Tăng cung nhờ các dự án nguồn, lưới điện cán đích
08:24 | 10/07/2015
EVN tập trung nguồn lực cho các dự án điện cấp bách
Tìm lời giải cho bài toán vốn đầu tư của EVN NPT
Trong 6 tháng đầu năm, EVN đã hoàn thành đóng điện 91 công trình lưới điện 110 - 500kV.
Đầu tư phát triển điện gặp khó
Những năm qua, EVN đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các nhà máy điện và hệ thống lưới điện trên khắp cả nước, vì mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và truyền tải điện năng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hoạt động đầu tư phát triển ngành Điện gặp phải một số khó khăn, hạn chế.
Một là, chưa đáp ứng đủ vốn cho hoạt động đầu tư phát triển. Nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển ngành Điện lực ở Việt Nam là rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu này còn hạn chế.
Trong giai đoạn 2000 - 2014, theo tính toán sơ bộ của EVN, số vốn thực tế mà Tập đoàn này đã huy động được cho hoạt động đầu tư là 463.894 tỷ đồng, đạt khoảng 74% nhu cầu. Do huy động không đủ số vốn đầu tư cho dự án, nên nhiều dự án đầu tư do Tập đoàn tham gia bị chậm tiến độ phải giãn, hoãn tiến độ.
Hai là, cơ cấu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện chưa hợp lý. Cơ cấu vốn đầu tư của ngành Điện bao gồm vốn đầu tư cho nguồn điện, lưới điện và cho các công trình khác.
Đầu tư cho nguồn điện nhìn chung đã được chú trọng thể hiện qua số vốn đầu tư cho nguồn điện luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng vốn đầu tư. Trong cơ cấu nguồn điện thì đầu tư cho nhiệt điện vẫn được chú trọng, trong khi nguồn than trong nước ngày càng cạn kiệt.
Tuy nhiên, đầu tư cho thuỷ điện (nhất là thuỷ điện vừa và nhỏ) cũng có những hạn chế, đó là hủy hoại môi trường, phá rừng, tiềm ẩn nguy cơ xả lũ gây ngập lụt, mà Thuỷ điện A Vương - Quảng Nam hồi năm 2009 là ví dụ.
Đặc biệt, vốn đầu tư cho lưới điện vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu dẫn đến tình trạng bị quá tải ở nhiều khu vực.
Ba là, quá trình xây dựng các công trình lưới điện còn nhiều bất cập. Một số dự án lưới điện 220 - 110 kV do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tiến độ và vận hành bị chậm, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho phụ tải, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tại một số khu vực có công nghiệp phát triển quá nóng có khá nhiều đường dây và trạm biến áp 110 kV bị quá tải, phải tiết giảm phụ tải nhất là vào giờ cao điểm.
Bốn là, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của dự án còn chậm, dù các chủ đầu tư luôn báo cáo thiếu vốn. Cạnh đó, một số dự án không sử dụng hết vốn phải bỏ vốn hoặc xin kéo dài thanh toán sang năm sau gây khó khăn cho công tác quản lý vốn đầu tư.
Năm là, công tác quyết toán vốn dự án còn chậm. Có nhiều trường hợp công trình, dự án điện đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong nhiều năm, thậm chí có trường hợp đã có hỏng hóc và phải cải tạo sửa chữa rồi nhưng vẫn chưa làm xong thủ tục quyết toán công trình.
Ví dụ như công trình đường dây 110KV Sơn La - Tuần Giáo - Điện Biên đóng điện gần 2 năm, đã bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành nhưng vẫn chưa quyết toán được do chưa đủ thủ tục pháp lý.
Đồng bộ các giải pháp
Quy hoạch điện VII có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Điện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn và lưới điện.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hồi tháng 6-2015 đã đồng ý với một số kiến nghị của Bộ Công Thương và các Tập đoàn để đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án nguồn và lưới điện. Giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thay chủ đầu tư dự án Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) Vĩnh Tân 3 (VTEC) thực hiện việc nạo vét vũng quay tàu và luồng hàng hải của cảng than Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để bảo đảm cho tàu trọng tải lớn vào cung cấp than cho dự án Vĩnh Tân 4 từ giữa năm 2017. - Đồng ý về nguyên tắc việc bổ sung dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng, công suất 360MW vào Quy hoạch điện VII, đưa vào vận hành giai đoạn 2019-2020. - Đồng ý cho các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam thực hiện bàn giao theo phương thức tăng giảm vốn sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Vũng Áng. Việc thu hồi vốn đầu tư của sân phân phối này sẽ được các Tập đoàn đàm phán, thống nhất trong hợp đồng mua bán điện của Nhà máy điện Vũng Áng 1. |
Việc tăng cường huy động vốn đầu tư được ngành Điện chú trọng, nhằm từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các doanh nghiệp ngành Điện thông qua việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động, đảm bảo có tích luỹ, đảm bảo tỷ lệ vốn tự có cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong ngành Điện có tín nhiệm tài chính cao phải giảm chi phí huy động vốn cho các dự án điện, tự huy động vốn không cần hỗ trợ bảo lãnh Chính phủ. Đồng thời, tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ trong và ngoài nước để đầu tư vào các công trình điện.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đã thúc đẩy hoạt động liên doanh trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư; Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức, vốn vay thương mại nước ngoài, tín dụng người cấp hàng... để phát triển ngành Điện.
