Kiến nghị của VEA về đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam
11:10 | 08/12/2020
Kiến nghị ‘miễn tiền thuê mặt biển’ cho các ‘dự án điện gió trên biển’
Dưới đây là nguyên văn nội dung kiến nghị của VEA:
HIỆN TRẠNG NGÀNH NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
1/ Trong những năm qua, ngành năng lượng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Nhu cầu điện tăng trưởng cao, nước về các hồ thủy điện thấp, tình hình cung cấp nhiên liệu, nhất là cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện gặp khó khăn. Tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí; trữ lượng, tiềm năng dầu khí ở vùng nước nông không còn nhiều; nhiều mỏ dầu khí chủ lực đang trong giai đoạn suy kiệt, sản lượng giảm mạnh. Nhu cầu than trong nước tăng cao, trong khi năng lực sản xuất than của các mỏ đã đến giới hạn; điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn do tài nguyên than xuống sâu hơn.
Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực của các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, CN Than - Khoáng sản Việt Nam và các doanh nghiệp, ngành năng lượng Việt Nam về cơ bản đã bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Trong giai đoạn 2010 - 2019: Cung cấp năng lượng sơ cấp toàn quốc tăng từ 52,49 triệu tấn dầu quy đổi (MTOE) lên đến 92,40 MTOE, tăng bình quân 6,48%/năm. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng từ 42,21 MTOE năm 2010 lên 62,84 MTOE năm 2019, tăng trưởng bình quân 4,52%/năm. Trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng cuối cùng, các sản phẩm dầu, khí chiếm lớn nhất 35,9%, sau đó đến điện 28,8% và than 24,4%. Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015 (VNEEP2), đã giúp tiết kiệm được 11,2 MTOE, bằng 5,65%.
2/ Khai thác năng lượng sơ cấp nội địa trong 10 năm qua dao động trong khoảng từ 54,0 MTOE đến 59,9 MTOE (năm 2015, đạt cao nhất), các nguồn năng lượng truyền thống (than, dầu khí, thủy điện) đã được khai thác đến mức giới hạn.
- Ngành than: Sản lượng than khai thác giai đoạn từ năm 2010 - 2019 đạt khoảng 40 - 47 triệu tấn; trong đó than sạch thương phẩm đạt khoảng 85-90% tương đương khoảng 38-45 triệu tấn. Nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện tăng nhanh, từ 6,9 triệu tấn năm 2015 lên đến gần 44 triệu tấn năm 2019.
- Ngành dầu khí: Sản lượng khai thác dầu thô trong nước đang suy giảm từ mức 15-17 triệu tấn/năm giai đoạn 2010 - 2017 xuống còn khoảng 12 triệu tấn trong 2 năm gần đây, do các mỏ hiện tại đang cạn dần. Sản lượng khí đốt khai thác đạt khoảng 9 - 10 tỷ m3 trong giai đoạn 2010 - 2019.
- Ngành điện: Đến cuối năm 2019, tổng công suất nguồn điện Việt Nam đạt khoảng 56,7 nghìn MW, tăng 2,6 lần so với năm 2010, điểm nổi bật là trong năm 2019 đã đưa vào vận hành trên 5.000 MW công suất nguồn điện gió, điện mặt trời. Trong năm 2019, sản lượng điện toàn hệ thống đạt khoảng 232 tỷ kWh, tăng 2,35 lần so với năm 2010. Điện thượng phẩm năm 2019 đạt 208,5 tỷ kWh, gấp 2,5 lần năm 2010, tốc độ tăng bình quân đạt 10,54%/năm.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
1/ Với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 7%/năm (theo Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm do Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện), giai đoạn 2031-2040 khoảng 6%/năm và 2041-2050 khoảng 5%/năm, dự báo nhu cầu năng lượng cuối cùng của Việt Nam, theo kịch bản cơ sở, tăng từ khoảng 65,2 MTOE năm 2020 lên tới 123,8 MTOE năm 2030 và 239,2 MTOE năm 2050, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2030 là 6,6%/năm và giai đoạn 2031-2050 khoảng 3,3%/năm. Trong cơ cấu nhu cầu năng lượng năm 2030, điện chiếm tỷ trọng lớn nhất là 34,6%, sau đến là các sản phẩm dầu khí 33,8% và than 13,6%; các con số tương ứng năm 2045 là điện 35,2%, sản phẩm dầu khí 40,8% và than 9,7%.
Mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn III (VNEEP3), dự báo có thể tiết kiệm năng lượng từ 10% đến 12% vào năm 2030, lên tới 19% đến 2050.
