RSS Feed for Bình luận về dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 12:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bình luận về dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới ở Việt Nam

 - Trong xu thế tăng cường phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch (đặc biệt là than và LNG nhập khẩu), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Chính phủ đã chấp nhận để Tập đoàn Enterprize Energy (Vương quốc Anh) đầu tư phát triển trang trại gió khổng lồ lớn nhất thế giới - dự án ThangLong Wind, công suất 3.400 MW ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận.

Hội thảo bàn về việc bổ sung dự án ThangLong Wind vào Quy hoạch điện
Công bố giấy phép khảo sát dự án ThangLong Wind
Tạo đột phá từ điện gió ngoài khơi Kê Gà



 

 

Các trang trại điện gió ngoài khơi (Offshore wind power farms) thường được xây dựng trên thềm lục địa thuộc các đại dương, nơi gió có tốc độ cao hơn, thời gian có gió nhiều hơn so với gió trong đất liền nên công suất đặt, cũng như sản lượng điện phát ra của dự án cũng thường cao hơn. Chính do tính ưu việt này mà một số hạn chế như: chi phí đầu tư, lắp đặt, chi phí vận hành, bảo dưỡng (O&M) còn khá cao, trong 2 năm (từ 2016 đến 2018) tổng công suất trang trại điện gió ngoài khơi trên thế giới đã tăng mạnh tới 26,4% (từ 14.482 MW năm 2016 lên 23.140 MW năm 2018), và xu thế này vẫn sẽ tiếp diễn trong những năm tới (theo đánh giá của các chuyên gia, do đổi mới công nghệ nên chi phí đầu tư có thể giảm đến 25%).

Theo European Wind Energy Association, tổng công suất điện gió ngoài khơi của Liên minh châu Âu sẽ là 40 GW vào năm 2020 và 150 GW năm 2030, còn của toàn cầu, với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc và Mỹ sẽ là 75 GW vào năm 2020. Dưới đây là tình hình phát triển các trang trại gió ngoài khơi trên thế giới 2 năm qua:

Đơn vị: MW

Xếp hạng

  Nước

  2016

    2018

       1

   Anh

  5.156

    7.963

       2

   Đức

  4.108

    6.380

       3

Tr.Quốc

  1.627

    4.588

       4

Đ. Mạch

  1.271

    1.329

       5

Bỉ

    712

    1.186

       6

Hà Lan

  1.118

    1.118

       7

Th. Điển

    202

      192

       8

Việt Nam

      99

        99

 

Toàn cầu

14.482

  23.140

 

 

 



Mới đây, tại Hà Nội, Tập đoàn Enterprize Energy (Vương quốc Anh) và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã tổ chức Hội thảo về bổ sung dự án ThangLong Wind vào Quy hoạch phát triển điện Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030 (QHĐ VII hiệu chỉnh).

Theo các nghiên cứu, khảo sát sơ bộ, dự án ThangLong Wind nằm trong khu vực tiềm năng phát triển điện gió (từ 3.000 đến 5.000 MW) ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, trên tổng diện tích khoảng 2.000 km2, cách mũi Kê Gà từ 20 đến 50 km, nơi có tốc độ gió đến 9,5 m/s.

Trong trường hợp dự án được phát triển đầy đủ với tổng công suất 5.000 MW thì sản lượng điện hàng năm có thể đạt đến 25 TWh, nghĩa là số giờ sử dụng công suất cực đại (Tmax) của dự án lên tới 5000h/năm (Tmax = 25.106MWh/5000MW = 5000h) lớn hơn Tmax của các nhà máy thủy điện lớn như: Hòa Bình, Sơn La, Trị An (trên 4.000h) và lớn hơn nhiều so với Tmax của các dự án điện gió trên đất liền (dưới 3.000h), điện mặt trời (dưới 2.000h). Đây là một lợi thế có ý nghĩa quan trọng đối với một dự án nguồn năng lượng tái tạo trong việc đảm bảo cung cấp cả công suất lẫn điện năng cho hệ thống điện.

