RSS Feed for Phát huy vài trò dầu khí trong chiến lược phát triển đất nước | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 17:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát huy vài trò dầu khí trong chiến lược phát triển đất nước

 - Nước ta đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ 4 (đến năm 2030 - tầm nhìn 2045). Chất lượng và hiệu quả thực thi Chiến lược là yếu tố quan trọng đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, giàu mạnh. Có nhiều vấn đề được đặt ra đối với việc nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển đất nước lần này, trong đó việc xác định đúng vai trò của ngành dầu khí và đề ra giải pháp phù hợp để phát huy hơn nữa vai trò đầu tầu của ngành công nghiệp này trong công cuộc phát triển đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Dầu khí trong tương lai năng lượng Việt Nam
Định hướng phát triển bền vững ngành công nghiệp khí Việt Nam

 

 


Nhìn lại vai trò của ngành dầu khí trong gần 35 năm đổi mới

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là năm 1986 - thời điểm Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới cũng là năm Việt Nam khai thác được tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ và chính thức ghi danh vào danh sách các nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới. Sự trùng hợp này cho thấy, cả tư duy đổi mới, cũng như sự chuẩn bị cho việc hình thành ngành Dầu khí Việt Nam đã phôi thai từ trước đó rất lâu để cùng tạo nên dấu mốc trọng đại, tạo bước ngoặt cho sự phát triển đất nước.

Nếu như tư duy đổi mới đã cởi trói, loại bỏ các rào cản, khơi dậy động lực cho phát triển, thì sự ra đời của ngành dầu khí là một trong những “cứu cánh” đối với nền kinh tế trong bối cảnh các nước XHCN Đông Âu và tiếp đó là Liên Xô tan rã, Việt Nam mất đi chỗ dựa, nguồn viện trợ mang tính sống còn từ các quốc gia này.

Trong gần 35 năm qua, đồng hành cùng đất nước trong công cuộc đổi mới, ngành Dầu khí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ, đóng góp cho Ngân sách Nhà nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, qua đó góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng, kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa cũng đã góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Về an ninh năng lượng, từ năm 1991, với sản lượng dầu khai thác được 3,96 triệu tấn, Việt Nam đã bắt đầu cân đối được nhập khẩu trong bối cảnh nguồn thu ngoại tệ cực kỳ khan hiếm, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt. Trong những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp khí cung cấp khoảng 9-11 tỷ m3  khí mỗi năm cho nền kinh tế, trong đó cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia và gần 80% khi cho các hộ tiêu dùng của cả nước.

Đối với Ngân sách Nhà nước, trong nhiều năm, ngành dầu khí đóng góp trên 20% tổng thu và từ năm 2015 đến nay khoảng 9-11% tổng thu ngân sách của cả nước. Ngành công nghiệp mũi nhọn này cũng đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 10 -13% GDP của cả nước.

Thông qua hoạt động đầu tư và hợp tác quốc tế, đến nay ngành Dầu khí Việt Nam đã thu hút được hơn 45 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với hơn 100 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí, qua đó bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển và thúc đẩy chuyển giao công nghệ để hình thành và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Những đóng góp của ngành dầu khí đối với sự phát triển đất nước qua các thời kỳ trong suốt 35 năm qua là hết sức to lớn. Phủ nhận vai trò và sự đóng góp đó là phủ nhận sự thật lịch sử và có lỗi với các thế hệ cán bộ, chuyên gia, công nhân kỹ thuật các thế hệ ngành dầu khí đã nỗ lực cống hiến hết mình vì sự phát triển, phồn thịnh của quốc gia.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong hoạt động của ngành dầu khí còn những tồn tại yếu kém và khuyết điểm, nhất là trong công tác quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh và trong đầu tư phát triển. Những khuyết điểm đó đã gây thiệt hại về tài sản, làm tổn thất uy tín của Tập đoàn và tạo sóng gió dữ dội đối với ngành Dầu khí Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, những khuyết điểm, yếu kém đó đã được nhận diện, có “địa chỉ” cụ thể. Bản thân ngành dầu khí không lỗi, khuyết điểm đó thuộc về một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý. “Con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng không thể vì con sâu mà bỏ nồi canh. Những yếu kém, khuyết điểm xẩy ra trong những năm gần đây cũng không thể phủ nhận vai trò và truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam. Vấn đề là những khuyết điểm đã được chỉ ra phải được xem là bài học đắt giá đối với các thế hệ lãnh đạo tiếp theo.

