RSS Feed for Phát triển các nhà máy điện sinh khối: Cần có những chính sách ưu tiên | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 18:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển các nhà máy điện sinh khối: Cần có những chính sách ưu tiên

 - Sự ra đời của Nhà máy đồng phát nhiệt - điện đốt trấu là bước khởi đầu quan trọng trong lĩnh vực phát triển năng lượng sinh khối, có tiềm năng chưa được khai thác, đồng thời giải quyết triệt để vấn nạn trấu dư thừa, gây ô nhiễm môi trường.

 

 


Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn, chiếm 50% sản lượng trong cả nước. Đây cũng là nơi tập trung nhiều nhà máy và cụm xay xát lúa. Với trên 3,8 triệu tấn trấu/năm tạo ra từ các nhà máy xay xát, chưa có kế hoạch sử dụng, khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Việc xây dựng nhà máy đồng phát nhiệt - điện dùng nhiên liệu từ trấu được xây dựng tại khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc, Cần Thơ không những góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.

Theo ông Trương Đình Hải - Giám đốc Công ty Nhiệt điện Đình Hải, Nhà máy nhiệt - điện trấu Trà Nóc được thiết kế với công suất phát điện 2 MW (khi nhà máy vận hành ở chế độ không sản xuất hơi nước). Khi nhà máy vận hành ở chế độ sản xuất hơi nước (công suất sản xuất hơi nước thiết kế là 14 tấn/giờ), công suất điện sẽ là 740 kWh. Khi đó, nhà máy sẽ vận hành 24giờ /ngày và 324 ngày/ năm. Tổng số giờ vận hành là 7.776 giờ/năm ở chế độ vận hành phát hơi nước và điện. Lượng trấu tiêu thụ khoảng 6 tấn/giờ.

Công nghệ sử dụng cho Nhà máy đồng phát điện - nhiệt gồm: hệ thống lò thông hơi đốt trấu kiểu tầng sôi, tua bin ngưng hơi và phát điện. Bên cạnh đó là những hệ thống, thiết bị phụ trợ như: hệ thống xử lý và cung cấp trấu vào lò hơi, bốc dỡ và bồn lưu trữ trấu (nếu có lắp đặt lò hơi dự phòng), cung cấp dầu vào lò hơi dự phòng, chuyển tải và đóng bao tro trấu, bồn khử (deaerator), bể chứa nước, xử lý nước, hệ thống nước làm mát bình ngưng, thiết bị đo lường và điều khiển, trạm biến thế và hệ thống đấu nối với lưới điện của KCN Trà Nóc …

Ưu điểm của Nhà máy nhiệt - điện dùng nhiên liệu trấu là sử dụng công nghệ mới nên không ô nhiễm môi trường như dùng than hoặc dầu mỏ. Ngoài ra, trấu không có lưu huỳnh nên không phát thải SO2 ra khí quyển. Việc tận dụng trấu để sản xuất năng lượng góp phần giúp TP.Cần Thơ cũng như ĐBSCL giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước cũng như không khí do trấu gây nên. Đồng thời, giảm thải CO2 rất nhiều so với sử dụng than và khí đốt từ dầu mỏ, góp phần hạn chế biến đổi khí hậu, điều mà cả thế giới đang quan tâm.

Theo ông Hải, mục tiêu của nhà máy nhiệt điện trấu là đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện, hơi cho cả KCN Trà Nóc và bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ngoài ra, các sản phẩm phụ của nhà máy như tro trấu sẽ được bán cho khách hàng phù hợp.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp đầu tư Nhà máy nhiệt - điện trấu chính là vấn đề giá bán điện. Thời gian qua, giá điện đã được điều chỉnh tăng, nhưng do lạm phát và tỷ giá tăng nên thực sự giá điện không tăng so với trước. Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện đốt trấu có quy mô nhỏ (<20MW) nên mức đầu tư cao (2.000 - 2.500 USD/kWh). Vì vậy, nếu giá bán điện vào mạng lưới quốc gia không được hỗ trợ thì doanh nghiệp chưa thể có lãi.

Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các nhà máy điện sinh khối, ông Hải kiến nghị: Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể như, quy định giá mua ưu đãi đối với nguồn điện hình thành từ các nhà máy điện sinh khối; đánh thuế CO2, thuế môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch, một phần tiền thu được sẽ thành lập quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo; các địa phương có tiềm năng về năng lượng sinh khối cần hỗ trợ nhà đầu tư về đất sạch, ưu đãi về giá thuê đất, tiền sử dụng đất để nhà đầu tư cân đối sản xuất, kinh doanh.

 

(Nguồn: EVNnews)


 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động