RSS Feed for Vì sao phải tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 08:29
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vì sao phải tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh?

 - Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, việc tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/10/2017 để xử lý tình huống khẩn cấp nên phải can thiệp vào thị trường. Và nguyên nhân dẫn đến việc tạm ngừng thị trường điện xuất phát từ cả hai phía: cung và cầu.

Thị trường phát điện cạnh tranh tạm dừng hoạt động

Về phía cầu, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, trong 8 tháng đầu năm 2017, phụ tải điện chỉ tăng trưởng khoảng 8,5%, thấp hơn so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết năm nay có nhiều diễn biến bất thường. Mùa khô phía Nam năm nay rất ngắn và không có các đợt nắng nóng dài ngày nhiều dẫn đến mức tăng trưởng điện cho sinh hoạt tăng thấp (chỉ tăng khoảng hơn 3%).

Còn về phía cung, theo Thứ trưởng, các nhà máy thủy điện đều đã được huy động tối đa (do lưu lượng nước về hồ để khá cao), thậm chí nhiều hồ phải thực hiện xả nước để đảm bảo an toàn đập.

Riêng trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10-2017, nhiều nhà máy thủy điện đã phải thực hiện xả nhằm đảm bảo an toàn công trình đập.

Cụ thể, trong tháng 7 có 21 nhà máy, tháng 8 có 55 nhà máy, tháng 9 có 54 nhà máy và trong đầu tháng 10 này cũng đã có 54 nhà máy thủy điện phải xả nước.

Do cần đảm bảo ưu tiên cho các hồ thủy điện phục vụ công tác điều tiết nước để phòng, chống lũ, nên phải can thiệp thường xuyên, liên tục vào công tác vận hành của nhà máy thủy điện để kịp thời đối phó với các diễn biến bất thường về thủy văn. Trong khi đó, trong thị trường phát điện cạnh tranh, do hạn chế về cơ sở hạ tầng (theo qui định các nhà máy thủy điện nộp bản chào giá trước một ngày cho 24 tiếng của ngày tiếp theo) nên trước các biến động thủy văn bất thường như các tháng vừa qua, các nhà máy thủy điện gặp khó khăn trong việc cập nhật, điều chỉnh trong ngày vận hành thực tế. (Trên thực tế, đã xảy ra trường hợp một vài nhà máy điện đã phải xả nước không qua phát điện do chào giá cao, trong khi lưu lượng nước về trong ngày tăng đột biến).

Với những lý do như vậy, cộng với việc phải khai thác thêm các nguồn điện chạy khí nhằm khai thác hết sản lượng khí bao tiêu và hạn chế quá tải trên đường dây 500kV nên Bộ Công Thương đã tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh để ưu tiên mua điện từ các nhà máy điện khí. Trong các hợp đồng PPA được ký giữa EVN và bên mua điện với các nhà máy điện khí cho cả đời dự án, có cam kết bao tiêu sản lượng theo hợp đồng thì được tính toán theo kế hoạch từ đầu năm 2017 theo phụ tải dự báo giữa EVN và các đơn vị phát điện tham gia thị trường.

Được phép can thiệp thị trường điện trong tình huống khẩn cấp

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, việc đưa thị trường phát điện cạnh tranh đi vào hoạt động gần 5 năm nay là thực hiện theo quy định của Thủ tướng từ năm 2013, thực hiện theo lộ trình và các cấp độ phát triển của thị trường điện. Khi tạm dừng vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã căn cứ vào Thông tư số 30/2014 của Bộ Công Thương quy định về các trường hợp được phép can thiệp, tạm dừng vận hành thị trường điện, cũng như việc khôi phục vận hành thị trường trở lại sau khi đã xử lý khắc phục được các nguyên nhân. Việc quyết định tạm dừng thị trường thực hiện theo quy định tại Điều 60 của Thông tư nói trên để xử lý các tình huống khẩn cấp.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tạm ngừng thị trường điện thì việc huy động các nhà máy điện vẫn được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên huy động các nhà máy thủy điện đang xả nước, hoặc có nguy cơ xả nước; khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện khí, còn lại sẽ ưu tiên huy động các nhà máy nhiệt điện than theo giá hợp đồng từ thấp đến cao. Vì thực tế, các nhiệt điện khí đang có chi phí sản xuất điện thấp hơn so với các nhà máy nhiệt điện than.

Theo báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực, ngay cả trong thị trường phát điện cạnh tranh, theo kết quả vận hành các năm gần đây, các nhà máy nhiệt điện khí cũng được huy động ở mức khá cao, thường vượt mức sản lượng kế hoạch (nhờ có giá chào hợp lý).

Còn theo báo cáo của EVN, kể cả trong trường hợp huy động tối đa các nhà máy điện khí trong ba tháng còn lại của năm 2017, tổng sản lượng các nhà máy điện khí cũng chỉ tăng thêm 189 triệu kWh so với mức sản lượng của các nhà máy theo kế hoạch vận hành trước đây. Mức tăng thêm này là rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,094% so với tổng nhu cầu phụ tải trong ba tháng cuối năm 2017.

Với con số định lượng như trên, việc khai thác thêm các nhà máy điện khí ảnh hưởng rất nhỏ đến chi phí phát điện chung của toàn bộ hệ thống điện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ vận hành trở lại ngay sau khi khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến dừng thị trường. Trong thời gian đó, vẫn ưu tiên huy động các nhà máy thủy điện đang xả nước hoặc có nguy cơ xả nước.

Như Tạp chí Năng lượng Việt nam đã đưa tin, theo Quyết định 3698 của Bộ Công Thương ban hành cuối tháng 9 vừa qua, kể từ ngày 1/10/2017, thị trường phát điện cạnh tranh sau gần 5 năm hoạt động sẽ tạm dừng với lý do nhằm huy động tối đa sản lượng của các nhà máy điện khí trong những tháng cuối năm 2017.

Trong quyết định này, Bộ Công Thương cho rằng, sẽ không làm thay đổi tổng sản lượng điện của toàn thị trường phát điện Việt Nam, vốn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua chủ yếu thông qua các hợp đồng giữa EVN và các nhà máy điện (hợp đồng PPA) và có khoảng 10% - 20% được mua theo hình thức chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM).

Thị trường phát điện cạnh tranh sẽ ưu tiên mua điện từ các nhà máy điện có sản lượng bán ra thị trường chào giá thấp nhất và tùy từng thời điểm sẽ huy động sản lượng điện của các nhà máy sao cho phù hợp. Tuy nhiên, ưu tiên mua cao nhất vẫn là các nhà máy thủy điện - nơi có giá chào bán trên thị trường thường ở mức thấp nhất.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động