Dự báo nhu cầu điện thượng phẩm đến năm 2030 đạt khoảng 478 tỷ kWh, khoảng 1.040 tỷ kWh vào năm 2050; tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân là 8,3% giai đoạn 2021-2030; sau đó giảm xuống mức 4%/năm giai đoạn 2031-2050. Nhu cầu điện sản xuất năm 2030 là 536,6 tỷ kWh, tăng lên đến 1.110 tỷ kWWh năm 2050.
2/ Đánh giá về tiềm năng tài nguyên và khả năng khai thác.
- Thủy điện: Tiềm năng kinh tế - kỹ thuật thủy điện nước ta khoảng 26 - 27 nghìn MW; trong đó các nhà máy thủy điện nhỏ khoảng 6.000 - 7.000 MW. Đến nay đã đưa vào vận hành 22.400 MW, trong đó có 4.200 MW công suất nguồn thủy điện nhỏ.
- Khí đốt: Tiềm năng khí đốt tính đến cấp 2P đạt khoảng 432 tỷ m3.
- Than: Tổng tài nguyên - trữ lượng than Việt Nam được xác định khoảng là 48 tỷ tấn, trong đó trữ lượng là 2,2 tỷ tấn, chủ yếu ở bể Đông Bắc, có thể khai thác khoảng 40 năm nữa với mức khai thác hiện tại (khoảng 40 triệu tấn/năm).
- Năng lượng tái tạo: Tổng tiềm năng kỹ thuật của nguồn điện gió khoảng 377 GW (nghìn MW), trong đó điện gió trên bờ khoảng 217 GW, điện gió ngoài khơi 160 GW. Điện mặt trời có tổng tiềm năng kỹ thuật là 434 GW; trong đó quy mô lớn mặt đất: 309 GW; mặt nước: 77 GW và mái nhà: 48 GW. Ngoài ra còn có hàng chục nghìn MW công suất các nguồn điện sinh khối, địa nhiệt,…
3/ Định hướng phát triển tổng thể ngành năng lượng Việt Nam.
a/ Ngành than:
- Phấn đấu theo các mục tiêu sản lượng than theo Quyết định số 403/QĐ-TTg, theo đó: Sản lượng khai thác than 51 - 54 triệu tấn/năm vào năm 2025, sau tăng lên 55 - 57 triệu tấn/năm vào năm 2030. Duy trì sản lượng than khoảng 60 triệu tấn/năm vào năm 2035.
- Nghiên cứu các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đầu tư ra nước ngoài khai thác, nhập khẩu than dài hạn.
- Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hợp lý để thăm dò, khai thác thử nghiệm và khai thác công nghiệp nguồn than nâu bể than Sông Hồng.
b/ Ngành dầu - khí:
- Tập trung phát triển các mỏ khí đốt Lô B và Cá Voi Xanh để có thể đưa khí vào bờ từ năm 2024 - 2025.
- Nghiên cứu phát triển các tổ hợp hạ tầng trung tâm khí/ LNG/ điện để phối hợp với phát triển các nhà máy điện khí theo từng vùng miền.
- Đẩy mạnh công tác thăm dò, đánh giá tiềm năng và khả năng khai thác các mỏ dầu và khí đốt trong nước.
- Trong phương án tiềm năng, khí đốt khai thác có thể tăng sản lượng từ 10 tỷ m3 hiện nay, lên 23 tỷ m3 vào năm 2025 và khoảng 24 tỷ m3 giai đoạn 2030 -2035. Quan tâm mỏ dầu, khí Công Đen Sát, Kèn Bầu có trữ lượng trên 200 tỷ m3 khí và Công Đen Sát đã được thăm dò xác định trữ lượng ngoài khơi tỉnh Quảng Trị, với mỏ khí này hàng năm tạo ra được hàng chục MW điện.
c/ Ngành điện:
- Tập trung giải quyết các vướng mắc để triển khai đầu tư các dự án nguồn quan trọng: Nhiệt điện than Quảng Trạch 1 và 2; tua bin khí hỗn hợp (TBKHH) Ô Môn 3 và 4; TBKHH Dung Quất 1 và 3; Thủy điện tích năng Bác Ái trong giai đoạn từ nay đến 2030.
- Phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai các chuỗi kho cảng - nhập khẩu LNG và các trung tâm điện khí mới.
- Phát triển lưới truyền tải xương sống, tuyến trục quan trọng đấu nối các nguồn điện lớn, liên quan đến an ninh cung cấp điện, đồng thời nâng cấp kỹ thuật và quản lý để ngày càng tăng cường chất lượng cung cấp điện.
- Phát triển - nâng cấp lưới điện đấu nối và truyền tải từ các nguồn điện mặt trời, điện gió sẽ tăng nhanh.
