RSS Feed for Thủy điện miền Trung, Tây Nguyên gặp khó do thiếu nước | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 26/04/2024 18:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủy điện miền Trung, Tây Nguyên gặp khó do thiếu nước

 - Trong thời gian qua, thời tiết diễn biến bất thường, tình trạng nắng nóng diện rộng xảy ra liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày, nhất là ở khu vực Trung bộ và Tây Nguyên, dẫn đến nhiều hồ chứa thủy điện ở mức nước chết, tình hình sản xuất điện, cung cấp nước cho hạ du gặp nhiều khó khăn.

Nhiều hồ thủy điện xấp xỉ mức nước chết
Công ty Thủy điện Buôn Kuốp vận hành điều tiết nước cho hạ du

 


Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, thời gian tới, nắng nóng có thể còn tiếp tục xảy ra tại khu vực Trung bộ, vùng núi phía Tây Trung bộ, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nhất là tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Trong tình trạng hạn hán, hết sức khó khăn về nguồn nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ chứa thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. 

Hiện nay, các hồ thủy điện và cả thủy lợi lớn ở miền Trung không tích đủ nước, nhiều hồ vẫn ở dưới mức nước chết, nguy cơ thiếu điện là rất lớn.

Trước thực trạng thiếu hụt nguồn thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết: Dự kiến trong mùa khô 2019, hệ thống điện quốc gia sẽ phải huy động tối đa các nguồn khác để bù đắp sản lượng thủy điện thiếu hụt. Theo đó, EVN đã kiến nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương có giải pháp sử dụng nước thực sự tiết kiệm và hiệu quả.

Thủy điện A Vương ưu tiên cấp nước cho hạ du trong cao điểm nắng nóng.

Thủy điện A Vương gồm 2 tổ máy, tổng công suất 210 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm là 815 triệu kWh. Tính đến nay, mức nước trong hồ chứa đã đạt đến mức quy định (tại Phụ lục III, Quy trình vận hành liên hồ chứa).

Theo ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương: Tính đến cuối tháng 7/2019, Nhà máy Thủy điện A Vương mới sản xuất được 53,5 triệu kWh điện, thấp hơn 33,6% so với kế hoạch năm (trung bình nhiều năm là 355 triệu kWh so với cùng kỳ là 428 triệu kWh). Lượng nước tích được tại hồ là 120,50 triệu m3, ứng với sản lượng có thể phát là khoảng 90 triệu kWh. Đây là lượng nước có thể tăng thêm cho hạ du với lưu lượng là 20 - 25m3/s so với dòng chảy tự nhiên các tháng gần đây khoảng 8 - 12m3/s. Tổng lưu lượng có thể xả về hạ du qua phát điện đều đến cuối mùa khô là 28-37m3/s.

Ông Thế cho rằng, việc hạn mặn ở hạ du có rất nhiều yếu tố, trong đó có các thời điểm triều cường, nước triều dâng cao. Để vừa thực hiện công tác đảm bảo cung cấp điện, vừa thực hiện công tác đảm bảo cấp nước cho hạ du, cần có sự liên hệ chặt chẽ, phối hợp tốt của nhiều bên liên quan.

Hiện nay, mức nước hồ A Vương là 347,88m, dung tích hữu ích là 38 triệu m3. Dự kiến vận hành với lưu lượng từ 20 - 40m3/s phù hợp với tình hình nhiễm mặn tại hạ du, yêu cầu của hệ thống điện và còn lượng nước dự phòng đến cuối mùa khô năm 2019.

Thủy điện Sông Bung 4.

Ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung cho biết: Do tình hình thủy văn không thuận lợi nên công tác sản xuất, kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn, sản lượng điện sản xuất lũy kế đến hết tháng 7/2019 là 137,5 triệu kWh (chỉ bằng 51% sản lượng điện cùng kỳ năm 2018). Từ đầu năm đến ngày 31/7/2019, hồ Sông Bung 4 đã vận hành cấp nước hạ du với tổng lượng nước 518,178 triệu m3 (bằng 52% so với tổng lượng nước về hạ du cùng kỳ năm 2018), lưu lượng xả nước trung bình 28,39 m3/s. Trong đó, lượng nước về hạ du từ ngày 01/6/2019 đến ngày 31/7/2019 là 173,499 triệu m3, với lưu lượng xả nước trung bình là 32,92 m3/s.

Theo ông Bản, tình hình thủy văn nước về hồ trong thời gian gần đây chưa được cải thiện, và có xu hướng suy giảm dần; lưu lượng nước về trung bình trong tháng 7/2019 là 14,33 m3/s, lưu lượng nước về hồ từ ngày 01/8/2019 đến ngày 14/8/2019 là 10,76 m3/s. Mực nước hồ lúc 7h00 ngày 01/8/2019 là 205,41 m, dung tích hữu ích trong hồ chỉ còn 4,7 triệu m3, đến 07h00 ngày 12/8/2019, mực nước hồ là 204,10 m (thấp hơn mực nước chết 0,9 m).

“Trước tình hình khó khăn trên, Công ty Thủy điện Sông Bung 4 đã có văn bản  báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị cho phép hồ Sông Bung 4 vận hành trong khả năng của tổ máy theo lưu lượng nước thực tế về hồ” - Ông Bản cho biết.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất tăng cường quan trắc khí tượng thủy văn, đặc biệt là hệ thống đo mặn tại các tỉnh ven biển Trung bộ; đảm bảo vận hành liên hồ chứa có hiệu quả để cấp nước cho nông nghiệp; tăng cường việc xả nước từ các hồ thủy điện cho hạ du./.

DƯƠNG ANH MINH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động