RSS Feed for Việt Nam chuẩn bị nguồn nhân lực và lựa chọn công nghệ điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 21:45
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam chuẩn bị nguồn nhân lực và lựa chọn công nghệ điện hạt nhân

 - Theo kế hoạch, năm 2014, Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta sẽ được xây dựng tại Ninh Thuận. Các chuyên gia về điện hạt nhân cho rằng, bên cạnh việc lựa chọn công nghệ cho các nhà máy điện hạt nhân cần cân nhắc các yếu tố khoa học - công nghệ, kinh tế và quan hệ chính trị, thương mại... Trong đó, yếu tố an toàn của công nghệ điện hạt nhân phải được coi là yêu cầu quan trọng hàng đầu.

"Lò phản ứng hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được xây dựng bằng công nghệ lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3. Đây là công nghệ hiện đại nhất thế giới, áp dụng cả hai hệ thống an toàn có điện và không điện" - (Rosatom Sergey A.Boyarkin)

Nghị quyết số 41/2009/QH12, về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được QH Khóa XII ban hành đã xác định: công nghệ điện hạt nhân được lựa chọn phải là công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư.

Chính phủ cũng đã chính thức lựa chọn nhà thầu của Nga làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Vì lợi ích lâu dài của quốc gia và sự phát triển bền vững, công nghệ điện hạt nhân ứng dụng tại nước ta cần phải thỏa mãn các điều kiện là công nghệ tối tân nhất, tiến bộ nhất, bảo đảm an toàn cao nhất có thể.

Theo TS. Lê Văn Hồng, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, sau hơn 50 phát triển, hiện nay có 3 loại công nghệ lò phản ứng hạt nhân đã được kiểm chứng, thừa nhận và được phát triển nhiều nhất là lò phản ứng nước áp lực (PWR+VVER), lò phản ứng nước sôi (BWR) và lò nước nặng kiểu Candu (PHWR).

Trong đó có trên 61% các lò đang vận hành thuộc loại lò nước áp lực nhưng tuyệt đại đa số các lò đang xây dựng và có kế hoạch xây dựng lại thuộc loại lò áp lực cải tiến (APWR).

TS. Lê Văn Hồng cho rằng, cần nghiên cứu lựa chọn công nghệ lò nước áp lực cải tiến vì là loại công nghệ phổ biến nhất, có nhiều nước sử dụng. Lựa chọn công nghệ này sẽ giúp việc hợp tác với các quốc gia trong quá trình xây dựng nhà máy thuận lợi hơn. Bởi sẽ có nhiều hãng cung cấp thiết bị công nghệ và nhiên liệu, có bề dày kinh nghiệm xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, có nhiều kết quả nghiên cứu, thử nghiệm…

Các chuyên gia về điện hạt nhân cho rằng, cần lựa chọn thống nhất một loại công nghệ lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam cũng như các nhà máy điện hạt nhân sau này. Việc sử dụng một loại công nghệ trong chương trình phát triển điện hạt nhân sẽ cho phép quá trình vận hành, bảo dưỡng, đánh giá kiểm tra an toàn định kỳ có thể phối hợp, hỗ trợ cho nhau, qua đó giảm chi phí.

Ngoài ra, việc lựa chọn cùng loại công nghệ sẽ tạo sự thuận lợi trong việc đào tạo cán bộ vận hành cho các nhà máy điện hạt nhân, thuận lợi trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, thúc đẩy nhanh quá trình nội địa hóa việc đầu tư cho ngành chế tạo thiết bị, chế tạo nhiên liệu.

Về công nghệ lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Rosatom Sergey A.Boyarkin đã khẳng định, sẽ được xây dựng bằng công nghệ lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3. Đây là công nghệ hiện đại nhất thế giới, áp dụng cả hai hệ thống an toàn có điện và không điện; trong trường hợp toàn nhà máy mất điện, hệ thống an toàn vẫn hoạt động làm nguội vùng hoạt của lò phản ứng.

Ngoài ra, theo ông Sergey A.Boyarkin, công nghệ này còn có cụm thiết bị để bảo đảm khi nhiên liệu quá nhiệt, bị chảy sẽ được hút ra ngoài, bức xạ được hút vào trong để không thoát ra ngoài môi trường.

Công nghệ được lựa chọn tại thời điểm đầu tư là công nghệ hiện đại nhất, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nhất định, bởi công nghệ sẽ không bao giờ đạt được trạng thái an toàn tuyệt đối. Vì thế, theo TS. Lê Văn Hồng, ngoài thiết kế công nghệ, chế tạo thiết bị, việc bảo đảm an toàn phải được thực hiện trong quá trình lựa chọn địa điểm, thi công xây lắp, vận hành bảo dưỡng và tháo dỡ nhà máy khi hết thời gian sử dụng.

Đồng thời, công tác quản lý nhà nước về an toàn hạt nhân phải được thực thi một cách chặt chẽ và nghiêm ngặt; năng lực khoa học (R&D) của đất nước phải được ưu tiên tập trung xây dựng, hình thành đội ngũ chuyên gia với các nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ, an toàn…

Khi đã lựa chọn được công nghệ tối ưu, thì yếu tố con người sẽ quyết định sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Với nền tảng khoa học công nghệ hạt nhân còn yếu, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh việc đào tạo lớp chuyên gia trẻ có chuyên môn sâu, đủ sức làm chủ thiết bị kỹ thuật hạt nhân qua các kênh hỗ trợ đào tạo của các nước có nền điện công nghệ hạt nhân phát triển cũng như đối tác cung ứng công nghệ.

Đồng thời, cần xây dựng văn hóa làm việc an toàn trong các đơn vị và từng cá nhân ngành điện hạt nhân. Điều này sẽ tạo niềm tin trong cộng đồng dân cư về sự an toàn của các nhà máy trong quá trình vận hành.

Tự Cường (Nguồn: ĐBND)

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động