- Năm 2030: Tổng công suất các nguồn điện khoảng 138,1 GW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27,4%; thủy điện (cả thủy điện tích năng) 18,8%; điện khí - dầu 18,9%; điện năng lượng tái tạo 30,2% (điện gió 14%, điện mặt trời 14%, sinh khối 2,2%) và nhập khẩu điện 4,7%. Điện sản xuất đạt khoảng 536,6 tỷ kWh, cơ cấu điện sản xuất nhiệt điện than chiếm 40%; thủy điện 17%; điện khí - dầu 21%; điện năng lượng tái tạo 17% (điện gió 9%, điện mặt trời 6%, sinh khối 2%) và nhập khẩu điện 5%.
Dự báo đến năm 2050, tổng công suất các loại nguồn điện đạt khoảng 320 GW, giai đoạn 2030 - 2050 hàng năm trung bình cần đưa vào vận hành khoảng 9.100 MW. Trong phương án không phát triển điện hạt nhân, cơ cấu sản lượng điện năm 2050: Thủy điện 8,6%; nhiệt điện than 23,7%; nhiệt điện khí - dầu 32,1%; điện năng lượng tái tạo 32,5% (điện gió, điện mặt trời 30,4%; điện sinh khối 2,1%) và nhập khẩu 3,1%.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện giai đoạn 2020 - 2050 khoảng 350 - 400 tỷ USD, bình quân mỗi năm cần khoảng 12 - 13 tỷ USD.
CÁC THÁCH THỨC TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
1/ Giai đoạn 2021 - 2025 có thể xảy ra thiếu hụt điện năng lớn nếu không có các giải pháp quyết liệt, kịp thời: Trong giai đoạn này, mỗi năm cần đưa vào vận hành khoảng gần 8 nghìn MW công suất nguồn điện mới. Tuy nhiên, nhiều dự án nguồn điện, nhất là các nhà máy nhiệt điện than vào chậm so với tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh); dự kiến năm 2021 có thể đưa vào vận hành 3.600 MW của 3 nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 BOT, Sông Hậu 1 và Hải Dương BOT; năm 2022 có thêm 2.400 MW của các dự án nhiệt điện than Thái Bình 2, Nghi Sơn 2 BOT. Như vậy, đến hết năm 2022 chỉ bổ sung được thêm 6.000 MW các nguồn điện truyền thống, còn thiếu khoảng 8.000 MW so với nhu cầu; đây là một dự báo còn mức độ đến đâu cần giải pháp cụ thể, tích cực thì chưa thấy.
2/ Việc đảm bảo cung cấp đủ than là một thách thức lớn: Trữ lượng than có điều kiện khai thác thuận lợi đã cạn kiệt, hầu hết các mỏ than đều phải xuống sâu dưới 500m, chi phí đầu tư và giá thành than tăng. Khả năng khai thác than trong nước hàng năm khoảng 44 - 53 triệu tấn, trong khi nhu cầu than lên đến 115 triệu tấn (năm 2025) và 140 triệu tấn (năm 2030) và 170 triệu tấn (năm 2050). Việc đảm bảo cung cấp đủ than gặp nhiều thách thức trong các khâu: Đầu tư, khai thác, nhập khẩu, cung cấp,…
3/ Ngành dầu khí cũng gặp thách thức lớn: Một số vỉa, mỏ dầu khí khai thác được trong những năm vừa qua đang có dấu hiệu cạn kiệt; cạnh tranh quốc tế và cạnh tranh trong chính trị của lĩnh vực dầu khí rất gay gắt; tình hình thế giới, khu vực và nhất là sự cạnh tranh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông rất phức tạp. Việc đề xuất các giải pháp trong các khâu: Thăm dò, khai thác, vận chuyển, sử dụng,… để đưa các dự án đưa vào đồng bộ là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo nhu cầu dầu khí, nhất là khí cho các dự án điện.
4/ Năng lượng là ngành hạ tầng, nhu cầu vốn đầu tư hàng năm chiếm khoảng 25 - 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Thu xếp đủ vốn đầu tư cho phát triển là thách thức lớn nhất nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
CÁC KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
1/ Về công tác quy hoạch:
Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đã ảnh hưởng lớn đến công tác lập, thẩm định và bổ sung vào quy hoạch các dự án điện, dẫn đến kéo dài tiến độ thực hiện các công trình điện.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP (Nghị định 37) ngày 7/5/2019 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số vướng mắc chính như sau:
- Quy định về chuyển tiếp: Nghị định 37 chưa quy định việc giải quyết chuyển tiếp điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các dự án trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) trước khi có QH điện VIII và các Quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
- Về phạm vi: Nghị định 37 không quy định phạm vi dự án điện thuộc quy hoạch ngành (quy hoạch điện lực quốc gia) hoặc quy hoạch tỉnh.
