Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi: 20 năm tiến về phía trước
08:18 | 21/05/2021
Hoàn thành kế hoạch 5 năm: Công ty DHD ghi dấu nhiều thành quả ấn tượng
Nhìn lại 10 năm sau cổ phần hóa Công ty DHD
Khởi nguồn từ những công trình lịch sử
Nhắc đến Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi là nhắc đến Nhà máy Thủy điện Đa Nhim lịch sử với gần 60 năm vận hành và cụm nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi đã 20 năm hòa lưới điện quốc gia. Các nhà máy thủy điện này ngoài nhiệm vụ vận hành phát điện phục vụ công cuộc phát triển đất nước còn cung cấp nước phục vụ dân sinh cho các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Ngày 1/4/1961, Lễ khởi công công trình Thủy điện Đa Nhim đã diễn ra để xây dựng công trình thủy điện lớn đầu tiên của khu vực miền Nam đất nước với công suất 160 MW. Nhà máy Thủy điện Đa Nhim gồm 4 tổ máy, công suất mỗi tổ 40 MW, điện lượng bình quân hàng năm vào khoảng 1 tỉ kWh. Công trình có hồ chứa với lưu vực rộng 775 km2 nhận nguồn nước từ sông Đa Nhim và sông Kronglet trên thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai, cửa nhận nước, đường hầm áp lực dài 5 km thuộc tỉnh Lâm Đồng; đường ống áp lực dài 2,3 km, trạm phân phối và tòa nhà năng lượng thuộc tỉnh Ninh Thuận. Công trình sử dụng nguồn vốn 39 triệu USD được cung cấp từ quỹ bồi thường chiến tranh của Chính phủ Nhật Bản và một phần từ nguồn vốn vay khoảng 9 triệu USD, bao gồm cả chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị cho Nhà máy Đa Nhim, đường dây truyền tải 230 kV và trạm Sài Gòn.
Tư vấn Nippon Koei làm việc tại công trình Thủy điện Đa Nhim (năm 1961).
Sau gần 3 năm xây dựng, ngày 15/01/1964 Nhà máy Thủy điện Đa Nhim chính thức vận hành phát điện tổ máy số 1 và số 2, đến cuối năm 1964 thì hoàn thành toàn bộ công trình. Với cột áp 800 m, suất tiêu hao nước 0,55 m3 cho mỗi kWh, Đa Nhim được đánh giá là một trong những công trình thủy điện hiệu quả nhất tại Việt Nam.
Vào năm 1992, tình hình thiếu điện của miền Nam ngày càng căng thẳng, Bộ Năng lượng và Nhà nước đồng ý để Công ty Điện lực 2 tháo dỡ 3 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Cấm Sơn, tại Bắc Giang và mua mới 2 tổ máy từ Trung Quốc để xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Pha, bậc thang dưới của Thủy điện Đa Nhim, với công suất là 7,5 MW nhằm tận dụng tối đa nguồn nước qua chạy máy của Thủy điện Đa Nhim. Năm 1994 đưa vào vận hành tổ máy H1, đến cuối năm 1996 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng để cung cấp bình quân khoảng 40 triệu kWh điện vào lưới điện quốc gia. Giọt nước từ hồ Đơn Dương lại thêm một lần phát huy hiệu quả.
Hàng năm, cụm Thủy điện Đa Nhim - Sông Pha cung cấp cho lưới điện quốc gia hơn 1 tỷ kWh. Bên cạnh nhiệm vụ phát điện, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ thâm canh nông nghiệp cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận với diện tích khoảng 16.000 ha.
Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Nguồn cung cấp nước quan trọng của đồng bằng Ninh Thuận.
Ngày 16/5/1997, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khởi công xây dựng công trình Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi trên lưu vực sông La Ngà, một chi lưu của sông Đồng Nai, với công suất 475 MW. Trong đó, Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận thuộc xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận có công suất 300 MW (2 tổ máy) và Nhà máy Thủy điện Đa Mi thuộc xã La Ngâu, huyện Hàm Thuận Bắc có công suất 175 MW (2 tổ máy). Dự án Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi hoàn thành toàn bộ công trình và chính thức vận hành phát điện từ ngày 2/4/2001. Hàng năm, Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi sản xuất khoảng 1,5 tỷ kWh. Kể từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy là nguồn cung cấp nước ổn định cho sinh hoạt và canh tác nông nghiệp cho đồng bằng tỉnh Bình Thuận, với diện tích hơn 17.000 ha.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm và chúc Tết tại công trường Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi năm 1996.
