RSS Feed for Sự phát triển và hoàn thiện của mô hình tổ chức các thị trường điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 14:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sự phát triển và hoàn thiện của mô hình tổ chức các thị trường điện

 - Chống độc quyền trên thị trường năng lượng là một trong những chủ trương lớn đã được khẳng định trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Vì vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thị trường điện cạnh tranh phải được đặt lên hàng đầu để làm cơ sở cho việc phá bỏ độc quyền. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin giới thiệu một số kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực này. Rất mong nhận được sự chia sẻ, thảo luận của các chuyên gia, nhà quản lý, bạn đọc ở trong nước và quốc tế.


Thị trường bán lẻ điện Singapore, kinh nghiệm nào cho Việt Nam?
Thị trường bán lẻ điện Philippines, kinh nghiệm nào cho Việt Nam?




NGUYỄN THÀNH SƠN - ĐẠI HỌC ĐIỆN LỰC HÀ NỘI

PHAN NGÔ TỐNG HƯNG - HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


I. Các mô hình tổ chức thị trường điện

Trong quá trình tái cấu trúc lĩnh vực công nghiệp điện, việc lựa chọn một mô hình vận hành phù hợp cho thị trường điện (TTĐ) và cập nhật mô hình đó theo các điều kiện cụ thể cho mỗi quốc gia là một qui trình tổng hợp rất phức tạp. Qui trình này cần tính đến hàng loạt các yếu tố khác nhau, bao gồm nhưng không hạn chế:

Thứ nhất: Mục tiêu của việc tái cấu trúc:

1/ Nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp điện.

2/ Giảm giá bán của điện năng.

3/ Nâng cao chất lượng cung ứng điện.

4/ Nâng cao khả năng cạnh tranh.

5/ Tư nhân hóa.

6/ Thu hút vốn đầu tư.

Thứ hai: Cấu trúc hiện tại của thị trường phát điện theo các dạng năng lượng sơ cấp và theo vùng kinh tế.

Thứ ba: Mức độ tập trung, hay phân tán của việc điều độ hệ thống điện.

Thứ tư: Chính sách quốc gia về giá điện bán buôn, bán lẻ và mức độ can thiệp của nhà nước vào các loại giá đó.

Thứ năm: Các nguồn vốn đầu tư vào ngành điện; và,

Thứ sáu: Các mô hình thị trường khả thi.

Trên thế giới, các mô hình chủ yếu để tổ chức mối quan hệ giữa các bên tham gia thị trường điện đã được phát triển và hoàn thiện, tiến hóa theo các mức từ thấp đến cao, như sau:

1/ “Tích hợp theo chiều dọc”.

2/ “Một người mua duy nhất”.

3/ “Không can thiệp vào bán buôn”.

4/ “Không can thiệp vào bán buôn và bán lẻ”.

5/ “Hợp đồng song phương”; và,

6/ “Thị trường cân bằng”.

Mỗi mô hình vận hành của TTĐ cần được xây dựng trên cơ sở tình trạng thực tế của tất cả các yếu tố cấu thành thị trường. Trong đó, các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vận hành TTĐ gồm:

1/ Mức độ tự động hóa đo đếm điện năng được sản xuất và điện năng được tiêu dùng.

2/ Sự tồn tại của các cơ cấu tổ chức cần thiết.

3/ Hiệu quả hoạt động của các cơ chế kiểm soát và điều khiển.

4/ Khả năng tài chính của những người sử dụng điện năng.

5/ Khả năng thanh toán và kỷ luật về thanh toán của các bên tham gia TTĐ v.v…

Vì vậy, mặc dù trên thế giới có rất nhiều kinh nghiệm tích cực trong việc hình thành và vận hành TTĐ, việc lựa chọn một mô hình riêng cho mỗi quốc gia là một qui trình rất đặc thù, cần được tiến hành từng bước, có cân nhắc, và đặc biệt, trong các bước phải tính đến “phản ứng” của thị trường - là phản ứng để “sống” trong Qui luật trò chơi nêu trên.

Bất kể TTĐ được tổ chức theo mô hình nào, để có thể vận hành được, nó cần phải dựa trên các tiền đề (điều kiện của cuộc chơi). Các tiền đề này cần được hình thành từ các “luật chơi” của nền kinh tế thị trường. Đó là sự tuân thủ các hợp đồng mua - bán điện và các thỏa thuận khung về mua - bán điện. Không có tiền đề này, không có mô hình nào có thể vận hành được.

Ví dụ, nếu không có qui định “người dùng điện bắt buộc phải thanh toán tiền điện” thì thị trường sẽ không vận hành được. Và, ngược lại, việc tuân thủ nghiêm ngặt các “luật chơi” là tiền đề cho sự vận hành có hiệu quả của bất kỳ mô hình cấu trúc nào.

Sự vận hành của TTĐ cũng giống như vận hành của một cơ thể sống. Cơ thể sống vận hành được nhờ sự lưu thông của máu. “Máu” của TTĐ là các vật dẫn sau:

1/ Điện năng (W) được truyền từ các nhà máy phát điện đến các công ty truyền tải, => các công ty phân phối, => các hộ tiêu dùng điện.

2/ Tiền ($) được truyền theo hướng ngược lại, từ các hộ tiêu dùng điện qua các công ty phân phối và hệ thống thanh toán đến các nhà máy phát điện.

3/ Thông tin (I) được truyền từ cơ quan điều độ đến các nhà máy phát điện, các công ty truyền tải, các công ty phân phối và các định chế thanh toán.

Như vậy, các mạch “máu” được lưu thông trên thị trường điện sẽ như sau:



Hình 1. Các mạch “máu” lưu thông trong thị trường điện.

II. Thị trường điện “tích hợp theo chiều dọc” (TTĐ 1.0)
 



Hình 2. Mô hình tích hợp theo chiều dọc của TTĐ 1.0.

Mô hình tích hợp theo chiều dọc của điện năng được dựa trên sự tích hợp theo chiều dọc của các đơn vị trực tiếp sản xuất, truyền tải và cung ứng điện năng. Đây là mô hình lạc hậu nhất của TTĐ (TTĐ 1.0). Mô hình này đã được áp dụng ở Việt Nam, vận hành thử nghiệm từ 2009 và vận hành chính thức từ năm 2012.

Mô hình này có điểm đặc trưng là các hộ tiêu dùng điện (người mua điện - đường đứt quãng trong hình vẽ trên) hoàn toàn nằm ngoài thị trường, vì không có khả năng lựa chọn người bán buôn, hay người bán lẻ điện.

III. Thị trường điện “một người mua” (TTĐ 2.0)

Mô hình thị trường một người mua (hay còn ví là mô hình “bể bơi”) có đặc trưng là tính độc quyền trong lĩnh vực bán buôn điện năng, nhưng, trong những điều kiện nhất định, cho phép có sự cạnh tranh trong lĩnh vực phát điện và trong lĩnh vực cung cấp điện đến người tiêu dùng cuối cùng. Các sơ đồ cấu trúc của các phương án tổ chức TTĐ theo mô hình TTĐ 2.0 gồm 3 cấp hoàn thiện được trình bày trong các hình vẽ dưới đây.

Mô hình TTĐ một người mua cấp độ 1 (TTĐ phát điện cạnh tranh) được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2012 và từ 1/1/2019 đã chuyển sang TTĐ bán buôn cạnh tranh (VWEM), tương đương TTĐ cấp độ 2.2. Tuy nhiên, trong mô hình này người mua điện vẫn chủ yếu giao dịch thông qua các đơn vị mua buôn điện là EVN và 5 công ty phân phối điện địa phương trực thuộc EVN (theo quy định tại Thông tư 45/2018/TT-BCT). Giao dịch mua trực tiếp từ các nhà sản xuất điện mới đang ở giai đoạn thí điểm:



Hình 3. Thị trường một người mua cấp độ 1 (TTĐ 2.1).

 



Hình 4. Thị trường một người mua cấp độ 2 (TTĐ 2.2).
 



Hình 5. Thị trường một người mua cấp độ 3 (TTĐ 2.3).