Ngành Điện đã tập trung đầu tư phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện theo hướng hiện đại. Nhờ đó, việc triển khai nhiệm vụ đầu tư xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuận lợi do công tác thu xếp, bố trí và giải ngân vốn đầu tư các dự án điện thuận lợi hơn so các năm trước.
Tình hình thi công của hầu hết các dự án nguồn và lưới điện đều duy trì đúng tiến độ. Trong 6 tháng đầu năm 2015, EVN đã cho hòa lưới phát điện 5 tổ máy với tổng công suất 2.654MW, gồm Nhiệt điện Mông Dương 1 (2x540MW), Nhiệt điện Duyên Hải 1 (2x622MW) và tổ máy 2 Nhiệt điện Ô Môn I (330MW).
Các Dự án thủy điện Lai Châu, Huội Quảng vẫn đang bám sát mục tiêu phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2015, trong đó đã hoàn thành nút cống dẫn dòng Thủy điện Lai Châu.
Các dự án nguồn điện cấp bách cấp điện miền Nam (gồm: các dự án tại các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải) và các dự án: Nhiệt điện Thái Bình, Thủy điện Sông Bung 2, Thủy điện Trung Sơn tình hình triển khai cơ bản bám sát tiến độ.
Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã và đang triển khai các thủ tục đầu tư đối với tất cả các dự án thành phần theo tiến độ đề ra.
Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt dự án di dân tái định cư; Bộ Công Thương đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch địa điểm Nhà máy điện Hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Về lưới điện, 6 tháng đầu năm 2015, EVN và các đơn vị đã thực hiện khối lượng đầu tư xây dựng lớn và đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện quan trọng, nâng cao năng lực truyền tải Bắc - Nam để cấp điện miền Nam và tăng cường khả năng cấp điện cho các phụ tải tại nhiều khu vực.
EVN đã hoàn thành đóng điện 91 công trình lưới điện 110 - 500kV (trong đó có 3 công trình 500kV, 18 công trình 220kV và 70 công trình 110kV) và khởi công xây dựng được 67 công trình lưới điện 110 - 500kV (bao gồm 2 công trình 500kV, 17 công trình 220kV và 48 công trình 110kV).
Đảm bảo cấp điện miền Nam, EVN đã hoàn thành các công trình: Nâng cấp tụ bù dọc đoạn 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh, nâng công suất trạm biến áp 500kV Ô Môn và các công trình đường dây 220kV Nhiệt điện Vĩnh Tân - Phan Thiết (đồng bộ Nhiệt điện Vĩnh Tân 2), Mỏ Cày - Bến Tre (đồng bộ Nhiệt điện Duyên Hải 1) góp phần nâng cao năng lực hệ thống truyền tải và đảm bảo cấp điện miền Nam, đặc biệt khu vực Tây Nam Bộ.
EVN cũng hoàn thành các công trình lưới điện đồng bộ nguồn điện, như: đường dây 500kV đấu nối Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Mạo Khê - Hải Dương 2, Cao Bằng - Bắc Kạn. Đường dây 500kV Sơn La - Lai Châu đáp ứng yêu cầu đồng bộ tiến độ phát điện tổ máy 1 Thủy điện Lai Châu.
Các dự án quan trọng khác cũng đã hoàn thành các công trình lưới điện quan trọng đảm bảo cấp điện cho TP. Hà Nội (gồm các đường dây 220kV Vân Trì - Chèm, Chèm - Tây Hồ và trạm biến áp 220kV Tây Hồ), cấp điện cho SAMSUNG Bắc Ninh (lắp máy 220kV tại TBA Hiệp Hòa và đường dây 110kV Hiệp Hòa - Yên Phong).
Theo kế hoạch tháng 7, EVN sẽ cấp PAC tổ máy 2 Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và hoàn thành công tác chạy nghiệm thu tổ máy và cấp PAC tổ máy 1 Nhiệt điện Duyên Hải 1.
Cũng trong tháng 7, EVN sẽ hoàn thành đóng điện các công trình: Đường dây 220kV Thường Tín - Kim Động, Tân Định - Uyên Hưng, Duyên Hải - Mỏ Cày, Phan Thiết - Phú Mỹ 2, Trảng Bàng - Tây Ninh, đường dây 220kV Sơn La - Mường La mạch 2; các trạm biến áp 220kV Tây Ninh, Kon Tum, Ngũ Hành Sơn và đóng điện các xuất tuyến 110kV sau trạm 220kV Tây Hồ...
Nhờ vậy, hàng loạt các dự án nguồn và lưới điện về đích đúng tiến độ, các tháng mùa khô năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, nắng nóng kéo dài trên phạm vi cả nước, nhu cầu điện tăng cao, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn cam kết cung cấp đủ điện.
Có được các kết quả trên là nhờ có sự cố gắng, nỗ lực của ngành điện. Tuy nhiên, một số dự án nguồn, lưới điện triển khai còn chậm, như các dự án nguồn điện: Sông Hậu 1, Long Phú 1, Thái Bình 2, Vĩnh Tân 4 mở rộng, các dự án đầu tư theo hình thức BOT và các dự án đường dây truyền tải điện,… vẫn cần có giải pháp thúc đẩy mới đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện những năm tới.
HẢI VÂN