Sau gần 60 năm vận hành, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim đã chứng kiến nhiều đổi thay to lớn của đất nước: Từ mất mát, đau thương của chiến tranh chuyển sang cuộc sống thanh bình của một đất nước độc lập; từ ngày đất nước còn bị chia cắt đến ngày thống nhất non sông, Nam Bắc một nhà. Dẫu vết thời gian còn đọng lại rõ nét trên từng thiết bị, công trình nhưng Thủy điện Đa Nhim vẫn minh chứng cho tính hiệu quả, sáng suốt của những người đã tâm huyết đặt nền móng xây dựng công trình này. Bên cạnh đó, Thủy điện Đa Nhim còn là biểu tượng cho mối quan hệ thâm tình giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Công trình Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi là nguồn cấp nước ổn định cho hai huyện Tánh Linh và Đức Linh tỉnh Bình Thuận.
Đối với công trình Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, nguồn điện từ công trình hòa vào lưới điện quốc gia năm 2001 trong bối cảnh nhu cầu phụ tải đang tăng nhanh nhằm đáp ứng công nghiệp hóa, phát triển đất nước. Qua 20 năm vận hành, Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi đang chứng minh hiệu quả tuyệt vời khi thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa cung cấp nguồn điện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa cung cấp nguồn nước ổn định phục vụ dân sinh. Những đồng lúa chín vàng, những vườn thanh long bạt ngàn trải dài khắp đồng bằng huyện Tánh Linh và Đức Linh tỉnh Bình Thuận là hình ảnh sống động nhất về hiệu quả của công trình thủy điện này.
Hai mươi năm tiến về phía trước
Ngày 21/5/2001, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam quyết định giao nhiệm vụ cho Nhà máy Thủy điện Đa Nhim tiếp quản vận hành hệ thống công trình Hàm Thuận - Đa Mi theo mô hình cụm đầu tiên trong khối thủy điện và đổi tên thành Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, là đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc, trực thuộc EVN. Từ đây, những cán bộ, kỹ sư, người lao động của Thủy điện Đa Nhim và Hàm Thuận - Đa Mi về chung sống dưới một mái nhà. Cái tên ĐHĐ (viết tắt của Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi) ra đời từ đó.
Đến ngày 30/3/2005, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi chuyển thành Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi theo Quyết định số 18/BCN của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), hoạt động theo mô hình hạch toán độc lập.
Trong công cuộc đổi mới của đất nước, đặc biệt với chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp có vốn nhà nước, Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi được tiến hành cổ phần hoá theo Quyết định số 384/QĐ-TTG ngày 3/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 24/5/2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành Quyết định 327/2010/QĐ-EVN chuyển Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thành công ty cổ phần. Sau gần 18 tháng sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, ngày 7/10/2011, Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đã chính thức chuyển thành Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) ngày nay. Ngày 30/6/2010, Công ty chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán UpCom vào năm 2017 với mã DNH. Ngày 01/06/2012, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3023/QĐ-BCT về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1). Theo đó, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi trở thành công ty con với 99,93% cổ phần do EVNGENCO1 nắm giữ.
Công ty ĐHĐ giới thiệu cổ phiếu lần lầu ra công chúng năm 2010.
Mới đó mà đã 20 năm Công ty ĐHĐ được hình thành với 11 năm liên tục phát triển theo mô hình công ty cổ phần. Thành quả đáng kể nhất của mô hình hoạt động theo công ty cổ phần là sự cải tiến mô hình quản lý, nâng cao năng suất lao động. Từ số lượng người lao động hơn 400 người khi sáp nhập hai cụm Thủy điện Đa Nhim - Sông Pha và Hàm Thuận - Đa Mi để vận hành 642,5 MW, hiện nay Công ty chỉ còn 265 người lao động, vận hành 735 MW nguồn điện.
Những người kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý của Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi năm nào đã chinh phục nhiều công trình thủy điện mới trong nước và trở thành những cán bộ chủ chốt tại đơn vị mới mang theo tính tiên phong của ĐHĐ, những người đi hàng đầu trong cung cấp dịch vụ, vận hành và phát triển nguồn điện.
Năm 2010, Công ty ĐHĐ thành lập Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật (ESC) nhằm cung cấp dịch vụ kỹ thuật đến các đơn vị bạn trong và ngoài ngành điện. Khi mới ra đời, ESC là một trong những đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ kỹ thuật trong ngành điện. Sau 10 năm hoạt động, người kỹ sư của DHD đã in dấu chân mình tại nhiều công trình điện khắp cả nước từ cực Bắc cho đến cực Nam của Tổ quốc và sang đến nước bạn Lào.