Do chưa có quy định rõ ràng phạm vi dự án điện (nguồn điện theo quy mô công suất, lưới điện theo cấp điện áp) trong Quy hoạch điện lực quốc gia, hoặc quy hoạch tỉnh dẫn đến khó khăn trong quá trình lập, thẩm định và trình phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho các dự án này.
- Về trình tự thủ tục bổ sung dự án vào quy hoạch: Theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định số 37, việc điều chỉnh cục bộ các dự án vào quy hoạch giống như lập mới sẽ rất phức tạp, qua nhiều bước, nhiều cấp, làm kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư.
2/ Vướng mắc trong qui định pháp luật về đầu tư xây dựng (ĐTXD):
- Các quy định hiện hành về ĐTXD còn thiếu tính thống nhất, chưa rõ ràng, chồng chéo, gây nhiều khó khăn và dẫn tới công tác chuẩn bị đầu tư bị kéo dài (vướng mắc giữa Luật đầu tư, Luật Xây dựng, Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công...):
+ Công tác thẩm định thiết kế (TKCS, TKKT) và công tác thẩm định phê duyệt dự án đầu tư hiện nay thuộc 2 cơ quan khác nhau với các chức năng và nhiệm vụ khác nhau là Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, trong việc xem xét khía cạnh kỹ thuật và hiệu quả đầu tư của dự án.
+ Vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án “công nghiệp điện” thuộc nhóm A, từ 2.300 đến 5.000 tỷ đồng, đầu tư xây dựng trên địa bàn nhiều tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư.
+ Vướng mắc trong quy định về điều kiện đặc thù, riêng biệt tại Điều 25 Luật Đấu thầu và quy định về công trình đặc thù tại Khoản 1 Điều 128 Luật Xây dựng.
+ Trùng lặp trong việc xem xét bổ sung quy hoạch và xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, các dự án quan trọng quốc gia.
+ Vướng mắc trong việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
- Quá trình đàm phán bộ hợp đồng BOT và cấp giấy phép đầu tư vẫn bị kéo dài do liên quan đến nhiều bộ, ngành. Các vướng mắc chủ yếu đến từ các vấn đề chính sách ưu đãi, chuyển đổi ngoại tệ, chấm dứt sớm hợp đồng, Ý kiến pháp lý,… Thời gian xem xét, cho ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các vấn đề liên quan thường kéo dài.
3/ Về công tác đền bù giải phòng mặt bằng (GPMB):
- Quá trình thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn vướng mắc do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ và chưa phù hợp, như quy định về đơn giá đền bù tại một số địa phương còn gây cản trở.
- Khó khăn và kéo dài trong công tác định giá và lập phương án đền bù.
- Việc quản lý đất đai còn một số hạn chế, bất cập dẫn đến tranh chấp, khiếu nại trong nhân dân.
- Việc lập và bổ sung quy hoạch đất đai còn chưa cụ thể, chưa đủ chi tiết, dẫn đến việc bị chồng lấn với các quy hoạch khác.
- Trình tự thủ tục kéo dài trong việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
- Về phía người dân còn chưa hợp tác, ủng hộ do đơn giá bồi thường chưa sát với thực tế, hoặc có tình trạng kéo dài thời gian đàm phán, thỏa thuận để nâng giá đền bù cao hơn nhiều so với thực tế,...
- Quy định về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan đến đất rừng, đất nông nghiệp làm cho công tác thỏa thuận mặt bằng các tuyến đường dây và các thủ tục chuyển đổi gặp nhiều khó khăn và thời gian thực hiện kéo dài.
- Theo quy định hiện hành, đất nằm ngoài hành lang lưới điện, nhưng kẹp giữa 2 đường dây 500 kV trở lên được xem xét bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về việc hỗ trợ, bồi thường.
Hiện hầu hết các dự án điện gặp nhiều khó khăn về GPMB, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công các công trình. Đây là một trong các nguyên nhân chính làm chậm tiến độ các dự án điện.
4/ Về thu xếp vốn đầu tư:
Khả năng đáp ứng đủ vốn cho phát triển điện cũng là thách thức lớn. Tổng đầu tư cho phát triển ngành năng lượng giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 163 tỷ USD (bình quân mỗi năm đầu tư khoảng 16,8 tỷ USD). Tuy nhiên, việc thu xếp vốn gặp nhiều vướng mắc:
- Việc thu xếp vốn của các tập đoàn rất khó khăn, nhất là tại các dự án lớn, do Chính phủ tạm dừng chủ trương bảo lãnh vay vốn. Nếu không được Chính phủ bảo lãnh vay vốn, các dự án lớn sẽ không vay được vốn tín dụng xuất khẩu của các nước cung cấp thiết bị; phải chuyển sang vay vốn thương mại với lãi suất cao, thời gian vay ngắn, dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư của các dự án.
