RSS Feed for Tổng công ty Điện lực miền Nam: “Rót” điện vào vùng lõm | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 14:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng công ty Điện lực miền Nam: “Rót” điện vào vùng lõm

 - Không chỉ đầu tư phát triển lưới điện khu vực đô thị và các khu công nghiệp, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) còn đặc biệt chú ý và huy động nhiều nguồn lực đầu tư đưa điện đến các vùng lõm, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, tạo động lực để những nơi này trỗi dậy.

SPC tích cực thực thi công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng
SPC trả lời cử tri nhiều vấn đề về cung ứng và đầu tư

Kích hoạt vùng trọng điểm

Trung tuần tháng 7/2018, tuyến cáp ngầm 22kV dài 477m đặt dưới lòng sông Tiền đã được đưa vào vận hành, cấp điện cho Khu nông nghiệp công nghệ cao nằm trên một cù lao thuộc thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang). Công trình do Công ty Điện lực An Giang phối hợp cùng một số nhà đầu tư thực hiện với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Theo ông Trần Hòa Hợp - Phó chủ tịch thường trực UBND thị xã Tân Châu, không chỉ cấp điện cho Khu nông nghiệp công nghệ cao, công trình còn bổ sung nguồn điện thiếu hụt cho nhân dân địa phương. Việc cấp điện kể trên đã tạo động lực thu hút các nhà đầu tư tăng cường đầu tư vào các cụm, khu công nghiệp, đô thị trên địa bàn thị xã Tân Châu.

Xóa điện câu phụ cho các hộ dân vùng nông thôn tại Hậu Giang.

Nhiều dự án, công trình đầu tư trọng điểm, cấp bách đã được triển khai và đưa vào hoạt động trong những năm gần đây như: Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, cấp điện lưới quốc gia cho huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); công trình đường dây 22kV cấp điện cho Trung tâm hành chính huyện Kiên Hải (Kiên Giang); hoàn thành và đưa vào hoạt động hai dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn và Hòn Nghệ (Kiên Giang). Nguồn điện ổn định đã tạo tiền đề quan trọng để các huyện đảo có điều kiện thuận lợi để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nhanh về kinh tế và mạnh về quốc phòng an ninh.

Kéo điện đến vùng sâu

Cuối tháng 9/2018, dự án cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào tại 5 huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và Đông Hải của tỉnh Bạc Liêu sẽ hoàn thành giai đọan 2 sau ba năm triển khai thực hiện. Dự án xây dựng 971 km đường dây trung thế, 869 km đường dây hạ thế, lắp đặt 1.119 trạm biến áp với tổng mức đầu tư là 1.136 tỷ đồng. Sau khi dự án hoàn thành (năm 2020) sẽ đảm bảo cấp điện cho 18.791 hộ dân của 254 ấp thuộc 39 xã của 5 huyện, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho 67.749 ha đất nông nghiệp trên địa bàn.

EVN SPC đang nỗ lực thu xếp nguồn vốn nhằm tiến tới xóa hết các hộ câu đuôi điện tại các tỉnh phía Nam.

Ông Nguyễn Văn Hợp - Tổng giám đốc EVNSPC cho biết, EVNSPC cũng đã triển khai nhiều dự án cấp điện cho hộ dân ở các vùng sâu, vùng xa, đó là: Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang; dự án nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn với tổng mức đầu tư 1.1161 tỷ đồng. Trước tình trạng biến đổi khí hậu, năng nóng kéo dài gây hạn mặn nhiều nơi, EVNSPC đã đầu tư cấp điện đảm bảo tưới tiêu trong các tháng mùa khô tại các tỉnh Bình Phước, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng; đầu tư cấp điện phục vụ trạm bơm để giảm xâm ngập mặn như khu vực tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng ..

Ông Hợp còn cho biết, EVNSPC cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư lưới điện giai đoạn 2017-2020 để đầu tư theo tiêu chí số 4 điện nông thôn, đầu tư cho vùng lõm chưa có điện, xóa câu đuôi khu vực nông thôn. EVNSPC đã bố trí khoảng 85,05 tỷ đồng để xóa câu đuôi, câu phụ cho 62.364 hộ trên địa bàn 21 tỉnh. Triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tại 12 tỉnh và các xã đảo của tỉnh Kiên Giang, lồng ghép cấp điện các trạm bơm quy mô vừa và nhỏ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2016-2020.

Việc đầu tư đưa điện về các vùng sâu, vùng xa và vùng lõm đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội và thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Nhờ có điện, sản xuất lúa và rau màu đã chủ động về tưới, tiêu và giảm chi phí, khắp các địa phương đã mở rộng nuôi trồng thủy hải sản, phát triển thêm nhiều làng nghề thủ công, các cụm công nghiệp nhỏ, ngành nghề dịch vụ tại chỗ.

HỒNG HẢI

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động