Trong 20 năm qua, ĐHĐ cũng tự hào là đơn vị đầu tiên trong ngành điện áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đưa vào vận hành thành công Trung tâm quản lý vận hành (OCC) năm 2010, thực hiện quản lý tập trung, điều khiển từ xa các nhà máy điện, giảm thiểu nhân sự vận hành, nâng cao năng lực tham gia thị trường điện. Từ thành công của ĐHĐ, mô hình OCC được nhân rộng mang lại hiệu quả cho nhiều đơn vị.
Hai mươi năm qua, Công ty ĐHĐ từng bước tiến về phía trước, liên tục phát triển về quy mô công suất; tăng trưởng về doanh thu - lợi nhuận, đóng góp ngày một nhiều hơn cho ngân sách địa phương. Con người ĐHĐ xuất thân từ Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi năm xưa chỉ chuyên tâm bảo trì, vận hành các tổ máy thì nay tự tin trực tiếp thực hiện, quản lý các dự án phát triển nguồn điện. Kinh nghiệm đó được kết tinh thông qua thực tiễn làm việc tại các Dự án như: Dự án phục hồi hệ thống điện Đa Nhim (2004 - 2006); Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (80 MW), Dự án Nhà máy Thủy điện Hạ Sông Pha 1&2 (10,5 MW), Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi (47,5 MWp)… và nhiều dự án phát triển nguồn điện khác thông qua các hợp đồng cung cấp dịch vụ. Sự tự tin, kiến thức, kinh nghiệm đó đã làm nên thương hiệu Công ty ĐHĐ ngày nay.
Hai mươi năm qua Công ty đã gắn bó với chính quyền và nhân dân địa phương trên địa bàn ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Là một doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, Công ty ĐHĐ tự thấy mình có trách nhiệm với địa phương, ngày càng hướng đến nhiều hoạt động góp phần làm cho cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn. Từng khoản tài trợ giáo dục, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ địa phương phòng chống dịch bệnh… mang theo tình cảm chân thành và trách nhiệm của Lãnh đạo, người lao động Công ty ĐHĐ.
Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương là nhiệm vụ quan trọng của ĐHĐ.
Tiếp tục chinh phục những mục tiêu
Trong quá trình làm việc, ông Nguyễn Trọng Oánh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ĐHĐ thường trăn trở với các các bộ quản lý của Công ty: “Chúng ta là công ty cổ phần. Ngoài nhiệm vụ và trách nhiệm với đất nước, với địa phương, chúng ta phải đảm bảo Công ty ngày càng phát triển vững mạnh, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông, những người đã đặt trọn niềm tin vào Công ty. Đó không phải là một nhiệm vụ đơn thuần, đó là sứ mệnh!”.
Để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó, Ban Lãnh đạo Công ty ĐHĐ đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể để toàn thể Lãnh đạo và người lao động trong Công ty tiếp tục nỗ lực phấn đấu.
Về đầu tư xây dựng: Hoàn thành Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - giai đoạn 1 (80 MW) vào quý 3/2021; Bổ sung quy hoạch, thực hiện Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - giai đoạn 2 (80 MW) vào năm 2026, nâng tổng công suất của Thủy điện Đa Nhim lên 320 MW.
Về vận hành, sản xuất điện: Đảm bảo hệ thống công trình, thiết bị, các tổ máy phát điện có hệ số khả dụng, độ tin cậy, ổn định và hiệu quả cao; trở thành công ty phát điện hàng đầu khu vực Tây Nguyên về quy mô công suất, sử dụng đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo
Về cung cấp dịch vụ kỹ thuật: Củng cố thị trường cung cấp dịch vụ kỹ thuật khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và từng bước thâm nhập thị trường trong cả nước với chất lượng cung cấp dịch vụ, kỹ thuật đặc thù.
Về công tác quản lý: Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất - kinh doanh; tối thiểu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận để tăng tỉ lệ cổ tức cho cổ đông; đảm bảo đời sống và thu nhập cho người lao động ngày càng được nâng lên; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu.
Về quan hệ cộng đồng: Thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm đối với xã hội đặc biệt là cộng đồng dân cư tại các công trình, nhà máy của Công ty.
Đã 20 năm liên tục đồng hành phát triển cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kế thừa truyền thống 60 năm Đa Nhim, 11 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Công ty ĐHĐ đang tiếp tục tiến về phía trước từng bước vững chắc để chinh phục những mục tiêu mới theo sứ mệnh thiêng liêng của mình./.
NGUYỄN NGỌC TUẤN