- Các nguồn vốn ưu đãi (ODA) nước ngoài để đầu tư các dự án điện rất hạn chế, thậm chí một số khoản vay đã có cam kết của các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế, nhưng không được các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận.
- Việc thu xếp các nguồn vốn trong nước gặp nhiều khó khăn, do tại hầu hết các ngân hàng trong nước đã vượt hạn mức tín dụng đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.
5/ Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện khó khăn và tiềm ẩn rủi ro:
Các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện. Tuy nhiên, việc cung cấp than, khí cho phát điện đang gặp rất nhiều khó khăn:
- Về cung cấp than: Nhu cầu than cho sản xuất điện tăng lên khoảng 54,3 triệu tấn năm 2019; dự kiến năm 2020 tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn; năm 2025 khoảng 71 triệu tấn; năm 2030 khoảng 93 triệu tấn. Trong khi khả năng cung cấp than trong nước cho sản xuất điện chỉ khoảng 30 - 35 triệu tấn; như vậy, nhu cầu than nhập khẩu cho sản xuất điện sẽ tăng từ 25 triệu tấn năm 2020 lên 50 triệu tấn năm 2030. Khối lượng than lớn, trong khi phương án đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển than vẫn chưa rõ (tỉnh Trà Vinh chưa thống nhất phương án xây dựng Cảng trung chuyển tại Duyên Hải). Các nhà máy tại các Trung tâm điện lực Long Phú, Sông Hậu khi vào vận hành sẽ gặp khó khăn trong vận chuyển than.
- Về cung cấp khí: Nguồn phát điện từ khí đốt là thành phần quan trọng với tỷ lệ tham gia trong cơ cấu nguồn phát là khoảng 13% về công suất và 18% về sản lượng. Tuy nhiên, những năm gần đây nguồn khí trong nước đã dần suy giảm, và dự báo còn tiếp tục khó khăn hơn nữa trong thời gian tới.
Khí Đông Nam bộ cấp cho cụm Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhơn Trạch sẽ suy giảm từ sau năm 2020, tới năm 2023, 2024 dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 2-3 tỷ m3/năm. Khí Tây Nam bộ cung cấp cho cụm nhiệt điện Cà Mau cũng sẽ thiếu hụt từ năm 2019 với lượng thiếu hụt từ 0,5-1 tỷ m3. Hiện nay, PVN đang đàm phán với phía Malaysia để mua thêm khí bổ sung vào nguồn thiếu hụt này.
Các dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh tiến độ triển khai chậm so với dự kiến của Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).
Các dự án điện sử dụng khí hóa lỏng LNG dự kiến xây dựng tại Sơn Mỹ (Bình Thuận); Cà Ná (Ninh Thuận); Tam Phước (Long An); Bạc Liêu… Tuy nhiên, việc phát triển các dự án khí LNG cũng rất phức tạp, cần phải đồng bộ giữa các khâu, trong khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Trong Quy hoạch điện VIII cần tính toán kỹ nhu cầu cần thiết trong mối quan hệ với các dự án nhiệt điện khí Lô B, khí từ mỏ Cá Voi Xanh và các nhà máy điện than. Tránh tình trạng quy hoạch đưa ra tràn lan, gây lãng phí nguồn lực.
- Về cung cấp dầu: Trong các năm tới, do các nguồn điện than vào chậm, cần phải tăng cường huy động nguồn điện phát dầu; nhu cầu dầu có thể lên đến 1-2 triệu tấn. EVN cần tính toán kỹ về phương án nhập cũng như về phương án tài chính, tránh trường hợp phải tăng giá điện đột xuất hoặc EVN thua lỗ do phải tăng cường phát điện từ dầu.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO CUNG ỨNG NĂNG LƯỢNG
Nhằm đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đảm bảo cung cấp đủ điện trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội thảo đề xuất cần thực hiện các giải pháp sau:
1/ Các chủ đầu tư phải đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện lớn trong giai đoạn 2021 - 2025, gồm: NĐ BOT Hải Dương (hoàn thành năm 2021), NĐ BOT Duyên Hải 2 (2022), NĐ BOT Vân Phong 1 (2023); NĐ Sông Hậu 1 (PVN - 2021), NĐ Thái Bình 2 (PVN - 2022), NĐ Long Phú 1 (PVN - 2023), NĐ Nhơn Trạch 3 và 4 (PVN - 2023-2024). Tiến độ trên đang là dự kiến nhưng thực tế diễn ra như thế nào nếu không có giải pháp tích cực, quyết liệt thì có thể không đảm bảo được.