Trong giai đoạn 1, chức năng sản xuất điện được tách biệt khỏi chức năng của “người mua duy nhất”. Trong giai đoạn 2, các chức năng truyền tải và phân phối điện được tách biệt khỏi chức năng của “người mua duy nhất”. Trong giai đoạn 3 cuối cùng, chức năng điều độ cũng tách khỏi chức năng của “người mua duy nhất” và “người mua duy nhất” chỉ còn thực hiện chức năng mua buôn điện năng từ các nhà sản xuất và bán buôn cho các nhà cung cấp.

Thế mạnh của TTĐ “một người mua”:

1/ Tạo ra môi trường cạnh tranh cho các nhà cung cấp điện và người tiêu dùng điện.

2/ Tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường phát điện.

3/ Tạo ra khả năng xuất hiện các nguồn năng lượng sơ cấp mới có thể được sử dụng để phát điện.

4/ Tạo ra khả năng nâng cao hiệu quả của sản xuất; và

6/ Chất lượng và sự ổn định của việc cung cấp điện sẽ lần lượt được nâng cao (từ TTĐ 2.1 đến TTĐ 2.3).

Ưu điểm của mô hình này là:

Thứ nhất: Cơ cấu của các thành phần tham gia phát điện sẽ thay đổi đáng kể ngay sau khi thị trường được vận hành.

Thứ hai: Số lượng các công ty phát điện lớn có khả năng tạo ra sự cạnh tranh trong quá trình bán điện cho “người mua duy nhất” sẽ tăng lên đáng kể.

Thứ ba: Các nhà cung cấp điện - những người mua điện từ thị trường “một người mua duy nhất” cũng sẽ bán điện cho người tiêu dùng cuối cùng trên cơ sở có cạnh tranh.

Nhược điểm của mô hình thị trường điện một người mua: Trong các giai đoạn đầu tổ chức mô hình bể bơi, ví dụ ở Anh và xứ Wales, đã xuất hiện một số vấn đề, như:

1/ Sự cạnh tranh không đáng kể giữa các tổ máy phát điện trong việc xác định giá điện của thị trường. Vấn đề này đã được giải quyết bằng cách giảm một cách ổn định tỷ trọng trên thị trường của các công ty phát điện lớn.

2/ Sự tham gia không đầy đủ của người tiêu dùng điện vào việc hình thành giá bán điện. Trong mô hình này, chỉ có các hộ tiêu thụ lớn có thể và có điều kiện giảm nhu cầu điện của mình một cách đáng kể để đóng vai trò như những “nhà giả sản xuất điện”.

3/ Sự tương tác không hiệu quả giữa các thị trường của khí và điện năng.

4/ Sự tham gia vào thị trường mang tính bắt buộc, khi tất cả các nhà cung cấp đã bị ép phải mua điện năng từ “người mua duy nhất”, còn các nhà sản xuất cũng bị ép phải bán toàn bộ điện năng sản xuất được cho “người mua duy nhất”.

5/ Tiến độ hình thành của thị trường thấp.

Ở Anh và xứ Wales, thị trường với mô hình “một người mua duy nhất” đã trở thành một thị trường bán buôn năng lượng điện đầu tiên, mà trong đó, các kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh được xác định bằng các cơ chế thị trường. Thị trường này đã được phê chuẩn từ tháng 4/1990, ngay khi việc tư nhân hóa thị trường điện được triển khai, đã tạo ra các điều kiện cạnh tranh gữa các nhà sản xuất điện và giữa các nhà cung cấp bán lẻ (người tiêu dùng điện đã có khả năng lựa chọn nhà cung cấp điện năng).

IV. Thị trường không can thiệp (TTĐ 3.0)

Mô hình “không can thiệp” này của TTĐ có 2 phiên bản được nâng cấp, hoàn thiện: Không can thiệp vào bán buôn - TTĐ 3.1 và không can thiệp vào bán buôn và bán lẻ - TTĐ 3.2.

1/ Thị trường điện không can thiệp vào bán buôn (TTĐ 3.1):

Phiên bản TTĐ 3.1 là mô hình của một thị trường điện mà trong đó “người mua duy nhất” sẽ dần dần phải tự giảm tỷ trọng tham gia của mình vào hoạt động của thị trường bằng cách cho phép ngày càng nhiều các công ty cung cấp điện và/hoặc các hộ tiêu thụ lớn ký trực tiếp các hợp đồng mua - bán điện với các nhà máy điện. Thị trường này được vận hành theo mô hình sau:

 



Hình 6. Mô hình thị trường không can thiệp vào bán buôn (TTĐ 3.1).

