RSS Feed for Tiết kiệm điện: Đừng cho là "chuyện nhỏ" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 08:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiết kiệm điện: Đừng cho là 'chuyện nhỏ'

 - Cứ đến những tháng hè, trời nắng nóng kéo dài thì nhu cầu sử dụng điện trong xã hội lại tăng cao. Sản lượng điện năng tiêu thụ của mỗi cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình đều tăng hơn rất nhiều so với các thời điểm khác trong năm. Bên cạnh các nhu cầu dùng điện thông thường thì việc sử dụng các thiết bị làm mát cũng tăng cao. Nhu cầu dùng điện phục vụ cho đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh là hoàn toàn chính đáng, nhưng sử dụng điện như thế nào để thỏa mãn như mong muốn mà lại tiết kiệm thì không phải ai cũng quan tâm thực hiện.


Các giải pháp tiết kiệm điện mùa nắng nóng


Còn nhớ buổi tối cuối tuần vừa rồi, tôi đến nhà một anh bạn đồng hương ở khu quy hoạch mới chơi, thấy trong phòng khách anh bật cùng lúc mấy cái quạt, cái nào cũng ở số cao nhất, tôi nói anh tắt bớt quạt, giảm bớt số đi chứ sao lãng phí vậy. Anh phẩy tay cười:

- Ui giời, có đáng bao nhiêu. Bật ba cây hết số rồi mà vẫn còn toát mồ hôi hột đây, nếu bật một cây số một, có mà nóng chảy mỡ à!

Tôi gợi ý khu vực này còn trống trải, anh mở những cánh cửa sổ để gió ngoài vào cho mát, vừa trong lành, giảm bớt quạt, bật số nhỏ nhất sẽ tiết kiệm được điện. Trong khi ngồi nói chuyện với anh, tôi quan sát nhanh toàn bộ nhà anh một lượt và nhận ra anh đang lãng phí rất nhiều trong việc sử dụng điện. Tôi nhắc anh:

- Anh nên tắt bớt điện một số bóng đèn ở bếp đi, dưới đó không có ai mình không dùng nữa thì không quá sáng để làm gì, vừa không phục vụ lợi ích gì mà lại tốn tiền điện của gia đình.

Đừng cho là “chuyện nhỏ”

Mỗi cá nhân, đơn vị sử dụng điện đều có ý thức tiết kiệm, chỉ dùng khi cần thiết, sử dụng điện hợp lý thì sẽ giúp giảm áp lực rất lớn cho ngành điện.

Anh xua tay cười:

- Mấy cái bóng có mấy chục oát, ăn thua gì, có thắp cả ngày cả đêm cũng chưa hết một số điện. Này, nhà tớ toàn dùng bóng tiết kiệm điện thôi đấy nhé. Nhà bếp, nhà vệ sinh, ban công, hành lang đều cũng cứ để điện như vậy, cho sáng nhà sáng cửa. Với lại buổi tối, con bé nhà tớ nó đi vệ sinh, đi uống nước nó hay sợ. Không để điện sáng cả nhà nó không dám đi cậu ơi. Có hôm sáng vội đi làm, quên tắt điện luôn, nhưng may mình dùng bóng tiết kiệm điện nên cũng không tốn mấy.

- Sao lại không tốn chứ, tốn nhiều đấy, do anh chưa kiểm tra thôi!

Tôi chỉ mấy cái dây sạc pin điện thoại không sạc nhưng vẫn cắm trên ổ điện nói anh:

- Bọn chúng cũng tốn đấy anh.

Anh ngạc nhiên, tròn mắt hỏi tôi:

- Cậu nói tốn là tốn thế nào? Tôi để ý, tháng mà tôi bật điện thoải mái thì cũng có tốn hơn là bao nhiêu đâu. Chia ra cũng chỉ vài ngàn một ngày, chưa bằng nửa tiền ly cà phê của mình cậu ạ. Còn cái dây sạc, mình cắm sẵn ở đó, cần là cắm điện thoại vào thôi, khỏi phải rút ra cắm vào cho lách cách, mà nó thì có gì mà tốn chứ.

Rồi anh vỗ vai tôi cười:

- Cậu cứ quan trọng hóa vấn đề nói quá lên thế chứ. Mấy cái “chuyện nhỏ” ấy có đáng là bao nhiêu.

- Đấy, do Anh chưa quan tâm thôi! Đối với mình anh, nó là nhỏ, nhưng ai cũng nghĩ như anh thì nó lại thành lớn. Nhà nào cũng nghĩ mấy cái “chuyện nhỏ” đó tính làm gì, rồi đáng bao nhiêu như anh nên vô tình đã làm cho xã hội lãng phí một lượng điện năng đáng kể. Sự lãng phí đó thật sự không đáng có. Anh cứ nói mỗi ngày chỉ vài ngàn, không đáng là bao nhưng góp lại một tháng, một năm, nhiều năm nó lại trở thành một khoản lớn, còn xét về tổng thể cho gần 100 triệu dân Việt Nam thì đó là một con số vô cùng lớn.

Nói vậy để thấy, mỗi cá nhân, đơn vị mà sử dụng điện đều có ý thức tiết kiệm, chỉ dùng khi cần thiết, sử dụng điện hợp lý thì sẽ giúp giảm áp lực rất lớn cho ngành điện chúng em rất nhiều đấy.

Ngoài việc tiết kiệm ngân quỹ cho gia đình và xã hội, còn góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên Quốc gia và bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta.

Sau khi nghe tôi giải thích, anh cũng hiểu ra vấn đề và đồng ý với tôi. Anh nói sẽ chú ý hơn trong vấn đề sử dụng điện trong gia đình, sẽ nhắc nhở, dặn dò vợ con tắt những thiết bị điện khi không sử dụng.

Chắc chắn rằng, câu chuyện sử dụng điện đó không chỉ của riêng anh bạn đồng hương, mà tôi nghĩ còn của nhiều gia đình khác trong xã hội. Đôi khi chỉ cần làm từ những điều tưởng chừng như “chuyện nhỏ” trong cuộc sống như tắt cái bóng điện có vài oát khi không sử dụng, rút cái cái sạc điện thoại khi không sạc nữa, máy tính quá mười lăm phút mà không sử dụng thì không nên để chế độ chờ,... đó chính là hành động thiết thực trong việc thực hành tiết kiệm điện, góp phần cùng Chính phủ thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.

ĐÀO CÔNG VIÊN - TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC MIỀN TRUNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động