2/ Tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào, đồng thời bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện 220 kV liên quan đến mua điện nhập khẩu.
3/ Đôn đốc, đảm bảo tiến độ đưa khí từ Lô B (khu vực Tây Nam) và mỏ Cá Voi Xanh (khu vực miền Trung) vào bờ và các dự án điện đồng bộ vào vận hành trong giai đoạn 2023 - 2024. Các dự án này kéo dài rong nhiều năm nay nhưng đến nay chưa thấy đâu, nếu không có giải pháp đặc biệt, quyết liệt và tích cực thì tình trạng kéo dài chưa biết lúc nào đạt được điều mong muốn.
4/ Tăng cường năng lực khai thác, tăng khả năng cấp than cho sản xuất điện. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu việc các đơn vị phát điện được nhập khẩu trực tiếp nhằm đảm bảo đủ than cho các nhà máy điện.
5/ PVN tiếp tục chủ động tìm kiếm các nguồn khí mới để bổ sung cho các nguồn khí hiện hữu tại khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
6/ Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, nhất là nguồn điện gió, mặt trời; tập trung phát triển tại khu vực miền Nam. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp để có thể sử dụng hiệu quả nguồn điện tái tạo, bảo đảm vận hành an toàn, linh hoạt hệ thống điện khi các nguồn điện gió, điện mặt trời có tỷ lệ cao.
7/ Tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát nhu cầu phụ tải như: Tăng cường tiết kiệm điện, triển khai mạnh mẽ các chương trình kiểm toán năng lượng, tăng cường thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), ưu tiên tại khu vực miền Nam. Thực hiện tốt Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
8/ Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng các dự án điện. Có biện pháp quyết liệt theo quy định của pháp luật để giải quyết dứt điểm những khó khăn trong giải phóng mặt bằng các dự án điện, đặc biệt là các dự án nguồn điện trọng điểm, các dự án lưới điện truyền tải quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các trung tâm điện lực.
9/ Thực hiện giá năng lượng theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất - kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành năng lượng. Giá năng lượng cần khuyến khích phát triển năng lượng, tạo môi trường thu hút đầu tư và khuyến khích cạnh tranh trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và sử dụng năng lượng.
CÁC ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập, vượt qua các khó khăn, thách thức để bảo đảm phát triển bền vững, cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm giải quyết một số nội dung cấp bách sau:
1/ Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
a/ Chỉ đạo các bộ, cơ quan rà soát sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành như Luật Dầu khí, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật liên quan đến nội dung và phạm vi điều chỉnh đến ngành năng lượng, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản và tài chính, xây dựng bổ sung các Nghị định hướng dẫn thống nhất, tránh mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật, giữa các cơ quan ban hành để tránh chồng chéo; phù hợp với thực tiễn phát triển, đồng bộ trong các khâu thực hiện và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng.
b/ Giao các bộ, cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh và sớm ban hành các quy hoạch liên quan đến phát triển năng lượng theo Luật Quy hoạch 2018, nhất là Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản (trong đó có than)...
c/ Ban hành Chỉ thị tăng cường áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2025 với chỉ tiêu tiết kiệm điện năm 2025 bằng 3 - 5% điện thương phẩm.
d/ Giải quyết, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu xếp đủ vốn cho các dự án năng lượng:
- Thực hiện bảo lãnh Chính phủ vốn vay, hoặc trái phiếu doanh nghiệp đối với các dự án năng lượng có hiệu quả và có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
- Cho phép các ngân hàng thương mại trong nước cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam vay vốn để đầu tư các dự án nguồn và lưới điện được phép vượt các quy định về giới hạn tỷ lệ an toàn tín dụng khi cho vay.
- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện lộ trình thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm thu hồi vốn, đáp ứng yêu cầu bổ sung vốn chủ sở hữu và bổ sung vốn cho đầu tư các dự án đầu tư xây dựng.
- Chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ phát triển năng lượng bền vững để tạo nguồn vốn đầu tư ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng với nguồn thu từ các loại thuế và phí đối với nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ của các nhà tài trợ, các định chế tài chính quốc tế.
đ/ Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có một số nội dung chính:
- Chỉ đạo chủ đầu tư các dự án nguồn điện được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), nhất là các dự án khu vực miền Nam (Sông Hậu 1, Long Phú 1, Duyên Hải 2), đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào vận hành.
