RSS Feed for Dự án REII tại 6 tỉnh miền Trung về đích đúng hẹn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 01:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự án REII tại 6 tỉnh miền Trung về đích đúng hẹn

 - Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), dự án Năng lượng nông thôn II, được triển khai ở 6 tỉnh Quảng Bình, Thừa thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, đến nay, sau 10 năm thực hiện, dự án về đích đúng thời hạn.

>> Giải pháp tối ưu hóa chi phí của EVN CPC
>> EVN CPC cần nâng cao chất lượng điện năng và dịch vụ khách hàng

Thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) cho biết: mới đây đoàn công tác của WB đã có buổi làm việc với 6 tỉnh miền Trung và EVN CPC để đánh giá tình hình thực hiện dự án năng lượng nông thôn II (REII) trước khi Hiệp định dự án kết thúc vào 30/06/2014.

Dự án Năng lượng nông thôn II, với mục tiêu là cải tạo và nâng cấp lưới điện nông thôn, nhằm tăng cường độ tin cậy và chất lượng cung cấp điện, nâng cao độ an toàn, giảm tổn thất điện năng, góp phần phát triển kinh tế xã hội các xã nông thôn.

Dự án được chia làm hai hợp phần: phần lưới điện trung áp do ngành điện làm chủ đầu tư và phần lưới điện hạ áp do UBND các tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2004, theo hiệp định ban đầu, Dự án sẽ kết thúc vào 31/12/2010, sau đó do vốn còn thừa sau đấu thầu và nhu cầu đầu tư của các địa phương nên WB thống nhất ký hiệp định bổ sung đến 30/06/2014, với tổng giá trị vốn vay là 420 triệu USD. Đến nay, sau 10 năm triển khai dự án, miền Trung đã hoàn thành đồng bộ lưới điện trung hạ áp cấp điện cho 272 xã thuộc 42 huyện ở 6 tỉnh Quảng Bình, Thừa thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú yên với tổng vốn đầu tư hơn 1.760 tỷ đồng.

Theo đánh giá của WB và các chủ đầu tư dự án, quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc như: dự án trải dài trên địa bàn rộng lớn, công tác phối hợp thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công với chính quyền địa phương chưa tốt, khủng hoảng kinh tế nên trượt giá nguyên vật liệu phải điều chỉnh dự toán, tổ chức đấu thầu ảnh hưởng đến tiến độ dự án, chưa có sự đồng bộ giữa trung áp và hạ áp... Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các tỉnh, sự nỗ lực của các chủ đầu tư và Ban quản lý dự án nên dự án về đích đúng thời hạn.

Dự án REII đã giúp hơn 500.000 hộ dân nông thôn 6 tỉnh miền Trung được sử dụng điện lưới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh miền Trung. Từ khi các công trình thuộc Dự án REII được đưa vào sử dụng, chất lượng điện năng luôn ổn định, tỷ lệ tổn thất điện năng bình quân giảm xuống rõ rệt từ khoảng 25-30% xuống còn khoảng 7-10%, người dân có thể yên tâm đầu tư máy móc chế biến, phát triển sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở khu vực nông thôn. Hệ thống chiếu sáng công cộng, đường làng, ngõ xóm được chính quyền và nhân dân thống nhất đầu tư. Trẻ em đến tuổi đi học không còn phải thắp đèn dầu để học bài...

Vấn đề quản lý lưới điện hạ áp sau đầu tư cũng được đoàn đánh giá quan tâm. Từ thực tế để nâng cao năng lực quản lý lưới điện, hoạt động kinh doanh điện và chất lượng dịch vụ cung cấp điện phục vụ ngày càng tốt hơn cho đời sống sinh hoạt của nhân dân khu vực nông thôn, các địa phương đã ủng hộ chủ trương chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn của Dự án REII sang ngành điện quản lý, vận hành và bán điện trực tiếp đến hộ. Đến nay, đa số các xã dự án REII đã được các tỉnh chuyển giao cho ngành điện bán điện trực tiếp đến hộ dân, riêng tỉnh Quảng Ngãi chưa bàn giao xã nào. Với việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, người dân nông thôn sẽ được sử dụng điện đúng với mức giá quy định của Nhà nước, trực tiếp được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Lưới điện sau khi tiếp nhận sẽ được ngành điện cải tạo và duy tu sửa chữa thường xuyên, cùng với các biện pháp quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ sẽ giảm tổn thất điện năng, giảm quá tải, khiến hệ thống điện hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, giảm sự cố.

Kết thúc đợt kiểm tra đánh giá ở các tỉnh miền Trung, các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai dự án REII, đó là:

Về cơ chế quản lý đầu tư, để đồng bộ giữa trung áp và hạ áp chỉ nên giao cho một chủ đầu tư là ngành điện quản lý thực hiện.

Về đền bù, giải phóng mặt bằng, việc phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công với chính quyền địa phương tốt thì công tác đền bù GPMB thực hiện tốt, địa phương nào giải quyết tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đồng nghĩa với việc người dân nông thôn ở đấy sớm được hưởng lợi từ Dự án mang lại.

Về chuẩn bị dự án, công tác khảo sát, lập bản vẻ thiết kế thi công cần chính xác, phù hợp với thực tế hiện trường; đẩy nhanh công tác đấu thầu và triển khai thi công kịp thời tránh hiện tượng trượt giá.

Về triển khai thi công, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, xử lý thiết kế kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu thi công đúng tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng để phát huy hiệu quả của dự án.

Những hiệu quả bước đầu từ Dự án Năng lượng nông thôn II một lần nữa thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội. Việc thực hiện dự án cũng cho thấy rõ tầm quan trọng, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và ý thức của người dân trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng đối với các Dự án lưới điện nông thôn.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động