RSS Feed for Nhiệt điện than, EVN chọn công nghệ "trên siêu tới hạn" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 13:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhiệt điện than, EVN chọn công nghệ "trên siêu tới hạn"

 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn, có hiệu suất cao nhất cho các dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).

Điện than thông minh hơn và sạch hơn
Giải pháp giảm ô nhiễm môi trường cho nhà máy nhiệt điện than

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, đối với các nhà máy nhiệt điện than được Chính phủ giao triển khai trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), EVN sẽ sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn, công nghệ có hiệu suất cao nhất với khối lượng tro, xỉ thải ra môi trường thấp nhất và bảo vệ môi trường cao nhất. 

Bên cạnh đó, EVN sẽ chuyển từ các nhà máy nhiệt điện đốt than sang nhà máy nhiệt điện khí, sử dụng khí hóa lỏng (LNG). Đặc biệt, các đơn vị thuộc EVN cũng đang tích cực đầu tư và triển khai các dự án điện mặt trời để giảm khí phát thải nhà kính.

"Việc sử dụng điện mặt trời, thủy điện, nhiệt điện khí sẽ là một tổ hợp tối ưu nhất cho hệ thống điện quốc gia trong tương lai, góp phần bình ổn giá điện và bảo vệ môi trường" ông Đinh Quang Tri nhấn mạnh.

Về nhiên liệu than cho điện, ông Đinh Quang Tri cho biết, đối với nguồn than trong nước, các nhà máy điện của EVN hiện đang ký hợp đồng với Tổng công ty Đông Bắc và Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Than trong nước là than antraxit. Các nhà máy nhiệt điện trước đây của EVN được thiết kế chủ yếu phù hợp với nguồn than trong nước. Do vậy, sẽ khó có thể sử dụng toàn bộ than nhập khẩu thay thế than trong nước, hoặc chỉ dùng được một phần than nhập khẩu để pha trộn.

Như vậy, giá than trong nước cao hay thấp hơn giá than nhập khẩu đều sẽ có tác động nhất định đến chi phí sản xuất điện. 

Còn đối với các nhà máy nhiệt điện mới, dự kiến sử dụng than nhập khẩu, do vậy EVN sẽ sử dụng công nghệ phù hợp với nguồn than nhập khẩu, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 (mở rộng) dự kiến sẽ sử dụng than khập khẩu từ Indonesia. 

Đề cập đến giá điện trong thời gian sắp tới, ông Tri cho rằng, theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013, mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định và luôn cố định, trong khi các yếu tố đầu vào lại luôn biến động. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN phải thường xuyên tính toán. Nếu các chi phí đầu vào tăng, thì buộc phải điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng.

Ngược lại, nếu chi phí đầu vào giảm thì phải điều chỉnh giá bán điện giảm. Đó là nguyên tắc của giá thị trường. 

Hiện nay EVN đang kiểm soát các chi phí sản xuất điện bằng cách ký hợp đồng mua bán điện dài hạn với các nhà máy sản xuất điện, kể cả các nhà máy trực thuộc. Thời gian hợp đồng từ 20 - 25 năm. Giá là cố định, trừ chi phí nhiên liệu được biến động theo giá thị trường, tức là EVN tính theo suất tiêu hao than, khí, hoặc dầu. Khi giá thị trường biến động thì chi phí tiền điện thanh toán cho phần chi phí nhiên liệu đó sẽ được thanh toán biến động theo và có công thức tính cho từng nhà máy, đảm bảo cho các nhà máy phát điện có thể bù đắp được chi phí nhiên liệu mà họ đã sử dụng cho sản xuất điện.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động