- Đẩy nhanh phát triển các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo (mỗi năm cần đưa vào vận hành khoảng 3.500 - 4.000 MW), ưu tiên phát triển các dự án tại các khu vực miền Nam, nhất là các khu vực khả thi về đấu nối lưới điện. Tuyên truyền, vận động các khách hàng sử dụng điện (sinh hoạt, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ) đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời áp mái.
- Chỉ đạo UBND các tỉnh hỗ trợ chủ đầu tư các dự án năng lượng cấp bách, nhất là các dự án lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện, trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
- Thu hồi, giao chủ đầu tư khác thực hiện đối với các dự án điện đã có trong quy hoạch, chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện hoặc không đủ năng lực, kinh nghiệm, nhất là các dự án nguồn điện thực hiện theo hình thức BOT.
e/ Chỉ đạo, thực hiện các giải pháp đáp ứng nhu cầu than, đảm bảo chất lượng và số lượng ổn định lâu dài cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác, trong đó có một số nội dung chính:
- Chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương khắc phục các vướng mắc để đẩy nhanh việc cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác; khắc phục những bất cập, chồng chéo trong một số quy hoạch của địa phương gây cản trở đối với việc thực hiện quy hoạch than, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh.
- Để đối phó với gián đoạn nguồn cung than nhập khẩu (ngày càng tăng cao) do các nguyên nhân thị trường và phi thị trường, đề nghị giao Bộ Công Thương lập đề án xây dựng và quy trình vận hành kho Dự trữ quốc gia về than.
- Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược cùng các chính sách nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than. Chiến lược tập trung làm rõ các vấn đề: Xác định và lựa chọn các nguồn cung cấp than; Giải pháp đảm bảo nguồn cung than; Tổ chức nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than; Chính sách hỗ trợ của Nhà nước, kể cả chính sách ngoại giao năng lượng.
- Ưu tiên đưa dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind, bổ sung quy hoạch sớm để từ nay tới năm 2030 đưa vào vận hành 3.400 MW, điện lượng 15 tỷ kWh/năm. Đây là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên và duy nhất của Việt Nam nếu thành công sẽ tạo tiền đề cho nhiều dự án khác tương tự phát triển, đồng thời đánh giá được kết quả thực tế của dự án điện gió ngoài khơi, đặc biệt là sản lượng điện cỡ 15 tỷ kWh/năm tương đương với 2 nhà máy nhiệt điện than 2x1.200 MW.
- Đưa vào Quy hoạch điện VIII, bổ sung dự án điện sinh khối, điện rác phối hợp với cây cao lương với công suất 3.000 MW vào năm 2030 và tiếp theo 3.000 MW vào năm 2050 của Tập đoàn Tín Thành ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... để giải phóng tình trạng rác thải tràn lan.
- Cần xem xét sửa đổi thông tư 56/2014/TT-BCT về các điều khoản chia sẻ rủi ro trong hợp đồng mua bán điện; xem xét ban hành các quy định đến bao tiêu sản lượng điện (Qc) giá điện các nhà máy điện IPP để chủ đầu tư có thể vay vốn từ các tổ chức nước ngoài như Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang 650 MW vay vốn của một Ngân hàng Trung Quốc hiện nay chưa được giải quyết.
- Hiện nay, giá FIT của điện gió kết thúc năm 2021, điện mặt trời 2020 trong lúc Chính phủ và Bộ Công Thương chưa ban hành quy chế đấu thầu và tổ chức đấu thầu rộng rãi điện gió, điện mặt trời thì nên cho kéo dài giá FIT thêm ít năm nữa đến khi việc tổ chức đấu thầu rộng rãi điện gió, điện mặt trời sẽ kết thúc giá FIT.
- Sớm có chỉ đạo về phương án xây dựng cảng trung chuyển than nhập khẩu, các trung tâm quản lý than, kho bãi chứa và pha trộn than, phát triển đội tàu vận chuyển nội địa/ven biển chuyên dụng phù hợp cho việc vận chuyển, bốc dỡ than từ các các trung chuyển về các nhà máy nhiệt điện than.
g/ Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cấp đủ dầu mỏ, khí đốt: Chỉ đạo chủ đầu tư các dự án đưa khí từ Lô B, mỏ Cá Voi Xanh và các dự án điện đồng bộ sớm hoàn thiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng để có thể đưa vào sử dụng từ năm 2024 - 2025.
2/ Kiến nghị Bộ Công Thương:
- Chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng an toàn, tiết kiệm và hiệu quả và quản lý nhu cầu (DSM). Trong các năm tới, ưu tiên cho khu vực miền Nam.
