RSS Feed for Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi gắn liền 60 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 08:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi gắn liền 60 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

 - Ngày 15/01/2022, Người lao động Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi kỷ niệm 58 năm vận hành Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Suốt chặng đường gần 60 năm hình thành và phát triển của Công ty luôn gắn liền với mối quan hệ thâm tình giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Công ty ĐHĐ vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu quan trọng năm 2021 Công ty ĐHĐ vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu quan trọng năm 2021

Ngày 13/1/2021, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Kết thúc năm 2021, Công ty ĐHĐ đã vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu quan trọng.


Thủy điện Đa Nhim - Công trình lịch sử:

Ngày 01/4/1961, Lễ khởi công xây dựng công trình Thủy điện Đa Nhim đã diễn ra để xây dựng nhà máy thủy điện lớn đầu tiên phía Nam với công suất 160 MW gồm 4 tổ máy. Thủy điện Đa Nhim có hồ chứa với lưu vực 775 km2 nhận nước từ sông Đa Nhim và sông Kronglet trên thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai. Các hạng mục thi công trải dài trên hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận với cửa nhận nước, đường hầm áp lực dài 5 km thuộc thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng; đường ống áp lực dài 2,3 km, trạm phân phối và tòa nhà năng lượng thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Công trình sử dụng nguồn vốn 39 triệu USD được cung cấp từ quỹ bồi thường chiến tranh của Chính phủ Nhật Bản và một phần từ nguồn vốn vay khoảng 9 triệu USD, bao gồm cả chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị cho Nhà máy Đa Nhim, đường dây truyền tải 230 kV và trạm Sài Gòn.

Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi gắn liền 60 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Các kỹ sư và công nhân vui mừng trong ngày thông hầm Đa Nhim vào tháng 02/1963.

Để thi công Thủy điện Đa Nhim, từ những năm 1956, các kỹ sư người Việt Nam và Nhật Bản đã tiến hành khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật với số liệu thủy văn được thu thập từ những năm 1934 đến 1955. Những kỹ sư địa chất, địa hình của hai nước đã in dấu chân mình trong rừng già Đa Nhim, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ với khát khao mang nguồn điện sáng cho miền Nam, đặc biệt là thành phố Sài Gòn và dòng nước mát lành xoa dịu cái nắng nóng cháy da ở tỉnh Ninh Thuận.

Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mang đậm chất Nhật Bản từ kiểu dáng thiết kế, chất lượng thiết bị cho đến các khu cư xá cho cán bộ vận hành. Trong đó, công tác xây dựng do Liên danh Kajima - Hazama thực hiện, máy phát điện của Mitsubishi Electric, tua bin của Tokyo Shibaura Electric, máy biến áp chính của Fuji Electric, thiết bị trạm và đường dây 230 kV của Công ty Mitsui, thiết bị đóng cắt và điều khiển của Hitachi, đường ống áp lực và cửa nhận nước của Công ty Sakai Iron Work...

Ngày 15/01/1964, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim chính thức vận hành phát điện tổ máy số 1 và số 2, đến cuối năm 1964 thì hoàn thành toàn bộ công trình. Hàng năm, Thủy điện Đa Nhim cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 1 tỷ kWh và khoảng 500 triệu m3 nước cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận.

Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi gắn liền 60 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Kỹ sư Việt Nam và Nhật Bản tại công trường Đa Nhim năm 1961.

Để hoàn thành công trình, vào giai đoạn cao điểm có 440 nhân sự người Nhật và 3.700 nhân sự người Việt Nam cùng làm việc trên công trường. Sức mạnh tổng hợp đó đã làm nên một Nhà máy Thủy điện Đa Nhim hoàn hảo. Thế hệ người lao động của Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi hôm nay luôn ghi nhớ công ơn các tiền nhân, đặc biệt là 4 người Nhật Bản và 12 người Việt Nam nằm lại công trình này, đã xây dựng nên Nhà máy Thủy điện Đa Nhim hiệu quả. Các tiền nhân là lịch sử, là máu thịt của Đa Nhim để các thế hệ cháu con tiếp nối, thắt chặt thêm tình thân ái giữa hai dân tộc.

Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi: 20 năm sừng sững giữa đại ngàn:

Ngày 16/5/1997, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN ngày nay) khởi công xây dựng công trình Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi trên lưu vực sông La Ngà với công suất 475 MW. Trong đó, Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận thuộc xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc có công suất 2x150 MW và Nhà máy Thủy điện Đa Mi thuộc xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận có công suất 2x87,5 MW.

