Nguyên tắc, quy trình (điều chỉnh, bổ sung) quy hoạch dự án điện
12:31 | 16/01/2020
Bộ trưởng Công Thương trả lời phỏng vấn chuyên gia ‘Năng lượng Việt Nam’
Theo đó, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương thống nhất ban hành Nghị quyết về nguyên tắc và quy trình thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch các dự án điện như sau:
1/ Về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch điện
Áp dụng các quy định về quy hoạch trong Luật Điện lực và Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương, quy định trình tự thủ tục lập, thẩm định phê duyệt, điều chỉnh bổ sung quy hoạch.
2/ Nguyên tắc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện
Việc bổ sung quy hoạch được thực hiện theo thứ tự ưu tiên lưới điện trước, nguồn điện sau, ưu tiên các khu vực có ít dự án năng lượng tái tạo (NLTT), có khả năng giải tỏa công suất (đã có tính toán khả năng giải tỏa công suất), xem xét thận trọng các khu vực khác, cụ thể:
Nhóm các dự án lưới điện, theo thứ tự ưu tiên như sau:
Thứ nhất, nhóm các dự án lưới điện truyền tải chưa có trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) và không cần lập hồ sơ gồm: Các dự án lưới điện đã được phê duyệt trong Kế hoạch 5 năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), các dự án lưới điện truyên tải cấp 220 kV được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2016- 2025, có xét đến 2035.
Thứ hai, các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) nhưng cần điều chỉnh về tiến độ vận hành, điều chỉnh về quy mô.
Thứ ba, các dự án lưới điện phục vụ giải tỏa công suất nguồn thủy điện, NLTT.
Thứ tư, các dự án lưới điện cấp điện cho phụ tải mới hoặc điều chỉnh phương án cấp điện cho phụ tải như cấp điện cho các khu công nghiệp, các nhà máy sử dụng công suất lớn.
Thứ năm, các dự án đấu nối nguồn điện đã được phê duyệt trong quy hoạch, nhưng chưa phê duyệt đấu nối hoặc đang đề xuất điều chỉnh cho phù hợp.
Nhóm các dự án nguồn điện, bổ sung quy hoạch các dự án nguồn điện được phân theo thứ tự ưu tiên như sau:
Thứ nhất, các dự án điện gió có khả năng hoàn thành nhà máy và lưới điện đấu nối trước tháng 11 năm 2021 tại những khu vực chưa bị quá tải lưới điện, trong đó ưu tiên các dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, đề xuất mở rộng công suất hoặc tiến hành thực hiện giai đoạn 2 tận dụng hạ tầng đấu nối hiện có.
Thứ hai, các dự án điện rác (đảm bảo vấn đề môi trường).
Thứ ba, các dự án điện sinh khối.
Thứ tư, các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã có quy hoạch chỉ điều chỉnh công suất lắp máy.
Thứ năm, các dự án thủy điện vừa và nhỏ đề nghị bổ sung mới.
Thứ sáu, các dự án nguồn điện truyền thống, ưu tiên nguồn điện có tác dụng bổ trợ tích hợp lượng lớn năng lượng tái tạo (thủy điện lớn, nguồn điện khí). Tuy nhiên, những dự án này cần nghiên cứu kỹ trong QHĐ 8 do tính phức tạp cao.
Chưa xem xét điều chỉnh bổ sung quy hoạch đơn lẻ dự án điện mặt trời (Thực hiện theo Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam).
3/ Về thẩm quyền thẩm định, quyết định điều chỉnh quy hoạch
Đối với dự án lưới điện:
Bộ Công Thương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh quy hoạch lưới điện có cấp điện áp từ 220 kV trở lên.
Bộ Công Thương có văn bản thống nhất điều chỉnh nội dung Quy hoạch điện lực tỉnh theo đề xuất của địa phương đối với lưới điện có cấp điện áp từ 110 kV trở xuống (không ban hành Quyết định điều chỉnh quy hoạch).
Đối với dự án nguồn điện:
Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch các dự án nguồn điện có quy mô công suất từ 50 MW trở xuống (trừ các dạng nguồn điện có quy định riêng như phát điện sử dụng chất thải rắn, điện sinh khối,...); thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch các dự án nguồn điện có quy mô công suất lớn hơn 50 MW.
4/ Cách thức thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch dự án điện gió
Thứ tự ưu tiên:
Trước mắt xem xét thẩm định bổ sung quy hoạch đối với các tỉnh có ít đề xuất điều chỉnh bổ sung quy hoạch, còn khả năng hấp thụ thêm công suất (các tỉnh như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang,...).
Xem xét tiếp những tỉnh đề xuất nhiều dự án, ưu tiên trước các khu vực đã có tính toán giải tỏa công suất tổng thể như khu vực Tây Nam Bộ, tỉnh Quảng Trị.
Cách thức thực hiện đối với những tỉnh có nhiều đề xuất bổ sung quy hoạch:
Trên cơ sở các hồ sơ đề xuất bổ sung điều chỉnh quy hoạch do UBND tỉnh trình, Cục Điện lực tổ chức họp thẩm định để rà soát những dự án thuận lợi về đất đai, có khả năng đấu nối và khả năng vận hành trước tháng 11 năm 2021 để xem xét bổ sung quy hoạch theo thứ tự lần lượt như sau:
Dự án đã hoàn thành thẩm định: Dự án trình đề xuất bổ sung quy hoạch trước được xem xét trước.
Dự án còn lại được xem xét theo thời điểm trình đề xuất bổ sung quy hoạch theo nguyên tắc trình trước được xem xét trước.
Giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẩn trương thực hiện thẩm định bổ sung quy hoạch các dự án điện đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước./.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM