RSS Feed for Đánh giá toàn diện về động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 03/01/2025 10:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đánh giá toàn diện về động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2

 - Sau trận động đất cường độ 4,7 độ richter xảy ra ngày 16/11/2012 tại xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My (nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2), ngày 17/11/2012, đoàn công tác của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng đã tiến hành kiểm tra và làm việc tại hiện trường công trình thủy điện Sông Tranh 2.

 

>> Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra đập Thủy điện Sông Tranh 2
>> Động đất không gây ảnh hưởng đến đập thuỷ điện Sông Tranh 2
>> Chính phủ chỉ đạo kiểm tra an toàn Thủy điện Sông Tranh 2

 

Sau trận động đất có cường độ 4,7 độ richter ngày 16/11/2012 vừa qua, kiểm tra cho thấy đập hiện vẫn an toàn.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và đại diện các bên tham gia đoàn công tác, sau khi nghe ý kiến các bên liên quan và ý kiến của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch HĐNTNN đã kết luận như sau:

Công trình thủy điện Sông Tranh 2 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Tháng 10/2011, công trình được tích nước đến cao trình mực nước dâng bình thường 175m. Đến tháng 3/2012, công trình bị thấm nước qua đập ra phía hạ lưu.

Bên cạnh đó, sau khi tích nước hồ chứa, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra nhiều trận động đất. Hiện tượng thấm nước qua đập và động đất sau khi tích nước hồ chứa đã gây tâm lý bất an cho người dân và chính quyền địa phương.

Ngay sau khi xảy ra hiện tượng thấm, HĐNTNN đã kiểm tra và chỉ đạo chủ đầu tư khắc phục và đã chủ động đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê tư vấn độc lập nước ngoài (công ty AF-Colenco của Thụy Sỹ) tiến hành kiểm tra lại toàn bộ các vấn đề an toàn đập khi công trình đã hoàn thành.

Đến nay, việc chống thấm đã hoàn thành và kết quả chống thấm là đạt yêu cầu, cụ thể lưu lượng thấm hiện tại ổn định ở mức 3lít/s, thấp hơn nhiều so với yêu cầu của thiết kế và cũng thấp hơn so với lưu lượng thấm ở một số đập thủy điện khác. Đánh giá của tư vấn độc lập AF-Colenco và ý kiến của các chuyên gia HĐNTNN cho thấy đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn và ổn định theo thiết kế ở mực nước dâng bình thường 175m với động đất có gia tốc nền là 150 cm/s2.

Đập còn có thể chịu được các tổ hợp tải trọng bất lợi hơn như động đất có gia tốc nền là 220 cm/s2.

Mặc dù việc chống thấm đập đã xong và Tư vấn độc lập AF-Colenco đã khẳng định đập an toàn, nhưng do diễn biến phức tạp về động đất trong thời gian vừa qua tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, để đảm bảo yêu cầu số một là an toàn tuyệt đối cho người dân, HĐNTNN đã chủ động kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép tích nước hồ chứa và phải có đánh giá toàn diện về vấn đề động đất.

Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận tại Thông báo 327/TB-VPCP ngày 22/9/2012, đồng thời giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Vật lý địa cầu tổ chức ngay việc nghiên cứu, đánh giá chi tiết về điều kiện địa chất, địa động lực học và hoạt động địa chất khu vực Bắc Trà My để đánh giá nguyên nhân, xu hướng của động đất kích thích khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2; cho phép thuê tư vấn và chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để giúp thực hiện nghiên cứu. Hiện nay, công tác đánh giá về động đất đang được các cơ quan nêu trên tổ chức thực hiện.

Bộ Xây dựng đã yêu cầu Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) cùng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng biên soạn tài liệu và trực tiếp vào địa phương phối hợp với Sở Xây dựng Quảng Nam hướng dẫn các cơ quan và người dân sửa chữa các công trình nhà ở, công trình dân dụng bị hư hỏng do động đất và hướng dẫn xây dựng mới các công trình có khả năng kháng chấn trong vùng chịu tác động của động đất.

Như vậy, trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành bước đầu đã thực hiện được nhiều việc về chống thấm, đánh giá an toàn đập và ứng phó với tác động của động đất.

Sau trận động đất có cường độ 4,7 độ richter ngày 16/11/2012 vừa qua, kiểm tra cho thấy đập hiện vẫn an toàn. Tuy nhiên, vấn đề động đất đòi hỏi phải tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá toàn diện về mặt khoa học; mặt khác, các tác động của động đất đã làm nứt nhiều công trình xây dựng lân cận, đặc biệt là nhà ở của nhân dân, gây ra tâm lý lo lắng, hoang mang làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân tại khu vực huyện Bắc Trà My. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đề nghị các bên liên quan tập trung thực hiện các công việc sau:

Xuất phát từ yêu cầu an toàn cho người dân là số một, phải thực hiện nghiêm túc ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 327/TB-VPCP ngày 22/9/2012, trước mắt chưa cho tích nước và tổ chức thực hiện khẩn trương việc đánh giá toàn diện về động đất, đặc biệt là động đất kích thích. Việc quyết định cho tích nước hay không tích nước vĩnh viễn đối với hồ chứa chỉ được thực hiện khi đã có kết quả đánh giá toàn diện về động đất.

Yêu cầu EVN tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt, sửa chữa, hiệu chỉnh các thiết bị quan trắc công trình theo đề nghị của tư vấn AF- Colenco, đồng thời phối hợp với Viện Vật lý địa cầu sớm hoàn thiện công tác lắp đặt các thiết bị quan trắc động đất, đặc biệt là những thiết bị quan trắc gia tốc nền.

Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Viện Vật lý địa cầu khẩn trương thuê các tổ chức tư vấn, chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm tiến hành đánh giá toàn diện về động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2; sớm kiểm tra số liệu động đất cực đại và đánh giá xu hướng diễn biến của động đất kích thích để có cơ sở quyết định các biện pháp ứng xử đối với công trình thủy điện Sông Tranh 2 và các công trình xây dựng khác trong khu vực chịu ảnh hưởng.

Yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng: Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng tiếp tục thành lập đoàn công tác, phối hợp với địa phương để khảo sát, hướng dẫn sửa chữa, gia cường nhà ở và công trình công cộng trong khu vực để ứng phó với tác động của động đất; đề xuất để Bộ Xây dựng có các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ nhân dân địa phương trong việc sửa chữa nhà ở, có thể xây dựng lại nhà ở đối với các hộ dân có nhà ở không đảm bảo an toàn khi động đất xảy ra.

Đề nghị EVN tập trung hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương sửa chữa nhà hư hỏng, thực hiện các chương trình hỗ trợ về xây dựng cơ sở hạ tầng như đã cam kết và một số hạng mục công trình phát sinh theo lộ trình phù hợp như đề nghị của địa phương.

Đề nghị Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng các công trình chuyên ngành, tập trung chỉ đạo EVN tổ chức thực hiện khẩn trương các công việc nêu trên.

Đề nghị các Ban, ngành của tỉnh Quảng Nam và huyện Bắc Trà My chủ động phối hợp với các Bộ ngành trung ương, chủ đầu tư và các bên liên quan trong việc tổ chức thực hiện các công việc nêu trên và trong các tình huống đột xuất có thể xảy ra trong thời gian tới.

NangluongVietnam.vn

 

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Tổng thống Mỹ đối mặt với 'vách đá Trung Quốc'
Nói và làm trong cuộc chiến chống tham nhũng
Luật Đất đai: 'Đừng để dân bỗng dưng mất nhà'

www.nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động