Dự án Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi nhận được sự hỗ trợ tài chính của chính phủ Nhật Bản thông qua Quỹ Hợp tác kinh tế Hải ngoại (OECF). Công tác thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết và giám sát thi công xây dựng do Liên danh Công ty TNHH Phát triển điện năng (EPDC) và Công ty TNHH Nippon Koei thực hiện. Công tác xây lắp được thực hiện bởi các nhà thầu uy tín của Nhật Bản gồm: Gói thầu Xây dựng (C1-H) do Liên danh Kumagai - Kukdong -Astaldi thực hiện; gói thầu Thiết bị cơ khí thủy công (H3-H) do Công ty Hitachi Zosen thực hiện; và gói thầu Thiết bị cơ điện (EM5-H) do Công ty Nissho Iwai thực hiện.

Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi gắn liền 60 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Lễ nghiệm thu phát điện tổ máy H1 Hàm Thuận ngày 02/04/2001.

Trong suốt 4 năm thi công xây dựng, các kỹ sư Việt Nam và Nhật Bản đã sát cánh cùng nhau thi công từng hạng mục công trình, lắp đặt từng thiết bị để hình thành nên một Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi chất lượng và hiệu quả. Quá trình hợp tác đó đã tạo nên những mối quan hệ thâm tình, những tình bạn thân thiết để nhiều kỹ sư Nhật Bản tiếp tục gắn bó với các công trình thủy điện khác trên đất nước Việt Nam.

Dự án Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi hoàn thành toàn bộ công trình và chính thức vận hành phát điện ngày 02/4/2001. Hàng năm, cụm thủy điện này cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 1,5 tỷ kWh. Kể từ khi đi vào hoạt động, cụm Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi là nguồn cung cấp nước ổn định cho sinh hoạt và canh tác nông nghiệp cho đồng bằng tỉnh Bình Thuận với diện tích hơn 17.000 ha.

Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi gắn liền 60 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận.

Đã 20 năm qua, công trình Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi vẫn đứng sừng sững giữa đại ngàn, ngày đêm tạo ra nguồn điện góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước và cung cấp nguồn nước dồi dào tưới xanh những đồng lúa trĩu hạt, những vườn thanh long bạt ngàn thuộc huyện Đức Linh, Tánh Linh tỉnh Bình Thuận.

Dự án phục hồi hệ thống điện Đa Nhim - Thiết bị hiệu quả, quan hệ vững bền:

Đến năm 2004, sau 40 năm đưa vào vận hành khai thác, hệ thống thiết bị của Nhà máy Đa Nhim đã hoàn thành một vòng đời. Hầu hết thiết bị phát huy năng suất tối đa trong thời gian dài, đã dần suy giảm chức năng và xuống cấp, cần thiết phải phục hồi theo thiết kế ban đầu và thay đổi thiết bị công nghệ phù hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm mục đích duy trì cung cấp điện an toàn, liên tục, bảo đảm tối đa công suất và sản lượng theo thiết kế. Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án phục hồi hệ thống điện Đa Nhim do tổ chức JICA - Nhật Bản thực hiện đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 963/1997/QĐ-TTg ngày 12/11/1997 với tổng mức đầu tư là 66,54 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản là 7 tỷ Yên Nhật, thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng trong nước tương đương 2,9 triệu USD, dùng nguồn vốn sửa chữa lớn của Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Dự án do Tổng công ty Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, Công ty ĐHĐ thực hiện quản lý dự án; và Công ty Nippon Koei là đơn vị tư vấn chính.

Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi gắn liền 60 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Lễ ký hợp đồng thực hiện Dự án phục hồi hệ thống điện Đa Nhim.

Dự án phục hồi hệ thống điện Đa Nhim thực hiện thông qua 3 gói thầu chính gồm: Gói số 1 - Máy phát và thiết bị điện; gói số 2 - Tua bin nước và thiết bị đường dẫn nước; gói số 3 - Hệ thống thu thập số liệu thủy văn. Sau 18 tháng thực hiện, vào cuối năm 2006, Dự án Phục hồi Hệ thống điện Đa Nhim hoàn thành, đảm bảo tiến độ và đạt các yêu cầu kỹ thuật đã đề ra.

Sau khi hoàn thành dự án phục hồi, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim như được khoác lên mình một chiếc áo mới. Các thiết bị cũ với công nghệ tương tự của những năm 1960 đã được thay thế bằng thiết bị mới áp dụng công nghệ số với độ tin cậy cao, giúp các tổ máy vận hành an toàn, ổn định.

Dự án mở rộng Đa Nhim - Nhà máy hiện đại từ vốn vay ODA Nhật Bản:

Hồ Đơn Dương với lưu vực 775 km2 trên thượng nguồn sông Đồng Nai có tiềm năng to lớn về thủy điện. Trong những năm trước đây, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim vận hành ở công suất tối đa với số giờ từ 6.000 - 8.000 giờ/năm. Việc vận hành với cường độ cao ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị nhưng vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng của hồ Đơn Dương. Với dung tích hồ chứa 165 triệu m3 nhưng lưu vực khá rộng, hàng năm, Thủy điện Đa Nhim thường phải xả thừa qua đập tràn Đơn Dương vào mùa mưa để đảm bảo an toàn cho công trình hồ đập.

