Bản (3,8%), Canada (2,4%), Brazil (2,3%), Đức (2,3%), Hàn Quốc (2,2%), Pháp (2,1%). Tổng 10 nước chiếm 69,1%.

Về sản lượng điện bình quân đầu người năm 2019 (kWh/người) của toàn thế giới là 3.501. Bắc Mỹ: 10.984 (cao gấp hơn 3 lần bình quân của thế giới), Nam và Trung Mỹ: 2.555, châu Âu: 5.888, CIS: 5.827, Trung Đông: 4.928, châu Phi: 666, châu Á-TBD: 3.011, Nhóm nước OECD: 8.516, Nhóm nước ngoài OECD: 2.545 và EU: 6.275.

Trong số các nước đại diện 10 nước có sản lượng điện bình quân đầu người cao nhất gồm (kWh/người): Canada (31.357), Na Uy (25.009), Cô-oet (17.815), Qatar (17.173), Thụy Điển (16.929), UAE (14.135), Mỹ (13.374), Phần Lan (12.401), Đài Loan (11.531), Hàn Quốc (11.415).

Ngược lại, còn rất nhiều nước sản lượng điện bình quân đầu ngưới rất thấp (<1.000 kWh/người) như Bangladesh (550), Pakistan (628), Philippines (979), v.v... và nhiều nước ở châu Phi thấp dưới 500 kWh/người, chính vì vậy bình quân đầu người của châu Phi chỉ đạt 666 kWh/người. 

Bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 2.357 kWh/người, chỉ bằng 78,3% của châu Á-TBD, 67,3% của thế giới, 45,2% của Malaysia và 44% của Trung Quốc, thấp hơn Thái Lan và rất thấp so với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, v.v...

Nhiệt điện than bình quân đầu người (kWh/người) toàn thế giới là 1.343. Trong đó, Bắc Mỹ (2.296), Nam và Trung Mỹ (143), châu Âu (1.030), CIS (1.076), Trung Đông (88), châu Phi (194), châu Á-TBD (1.750). Nói chung có sự khác nhau đáng kể giữa các khu vực.

Các nước có nhiệt điện than bình quân đầu người cao nhất gồm (kWh/người): Mỹ (3.201), Đức (2.050), Ba Lan (3.174), Kazakstan (4.210), Úc (5.933), Trung Quốc (3.472), Nhật Bản (2.573), Malaysia (2.229), Hàn Quốc (4.662), Đài Loan (5.311).

Riêng của Việt Nam là 1.166, bằng 86,8% của thế giới, 66,6% của châu Á - TBD, 52,3% của Malaysia, 45,3% của Nhật Bản và rất thấp so với Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, v.v... 

Tóm lại, sản lượng điện bình quân đầu người (kể cả tổng số và riêng nhiệt điện than) của Việt Nam còn quá thấp so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. 

Thông qua chỉ tiêu sản lượng điện bình quân đầu người cho thấy phần nào nguyên nhân tăng, giảm sản lượng điện của các khu vực, nhóm nước và của từng nước như đã nêu trên.

KỲ TỚI: NHẬN XÉT VỀ CƠ CẤU NGUỒN ĐIỆN CỦA THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

[1] BP Statistical Review of World Energy 2020.

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động