RSS Feed for Công nghệ Nhật Bản trong vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 14:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Công nghệ Nhật Bản trong vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ

 - Ngày 27/10, tại Hà Nội, được sự đồng ý của Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp với Tập đoàn Điện lực Kyushu Nhật Bản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội thảo "Công nghệ Nhật Bản trong vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ".

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)

Chủ tịch đoàn hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi cho biết: Việt Nam là đất nước có nhiều sông, suối và có rất nhiều các nhà máy thủy điện, nằm ở nhiều tỉnh trong cả nước.

Các nhà máy thủy điện lớn đều do EVN đầu tư xây dựng, trong đó có một số nhà máy lớn như: Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yaly... Cạnh đó, trong các năm gần đây, phong trào xây dựng thủy điện vừa và nhỏ phát triển mạnh mẽ, đến nay đã có hàng trăm dự án đã đi vào hoạt động. Tất cả các nhà máy thủy điện ở Việt Nam đã đóng góp một sản lượng điện lớn cho hệ thống điện quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.

Theo Chủ tịch VEA, do biến đổi khí hậu, hàng năm hạn hán kéo dài, mưa lũ nặng nề, việc quản lý vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ của các hồ thủy điện có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng.

Nhật Bản là một nước phát triển cao về công nghệ thủy điện. Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Điện lực Kyushu Nhật Bản đã sang Việt Nam đầu tư nghiên cứu việc quản lý vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ của một số dự án thủy điện. Cụ thể, đã nghiên cứu vận hành và quản lý dòng chảy trên sông Hương (tỉnh Thừa Thiên Huế) mang lại một số kết quả đáng ghi nhận.

Ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Đến nay, tổng công suất đặt nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia hơn 45.000 MW, với tổng công suất của thủy điện hơn 18.000 MW, trong đó các nhà máy thủy điện của EVN tại 10/11 lưu vực có công suất đặt xấp xỉ 13.000 MW, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển nền kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Các công trình thủy điện của EVN đã tạo ra tổng dung tích hữu ích các hồ chứa hơn 30 tỷ m3 nước trên các bậc thang thủy điện lớn như: Sông Đà, Sê San, Đồng Nai… Để đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả, EVN luôn chỉ đạo các tổng công ty phát điện, các công ty thủy điện vận hành các hồ chứa phải đáp ứng đúng các quy trình vận hành liên hồ chứa và hồ chứa được Thủ tướng, Bộ Công Thương phê duyệt, góp phần tích cực trong việc cắt giảm lũ, điều tiết bổ sung lưu lượng về mùa kiệt, đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.

Bên cạnh đó, EVN luôn cập nhật công nghệ của thế giới trong lĩnh vực tính toán, dự báo, quản lý vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông Nguyễn Cường Lâm, để chủ động trong công tác vận hành hồ chứa, các công ty thủy điện, bên cạnh tiếp nhận số liệu dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và khu vực, EVN đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ trạm đo mưa theo hướng tự động hóa để đảm bảo cung cấp kịp thời số liệu phục vụ công tác dự báo, tính toán lưu lượng lũ đến hồ, từ đó chủ động có phương án vận hành hồ thủy điện tối ưu, đặc biệt là đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống lũ.

Ông Makato, đại diện cấp cao Tập đoàn Điện lực Kyushu.

Ông Makato, đại diện cấp cao Tập đoàn Điện lực Kyushu cho biết, Kyushu là tập đoàn chuyên xây dựng các dự án điện, đồng thời cung cấp các giải pháp liên quan đến lĩnh vực điện không chỉ ở tỉnh Kyushu mà còn ở nhiều nước trên thế giới. 

Ở Việt Nam, năm 2004, Tập đoàn Điện lực Kyushu đã đưa vào vận hành nhà máy điện khí công nghệ cao ở Bà Rịa - Vũng Tàu và đến thời điểm này, nhà máy vẫn đang vận hành an toàn, hiệu quả, cung cấp điện ổn định cho các tỉnh ở miền Nam. Trước đó, năm 1992, Tập đoàn Điện lực Kyushu đã cử chuyên gia sang tư vấn cho Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 để hỗ trợ xây dựng quy hoạch mạng lưới điện, cũng như các dự án nhà máy thủy điện quy mô vừa và nhỏ.

Năm 2011, Tập đoàn Điện lực Kyushu đã bắt tay vào nghiên cứu phát triển công nghệ vận hành hồ chứa. "Chương trình này chúng tôi đã nâng cấp các chức năng cho phù hợp với tình hình của Việt Nam, và chúng tôi tin tưởng rằng chương trình này sẽ giúp cho Việt Nam quản lý an toàn hồ chứa khi có lũ, cũng như giúp cho các doanh nghiệp nâng cao hơn nữa hiệu quả vận hành hồ đập" - ông Makato phát biểu.

Ông Hà Ngọc Tuấn, đại diện Tập đoàn Điện lực Kyushu trình bày tham luận.

Tiếp đó, hội thảo đã được nghe Đại diện Ban giải pháp kỹ thuật Điện lực Kyushu trình bày tham luận "Giải pháp kỹ thuật trong vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ tại Việt Nam"; Công ty Dịch vụ Dự báo Thời tiết Quốc tế (Weathernews) trình bày tham luận "Kỹ thuật dự báo thời tiết cho công tác vận hành hồ chứa tại Việt Nam". Nội dung các tham luận tập trung vào các nội dung chính: Phương pháp vận hành hồ chứa tại Nhật Bản; Hệ thống vận hành liên hồ của Điện lực Kyushu; Giải pháp đề xuất cho vận hành hồ chứa tại Việt Nam; Giới thiệu chương trình phần mềm kiểm soát dòng chảy HNT; Đánh giá hiệu quả kinh tế; Đánh giá an toàn xả lũ; Các điều kiện tối thiểu để áp dụng phần mềm…

Hội thảo cũng đã dành thời gian cho phần hỏi đáp của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư thủy điện Việt Nam.

MAI THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động