Mô hình thị trường không can thiệp bán buôn có các đặc tính chủ yếu sau:

Một là: Chức năng điều độ (lập các biểu đồ phụ tải và lập kế hoạch cân bằng công suất) sẽ dần dần chuyển từ “người mua duy nhất” sang các công ty phát điện và phân phối điện. Các công ty này sẽ làm việc theo các hợp đồng mua - bán trực tiếp.

Hai là: Tạo ra khả năng hình thành một thị trường mua - bán điện trên sàn giao dịch (hoặc một số yếu tố của sàn).

Ba là: Mục đích điều tiết hoạt động của thị trường sẽ là tối ưu hóa các luật chơi trên thị trường, kể cả tối ưu hóa các điều kiện và các nguyên tắc truyền tải điện năng, giá truyền tải điện và giá cung cấp điện.

Kết quả thực hiện mô hình này là tạo ra một thị trường của các hợp đồng mua bán điện trực tiếp và dài hạn theo giá thị trường trên cơ sở thỏa thuận giữa các nhà phát điện và người tiêu dùng điện, đồng thời cũng tạo ra một thị trường cho các hợp đồng ngắn hạn (“thị trường giao ngay”). Trong thị trường được vận hành theo mô hình “không can thiệp vào bán buôn” này sẽ diễn ra sự cạnh tranh đáng kể giữa các nhà sản xuất, cũng như giữa các nhà phân phối/cung cấp. Điều này sẽ dẫn đến việc tối ưu hóa quá trình hình thành giá điện trên thị trường.

Mục tiêu cuối cùng của việc “không can thiệp vào bán buôn” là dần dần tiệm cận tới một mô hình hoàn thiện hơn của thị trường điện. Ở đây, phân khúc của thị trường bán buôn sẽ gồm: Các hợp đồng được ký giữa hai bên; thị trường giao dịch (mua đi bán lại) các hợp đồng cung cấp hiện vật (điện năng); thị trường giao dịch các hợp đồng tài chính, và thị trường của các hệ thống dịch vụ (phụ trợ).Thị trường không can thiệp vào bán buôn và bán lẻ (TTĐ 3.2)

2/ Đây là một trong số các mô hình hoàn thiện của thị trường điện. Mô hình này có các đặc tính sau:

Thứ nhất: Tất cả những người sử dụng điện cuối cùng có khả năng tự lựa chọn cho mình nhà cung cấp điện.

Thứ hai: Hoạt động phân phối điện năng được tách biệt khỏi việc bán lẻ điện năng như một hàng hóa.

Thứ ba: Tất cả các nhà bán điện có khả năng cạnh tranh với nhau trong việc ký kết các hợp đồng cung ứng.

Thứ tư: Thị trường được “mở” hoàn toàn cho việc tham gia tự do vào thị trường từ bên ngoài của các nhà sản xuất điện và tiêu dùng điện, cũng như các nhà môi giới trung gian hoạt động trong cơ chế cạnh tranh tự do. 

Trong giai đoạn đầu tiên của việc tái cấu trúc, hoạt động của các công ty phân phối về truyền tải điện năng bằng các lưới điện cục bộ sẽ được tách biệt khỏi chức năng bán lẻ. Các nhà bán lẻ độc lập hoạt động trên thị trường có điều kiện để cạnh tranh lẫn nhau và cạnh tranh với các nhà cung cấp - người sở hữu các lưới phân phối điện. Trong gian đoạn kết thúc của việc tái cấu trúc, các nhà sản xuất và các hộ tiêu dùng điện ngoài thị trường sẽ có khả năng tham gia vào thị trường - tức là tạo ra một thị trường điện đa quốc gia.

