RSS Feed for EVN NPC: Vai trò nòng cốt của ngành Điện lực Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 26/04/2024 19:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVN NPC: Vai trò nòng cốt của ngành Điện lực Việt Nam

 - Qua 46 năm trưởng thành và phát triển, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) đã có những bước đi vững chắc, vượt qua khó khăn thách thức, từng bước phát triển và không ngừng lớn mạnh, luôn khẳng định được vai trò, vị trí nòng cốt của mình trong sự nghiệp phát triển ngành Điện lực Việt Nam.

Bổ nhiệm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVN NPC

Trưởng thành trong gian khó

Ra đời trong những tháng năm ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước nhiều nhà máy điện và các trạm biến áp đầu mối bị đánh phá như: Nhà máy điện Vinh (Nghệ An), Nhà máy điện Thượng Lý (Hải Phòng), Nhà máy điện Uông Bí (Quảng Ninh), Ninh Bình, Yên Phụ (Hà Nội), Nhà máy thủy điện Thác Bà (Yên Bái), Nhà máy điện Hàm Rồng (Thanh Hóa),… đỉnh cao nhất của giai đoạn đánh phá ác liệt miền Bắc là trong tháng 6/1972 nhà máy điện Uông Bí, nhà máy điện Vinh bị đánh phá tới 6 lần.

Qua hai đợt đánh phá miền Bắc, Công ty đã phải đương đầu với 1.634 trận đánh phá, nhưng với tinh thần “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu” và “vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu”, Công ty đã tập trung công sức, trí tuệ của cán bộ công nhân viên để khôi phục các cơ sở điện lực bị tàn phá do chiến tranh. Nên đến cuối năm 1973 đã đưa 12 lò hơi, 11 tổ máy vào vận hành, với công suất 231 MW, phục hồi được 186 km đường dây cao thế, toàn bộ đường dây hạ thế, 12 trạm biến áp 110 kV và các trạm trung gian, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân miền Bắc.

Ngày 30/4/1975 miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhiệm vụ của Công ty lại hết sức nặng nề, đó là: Vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa phải san sẻ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công nhân lành nghề vào tiếp quản các cơ sở vật chất của Ngành điện lực ở miền Nam và thực hiện giúp đỡ khôi phục Nhà máy thủy điện Đa Nhim và đường dây 220 kV Đa Nhim - Sài Gòn; đồng thời hình thành đội ngũ cán bộ nóng cốt cho Công ty Điện lực miền Nam và Công ty Điện lực miền Trung.

Đến năm 1976, Ngành điện Việt Nam được hình thành bởi 3 công ty điện lực ở ba miền Bắc - Trung - Nam, với tên gọi tương ứng là Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực miền Nam và Công ty Điện lực miền Trung trực thuộc Bộ Điện và Than.

Thực hiện Kế hoạch 5 năm 1976-1980, Công ty Điện lực miền Bắc tiến hành củng cố, mở rộng các cơ sở điện sẵn có. Chỉ đạo sát sao việc khảo sát, thi công nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy thủy điện Hòa Bình; khôi phục, hoàn chỉnh các trạm 110 kV, xây dựng mới đường dây 220 kV đầu tiên ở miền Bắc, tiếp tục mở rộng lưới điện phân phối, cải tạo lưới điện hạ thế của các thành phố lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Công ty, đến cuối năm 1980, tổng công suất nguồn trên miền Bắc đã đạt được 590,4 MW; đường dây điện các cấp điện áp từ 3 kV đến 110 kV có 9.286,5 km; tổng dung lượng máy biến áp các loại là 2.560 MVA. Về phụ tải, công suất sử dụng của công nghiệp Trung ương tăng hơn 1,6 lần, của công nghiệp địa phương tăng hơn 1,4 lần; công suất sử dụng cho bơm thủy lợi tăng 1,2 lần so với năm 1976.

Đến năm 1981, Bộ Điện lực được thành lập theo Nghị định số 170/CP ngày 23/4/1981 của Hội đồng chính phủ. Theo quyết định số: 15 ĐL1/TCCB ngày 09/5/1981, Công ty Điện lực miền Bắc được điều chuyển từ Bộ Điện và Than về trực thuộc Bộ Điện lực và đổi tên thành Công ty Điện lực 1. Các sở quản lý phân phối điện khu vực được đổi thành các Sở điện lực tỉnh, thành phố và bắt đầu tiếp nhận lưới điện và phụ tải từ các địa phương quản lý tại hầu hết các tỉnh miền Bắc.

