RSS Feed for Nội địa hóa nhà máy nhiệt điện thấp, nguyên nhân từ đâu? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 00:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nội địa hóa nhà máy nhiệt điện thấp, nguyên nhân từ đâu?

 - Một trong những lý do là, tất cả các nhà máy nhiệt điện công suất lớn hiện nay đã và đang xây dựng phần lớn đều sử dụng hình thức tổng thầu EPC - Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết.

"Nội địa hóa xây dựng nhà máy điện hạt nhân lên đến 40%"
Chỉ định thầu cấp điện tại Khu công nghệ cao TP. HCM

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về việc phần lớn các dự án nhiệt điện do Trung Quốc làm tổng thầu thì tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng 0%, trong khi các dự án do Việt Nam làm tổng thầu, tỷ lệ nội địa hóa đạt 20%. Tại sao lại có sự chênh lệch như vậy và giải pháp khắc phục?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sở dĩ đối với các dự án do nước ngoài làm tổng thầu, tỷ lệ nội địa hóa thấp như vậy là do hiện nay tất cả các nhà máy nhiệt điện công suất lớn đã và đang xây dựng phần lớn đều sử dụng hình thức nhà thầu EPC - tức là thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công, sau đó bàn giao cho chúng ta vận hành.

Trong tổng thầu EPC, phần lớn các công việc có liên quan đến máy móc, thiết bị là do nhà tổng thầu đảm nhận. Và mặc dù trong số các máy móc, thiết bị này, kể cả các kết cấu kim loại doanh nghiệp trong nước của chúng ta có điều kiện làm được, nhưng trên thực tế sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam là rất ít.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào các công trình công nghiệp này, góp phần giải quyết việc làm cho công nhân và để từng bước góp phần nâng cao khả năng sản xuất, chế tạo trong nước, không ít văn bản Chính phủ đã chỉ đạo các chủ đầu tư khi lập hồ sơ mời thầu những dự án thì cần phải tách bạch những gói thầu mà doanh nghiệp trong nước có thể làm được khỏi các gói thầu do nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận, Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, trong yêu cầu của Chính phủ, khá nhiều văn bản, kể cả các quyết định cá biệt lẫn những văn bản hướng dẫn thực hiện các quy chế về đấu thầu đều cũng đã nêu vấn đề này.

Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và một số bộ, ngành có liên quan thường xuyên xây dựng và ban hành danh mục các thiết bị, máy móc mà chúng ta có điều kiện sản xuất được để khuyến cáo các chủ đầu tư sử dụng những máy móc nguyên liệu này.

Tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận, dù đã có chủ trương rất rõ ràng như vậy nhưng trong khá nhiều trường hợp, do nhiều lý do, các chủ đầu tư của chúng ta cũng không thực hiện được việc tách các gói thấu này ra, cho nên trên thực tế vẫn nằm trong gói thầu của tổng thầu EPC, do nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài triển khai.

Một trong những giải pháp cụ thể được đề ra đối với các dự án điện là, hiện nay Chính phủ đang  giao cho ngành điện, ngành cơ khí trong nước tập trung thử nghiệm, chế tạo máy phát công suất 600 MW sẽ áp dụng ở dự án nhiệt điện Quỳnh Lưu và ở Quảng Trạch - Quảng Bình. Hiện nay tổ hợp các doanh nghiệp trong nước có cả nhà đầu tư DOOSAN - Hàn Quốc tham gia đang triển khai dự án thử nghiệm này.

Nếu thành công thì phần đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện, nội địa hóa sẽ chiếm tỷ lệ ngày càng cao - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định.

“Việt Nam đã sản xuất được máy biến áp 500 kV, chưa nước nào ở Đông Nam Á có thể làm được. Nhà máy thiết bị điện Đông Anh làm được trạm biến thế 500 kV. Ngành dầu khí đã tự thiết kế với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài chế tạo thành công giàn khoan 90 mét nước, với tỷ lệ nội địa hóa 30%. Hiện nay, đang tiếp tục thiết kế và chế tạo giàn khoan thứ hai ở mức nước sâu 120 mét, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng lên 40%”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động