Từ những năm 2012, Công ty đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ thực hiện thủ tục mở rộng công suất Nhà máy Thủy điện Đa Nhim trên cơ sở tận dụng hồ chứa và đập tràn hiện hữu, lắp đặt thêm tổ máy mới với công suất 80 MW. Dự án đã được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ủng hộ mạnh mẽ từ hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế kỹ thuật, Báo cáo đánh giá tác động môi trường... Từ những ngày đầu năm 2013, chuyên gia JICA từ Nhật Bản đã được cử sang Việt Nam để phối hợp với nhân sự của Công ty và Tư vấn (PECC2) thực hiện công tác khảo sát, đánh giá dự án. Trong suốt quá trình làm việc, sự hợp tác nhiệt tình, trao đổi thẳng thắn về chuyên môn đã giúp các kỹ sư Việt Nam và Nhật Bản ngày càng hiểu và gần gũi nhau hơn.

Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi gắn liền 60 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Nhóm chuyên gia JICA (JICA Study Team) khảo sát đường ống Đa Nhim phục vụ thiết kế kỹ thuật ngày 7/11/2013.

Đến ngày 28/02/2014, Hiệp định vay vốn được ký kết với khoản tài trợ 7,515 tỷ Yên (bằng 85% tổng mức đầu tư) từ Chính phủ Nhật Bản. Trong dự án này, Liên danh tư vấn gồm Công ty Nippon Koei, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 3 (PECC3) và Công ty Nippon Koei Việt Nam đã trúng thầu cung cấp dịch vụ tư vấn giám sát công trình. Vậy là một lần nữa công trình Thủy điện Đa Nhim nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản.

Dự án mở rộng nhà máy thủy điện được thực hiện với 3 mục tiêu chính sau:

Một là: Thay đổi từ chế độ chạy đáy sang chế độ chạy đỉnh, góp phần tích cực vào việc cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó đóng góp thiết thực trong việc giảm chi phí sản xuất của hệ thống.

Hai là: Tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm qua đập tràn, tăng thêm giá trị sản lượng điện trung bình năm (khoảng 99 triệu kWh/năm).

Ba là: Giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Khởi công ngày 15/12/2015, sau 3 năm thi công, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng đã hòa lưới giai đoạn 1 với công suất 45 MW (ngày 25/12/2018) và vận hành đủ công suất kế 80 MW (ngày 4/8/2021), nâng tổng công suất Nhà máy Thủy điện Đa Nhim lên 240 MW.

Trong suốt quá trình triển khai dự án, Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA đã hỗ trợ tận tình để giải quyết nhiều khó khăn vướng mắc trên công trường. JICA đã hỗ trợ Công ty giải ngân các gói thầu đáp ứng theo tiến độ thi công, kịp thời đưa ra những khuyến cáo về an toàn và bảo vệ môi trường. Với sự hỗ trợ đó, trong gần 6 năm thi công, Dự án mở rộng Đa Nhim luôn đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi gắn liền 60 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Trưởng đại diện JICA - ông Shimizu Akira (thứ 3 từ trái sang) thăm nhà máy thủy điện Đa Nhim ngày 02/7/2020.

Với công suất 80 MW, kể từ khi đưa vào vận hành, tổ máy H5 Đa Nhim luôn vượt sản lượng thiết kế 99 triệu kWh. Năm 2019, tổ máy đưa vào vận hành giai đoạn 1 với công suất 45 MW đã sản xuất được 144 triệu kWh; năm 2020, sản xuất được 240 triệu kWh vượt xa sản lượng thiết kế; năm 2021, với công suất 80 MW được đưa vào vận hành từ ngày 12/8/2021 đã sản xuất được 310 triệu kWh.

Hiệu quả của Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim đã khẳng định tầm nhìn sâu rộng của Chính phủ, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 1 trong việc ủng hộ thực hiện Dự án; đồng thời cho thấy nguồn vốn vay ODA đã được sử dụng hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực và cung cấp thêm nguồn nước cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận.

Đã 60 năm kể từ khi viên đá đầu tiên được đặt xuống để xây dựng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Viên đá đó vừa là biểu tượng sự trường tồn của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, vừa là biểu tượng sự bền chặt của mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Mối quan hệ thâm tình đó được Người lao động tại Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi nâng niu, vun đắp, lưu truyền qua nhiều thế hệ./.

NGUYỄN NGỌC TUẤN

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động