- Chỉ đạo các chủ đầu tư đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành các công trình nguồn điện đã được phê duyệt quy hoạch; đặc biệt các nguồn điện khu vực phía Nam như các dự án nhiệt điện: Long Phú 1, Sông Hậu 1, BOT Duyên Hải 2.
- Chỉ đạo nghiên cứu, sớm ban hành cơ chế phí - giá khuyến khích phát triển các nguồn làm dự phòng linh hoạt cho điện gió, điện mặt trời, như: Pin lưu trữ năng lượng, các nguồn dự phòng linh hoạt, thủy điện tích năng, cơ chế giá riêng với các lưới truyền tải năng lượng tái tạo...
- Chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ khí cho phát điện; thực hiện các giải pháp để bổ sung kịp thời nguồn khí mới, bù đắp cho các nguồn khí hiện hữu tại khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đang bị suy giảm.
- Chỉ đạo EVN thực hiện các giải pháp và đàm phán nhằm tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc.
- Phê duyệt, hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch và chỉ đạo tập trung đầu tư công trình lưới điện 220 - 110 kV để đấu nối truyền tải các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
- Tạo điều kiện để phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, ưu tiên phát triển các dự án gần trung tâm phụ tải, thuận tiện đấu nối.
- Giải quyết, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc và có cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tiến độ Chuỗi dự án khí Lô B, khí Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện đồng bộ.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo cấp tỉnh. Tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo quốc gia.
- Nghiên cứu, ban hành, hoặc chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải, phân phối điện và các công cụ đảm bảo sự vận hành ổn định hệ thống điện khi nguồn điện gió, điện mặt trời có tỷ lệ cao; phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS), thủy điện tích năng, đồng bộ với phát triển năng lượng tái tạo.
- Nghiên cứu, ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình lưới điện để bảo đảm truyền tải hết công suất phát của các nhà máy điện và các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn các tỉnh sẽ hoà vào hệ thống điện quốc gia.
- Chỉ đạo nghiên cứu phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời tại khu vực phía Nam, đưa vào vận hành từ năm 2021 - 2023, nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho khu vực này khi nhiều nhà máy nhiệt điện đang xây dựng đưa vào chậm so với tiến độ đã được phê duyệt.
- Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Chính sửa đổi thông tư về đánh phí các trụ gió trên biển bằng phí trụ gió trên mặt đất chứ không phải đánh phí trên biển là đánh phí trên toàn bộ mặt biển, làm như vậy nhà đầu tư không có tiền để đầu tư các dự án trên biển.
- Việt Nam có tiềm năng về điện gió ngoài khơi rất lớn, Chính phủ cần có chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi để có thể thay thế được các nguồn năng lượng truyền thống, bởi vì chỉ có điện gió ngoài khơi với có tốc độ gió từ 9m/s trở lên đủ quay tua bin từ 10 MW trở lên tạo sản lượng điện hàng tỷ kWh/năm ngày phát được 24/24h.
- Đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành, các viện nghiên cứu tìm giải pháp công nghệ xây dựng một tổ hợp cơ khí để sản xuất ra tấm pin mặt trời, hệ thống Inverter (nâng điện áp), chuyển dòng điện một chiều thành xoay chiều... tua bin gió từ 2,4 MW đến 10 MW và các sản phẩm khác của ngành năng lượng tái tạo Việt Nam để tránh nhập khẩu tốn kém ngoại tệ và nâng năng lực sản xuất lên ngang tầm khu vực và thế giới để chủ động trong phát triển năng lượng tái tạo.
Kính thưa đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước, để trong sạch bộ máy dùng hình tượng “thanh bảo kiếm” và “Bao công”, đồng thời Bác Hồ có câu “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Vậy thì yếu tố con người vô cùng quan trọng; con người quyết định tất cả chỉ cần có ý chí, có nhận thức, có tình cảm, có trách nhiệm, có sự quan tâm, lo lắng đến những việc mình cần làm thì vượt qua hết mọi thử thách trên đời. Mọi cái đều do con người đề ra có thể sửa đổi phù hợp với sự nghiệp phát triển, với các dự án ngành năng lượng cũng vậy, điển hình công trình siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam cách đây gần 30 năm, dài trên 1.500 km vượt muôn trùng khó khăn, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp chỉ đạo chỉ xây dựng trong 2 năm hoàn thành, đây là bài học để cho các đời sau noi theo, rất mong đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo các cơ quan từ Chính phủ tới các bộ, ngành địa phương quan tâm hơn nữa tới vai trò con người, tới các dự án năng lượng để thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, hoàn thành đúng ý tưởng mà đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề ra.
Trên đây là một số đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam về kết quả thực hiện Hội thảo quốc tế về “Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050”, kính báo cáo các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem xét./.
VP HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM