RSS Feed for Ký hợp đồng vay vốn cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 22/01/2025 22:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ký hợp đồng vay vốn cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4

 - Sáng ngày 17/7/2014 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Lễ ký kết Hợp đồng vay vốn Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

>> Nhật Bản quan tâm tới các dự án nhiệt điện ở Việt Nam
>> Ký hợp đồng EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4

Lễ ký kết

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế trong nhiều năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp các dự án nguồn điện và lưới điện. Với tốc độ tăng trưởng đầu tư hàng năm trên 20%, năm 2013 Tập đoàn đã đầu tư đạt 104.791 tỷ đồng, lần đầu tiên Tập đoàn đầu tư vượt mức 100.000 tỷ đồng. Năm 2014 dự kiến mức đầu tư của Tập đoàn là 123.654 tỷ đồng.

Tập đoàn đã nỗ lực phấn đấu đưa điện lưới quốc gia đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng. Cho đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa điện đến 99,24% số xã, 97,82% số hộ dân nông thôn, làm thay đổi diện mạo của nông thôn Việt Nam.

Với nhu cầu tăng trưởng phụ tải hàng năm bình quân 10-12%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương đầu tư các nguồn điện và lưới điện khởi công trong năm 2014 như: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng, khởi công gần 70 công trình đường dây và trạm biến áp từ 220 -500kV, cùng với hàng trăm công trình đường dây 110 kV và trung hạ áp… Với mục tiêu phát triển nguồn điện đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện năng, phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn sau năm 2017, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 với 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 600MW, nằm trong Tổng sơ đồ quy hoạch và phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2010-2020, có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ 7) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 9/3/2014, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng Tổ hợp nhà thầu Doosan, Mitsubishi, PECC2, Pacific khởi công xây dựng tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Việc EVN và JBIC cùng với Ngân hàng Tokyo Mitsubishi (BTMU) ký kết Hợp đồng tín dụng vay vốn trị giá 338,2 triệu USD cho dự án. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, góp phần đảm bảo một phần nguồn vốn cho dự án nhằm đáp ứng tiến độ phát điện của nhà máy vào năm 2017 như kế hoạch đã đề ra.

Việc ký kết Hợp đồng tín dụng vốn giữa EVN và JBIC hôm nay là cơ sở đảm bảo triển khai các công việc thiết kế, cung cấp, lắp đặt, xây dựng và vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đảm bảo chất lượng, an toàn và đạt tiến độ. EVN cam kết sẽ sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và đảm bảo tiến độ nguồn tín dụng này.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) làm chủ đầu tư, có quy mô công suất khoảng 1200 MW, gồm 2 tổ máy 600 MW nằm trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện với tổng quy mô công suất lên đến 5.600 MW, tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là Trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước, khi xây dựng xong sẽ đáp ứng điện năng trực tiếp cho khu vực Nam Trung Bộ và các tỉnh thành phía Nam.

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1,763 tỷ USD (tương đương 36,7 nghìn tỷ VN đồng), hàng năm cung cấp cho hệ thống điện khoảng 7,2 tỷ kWh. Nhà máy sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu, sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số trên tới hạn đốt than nhập khẩu, đây là công nghệ hiện đại, công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Hợp đồng EPC đã được ký kết với tổ hợp nhà thầu Nhật Bản - Hàn Quốc - Việt Nam.

Hợp đồng trị giá 338.205.423 USD là khoản vay tín dụng xuất khẩu Nhật Bản có bảo lãnh Chính phủ Việt Nam để tài trợ một phần cho nhu cầu vốn của dự án. Trong đó phần vốn vay từ JBIC là: 202.923.253 USD với lãi suất 3,12% (năm), và phần vốn vay từ ngân hàng Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU) trị giá 135.282.170 USD được bảo hiểm bởi tổ chức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Nhật Bản với lãi suất LIBOR + 1,2% (năm). Thời gian của khoản vay này là 17 năm.

Dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành sau 46 tháng lắp đặt, xây dựng (cuối quý 4/2017), tổ máy thứ 2 sau tổ máy thứ nhất khoảng 6 tháng (dự kiến cuối quý 3/2018). Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tăng cường năng lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Trung bộ, qua đó góp phần giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt, giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam, giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện...

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động