V. Thị trường điện cạnh tranh toàn diện (TTĐ 4.0)

Một thị trường điện cạnh tranh sẽ bao gồm: Thị trường của các hợp đồng song phương (TTĐ 4.1) và thị trường cân bằng (TTĐ 4.2). Các thị trường này được phân biệt bằng các thời kỳ quá độ khác nhau, như sau:

1/ Thị trường của các hợp đồng dài hạn. Trên thị trường này, các bên bán và bên mua ký với nhau các hợp đồng mua bán cho giai đoạn tương lai (ví dụ cho tuần, tháng, hoặc năm tới).

2/ Thị trường “ngày tới”. Trên thị trường này, các bên bán và bên mua ký với nhau các hợp đồng mua bán cho các ngày tiếp theo.

3/ Thị trường cân bằng. Đây là thị trường được sử dụng để khớp nối cung và cầu về điện (“cân bằng” của hệ thống) trong thời gian thực của ngày hiện tại.

Với thị trường này, ban đầu, những người dùng điện sẽ lập kế hoạch đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện của mình thông qua việc mua điện trên “thị trường của những hợp đồng dài hạn”. Điều này sẽ diễn ra một lần, hoặc nhiều lần liên tục (tùy theo mức độ) cho đến khi thị trường “ngày tới” bắt đầu hoạt động.

Bằng cách chuyển sang mua điện trên “thị trường ngày tới”, người dùng điện có cơ hội khớp nhu cầu dùng điện trong ngày mai với hợp đồng mua - bán điện ký hôm nay một cách chính xác hơn. Còn thị trường cân bằng sẽ được sử dụng để cân bằng cung và cầu trực tiếp trong ngày cung cấp.

Thị trường “các hợp đồng song phương” sẽ xem xét cấp điện hiện vật được ký giữa nhà sản xuất điện với nhà cung cấp điện trung gian, hoặc với người tiêu dùng cuối cùng. Hợp đồng này sẽ xem xét việc cấp các lượng điện năng theo phụ tải “nền” hoặc “đỉnh” hoặc kết hợp cả hai, phù hợp với một biểu đồ phụ tải nhất định và phù hợp với các nhu cầu khác của người mua điện. 

Thị trường các hợp đồng song phương và thị trường “một người mua” có nhiều điểm chung, nhưng cũng có sự khác biệt đáng kể. Các bên tham gia thị trường “các hợp đồng song phương” sẽ ký kết hợp đồng hiện vật (MWe). Sau khi hợp đồng song phương được ký kết, trên cơ sở “tự điều độ”, các công ty sản xuất điện sẽ chủ động đảm bảo sản xuất ra các lượng điện năng đã được giao kết theo hợp đồng. Trong các hợp đồng song phương sẽ xác định giá điện, sản lượng điện và chúng khác nhau đối với những bên khác nhau. Cơ quan “Vận hành hệ thống” sẽ có trách nhiệm đảm bảo sự cân bằng trên thị trường trong thời gian thực bằng cách lựa chọn các tổ hợp các đơn hàng (mua hoặc bán) của các bên tham gia phù hợp với yêu cầu giảm, hoặc tăng sản lượng điện cần cung cấp. Tổ hợp các đơn hàng được xem xét theo cả hai tiêu chí về kinh tế - “chi phí thấp hơn” và, về kỹ thuật - “lợi hơn về mặt kỹ thuật”.

Trong thị trường điện “một người mua”, việc điều độ hệ thống không thực hiện theo các hợp đồng song phương của các bên tham gia, mà được thực hiện bởi một cơ quan vận hành hệ thống. Sản lượng điện sản xuất được xác định theo biểu đồ điều độ, còn giá sẽ được áp dụng như nhau cho tất cả các nhà sản xuất điện và người mua điện. Giá này được xác định ở mức giá tối đa của hệ thống -  tức là giá chào bán của tổ máy phát đã được đưa vào biểu đồ phụ tải ngày và đêm mà có giá cao nhất.

Thị trường điện năng phát triển nhất hiện nay là thị trường điện của Anh và xứ Wales (còn gọi là “bể bơi của Anh và xứ Wales”), và thị trường điện hợp nhất của các quốc gia Scandinavi (“Bể bơi Phương bắc”)./.

Tài liệu tham khảo:

http://energetika.in.ua/ru/books/book-5/part-4/section-4/4-1

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động