RSS Feed for Hiệu quả chương trình điện khí hóa nông thôn các tỉnh phía Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 04:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiệu quả chương trình điện khí hóa nông thôn các tỉnh phía Nam

 - Trong giai đoạn 2008 - 2018, ngành điện phía Nam đã triển khai nhiều công trình, dự án đầu tư đưa điện về nông thôn trên địa bàn 1.270 xã, cấp điện cho hơn 960.271 hộ dân và đã xây dựng thành công hệ thống điện lưới quốc gia để đưa điện về đến từng thôn, xã.

Tổng công ty Điện lực miền Nam: “Rót” điện vào vùng lõm

Đưa điện về vùng sâu tỉnh Hậu Giang vào cuối năm 2017 nằm trong dự án 2081.

Giai đoạn 2008-2018, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã đầu tư hơn 5 ngàn tỷ đồng phát triển lưới điện, cấp điện thêm cho hơn 1,4 triệu hộ dân nông thôn ở 21 tỉnh thành phía Nam, nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện sử dụng từ 91,7% vào năm 2007 lên 99,44% vào năm 2018. Nhờ vậy, điện lưới quốc gia đã phủ hầu hết các xã thuộc 21 tỉnh, thành phố từ Ninh Thuận đến Cà Mau, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần đổi mới đời sống khu vực nông thôn, công nghiệp hóa nông nghiệp.

Nếu như năm 1996, khu vực phía Nam chỉ có 70% số trung tâm xã có điện, với gần 35% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Chỉ sau 10 năm, số xã, phường thị trấn có điện đạt tỷ lệ 100%. Tổng số hộ dân có điện đạt 7.774.591 hộ, chiếm 99,56%; trong đó hộ dân nông thôn có điện đạt tỷ lệ 99,40%.

Để làm được điều đó, EVN SPC không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng. Từ 12.598 km đường dây trung thế, 9.340 km đường dây hạ thế và 24.056 trạm biến áp - với tổng dung lượng 2.244 MVA vào năm 1996; đến cuối quý II/ 2018 đã là 68.608km đường dây trung áp, 91.385km đường dây hạ áp và 181.957 trạm biến áp, với 243.600 máy biến áp - tổng dung lượng 33.128 MVA.

Khu vực phía Nam, trong đó bao gồm khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trước đây gặp nhiều khó khăn trong phát triển công nghiệp nông thôn, nhất là các làng nghề truyền thống do hạn chế về nguồn điện để đầu tư máy móc. Nhưng đến nay, tình hình đã hoàn toàn thay đổi.

Từ khi có điện lưới quốc gia, nghề mộc truyền thống ở xã Đông Hưng B, một xã vùng sâu của huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang thay đổi rõ rệt. Trước kia, đóng 1 chiếc khung giường bằng thủ công phải mất 2-3 ngày. Bây giờ có điện, chỉ cần nửa ngày là xong. Giảm được sức lao động mà lợi nhuận tăng lên.

Bà Nguyễn Thị Ái Phương - Chủ xưởng mộc ở xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang cho biết: “Giờ có điện, tất cả các công đoạn đều làm bằng máy, nên khỏe lắm”.

Xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có làng dệt chiếu truyền thống. Trước đây, bà con phải dệt bằng tay, mấy ngày mới xong 1 chiếc chiếu. Có điện, nhiều hộ dân mua máy dệt dùng điện, mỗi ngày dệt được 10 đến 15 chiếc chiếu.

Tại khu vực Đồng Tháp Mười, chương trình điện khí hóa đã giúp xây dựng hàng ngàn trạm bơm điện trên các cánh đồng lúa, phục vụ việc tưới tiêu và điều tiết lượng nước. Nhờ vậy, thay vì chỉ sản xuất 1 đến 2 vụ, người dân đã tăng lên 3 vụ mỗi năm, đóng góp 20% cho tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

EVN SPC chủ trương xóa dần việc bán điện qua hình thức câu phụ (câu đuôi, câu chuyền, chia hơi), tiến tới bán điện trực tiếp đến từng hộ sử dụng điện qua công tơ chính của ngành Điện, với tiến độ hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2020. Qua thống kê, để xóa được hoàn toàn các hộ câu phụ, từ nay đến năm 2020, EVN SPC cần bố trí nguồn vốn đầu tư là 6.203 tỷ đồng (trong đó chi phí đầu tư mới là 5.299 tỷ đồng, chi phí cải tạo lưới điện là 256 tỷ đồng, chi phí gắn công tơ khách hàng là 546 tỷ đồng); số hộ câu phụ được xóa là 303.598 hộ.

Trong các năm 2016-2017, EVN SPC đã bố trí 295 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng và chi phí sản xuất kinh doanh để xóa 153.212 hộ sử dụng điện qua câu phụ có suất đầu tư thấp dưới 2 triệu đồng/hộ (2016) và 3 triệu đồng/hộ (2017). Trong năm 2018, EVN SPC tiếp tục bố trí 194 tỷ đồng cho các Công ty Điện lực để tiếp tục xóa 49.130 hộ câu phụ có suất đầu tư thấp dưới 4 triệu đồng/hộ.

Nhìn lại 10 năm triển khai, công tác điện khí hóa nông thôn hiện đang gặp phải nhiều khó khăn thách thức. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn đã, đang và sẽ thực hiện là rất lớn, suất đầu tư cao. Việc cân đối và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư đang là một khó khăn lớn đối với EVN SPC. Bởi vậy, ngành Điện đang cần sự hỗ trợ về vốn của ngân sách Trung ương, địa phương, các đơn vị kinh doanh hạ tầng và sự đóng góp của các hộ dân sử dụng điện.

Như dự án 2081, các công trình cấp điện cho các trạm bơm tưới tiêu, các công trình cấp điện cho nông thôn khác, công tác xóa hộ câu phụ... tiến độ yêu cầu hoàn tất trong năm 2020 nhưng hiện nay vẫn đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, hệ thống lưới điện nông thôn sau tiếp nhận cần nguồn vốn lớn để thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện sau tiếp nhận.

Từ năm 2000 - 2013, EVN SPC cùng các Công ty Điện lực đã phối hợp với chính quyền địa phương và các chủ sở hữu các công trình điện để tổ chức tiếp nhận hoàn tất các công trình điện hạ áp trên địa bàn 876 xã, tiếp nhận 17.261 km lưới điện hạ áp, xóa được 19.499 công tơ tổng/cụm để bán điện trực tiếp cho 1.234.542 hộ dân (chưa tính các hộ sử dụng điện được phát triển thêm sau tiếp nhận), với tổng chi phí thực hiện là 857 tỷ đồng.

Hiện nay, EVN SPC bán điện trực tiếp đến 7,3 triệu hộ dân - chiếm tỉ lệ 92,7% tổng số hộ, 7,3% số hộ dân còn lại do các tổ chức điện nông thôn mua buôn điện của ngành điện và bán lẻ đến các hộ dân phía sau công tơ tổng, trong đó tập trung phần lớn tại 02 tỉnh An Giang và Trà Vinh.

MAI HOA

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động