 

Đến năm 1987, Bộ Năng lượng được thành lập (trên cơ sở sáp nhập Bộ Điện lực và Bộ Mỏ và Than), Công ty Điện lực 1 là đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc Bộ Năng lượng. Trong điều kiện Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Nhà nước tiến hành mở cửa và hội nhập, cùng với đó là sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ đã tạo ra rất nhiều cơ hội để phát triển, đồng thời cũng là những thách thức to lớn đối với Công ty Điện lực 1.

Thành tựu nổi bật của thời kỳ này được mở đầu bằng việc đưa 4 tổ máy (với công suất 440 MW) của nhiệt điện Phả Lại vào vận hành an toàn, bảo đảm ổn định cho hệ thống, nâng sản lượng điện lên hàng tỷ kWh. Sau nhiều năm thi công, cuối tháng 12/1988, tổ máy 1 của Nhà máy thủy điện Hòa Bình được đưa vào vận hành, những năm tiếp theo đưa 1 đến 2 tổ máy vào hoạt động, tạo sự chuyển biến về chất của hệ thống điện miền Bắc.

Năm 1990, Công ty đã thực hiện đưa điện vào miền Trung, đẩy lùi và giải quyết phần lớn tình trạng thiếu điện của khu vực này. Thực hiện Nghị định số 22 của Ban Chấp hành Trung ưng khóa VI về chủ trương điện phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa miền núi, Công ty đã đưa vào vận hành đường dây 110 kV Thái Nguyên - Cao Bằng, trạm 110 kV Tuyên Quang, các đường dây Mộc Châu - Mai Châu, Cẩm phả - Tiên Yên và trạm 110 kV Tiên Yên… nhờ đó đã đưa điện lưới quốc gia (lưới 110kV) đến các vùng núi, vùng, sâu, vùng xa.

Đến tháng 04/1993 Thủ tướng Chính phủ có quyết định số: 146 TTg về việc thành lập lại Công ty Điện lực 1 trực thuộc Bộ Năng lượng với nhiệm vụ vừa sản xuất và kinh doanh điện năng trên phạm vi miền Bắc vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về điện. Ngày 20/12/1994 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được khánh thành sau 15 năm xây dựng gồm 8 tổ máy vói công suất 1.920 MW và trước đó hồi 19h7 phút ngày 25/4/1994 hệ thống truyền tải điện Việt Nam thống nhất toàn quốc thông qua hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam với chiều dài 1.487 km được chính thức đóng điện khắc phục tình trạng dư thừa công suất nguồn phía Bắc, thiếu điện ở phía Nam. Sự kiện này khẳng định vai trò chủ đạo của Công ty Điện lực 1 đối với ngành Điện lực Việt Nam trong hình thành hệ thống điện quốc gia thống nhất.

Đến năm 1995, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh, ngày 01/01/1995 Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập, trong đó Công ty Điện lực 1 là một trong những đơn vị nòng cốt của Tổng công ty; đến tháng 6/1995 Công ty chính thức bàn giao: các nhà máy phát điện, Sở Điện lực Hà Nội, Sở Truyền tải điện và một số đơn vị phụ trợ được tách về trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Các Sở điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc công ty được đổi tên thành các điện lực tỉnh…

Khẳng định vai trò là “chiếc nôi” của ngành điện Việt Nam

Cùng với những bước ngoặt lịch sử của đất nước, vượt qua những khó khăn và thách thức, qua từng chặng đường phát triển, với nhiều lần thay đổi tên cơ quan chủ quản, thay đổi về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ và tên gọi Công ty Điện lực 1 hoàn thành vai trò sứ mệnh lịch sử của mình đó là thực hiện đào tạo một đội ngũ cán bộ, công nhân viên có bản lĩnh chính trị, vững vàng về chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành hệ thống điện. Đồng thời cũng là nơi cung cấp đội ngũ cán bộ cho ngành điện Việt Nam và cơ bản đã xây dựng, hoàn thiện khép kín hệ thống điện miền Bắc Việt Nam, bàn giao sứ mệnh phát điện và truyền tải cho Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Công ty chỉ còn thực hiện nhiệm vụ chính là quản lý và phân phối điện năng. Một lần nữa thực tế đã khẳng định vai trò của Công ty Điện lực 1 thực sự là “chiếc nôi” của ngành điện Việt Nam. Đến năm 1999 trải qua 30 năm hoạt động, Công ty Điện lực 1 đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và bộ ngành cấp trên giao phó để vững vàng bước vào thiên niên kỷ mới.

Đến giai đoạn 2000-2009, giai đoạn bản lề sau những năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Công ty luôn hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch của từng năm, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 10,3-13%. Công ty luôn là đơn vị dẫn đầu toàn ngành về công tác tiếp nhận lưới điện trung áp, hạ áp nông thôn và bán điện đến từng hộ dân nông thôn, đã thực hiện đưa điện về 220/222 huyện (99%), 4.406/4.605(95,7%)  và 5.128.715 số hộ nông thôn có điện lưới quốc gia (93%).

Năm 2010, đã đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử hình thành và phát triển của Công ty Điện lực 1, với sự ra đời của Tổng công ty Điện lực miền Bắc theo quyết định số 0789/QĐ-BCT ngày 05/2/2010 của Bộ Công Thương; Tổng công ty Điện lực miền Bắc được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 1 và tiếp nhận trở lại các Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Hải Dương và Ninh Bình. Tổng công ty được tổ chức theo hình thức Công ty TNHH MTV và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Việc chuyển đổi mô hình tổ chức từ mô hình Công ty Điện lực 1 thành Tổng công ty Điện lực miền Bắc là một ghi nhận và đánh dấu một bước chuyển biến lớn trong sự phát triển của Tổng công ty cả về lượng và về chất - đây là mô hình ổn định, lâu dài và phù hợp xu thế phát triển của đất nước cũng như tình hình phát triển của thế giới.

Ngay sau khi đi vào hoạt động theo mô hình tổ chức mới, Tổng công ty đã thực hiện sắp xếp mô hình cơ cấu tổ chức, kiện toàn bộ máy quản lý từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên, đổi mới cơ chế quản lý đạt nhiều bước tiến quan trọng trên tinh thần tinh giản, gọn nhẹ, chuyên nghiệp, lấy hiệu quả công việc làm thước đo, lấy khách hàng làm đối tượng phục vụ theo tiêu chí EVN thắp sáng niềm tin và “Tổng công ty Điện lực miền Bắc vì sự phát triển của cộng đồng”.

Giai đoạn 2010-2015 nền kinh tế trong nước, khu vực và trên thế giới suy thoái, đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt dộng sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của Tổng công ty. Giai đoạn này cũng là giai đoạn Tổng công ty phải thực hiện các chương trình, mục tiêu lớn và Đảng và Chính phủ giao cho ngành điện, đó là thực hiện tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp khu vực nông thôn, trực tiếp bán điện đến các hộ dân, người dân được hưởng giá bán điện theo đúng quy định của Chính phủ; đó là tiếp tục thực hiện chương trình đưa điện đến các thôn bản, miền núi và hải đảo những nơi chưa có điện lưới quốc gia phục vụ đời sống nhân dân góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo…

Năm 2014, là năm mang dấu ấn có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn đối với Tổng công ty, đó là việc Tổng công ty hoàn thành dự án đầu tư xây dựng đường dây cáp ngầm xuyên biển đưa điện ra huyện đảo Cô Tô - Quảng Ninh, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Năm 2015 lũy kế 9 tháng đầu năm thương phẩm đạt 33,381 tỷ kWh tăng 15,4% so với cùng kỳ 2014 và đạt 76,25%  so với kế hoạch cả năm 2015 dự kiến là 44,1 tỷ kWh; tổn thất điện năng ước đạt 7,07% giảm 0,65% so với cùng kỳ; giá bán điện bình quân ước đạt 1.538 đồng/kWh; chỉ số tiếp cận điện năng là 16,5 ngày.

Đến hết năm 2015, trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố miền Bắc do Tổng công ty quản lý đã cung ứng điện cho 249/249 huyện (đạt 100% số huyện), và 5.056/5.095 xã (đạt 99,2% số xã), với 7.542.757/7.742.743 hộ (đạt 97,4%) số hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia. Đồng thời Tổng công ty cũng đã thực hiện tốt các hoạt động xã hội như phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc các gia đình thương binh liệt sỹ, chương trình ủng hộ các huyện nghèo theo nghị quyết 30a của Chính phủ và các hoạt động hướng về biển đảo của Quê hương, cũng như các hoạt động xã hội, từ thiện khác.

Qua 46 năm trưởng thành và phát triển, Tổng công ty đã có những bước đi vững chắc, vượt qua khó khăn thách thức, từng bước phát triển và không ngừng lớn mạnh, luôn khẳng định được vai trò, vị trí nòng cốt của mình trong sự nghiệp phát triển ngành Điện lực Việt Nam.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động