Suy cho cùng, “nguyên nhân của mọi nguyên nhân là công tác cán bộ” - như Đảng ta đã từng chỉ ra từ Đại hội VI năm 1986.

Nhìn về phía trước

Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2045 đang được xây dựng và còn phải chờ đến Đại hội XIII của Đảng thông qua. Song thực trạng kinh tế - xã hội, bối cảnh trong nước, quốc tế đang đòi hỏi đó phải là một chiến lược chỉ đường cho đất nước phát triển nhanh, bền vững, gắn với bảo  đảm an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Để thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản đó, không thể thiếu sự đóng góp của ngành dầu khí.

Mục tiêu “phát triển nhanh” xuất phát từ thực tế là dù đã ra khỏi nhóm nước thu nhập thấp nhưng nguy cơ tụt hậu của nước ta vẫn còn rất lớn. Năm 2018, thu nhập quốc dân đầu người của Việt Nam mới bằng 23% của Malaysia, hay 8,6% của Hàn Quốc. Dự báo năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 3.000 USD vẫn còn là mức rất thấp trong khung của nhóm nước có thu nhập trung bình là từ 2.000 đến 14.000 USD. Giả định khung thu nhập này không thay đổi và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt bình quân 7%/năm trong 10 năm tới, thì đến năm 2030 GĐP bình quần đầu người của Việt Nam cũng mới đạt khoảng 6.000 USD - tức còn rất xa mới ra khỏi nhóm có thu nhập trung bình. Mặc dù tăng trưởng bình quân 7%/năm không phải là mục tiêu quá cao so với lợi thế và tiềm năng của đất nước trong bối cảnh có nhiều cơ hội mới được mở ra từ cách mạng công nghiệp 4.0 và từ hội nhập quốc tế, nhưng thực tiễn cho thấy để đạt được tốc độ tăng trưởng này là không dễ do độ trễ của chính sách và tuỳ thuộc vào mức độ đổi mới tư duy, cũng như khả năng hành động.

Ngành dầu khí với tiềm năng to lớn và cơ sở vật chất kỹ thuật khá hiện đại hoàn toàn có khả năng để tiếp tục đóng vai trò là ngành công nghiệp đầu tàu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới. Đóng góp của ngành dầu khí cho nền kinh tế sẽ tuỳ thuộc vào sự lớn mạnh về quy mô, cũng như năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn ngành. Điều này đỏi hỏi phải có sự nỗ lực to lớn và kịp thời của cả ngành dầu khí và của các cơ quan chức năng của Chính phủ.

Về phía ngành dầu khí, trước hết phải thực hiện tái cấu trúc toàn diện PVN và các đơn vị thành viên, kiện toàn đội ngũ nhân sự lãnh đạo để nâng cao hiệu quả hoạt đông sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh; giải quyết dứt điểm các dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; đẩy nhanh quá trình thoái vốn ngoài ngành để tập trung nguồn lực cho các dự án cấp bách trọng điểm; tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án có chọn lọc để gia tăng năng lực thăm dò, khai thác dầu khí, nhất là tại các mỏ nước sâu, xa bờ; rà soát, điều chỉnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo hiệu quả.

Về phía Nhà nước, cần xác định rõ vai trò quan trọng của ngành dầu khí đối với công cuộc phát triển kinh tế, từ đó hoàn chỉnh luật pháp và có cơ chế, chính sách hợp lý tạo điều kiện cho ngành dầu khí phát triển, nhất là cơ chế chính sách về đầu tư, tài chính, lập quỹ và hỗ trợ rủi ro trong hoạt động thăm dò, khai thác tại các mỏ nhỏ, xa bờ trong điều kiện các mỏ lớn đã suy giảm sau 30 năm khai thác.

Để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đòi hỏi ngành dầu khí phải chuyển dịch cơ cấu đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển xanh, đa dạng hóa sản phẩm, coi trọng lĩnh vực dịch vụ dầu khí. Đây là điều không dễ, cần được quan tâm nghiên cứu để đưa ra hệ thống giải pháp đồng bộ, hữu hiệu cho giai đoạn phát triển mới, nhất là các giải pháp về công nghệ và chuyển dịch cơ cấu đầu tư, phát triển thị trường.

Khó khăn, thách thức phía trước còn rất lớn, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy ngành Dầu khí Việt Nam đang chuyển mình sang trang mới với quyết tâm và hoài bão mới vì sự giàu mạnh của đất nước. Đó cũng chính là hành động thiết thực nhằm thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngành Dầu khí Việt Nam cách đây 60 năm về một đất nước Việt Nam “đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn”./.

TS. NGUYỄN ANH TUẤN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động