Theo dự kiến của Enterprize Energy, dự án ThangLong Wind sẽ được phát triển trong giai đoạn 2022 - 2027, với quy mô công suất 3.400 MW (sản lượng trung bình khoảng 17 TWh/năm). Dự án bao gồm các tua bin gió (với công suất đơn vị ban đầu là 9,5MW, sẽ tăng dần theo theo sự phát triển của công nghệ tua bin gió); hệ thống cáp điện; các trạm biến áp điện ngoài khơi và cơ sở bảo trì vận hành ven biển, với tổng mức đầu tư (chưa kể đường dây truyền tải điện 500 kV) là khoảng11,9 tỷ US$.

Có thể nói, đây là trang trại gió ngoài khơi lớn nhất thế giới được biết đến tại thời điểm này (hiện nay, tại Ấn Độ, trang trại gió ngoài khơi đầu tiên vận hành thương mại có công suất 1.000 MW, tại Vương quốc Anh, trang trai gió ngoài khơi Hornsea One 1.200 MW sẽ hoàn thành vào nửa cuối năm 2019).

Dự án ThangLong Wind đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương để nghiên cứu, khảo sát và đầu tư xây dựng. 

Có được sự chấp thuận này, bắt đầu từ giữa tháng 7/2019, Tập đoàn Enterprize Energy sẽ cùng các đối tác triển khai lắp đặt hệ thống LIDAR (Light Detection and Ranging) khảo sát và đo gió trên không để thu thập số liệu gió. Thời gian đo liên tục trong 12 tháng. Dữ liệu đo gió sẽ được thu thập từ cột khí tượng trên đảo Phú Quý và thiết bị đo gió lắp trên các giàn khoan khai thác dầu khí lân cận vùng dự án điện gió, thiết bị phao nổi đo gió.

Tiếp theo là thực hiện khảo sát địa vật lý, bao gồm đo độ sâu đáy biển, khảo sát địa hình đáy biển, đo địa chấn nông và khảo sát tại các khu vực lắp đặt các tua bin gió và tuyến cáp truyền tải điện vào bờ.

Khảo sát địa chất công trình bao gồm các bước: khoan (với độ sâu lỗ khoan lên đến khoảng 80m dưới đáy biển), lấy mẫu, thực hiện thí nghiệm hiện trường và thí nghiệm trong bờ cho khu vực lắp đặt các tua bin gió để đánh giá điều kiện địa chất đáy biển.

Ngoài ra, phía nhà đầu tư cũng sẽ thực hiện nghiên cứu và khảo sát môi trường biển, bao gồm khảo sát sự di trú các loài chim biển, động vật có vú, các loại sinh vật biển lớn. Sử dụng máy bay để tiến hành chụp và ghi nhận hình ảnh không gian thuộc phạm vi dự án ở độ cao từ 243 - 609m.

Trước sự quan tâm đặc biệt của bà con ngư dân địa phương, đại diện Tập đoàn Enterprize Energy cũng đã giải thích, dự án sẽ không cản trở quá trình đánh bắt thuỷ sản của ngư dân, vì khoảng cách giữa các trụ tua bin gió thiết kế là 1 km, tàu thuyền đánh bắt có thể đi qua khoảng giữa 2 trụ điện gió bình thường và tất cả các tua bin điện gió này đều được lắp đặt hệ thống đèn báo hiệu an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, do các trụ tua bin gió có chân đế vững chắc sẽ thu hút được các loài thuỷ sinh đến trú ngụ phía dưới, tạo ra nguồn lợi thuỷ sản phong phú hơn.

Vùng xây dựng trạm biến áp và các trụ điện 500kV trên đất liền cũng đã được chọn là các khu đất trống, không canh tác được. Trường hợp nếu có người dân sinh sống trong phạm vi dự án thì phía chủ đầu tư sẽ phối hợp với lãnh đạo địa phương tổ chức di dời và đền bù thoả đáng cho người dân.

TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động